Công thức vàng để vô địch World Cup

Ngọc Trung
Từ 15:30 ngày 12-06-2018
Bằng cách thu thập dữ liệu từ World Cup 1950 đến nay, tờ Telegraph đã đưa ra một công thức chung để vô địch thế giới.
Lịch thi đấu World Cup 2018

Bảng xếp hạng thế giới

Bảng xếp hạng FIFA có một số hạn chế. Chẳng hạn đội chủ nhà World Cup sẽ không tham gia vòng loại, vì vậy mất cơ hội tích lũy điểm số trong vòng hai năm. Ngoài ra, bảng xếp hạng FIFA chỉ ra đời từ năm 1993 và giai đoạn đầu xây dựng còn nhiều bất cập. Đơn cử trường hợp đội tuyển Argentina, Albiceleste leo một mạch từ vị trí thứ 24 lên thứ 8 ở BXH FIFA tháng 5/1996 mặc dù suốt ba tháng họ chỉ đá 2 trận và chỉ thắng 1. Ngoài ra, Argentina còn một lần lọt vào top 10 dù vừa bị loại ngay từ tứ kết Copa America 1997.

Vì lý do đó, Telegraph sử dụng bảng xếp hạng Elo để tính toán cho đến năm 2000. Bảng xếp hạng này dựa trên hệ số Elo tương tự cách tính tương đối trình độ những người chơi cờ vua. Kết quả những đội đứng số một trên bảng xếp hạng thế giới thường thất bại. Theo đó, tại 17 kỳ World Cup gần nhất, tính từ 1950, chỉ có Brazil đăng quang năm 1962 là đội đứng nhất bảng xếp hạng các đội tuyển thế giới. Tồi tệ hơn, có 2 đội đứng đầu bị loại ngay từ vòng bảng (Pháp tại World Cup 2002 và Tây Ban Nha tại World Cup 2014), 6 đội dừng chân ở vòng 1/8 và chỉ có 3 lọt vào chung kết.

Thành tích các đội đứng đầu bảng xếp hạng đội tuyển thế giới tại World Cup
Thành tích các đội đứng đầu bảng xếp hạng đội tuyển thế giới tại World Cup

Trong khi đó, có 6 đội đứng thứ hai trên bảng xếp hạng từng đăng quang, bao gồm Tây Ban Nha năm 2010 và Đức năm 2014. Kịch bản tương tự xảy ra với 5 đội đứng thứ ba hoặc thứ tư. Ngoài ra, có 5 nhà vô địch World Cup bước vào giải với vị trí thứ tám hoặc thấp hơn, bao gồm Italia năm 2006. Tại giải đấu này, đoàn quân thiên thanh đến Đức với vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng FIFA.

Kết luận: Những đội đứng từ thứ hai đến thứ tư trên bảng xếp hạng có nhiều cơ hội đăng quang nhất tại World Cup. Ở Nga năm nay, các đội đang nắm giữ cơ hội là Brazil, Bỉ và nhà ĐKVĐ châu Âu Bồ Đào Nha. Đối với Đức, nhà ĐKVĐ Thế giới và đang nắm giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng FIFA cần cảnh giác với sự tự mãn.

Vị trí trên bảng xếp hạng đội tuyển của các đội vô địch World Cup trước khi đăng quang
Vị trí trên bảng xếp hạng đội tuyển của các đội vô địch World Cup trước khi đăng quang

Thành tích tại vòng loại

Chỉ với chiến thắng tưng bừng 4-0 trước Malta vào tháng 9/2017 là chưa đủ cơ sở để đánh giá ĐT Anh là ứng cử viên số một cho chức vô địch World Cup 2018 một năm sau đó. Thực tế vòng loại World Cup trải dài trong vòng 18 tháng, chứng kiến rất nhiều xáo trộn về lực lượng, phong độ và thậm chí cả chiến thuật.

2 kỳ World Cup gần nhất chứng kiến hai đội vô địch đã vượt qua vòng loại một cách hoàn hảo. ĐT Đức giành 9 chiến thắng và chỉ hòa 1 trận tại vòng loại World Cup 2014. 4 năm trước, ĐT Tây Ban Nha toàn thắng cả 10 trận. Tuy nhiên, những nhà vô địch trước đó lại trải qua chiến dịch vòng loại một cách nhọc nhằn, thậm chí có đội còn suýt bị loại.

Đơn cử Italia chỉ giành 7 chiến thắng và để thua Slovenia ở vòng loại; Brazil thua tới 6 trên 18 trận và kết thúc ở vị trí thứ tư vòng loại khu vực Nam Mỹ năm 2002; Tây Đức chỉ thắng phân nửa số trận vòng loại năm 1990 và giành vé nhờ là đội thứ hai có thành tích tốt nhất.

