Đau đầu chuyện cầu thủ "một dòng máu, hai quốc tịch"

Việt Dũng
Từ 14:03 ngày 27-05-2014
Đến hẹn lại lên, cứ 4 năm 1 lần, chuyện “nhập khẩu” cầu thủ mùa World Cup, dưới dạng này hay dạng khác, lại là chủ đề gây tranh cãi trong dư luận.
Kevin và Jerome Boateng là 2 anh em ruột thịt, cùng sinh ra và lớn lên ở thủ đô Berlin, Đức. Họ chơi bóng cùng nhau tại cùng một hệ thống đào tạo trẻ, ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra. Cha của họ, ông Prince, là một người Ghana thực thụ, trong khi bà mẹ Catherine lại là người Đức. Cũng nhờ đó mà tới vòng bảng World Cup 2010, bóng đá thế giới được chứng kiến cuộc đối đầu thú vị giữa anh em nhà Boateng.

Câu chuyện ấy quả thật là độc đáo, nhưng bất ngờ thì không. Bởi chuyện một cầu thủ mang nhiều quốc tịch, một gia đình có những thành viên chọn các ĐTQG khác nhau để cống hiến không còn là bất khả thi. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này không nằm ngoài yếu tố lịch sử.


Tại Đức, gần 10% trong số 82 triệu dân có gốc gác từ các quốc gia khác, đa số là Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình họ nhập cư tới Đức theo hợp đồng lao động ký vào năm 1961 giữa 2 nước. Trong khi ở châu Phi, có khoảng hơn 120 triệu người thuộc 15 quốc gia sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính hoặc thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Lý do thật dễ hiểu nếu biết rằng Đế quốc Pháp từng xâm lược hơn 10 quốc gia châu Phi vào những năm cuối thế kỉ 19. Ở chiều ngược lại, không ít công dân “lục địa đen” đã bị đưa về Pháp làm nô lệ, hình thành nên những cộng đồng người Senegal, Algeria, Cameroon… ngay trên mảnh đất hình lục lăng.

Ngoài ra, Thụy Sĩ, Bỉ hay Hà Lan… cũng là một vài quốc gia khá thoáng trong khâu cho phép người nước ngoài nhập cư, và hẳn không phải ngẫu nhiên khi họ đồng thời là những nước sở hữu nhiều cầu thủ đa quốc tịch. Có thể kể ra đây trường hợp của Johan Djourou, cựu cầu thủ Arsenal có tên trong danh sách ĐT Thụy Sĩ dự World Cup nhưng sinh ra ở Bờ Biển Ngà, Gelson Fernandes, một người Cape Verde chính hiệu, hay Moussa Dembele có cha là người Mali.

Thành công không phải không có. ĐTQG Pháp vô địch thế giới năm 1998 chính là một tập hợp hoàn hảo của sức mạnh người Pháp và người gốc Phi sinh sống trên đất Pháp. Zinedine Zidane, ngôi sao số một làm nên chiến tích vĩ đại của “Gà trống Galois”, mang cả dòng máu Algeria. Marcel Desailly, trụ cột nơi hàng thủ Les Bleus còn sinh ra ở Ghana. Thậm chí, cho tới hiện tại, Pháp vẫn sở hữu rất nhiều ngôi sao gốc Phi: Karim Benzema, Samir Nasri (Algeria), Bacary Sagna, Mamadou Sakho (Senegal), hay Blaise Matuidi (Angola)… ĐT Đức những năm gần đây cũng đã mạnh lên rất nhiều nhờ vào những tài năng đa quốc tịch như Mesut Oezil, Ilkay Guendogan hay Boateng…


Thế nhưng, mặt trái của thực trạng nhập tịch, nhập khẩu cầu thủ tràn lan cũng không phải không có. Chính ĐT Pháp, một lần nữa lại là ví dụ điển hình. Đoàn quân của Raymond Domenech tại World Cup 2010 đã thực sự trở thành một nhóm cầu thủ ô hợp chỉ vì quá đa sắc tộc và không có một thủ lĩnh có khả năng thống nhất các đồng đội như Zidane thuở nào.

Ai dám đảm bảo trong đội hình Bờ Biển Ngà lúc này không có những người anh em đồng bào của Djourou, trụ cột hàng thủ ĐT Thụy Sĩ? Hay Shola Ameobi của Nigeria, sẽ thế nào nếu một ngày cậu em trai Sammy (hiện đang chơi cho đội U21 Anh) đối đầu anh tại một VCK cúp thế giới? Rồi cả ĐT Mỹ của Juergen Klinsmann, hiện tại họ “mới chỉ” có 5 cầu thủ gốc Đức, nhưng biết đâu đấy, tại VCK World Cup 2018 con số ấy có thể lên tới… 11, hoặc thậm chí 23? Khi ấy, liệu người Mỹ có còn hứng thú xem những cầu thủ Đức thi đấu vì quốc gia mình? Và sẽ trớ trêu thế nào, nếu đội ngũ ấy chạm trán ĐT Đức thực thụ, những người cùng dòng máu với họ?

Tóm lại, câu chuyện nên hay không nên sử dụng cầu thủ nhập tịch, nhập khẩu thì có lẽ nói hoài nói mãi cũng chẳng bao giờ chấm dứt, có chăng, các LĐBĐ cũng như bản thân cầu thủ trước khi quyết định đến với nhau cần phải suy xét cho thật kĩ. Một ĐTQG nên là tập hợp của những người con yêu nước, hơn là một nhóm những người đa sắc tộc thậm chí còn chẳng trò chuyện được cùng nhau. Còn với cầu thủ, họ cũng nên chọn màu áo đội tuyển mà mình thực sự cảm thấy gắn bó thiêng liêng, thay vì chỉ chăm chăm tìm kiếm cơ hội góp mặt tại đấu trường lớn để rồi nhận được những bản hợp đồng béo bở.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x