ĐT Anh vươn lên từ... thế hệ cho mượn

MINH TÂM
Từ 04:45 ngày 07-07-2018
Sau 12 năm, ĐT Anh mới được tận hưởng bầu không khí ở tứ kết World Cup. Điều đáng nói là chiến tích đó được thực hiện bởi một thế hệ cầu thủ trẻ, với xuất phát điểm hết sức khiêm tốn. Phần lớn các tuyển thủ Anh hiện nay đã phải trôi dạt theo các bản hợp đồng cho mượn ở giai đoạn khởi nghiệp.

Khởi nghiệp gian khó
Cách đây một thập niên, ĐT Anh là tập hợp những “thần đồng”. Theo Walcott, Wayne Rooney, Joe Cole… ngay từ khi khởi nghiệp đã được xem là tương lai của bóng đá xứ sương mù. Họ được săn đón khắp nơi, được đối xử như những ngôi sao hàng đầu và nhận mức lương cao ngất ngưởng. Nhưng Walcott, Rooney hay Cole lại không thể đưa ĐT Anh vào tứ kết ở hai kỳ World Cup 2010 và 2014.

Trái với thế hệ đàn anh, lứa cầu thủ hiện nay của Tam sư có bước khởi đầu vô cùng gian khó. Họ bước chân vào thế giới bóng đá trong bối cảnh sân cỏ nước Anh bị xâm chiếm bởi các ông chủ ngoại giàu có. Những khoản tiền khổng lồ được rót vào các CLB. Premier League cũng chuyển mình. Các CLB lớn ưa thích mua cầu thủ đã thành danh về chơi bóng, thay vì tạo cơ hội cho sản phẩm do chính mình đào tạo. Vì thế mà con đường khởi nghiệp của các cầu thủ Anh là rất lận đận. 


Jordan Pickford trước khi trở thành thủ môn đắt giá nhất nước Anh từng bị quăng quật khắp nơi. Anh từng 6 lần bị CLB chủ quản Sunderland đẩy đi theo hợp đồng cho mượn. Pickford đã phải lăn lộn từ các CLB bán chuyên nghiệp như Darlington hay Alfreton. Phải đến năm 21 tuổi, Pickford mới bắt trận chuyên nghiệp đầu tiên cho Sunderland. Kể từ đó, thủ môn này thăng tiến không ngừng. Năm 23 tuổi anh trở thành thủ môn đắt giá nhất nước Anh, với bản hợp đồng chuyển nhượng tới Everton. Năm 24 tuổi, Pickford trở thành người hùng bóng đá xứ sương mù, với màn trình diễn xuất sắc trên loạt sút luân lưu, đưa ĐT Anh vào tứ kết World Cup 2018.

Tương tự Pickford, Harry Kane cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ đứng tại Tottenham. Kane đã liên tục bị đẩy sang từ Leyton Orient, tới Millwall, Norwich, rồi Leicester. Sự nghiệp của Kane có lẽ sẽ phải gắn chặt với ghế dự bị hoặc các hợp đồng cho mượn ngắn hạn nếu như Tottenham không rơi vào tình trạng khủng hoảng hàng công ở mùa giải 2014/15. Thời điểm đó, Spurs thường ra sân với sơ đồ một tiền đạo và Roberto Soldado và Emmanuel Adebayor thay nhau đá chính. Nhưng cả Soldado và Adebayor đều chơi quá tệ. Nhờ thế mà Kane có điều kiện ra sân và tiền đạo trẻ này nhanh chóng nắm bắt được cơ hội. Anh khẳng định được tài năng và trở thành niềm hy vọng của bóng đá Anh. Tương tự như Kane hay Pickford còn có Dele Alli với 8 năm gắn bó tại đội bóng nhỏ bé Milton Keynes Dons (2007-2015) trước khi được Tottenham chiêu mộ rồi cho chính MK Dons mượn vào năm 2015. Ngoài ra là Jesse Lingard, người đã bị đẩy sang Birmingham, Brighton hay Derby trước khi được triệu hồi về M.U.