Kết luận: Thành tích ở vòng loại chẳng liên quan gì cơ hội đăng quang tại vòng chung kết World Cup. Đt Đức đừng vội ảo tưởng dù họ thắng cả 10 trận vòng loại. Tây Ban Nha và Bỉ cũng vậy, với 9 chiến thắng. Trong khi đó, Argentina cũng chẳng việc gì phải lo lắng dẫu đến lượt trận cuối mới lách qua khe cửa hẹp để giành vé đến Nga nhờ vị trí thứ ba và chỉ thắng 7 trên 18 trận. Khoảng thời gian 7 tháng từ lúc vòng loại kết thúc đến thời điểm vòng chung kết khởi tranh đủ dài để chứng kiến rất nhiều thay đổi.

Hồ sơ thành tích

Năm 1966, ĐT Anh bước lên đỉnh vinh quang mà hồ sơ thành tích chưa từng đoạt danh hiệu nào. Từ đó đến nay, Tam Sư cũng là đội duy nhất đăng quang theo kiểu “chân trắng” như vậy. Những nhà vô địch World Cup khác, kể cả lần đầu đăng quang đều đã sở hữu những danh hiệu khác trong bộ sưu tập.

Thành tích các đội trước khi vô địch World Cup
Thành tích các đội trước khi vô địch World Cup

Tây Ban Nha năm 2010 và Pháp năm 1998 đều vô địch World Cup trong lần đầu tiên lọt vào trận chung kết. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng hai đội bóng này non kinh nghiệm, bởi lẽ họ đều từng vô địch châu Âu. Tương tự là trường hợp Argentina năm 1978. Tuy lần đầu đăng quang nhưng gia tài Albiceleste sở hữu là 12 danh hiệu Copa America.

Kết luận: Kinh nghiệm và bản lĩnh là hai khái niệm mơ hồ không thể số hóa, nhưng rõ ràng đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy, ĐT Bồ Đào Nha dù không được đánh giá cao nhưng đừng vội xem thường sau những gì họ đã thể hiện tại Pháp 2 năm về trước. Việc có những trải nghiệm ở áp lực đỉnh cao giúp họ trở nên bản lĩnh hơn rất nhiều.

Độ tuổi trung bình

Từ World Cup 1950 đến nay, độ tuổi trung bình của các nhà vô địch thế giới là 26,4. Đội tuyển đăng quang với độ tuổi cao nhất là Italia năm 2006. Đội hình Azzurri năm đó có tới 10 cầu thủ trên 29 tuổi, bao gồm cả thủ thành 36 tuổi Angelo Peruzzi và độ tuổi trung bình là 28,2. Chiều ngược lại, nhà vô địch World Cup có độ tuổi trung bình trẻ nhất là Brazil năm 1970, gồm 5 cầu thủ dưới 20, không ai trên 30 và độ tuổi trung bình chỉ 24,4.

Độ tuổi trung bình các đội vô địch World Cup
Độ tuổi trung bình các đội vô địch World Cup

Kết luận: Bạn không thể giành chức vô địch World Cup với một đội hình toàn “trẻ nhỏ”, bình luận viên Alan Hansen từng đưa ra đánh giá như vậy. Kinh nghiệm là điều quan trọng và kinh nghiệm đi kèm cùng tuổi tác. Theo đánh giá này, Brazil và Tây Ban Nha có thể mơ về đỉnh vinh quang khi hai đội đều có độ tuổi trung bình 28. Độ tuổi trung bình của Argentina còn lớn hơn, 28,7 tuổi và Bồ Đào Nha thì trẻ hơn một chút, 27,8 tuổi. Tuy nhiên, theo thống kê vừa nêu thì ĐT Anh mới là đội bóng có độ tuổi lý tưởng nhất, chỉ 26,1.

Số lần khoác áo ĐTQG

Vì sự phát triển của bóng đá, các cầu thủ ngày càng có nhiều cơ hội khoác áo ĐTQG hơn so với các bậc tiền bối. Năm 1954, Tây Đức đăng quang với đội hình có tổng số lần khoác áo ĐTQG chỉ 154, tức trung bình mỗi tuyển thủ chỉ có 7 lần ra sân. Quang những năm thập niên 1960, 1970, 1980 và 1990, số lần khoác áo ĐTQG trung bình của một nhà vô địch World Cup dao động từ 20 đến 28. Bước sang thiên niên kỷ mới, số lần khoác áo ĐTQG tăng vọt.

Năm 2006, Italia vô địch với đội hình có số lần khoác áo ĐTQG trung bình là 32,9 trận. Năm 2010, con số này của Tây Ban Nha là 38,3 trận. Và đến năm 2014, Đức đăng quang với số lần khoác áo ĐTQG trung bình của các tuyển thủ là 42,2, cao nhất từ trước đến nay.

