ĐT Pháp: Xây mộng bá vương từ bệ đỡ vững vàng

Ngọc Trung
Từ 15:32 ngày 11-07-2018
ĐT Pháp sở hữu rất nhiều ngôi sao tấn công. Tuy vậy, điểm tựa để Les Bleus góp mặt ở chung kết World Cup 2018 lại nằm ở tuyến phòng ngự.

Ghi bàn chưa chắc thắng những giữ sạch lưới chắc chắn không thua. Đó là câu thần chú đang được hầu hết các đội tuyển, không chỉ tại World Cup 2018, tụng đi tụng lại để hướng đến thành công hay xa hơn là chức vô địch. Nói cách khác, muốn đạt được mục tiêu, kim chỉ nam dành cho các đội bóng là phải tổ chức được một hàng phòng ngự thực sự vững chãi.

Dẫn chứng cụ thể, tính trong thế kỷ này, ở 4 kỳ World Cup đã qua, các đội đăng quang đều có tỷ lệ thủng lưới dưới 0,6 bàn/trận suốt giải (Brazil 0,56; Italia 0,29; Tây Ban Nha 0,29; Đức 0,57), tức bình quân 2 trận mới để lọt lưới 1 bàn. Vào đến vòng đấu loại trực tiếp, tỷ lệ thủng lưới lại càng thấp, đều dưới 0,5 bàn/trận (Brazil 0,25; Italia 0,25; Tây Ban Nha 0; Đức 0,5). 

Đơn cử, nhắc đến Brazil năm 2002, không ít người hâm mộ nhớ ngay đến bộ 3R thần thánh trên hàng công, gồm Ronaldo, Ronaldinho và Rivaldo. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại rằng Selecao năm đó chơi tấn công khoáng đạt. Kỳ thực, ngay cả khi mang cúp vàng về xứ sở Samba, HLV Felipe Scolari vẫn bị chỉ trích bởi lối đá thực dụng phản truyền thống.

Con đường đến cúp vàng có một công thức chung là phải giữ sạch lưới
Con đường đến cúp vàng có một công thức chung là phải giữ sạch lưới

Lý do vì Scolari sử dụng bộ 3R trên hàng công thật song ba ngôi sao này chủ yếu tự xử lý với nhau. Bởi lẽ, hàng tiền vệ Brazil là sự hiện diện của hai máy quét Gilberto Silva và Kleberson, bộ đôi chỉ chuyên tâm làm lá chắn cho hàng phòng ngự 5 người phía sau. Italia lên ngôi năm 2006 với lối chơi catenaccio trứ danh thì miễn bàn.

Còn Tây Ban Nha? Lối chơi của đội bóng này là chú trọng kiểm soát bóng. Nhưng kiểm soát bóng trước nhất không phải để tấn công mà là để phòng ngự. Bằng chứng là cả 4 trận đấu loại trực tiếp La Roja đều thắng với tỷ số 1-0 và bị báo giới bỉ bai là sử dụng lối chơi… "tiqui-tacanaccio". Đức khoáng đạt hơn Tây Ban Nha đôi chút, nhưng kỳ thực đa số bàn thắng đến từ trận đấu mà Brazil tự sụp đổ.

Pháp năm nay chẳng khác gì, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại. Họ đang đi trên đúng con đường của những nhà vô địch trước đây, với sự thực dụng tối đa, tức nêu cao tinh thần giữ sạch lưới trước khi nghĩ đến chuyện ghi bàn. Nếu lấy cuộc rượt đuổi tỷ số với Argentina ở vòng 1/8 ra để phản biện thì nên nhớ chính Argentina tự “cởi” Pháp mới… “mở”.

