Đi săn, môn thể thao quý tộc của người Nga

HUY HIẾU (từ Moscow, Nga)
Từ 06:50 ngày 14-07-2018
Nước Nga đang đi vào những ngày cuối cùng của cơn sốt bóng đá. Nhưng nơi đây còn một môn thể thao đầy hấp dẫn nữa, chỉ dành cho giới thượng lưu vào mùa Đông: Đi săn.

Môn thể thao quý tộc

Trước tiên phải khẳng định rằng săn bắn là hợp pháp tại Nga, với điều kiện phải được cấp giấy phép và chỉ được săn một số loài nhất định, vào những thời gian nhất định trong năm. Trên những chặng đường rong ruổi tại lãnh thổ nước Nga rộng lớn, phóng viên báo Bóng đá đã được biết thêm khá nhiều câu chuyện về thú vui đi săn của các đại gia vào mùa Đông. 

World Cup diễn ra vào mùa Hè, nên tôi đã không thể có cơ hội theo chân đoàn đi săn tiến sâu vào những cánh rừng rậm của nước Nga để trải nghiệm môn thể thao quý tộc này. Hoạt động săn bắn chỉ diễn ra vào mùa Đông hoặc mùa Xuân bởi đây không phải mùa sinh sản, đồng thời khi có tuyết thì việc lần theo dấu chân thú sẽ dễ dàng hơn. 

Tại Nga, đi săn chỉ dành cho giới thượng lưu. Giấy phép đi săn khoảng 3.000 USD tại khu vực gần Moscow (nhưng chỉ có hươu nai nhỏ, sóc, thỏ hay nhím). Nếu săn nai sừng tấm, chi phí đi săn dao động từ 1.500-8.000 USD cho những chuyến săn, tùy thuộc vào thời hạn của chuyến đi (3-12 ngày). Săn gấu còn đắt đỏ hơn nữa, chi phí có thể lên tới 15.000 USD.

Ngoài ra, người săn còn phải “bồi dưỡng” cho người hướng dẫn khoảng 500-700 USD/buổi săn. Người đi kèm có trách nhiệm nuôi và huấn luyện chó săn để chờ tới mùa săn, đồng thời hướng dẫn cho người đi săn trong rừng về đường đi lối lại, những loài nào và những cá thể nào (một số loài được đánh số) có thể săn.

Thêm nữa, môn thể thao này đòi hỏi sức khỏe phải cực tốt để chống đỡ được với thời tiết giá lạnh, cũng như đảm bảo việc di chuyển trong điều kiện tuyết rơi dày đặc. Không nhiều người thỏa mãn được 2 điều kiện quan trọng nhất này (sức khỏe và kinh tế) để theo đuổi bộ môn đi săn. 

Những thợ săn thượng lưu và chiến lợi phẩm từ những cuộc săn đắt đỏ
Những thợ săn thượng lưu và chiến lợi phẩm từ những cuộc săn đắt đỏ

Ngoài việc phục vụ người Nga, chính quyền Nga cũng mở cửa để người nước ngoài trải nghiệm việc săn bắn tại đây. Dĩ nhiên, quy định về việc đem vũ khí vào lãnh thổ Nga được kiểm soát rất nghiêm ngặt. 

Hệ động vật đa dạng

Nga là nước có diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới, trải qua 2 châu lục Á - Âu với rất nhiều khu vực hoang dã nên hệ động vật tại Nga rất đa dạng. Tùy vào thời điểm, thợ săn có thể được phép săn khá nhiều loài khác nhau như nai sừng tấm, hoẵng, sóc, thỏ, rái cá, nhím, heo rừng…

Những loài vật nêu trên nằm trong “thực đơn” chính của các vận động viên săn bắn, nhưng chúng sinh sống ở các khu vực cách xa nhau. Vì thế mỗi tấm vé vào săn ở một khu rừng đều chỉ có thể săn được một số loài động vật nhất định. Chẳng hạn hải ly có nhiều ở vùng gần biên giới Belarus - Ukraine, gấu tập trung đông ở vùng Siberia…

Đối với giới thợ săn, đơn vị đo chiến tích của họ chính là những con thú bị bắn hạ và khối lượng của chúng. Chẳng hạn vào cuối năm 2015, tay thợ săn Peter Maximov đã trở nên nổi tiếng nhờ bắn hạ một chú heo rừng nặng tới 535kg, chiều cao vai lên đến 1,70m tại dãy núi Ural. Cần biết rằng ở Đông Âu, các chỉ số trung bình của heo đực trưởng thành chỉ là 300-350kg cân nặng và 1,20m chiều cao vai. Maximov đã phải huy động cả xe tải đến để kéo chiến lợi phẩm.


Nguy hiểm khi săn thú dữ

Môn nguy hiểm hơn cả là săn thú dữ, trước tiên là loài gấu. Loài gấu ít khi được nhìn thấy ở các cánh rừng gần đô thị, những người muốn săn gấu thường phải di chuyển đến vùng gần dãy Siberia, nơi cảnh vật hoang sơ hơn. Săn gấu đã hình thành và phát triển tại Nga từ những thế kỷ trước. Môn này vẫn tồn tại là bởi lượng gấu ở Nga đã ổn định, đồng thời cũng có nhu cầu kiểm soát số lượng của chúng.

Thực tế trên thế giới mỗi năm có không ít người bỏ mạng vì sự hung dữ của gấu, nhưng chính vì thế mà săn gấu được xem là biểu tượng của lòng can đảm. Sự chuẩn bị cho việc săn gấu rất công phu, nhưng tỷ lệ thành công thấp và rất nguy hiểm. Theo chia sẻ của một số người từng tham dự đi săn tại Nga, hầu như chỉ có những thợ săn chuyên nghiệp mới có thể hạ được gấu. 

Đầu tiên phải chuẩn bị loại súng săn chuyên dụng và lều (tạm gọi) bằng gỗ để quan sát, tiếp đó phải treo mồi nhử ở nơi gấu hay ngủ đông. Thông thường vào tháng 4 hàng năm, gấu sẽ tỉnh giấc ngủ đông và ngay lập tức đi tìm thức ăn. Đây chính là thời điểm tốt nhất để có thể tìm thấy gấu, nhưng hầu như không thể bắn hạ chúng với 1 phát đạn. 

Sau khi trúng đạn, thường gấu sẽ bị thương và bỏ chạy. Thợ săn phải theo dấu máu in trên tuyết để đuổi theo chúng. Đây chính là khâu cuối cùng nhưng nguy hiểm nhất, bởi con thú bị kích động sẽ trở nên rất hung hãn. Trước khi bắn được phát đạn sau cùng để kết liễu gấu, rất có thể chính thợ săn đã trở thành nạn nhân của con thú bị thương. 

Ở một số vùng, tiêu biểu là Yakutia phía Đông dãy Siberia, săn chó sói được khuyến khích bởi loài này phát triển quá đông và gây nhiều thiệt hại cho hoạt động chăn thả gia súc của con người. Chính quyền còn tổ chức săn sói tuyết bằng trực thăng để kiểm soát số lượng của chúng. 

Đi săn cũng có giải thưởng với giá trị lớn, bởi vậy môn thể thao xa xỉ này cũng có mức độ quyết liệt chẳng kém gì các đội tranh tài ở World Cup!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x