Số lần khoác áo ĐTQG trung bình của các đội vô địch World Cup
Số lần khoác áo ĐTQG trung bình của các đội vô địch World Cup

Tất nhiên, có một vài tài năng trẻ vụt sáng tại World Cup như Pele năm 1958, Giuseppe Bergomi năm 1982, Michael Owen năm 1998 và Ronaldinho năm 2002. Tuy nhiên, trường hợp như vậy ngày càng hiếm gặp. Cả 3 ĐTQG gần nhất vô địch World Cup đều dựa trên nền tảng lực lượng dày dạn kinh nghiệm và nhiều năm sát cánh bên nhau trong màu áo đội tuyển.

Bằng chứng là 21 trên tổng số 23 tuyển thủ Italia tham dự World Cup 2006 có số lần khoác áo ĐTQG từ 10 lần trở lên, 8 tuyển thủ có từ 40 trận trở lên. Tương tự, 11 tuyển thủ Tây Ban Nha năm 2010 và 10 tuyển thủ Đức có trên 40 lần khoác áo đội tuyển. Bên cạnh đó, nóng cốt của các đội tuyển này đều là những cầu thủ dạn dày kinh nghiệm: Buffon, Cannavaro, Totti, Nesta và Zambrotta năm 2006; Casillas, Puyol, Xavi, Torres, Xabi Alonso, Ramos năm 2010; Schweinsteiger, Oezil, Podolski, Klose, Lahm, Mertesacker năm 2014.

Kết luận: Tại World Cup 2018 trước mắt, Đức và Tây Ban Nha đều mất đi một vài cầu thủ giàu kinh nghiệm nhưng vẫn còn trong đội hình những trụ cột đã trải qua nhiều giải đấu lớn. Đội hình Brazil, Argentina, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Uruguay, Colombia và Croatia thiếu kinh nghiệm hơn còn ĐT Anh thì thực sự non nớt.

Nòng cốt đội tuyển đến từ đâu

Sự phát triển và thành công của các CLB ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội đăng quang của đội tuyển quốc gia, nếu CLB sở hữu nhiều cầu thủ bản xứ và những cầu thủ ấy được sử dụng làm nòng cốt tại đội tuyển. Lý do rất đơn giản, khi một đội tuyển được xây dựng dựa trên nóng cốt của một CLB, các tuyển thủ sẽ có nhiều sự ăn ý hơn trong phối hợp nhờ việc sát cánh bên nhau tại CLB. Cần biết, ở cấp đội tuyển, mỗi năm các đội chỉ đá trung bình 15 đến 20 trận, chưa bằng 1/3 tại CLB mỗi mùa.

Dẫn chứng cụ thể, Tây Đức vô địch World Cup 1990 với nóng cốt là các cầu thủ Bayern Munich vừa giành danh hiệu Bundesliga. Monaco là CLB đóng góp nhiều tuyển thủ nhất cho Pháp năm 1998 và năm đó đội bóng công quốc này thi đấu thành công vang dội tại Champions League, với thành tích lọt vào bán kết. Ngay cả Brazil, quốc gia số một về xuất khẩu cầu thủ thì trong đội hình vô địch năm 2002, các cầu thủ của nhà vô địch quốc gia Sao Paulo vẫn chiếm đa số.

Năm 2006, Italia đăng quang với nòng cốt là các cầu thủ Juventus vừa đoạt danh hiệu Serie A, dù sau đó bị tước danh hiệu. Năm 2010, tới lượt Tây Ban Nha đăng quang khi được thừa hưởng một lứa cầu thủ xuất chúng của Barcelona, đội bóng thống trị châu Âu những năm cuối thập niên 2000, đầu 2010. Và ở kỳ World Cup gần nhất, Đức lên ngôi với đội hình chính là đa số các cầu thủ thuộc hoặc từng thuộc biên chế Bayern, nhà vô địch Champions League 2012/13.

Kết luận: Real Madrid là đội bóng thành công nhất trong vài năm trở lại đây ở cấp độ CLB với 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Thế nên, Tây Ban Nha sẽ được hưởng lợi không nhỏ với các ngôi sao như Isco, Marco Asensio, Sergio Ramos hay Lucas Vazquez. Và đừng quên, trong đội hình La Roja còn có sự hiện diện của những nhà vô địch La Liga Barcelona. Trong khi đó, ĐT Bỉ tuy đầy ắp tài năng nhưng các ngôi sao của họ lại tản mát ở nhiều CLB, không có nhiều cơ hội sát cánh cùng nhau.

