Dăm kỷ niệm báo chí mùa World Cup

PHANXIPĂNG
Từ 14:51 ngày 11-06-2018
Ngoài mặt trăng ra, thiên hạ phát hiện thêm một vệ tinh thứ hai của trái đất: ấy là quả banh tròn.
I - Giải vô địch bóng đá thế giới (tiếng Anh: World Cup; Pháp: Coupe du Monde; Nga: Чемпионат мира по футболу) do Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) tổ chức diễn ra 4 năm một lần, lâu nay trở thành sự kiện văn hóa mang tầm hoàn vũ đạt mức “siêu quy mô”. Giải bắt đầu từ năm 1930 tại Uruguay, nhờ công lao của Jules Rimet (1873-1956). 

Thuở trước, đồng bào ta thường gọi vắn gọn tên giải này là Cúp Thế giới, rồi Mondial. Năm 1994, các phương tiện truyền thông Việt Nam ào ạt ghi cúp thế giới bằng tiếng Anh: World Cup. Dịch giả Dương Tường phê phán rằng lạm dụng từ World Cup là “vô lối và kệch cỡm”, là “thói sính dùng tiếng tây bồi”. Thực tế dụng ngữ thì thoáng chốc, từ World Cup phổ dụng trong lời ăn tiếng nói lẫn chữ viết của nhân dân khắp ba miền.

Đến thời công nghệ smart-phone nhoay nhoáy bây giờ, một cách rộng rãi, thiên hạ mạnh dạn ghi tắt World Cup thành W.C. hoặc WC. Tất nhiên, trường hợp cụ thể này, W.C. và WC hoàn toàn chẳng phải là water-closet/nhà xí. Hàng loạt danh hiệu khác hẳn nhưng có dạng viết tắt y hệt nhau, rõ ràng “chuyện thường ngày ở... năm châu, bốn biển”. Chẳng hạn WTO không chỉ là World Trade Organization/Tổ chức Thương mại thế giới, mà còn là World Tourist Organization/Tổ chức Du lịch thế giới, và cũng là World Toilet Organization/Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới. 

II - Khoa học kỹ thuật càng phát triển, sinh hoạt xã hội càng tiến bộ, thì con người trên toàn cầu theo dõi hàng loạt sự kiện càng tiện lợi, nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Nhìn lại báo chí Việt Nam từ Cúp Thế giới tới WC, đủ rõ điều ấy.

Những kỳ World Cup ngày xưa, phương tiện còn nhiều hạn chế nhưng  báo chí nước nhà vẫn cố gắng đưa bóng đá tới NHM
Những kỳ World Cup ngày xưa, phương tiện còn nhiều hạn chế nhưng báo chí nước nhà vẫn cố gắng đưa bóng đá tới NHM

Cúp Thế giới lần đầu tiên diễn ra vào năm 1930 tại Uruguay, lúc ấy Việt Nam đã có 2 hệ báo chí: báo in và báo nói. Tại nước ta, báo in tiếng Pháp có từ năm 1861 với tờ Le Bulletin Official de l’Expédition de la Cochinchine/Nam Kỳ Viễn Chinh Công Báo, báo tiếng Việt có từ năm 1865 với tờ Gia Định Báo. Năm 1929, Đài Phát thanh Sài Gòn được khởi dựng. Cúp Thế giới được loan trên radio cùng báo in thuở nọ chắc chắn vừa chậm, vừa chẳng rõ nét, đặc biệt thiếu cả hình ảnh nóng sốt hấp dẫn. Đến ngày 07/02/1966, Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn phát buổi đầu từ máy bay trực thăng có bán kính hữu hiệu 120 - 144 km; về sau dựng ăng-ten trên mặt đất tại Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, Nha Trang, Quy Nhơn. Ngày 07/09/1970, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng truyền hình thử nghiệm buổi đầu. 

Từ năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, báo in, báo nói, báo hình được cả loạt kỹ thuật viễn thông như điện thoại, fax... hỗ trợ nên tin bài mỗi kỳ Mondial thực sự lên hương. Ở Việt Nam, giới hâm mộ túc cầu quá hào hứng theo dõi Espana 1982 nhờ 3 tuyệt chiêu báo chí nhanh chóng phối kết: đài oang oang nào đội tuyển này, danh thủ nọ, trọng tài kia, trận đấu ấy; một số báo ấn loát tin nhanh mà nổi bật có Tin nhanh Espana 1982 do Thông tấn xã Việt Nam thực hiện; sướng mắt sướng tai nhất là lần đầu tiên nước ta truyền hình trực tiếp các trận của Cúp thế giới tít tận Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên, giai đoạn ấy, cơ chế quan liêu bao cấp trì trệ trong nước, cộng mối bang giao quốc tế hạn chế, tạo nên cản ngại quá lớn đối với ngành thông tấn. May rằng từ năm 1986, công cuộc đổi mới bắt đầu, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, văn hóa - giáo dục dần được cởi mở, mà báo chí thể hiện rõ rệt nhanh chóng. Đến Mexico 1986 và Italia 1990, đất nước Việt Nam dậy sóng nhờ các kênh truyền thông đại chúng thu phát kịp thời hàng loạt thông tin cả trong lẫn ngoài sân cỏ; đồng thời bao hoạt động khác cùng triển khai khá rầm rộ như lịch thi đấu, poster, tạp chí, sách... ồ ạt đề cập đến World Cup. 