Ở trận đấu đó, Les Bleus hoàn toàn cửa trên và làm chủ trận đấu. Argentina thua kém quá xa về mặt chất lượng cầu thủ, đặc biệt là hàng thủ. Và bàn thắng có sự trợ giúp từ thần may mắn của Mercado (Messi dứt điểm đập chân) tưởng chừng mang lại hy vọng cho Argentina song kỳ thực lại vô tình lại đẩy ĐT Pháp vào thế phải ghi thêm bàn thắng.

Deschamp đang áp dụng chính công thức của các nhà vô địch
Deschamp đang áp dụng chính công thức của các nhà vô địch

Đó là câu chuyện ở vòng 1/8, còn hai trận gần nhất, tại tứ kết và bán kết, ĐT Pháp đều giữ sạch lưới. Vậy, có thể đưa ra kết luận Argentina tấn công sắc bén hơn Uruguay và Bỉ?! Trong bóng đá, giá trị của tính chất bắc cầu rất nhỏ và ở trường hợp này lại càng không. 

Có bột mới gột nên hồ, ĐT Pháp giữ sạch lưới là nhờ biết cách giữ cự ly đội hình chặt chẽ và sự xuất sắc của các cá nhân nơi hàng phòng ngự. Về khả năng giữ cự ly, hãy để ý trận đấu giữa Pháp và Bỉ, những ngôi sao bên phía Quỷ đỏ, đặc biệt là Hazard hoàn toàn bất lực trong việc tiếp cận khung thành Lloris. Bởi lẽ, Les Bleus đã tạo nên một khối liên kết kín kẽ tới mức bóp nghẹt không gian.

Về cá nhân, thủ thành Hugo Lloris thực hiện nhiều pha cứu thua với phản xạ xuất thần, trung vệ Varane cho thấy khả năng chỉ huy hàng thủ, chưa kể những cú tắc bóng cực ngọt. Hai hậu vệ biên Pavard và Lucas đều có thể xem là những phát hiện. Còn Kante, đơn giản anh phủ kín mọi kẽ hở từ lúc đối phương chưa kịp khai thác.

Pháp chưa để lộ ra điểm yếu nào đáng kể, đó mới là vấn đề
Pháp chưa để lộ ra điểm yếu nào đáng kể, đó mới là vấn đề

Mở rộng vấn đề, Pháp đảm bảo yêu cầu giữ sạch lưới theo nhiều cách. Trước Uruguay, Les Bleus kiểm soát bóng áp đảo nhờ sự vượt trội chất lượng ở trung tuyến. Họ cầm bóng áp đảo (63%) tới mức cầu thủ đối phương phải phát khóc. Trước Bỉ, thầy trò Deschamp lại nhường bóng cho đối phương (chỉ cầm bóng 36%), lùi sâu đội hình, giữ cự ly và bịt kín hai biên.

Tất nhiên, giữ sạch lưới mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để chiến thắng vẫn là ghi bàn. Và công thức chung để Pháp giành lấy chiến thắng là tận dụng các tình huống cố định hoặc sai lầm của đối phương để ghi bàn. Cụ thể, 3 bàn của Pháp tại tứ kết và bán kết thì 2 đến từ bóng chết và 1 đến từ sai lầm của thủ môn đối phương (Muslera).

Thế nên, có ý kiến đánh giá Pháp không có bài vở tấn công gì sắc nét hoặc chưa lộ bài. Nhưng thật ra, bài vở của thầy trò Deschamp chính nằm ở sự đa dạng trong cách phòng ngự và khả năng tận dụng sai sót của hàng thủ đối phương. 

Họ biết cách kiểm soát bóng, biết cách tổ chức phòng ngự co cụm, sở hữu những ngôi sao tấn công thượng thặng để tạo ra những đợt tấn công như sóng trào nhưng không để thủng lưới khi cần. Đội bóng mạnh chưa chắc đã thắng, câu nói này đã thành chân lý. Ngược lại, đội bóng nào ít để lộ điểm yếu lại mang trong mình chân mệnh đế vương. ĐT Pháp là dạng như vậy.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x