Trưởng thành từ gian khó
Những trường hợp như Pickford hay Kane khá phổ biến tại ĐT Anh hiện nay. Đội hình đá chính của Tam sư ở World Cup 2018 chỉ có 3 cầu thủ chưa từng bị đưa đi cho mượn là Ashley Young, John Stones và Raheem Sterling. Trong đó, Young 32 tuổi và thuộc thế hệ trước. Còn Stones và Sterling là những “thần đồng” hiếm hoi được trải thảm đỏ từ khi mới xuất hiện trên sân cỏ. Tuy nhiên, thế hệ cầu thủ khởi nghiệp gian khó này lại trở thành niềm hy vọng của bóng đá Anh. Họ đưa Tam sư vào tứ kết World Cup lần đầu tiên sau 12 năm. Những cầu thủ từng lăn lộn ở các CLB tý hon, chinh chiến tại các giải đấu hạng thấp nay gánh trên vai giấc mơ vinh quang của bóng đá xứ sương mù.


Chính việc phải đối mặt với vô vàn khó khăn giai đoạn khởi nghiệp đã giúp thế hệ cầu thủ Anh hiện nay hun đúc bản lĩnh. Họ không dễ sụp đổ tinh thần trước áp lực như “thế hệ thần đồng” một thập niên trước. Thay vào đó là tinh thần thi đấu vững vàng, cách ứng xử khôn ngoan khi bị khiêu khích. Bản lĩnh của các tuyển thủ Anh được thể hiện qua chiến tích hạ Colombia ở vòng 1/8. Đây là lần đầu tiên Tam sư giành chiến thắng ở loạt sút luân lưu tại World Cup.

Trước thềm trận tứ kết với Thụy Điển, Lingard cho biết, chính những bản hợp đồng cho mượn đã giúp thế hệ cầu thủ Anh trưởng thành: “Việc thường xuyên chuyển từ CLB này sang CLB khác theo dạng cho mượn đã giúp chúng tôi trưởng thành từ những chuyến đi như thế. Chúng tôi học cách thích nghi với mọi môi trường. Việc phải rời CLB chủ quản cũng hun đúc khát khao vượt khó, thể hiện giá trị bản thân”.

Những khó khăn ở giai đoạn khởi nghiệp đã giúp các tuyển thủ Anh trưởng thành. Họ không sợ hãi trước áp lực và luôn sẵn sàng chinh phục những cái đích tưởng như không thể.

Đội hình chính của Anh được cho mượn như thế nào?

Pickford (CLB hiện tại: Everton).
Đã từng cho mượn tại: Darlington (2012), Alfredon (2013), Burton (2013), Carlisle (2014), Bradford (2014-2015), Preston (2015-2016). 

Walker (Man City).
Đã từng cho mượn tại: Northampton (2008), Sheffield United (2009-2010), QPR (2010-2011), Aston Villa (2011).


Stones (Man City). 
Không chơi theo dạng cho mượn.

Maguire (Leicester). 
Đã từng cho mượn tại: Wigan (2015).

Trippier (Tottenham). 
Đã từng cho mượn tại:  Barnsley (2010-2011), Burnley (2011-2012).

Alli (Tottenham).
Đã từng cho mượn tại: MK Dons (2015).

Henderson (Liverpool). 
Đã từng cho mượn tại: Coventry (2009).


Lingard (Man United). 
Đã từng cho mượn tại: Leicester (2012-2013), Birmingham (2013-2014), Brighton (2014), Derby County (2015).

Young (Man United). 
Không chơi theo dạng cho mượn.

Sterling (ManCity). 
Không chơi theo dạng cho mượn.

Kane (Tottenham). 
Đã từng cho mượn tại: Leyton Orient (2011), Millwall (2012), Norwich (2012-2013), Leicester (2013).
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x