Từ phố thị đến nông thôn, kể cả vùng núi non quạnh vắng lẫn ngoài hải đảo xa xôi, bài hát chính thức Italia 1990 là “Un’estate italiana” do nhạc sĩ Giorgio Moroder sáng tác, liên tục vang ngân giọng hai ca sĩ Gianna Nannini và Edoardo Bennato hát bằng tiếng Ý; đặc biệt, ca từ “Mùa hè nước Ý” - do nhạc sĩ  Phú Quang đặt lời Việt - không chỉ trỗi dâng với giọng nữ ca sĩ Kim Khánh qua băng đĩa, mà rất đông cổ động viên từ Nam Quan đến Cà Mau vừa hợp ca, vừa đàn trống, thậm chí chỉ gõ chén bát hay xập xèng hai nắp nồi kim loại làm nhạc đệm cũng phừng phừng khí thế: 

Trái đất này ngập tràn tình yêu 
Cuộc sống dâng đầy...

III - Năm 1993, Việt Nam bắt đầu có điện thoại di động, tất nhiên nhiều ngành nghề phấn khởi vì liên lạc quá tiện lợi, trong đó có báo giới - nhất là những phóng viên liên tục ngược xuôi nay đó mai đây để “chơi” phóng sự như tôi.

USA 1994 diễn ra, tôi dẫu chẳng chuyên trách xì-po/sport, vẫn tung phóng sự “Đỏ đen World Cup” phản ánh bao bi hài kịch xuất hiện trong dịp đại lễ hội thể thao bởi tệ nạn cá độ. Phóng sự nọ đăng trên báo Giáo dục và Thời đại (01/08/1994), đến mùa World Cup 1998 ở Pháp thì tờ Tài Hoa Trẻ - chuyên đề của báo vừa dẫn - đăng lại trên hai số 46 và 47. “Đỏ đen World Cup” cũng in trong sách Sài Gòn nay (NXB Thanh Niên, 1998).

Nhà báo Phạm Hồng Phước thuở ấy đảm trách tờ Long An Cuối Tuần, đặt hàng: “Mùa World Cup, cùng đội ngũ phóng viên bám sát các trận cầu, báo chí còn cần những cây bút bên lề sân cỏ. Cuộc sống đa dạng mà. Đề nghị Phanxipăng viết thêm những gì liên quan gần xa với Giải vô địch bóng đá thế giới”. Tôi bèn ngẫu hứng sáng tác một tùy bút ngắn về World Cup, nhấn: “Ngoài mặt trăng ra, nhân loại phát hiện thêm một vệ tinh thứ hai của trái đất: ấy là quả banh tròn”. Phạm Hồng Phước cười tươi rói: “Viết vầy mới gọi là… viết chớ. Tiếp tục nghen”.

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các ấn phẩm  World Cup giờ đây rất bắt mắt và cuốn hút
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các ấn phẩm World Cup giờ đây rất bắt mắt và cuốn hút

Việt Nam chính thức kết nối Internet từ cuối năm 1997. Các kênh báo chí nước nhà phản ánh World Cup 1998 lẹ làng, chi tiết, dẫu vòng chung kết không chỉ 24 mà 32 đội, thời gian thi đấu kéo dài cả tháng. Còn nhớ dịp nọ, tôi hân hạnh được quý bạn đọc biếu phiên bản cúp FIFA thu nhỏ cùng chiếc áo thun in biểu trưng chính thức France 1998 giản đơn mà chất chứa ý nghĩa, đạt ấn tượng thị giác: khỏe và đẹp. Bài hát cổ động Giải vô địch bóng đá thế giới dịp nọ do Ricky Martin, ca nhạc sĩ Latinh, sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha “Copa de la Vida”, được chuyển sang Anh ngữ “The Cup of the Life”, còn ca từ tiếng Việt phổ biến mang nhan đề “Chiếc cúp cuộc đời”.

Thừa nhận rằng nhờ Internet, báo in, báo nói, báo hình, báo mạng toàn cầu thực sự anh hoa phát tiết. Cũng từ đó, cơ cấu nội dung cùng quy cách tác nghiệp báo chí chuyển mình nhằm đáp ứng yêu cầu bạn đọc-nghe-xem bây giờ dễ dàng truy cập hệ thống thông tin toàn cầu. Một trong những cách cần thiết là nhà báo liên tục bám sát thực tiễn trong mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với các cộng tác viên. Tôi nhiều phen thực chứng vậy, chẳng hạn lúc quan sát các cổ động viên vừa dõi theo World Cup 2010 qua báo in và tivi, vừa thưởng thức vở diễn “Hơi thở của nước” - kịch bản của Nguyễn Quang Hưng và Trần Ngọc Linh, do Lương Tử Đức đạo diễn - dịp Festival Huế 2010, sau đó tôi ghé Đà Nẵng và Hội An, kịp chụp ảnh và viết phóng sự “Hơi thở World Cup 2010” đăng trên Thế giới mới (12/07/2010).

Các hãng thông tấn ngoại quốc nhận định: “Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Nhiều người Việt rất mong năm nào cũng có World Cup”. Đông đảo con Lạc cháu Hồng vẫn tha thiết mong 11 niềm hy vọng của quê hương tương lai gần sẽ được tung hoành với quả bóng đạt thành tích cao nơi cầu trường World Cup. 

Mùa World Cup 2018 chuẩn bị sục sôi trên Liên bang Nga. Cơn sốt World Cup dần tăng nhiệt khắp hoàn vũ. Hiện có những tín đồ túc cầu giáo Việt Nam cải biên ca từ bài hát “Căn nhà ngoại ô” của Anh Bằng mà nghêu ngao:

Ai ơi! Trái bóng vẫn tròn,
Vẫn còn World Cup, vẫn còn mộng mơ 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x