Kinh nghiệm của HLV

Là một huấn luyện viên trẻ tuổi, đừng mong thành công tại World Cup, thống kê chỉ ra điều đó. 6 HLV vô địch World Cup gần nhất đều có ít nhất 20 năm kinh nghiệm trước khi đăng quang. HLV Tây Đức Franz Beckenbauer là vị chiến lược gia gần đây nhất có dưới 20 năm kinh nghiệm vô địch World Cup. Lúc đăng quang năm 1990, ông mới chỉ có 6 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước khi trở thành nhà cầm quân, Beckenbauer có cả một sự nghiệp cầu thủ vĩ đại và nổi tiếng ở khả năng lãnh đạo. Ông là một trong 4 HLV từng vô địch World Cup có số năm kinh nghiệm dưới 10 tính từ World Cup 1950.

Số năm kinh nghiệm của các HLV khi vô địch World Cup
Số năm kinh nghiệm của các HLV khi vô địch World Cup

Nói thêm về độ tuổi các HLV, 10 trong số 17 vị chiến lược gia vô địch World Cup gần nhất, bao gồm 6 nhà HLV vô địch World Cup gần nhất đã ở độ tuổi trên 50. Lớn tuổi nhất là Helmut Schon ở World Cup 1974. Khi đăng quang ông đã 69. Trẻ nhất là Mario Zagallo 4 năm trước đó, lên ngôi khi mới 39 tuổi. Đối với các HLV từng vô địch, hầu hết đều từng dành được những danh hiệu khác trước đó, và Beckenbauer lại một lần nữa là trường hợp ngoại lệ.

Kết luận: Ở tuổi 58, HLV ĐT Argentina Jorge Sampaoli là vị chiến lược gia có độ tuổi và số năm kinh nghiệm lý tưởng nhất để vô địch World Cup 2018. Ngoài ra, trước khi dẫn dắt Argentina, ông từng đưa Chile vô địch Copa America và giành nhiều danh hiệu khác ở cấp độ CLB. HLV Brazil Tite cũng là ứng cử viên sáng giá. Ông năm nay 56 tuổi, có 26 năm kinh nghiệm và từng vô địch Copa Libertadores. Ngoài ra, HLV ĐT Đức Joachim Loew cũng là cái tên tiềm năng, có thể trở thành nhà cầm quân thứ hai vô địch World Cup 2 lần liên tiếp sau Vittorio Pozzo của ĐT Italia năm 1934 và 1938.

Đánh giá của nhà cái

World Cup không phải là sân chơi của những cú sốc kiểu như Hy Lạp tại EURO 2004, đội trước khi vào giải có tỷ lệ đặt cược đăng quang lên tới 150/1 (đặt 1 ăn 150), thậm chí kiểu bất ngờ như Bồ Đào Nha (20/1) cũng không xuất hiện. Thống kê trong 8 kỳ World Cup gần nhất, đội bóng có tỷ lệ cao nhất từng đăng quang là Italia năm 2006 (10/1), còn lại đều từ 7/1 trở xuống.

Tỷ lệ đặt cược của các nhà vô địch World Cup
Tỷ lệ đặt cược của các nhà vô địch World Cup

Kết luận: Brazil (4/1), Đức (9/2), Tây Ban Nha (6/1), Pháp (6/1) và Argentina (9/1) là những đội tuyển nắm giữ cơ hội đăng quang cao nhất cả trên góc nhìn của nhà cái lẫn tiếng nói từ quá khứ.

Tổng kết

Leicester, Hy Lạp là những ví dụ cho thấy không phải lúc nào đánh giá của nhà cái cũng chính xác. Tuy nhiên, có lẽ World Cup không phải sân chơi của những bất ngờ. Thế nên 21 đội có tỷ lệ đặt cược vô địch từ 50/1 trở lên gần như không có cơ hội đăng quang.

Bỉ và Croatia chưa từng giành một danh hiệu lớn, còn đội hình Uruguay quá lớn tuổi (có 10 cầu thủ trên 30 tuổi) nên khó lòng đăng quang. Độ tuổi trung bình quá lớn cũng là vấn đề đối với Brazil, Argentina hay Bồ Đào Nha. Ngược lại, ĐT Anh quá non kinh nghiệm trận mạc còn Đức thì gánh chịu lời nguyền là đội đang đứng đầu trên bảng xếp hạng FIFA.

Trong khi đó, HLV ĐT Tây Ban Nha Julen Lopetegui mới chỉ có 13 năm kinh nghiệm và chỉ giành được các danh hiệu ở các giải đấu trẻ. Tổng hòa các yếu tố, ĐT Pháp là ứng cử viên số một. Tỷ lệ đặt cược đăng quang của Les Bleus là 6/1 và họ được dẫn dắt bởi một nhà cầm quân giàu kinh nghiệm Didier Deschamp (50 tuổi). Ngoài ra, độ tuổi trung bình của ĐT Pháp là 25,6 và có 5 cầu thủ có số lần khoác áo ĐTQG từ 50 trở lên.

Top 10 chân sút nổi tiểng nhất FIFA World Cup

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x