Góc chiến thuật Hà Lan 2-3 Đức: Màn đấu trí đỉnh cao giữa Koeman & Loew

Việt Cường
09:15 ngày 26-03-2019
Bàn thắng ở phút 90 của Nico Schulz đã giúp Đức giành chiến thắng 3-2 ngay trên sân của Hà Lan. Nhưng công bằng mà nói, 1 điểm cho mỗi đội sẽ là kết quả hợp lý hơn, bởi cả hai HLV Ronald Koeman và Joachim Loew đều đã thể hiện ấn tượng trong cuộc chiến trí não ở sân Johan Cruyff.

3-2-3-2 đè bẹp 4-3-3

Có một chi tiết khá thú vị liên quan tới chiến thuật của Hà Lan và Đức trong thời gian hậu World Cup. HLV Ronaldo Koeman bắt đầu cuộc cách mạng nhằm vực dậy Hà Lan bằng cách chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ. Nhưng sau một thời gian ông quyết định trở lại với 4-3-3, do “các cầu thủ quen thuộc với sơ đồ 4 hậu vệ hơn”. Joachim Loew thì ngược lại. Sau trận thua chính Hà Lan 0-3 ở lượt đi Nations Cup, ông quyết định chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ và duy trì từ đó tới nay, ít nhất là trong các trận đấu lớn.

Sơ đồ 3-2-3-2 giúp Đức (áo sáng) kiểm soát được thế trận trong hiệp 1, với điểm nhấn là Gnabry liên tục khai thác khoảng trống giữa các tuyến
Sơ đồ 3-2-3-2 giúp Đức (áo trắng) kiểm soát được thế trận trong hiệp 1, với điểm nhấn là Gnabry liên tục khai thác khoảng trống giữa các tuyến

Có hai đặc điểm quan trọng trong sơ đồ 3 trung vệ của HLV Loew. Thứ nhất, họ chủ trương bảo vệ khu vực trung lộ với một chiếc khiên hình ngũ giác được tạo bởi ba tiền đạo và hai tiền vệ trung tâm. Đức không pressing quyết liệt ở 1/3 sân phòng ngự của đối phương, mà chủ động cho các hậu vệ của họ cầm bóng. Nhưng nếu các hậu vệ này muốn đưa bóng cho các tiền vệ trung tâm, lập tức chiếc khiên ngũ giác nói trên sẽ co lại và “siết chặt” người có bóng, buộc anh ta phải phạm sai lầm. Trong hiệp 1, Frenkie de Jong đã một lần thử mạo hiểm tấn công vào chiếc khiên này, nhưng lập tức mất bóng và suýt chút nữa thì Hà Lan phải chịu một bàn thua (hình 1).

De Jong (áo sẫm) mạo hiểm giữ bóng trong bẫy pressing của Đức và suýt nữa  thì phải trả giá đắt.
De Jong (áo cam) mạo hiểm giữ bóng trong bẫy pressing của Đức và suýt nữa thì phải trả giá đắt.

Không thể đưa bóng qua trung lộ, Hà Lan buộc phải tìm đường lên từ hai biên. Nhưng đấy cũng không phải là điều dễ dàng. Khi các hậu vệ biên của Hà Lan nhận bóng, họ lập tức bị đặt dưới sức ép rất lớn, từ nhiều hướng. Trong tình huống ở hình 2, khi hậu vệ phải của Hà Lan là Dumfries nhận bóng, wingback trái của Đức là Schulz lập tức dâng lên gây sức ép, cùng lúc Sane cũng lùi xuống gây sức ép ngược. Cơ hội đưa bóng vào trung lộ của Dumfries cũng đã bị Kroos chặn mất. Trong những tình huống như thế này, Dumfries chỉ có hai lựa chọn, hoặc là chuyền bậy, hoặc là chịu để cướp bóng.

Không thể kiểm soát bóng một cách ổn định, Hà Lan để mất quyền kiểm soát thế trận vào tay người Đức. Từ đây, họ bị đặt vào một tình thế hết sức khó xử. Một mặt, các tiền vệ và tiền đạo cố gắng đẩy cao để gây sức ép không cho Đức triển khai bóng từ hàng thủ. 

Mặt khác, các hậu vệ của họ lại phải lùi sâu vì e ngại tốc độ của các cầu thủ tấn công mà người Đức có, như Leroy Sane và Serge Gnabry. Thế nên, giữa tuyến hậu vệ và tuyến tiền vệ của Hà Lan thường có một khoảng trống lớn, mà các cầu thủ Đức đã khai thác triệt với việc các tiền đạo giật lại.

Khi hậu vệ cánh của Hà Lan (áo sẫm) nhận bóng, lập tức có ít nhất 3 cầu thủ áp sát, không cho anh ta cơ hội đưa ra pha xử lý tiếp theo một cách thoải mái và hiệu quả
Khi hậu vệ cánh của Hà Lan (áo cam) nhận bóng, lập tức có ít nhất 3 cầu thủ áp sát, không cho anh ta cơ hội đưa ra pha xử lý tiếp theo một cách thoải mái và hiệu quả

Khi các tiền đạo giật lại, các hậu vệ của Hà Lan bị đặt trước hai lựa chọn. Hoặc là tiếp tục áp sát, chấp nhận bỏ vị trí ở hàng thủ. Hoặc là giữ vị trí, chấp nhận để cho cầu thủ Đức nhận bóng. Do khả năng hỗ trợ phòng ngự từ các tiền vệ là không tốt, cả hai lựa chọn này đều tai hại. 

Ở bàn thua đầu tiên, Đức đã tấn công vào khoảng trống mà Van Dijk bỏ lại khi dâng lên theo Gnabry (ảnh 3). Sau đó, khi Van Dijk và các đồng đội bị “chùn”, không dám dâng lên nữa, Gnabry liên tục có cơ hội nhận bóng một cách thoải mái ở trung lộ và ít nhất 2 lần có những cú chọc khe nguy hiểm cho Sane.

Hà Lan còn một lựa chọn nữa là dâng cả hàng thủ lên để thu hẹp khoảng cách với hàng tiền vệ. Đức đối phó với điều này bằng cách sử dụng những đường chuyền dài thẳng từ các trung vệ, thường là Rudiger và từ một đường chuyền như thế, Gnabry đã nâng tỉ số lên 2-0.

Hà Lan “dĩ độc trị độc”

Khoảng phút 40 của trận đấu, khi tỷ số đã là 2-0 nghiêng về phía đội khách, camera có quay cận cảnh một mảnh giấy mà trợ lý của HLV Koeman cầm. Trong đó, vị trí của Gnabry được khoanh tròn và có một mũi tên nối từ vị trí của Blind, hậu vệ trái, tới cầu thủ mang áo số 20 của Đức. Có thể đoán được ý đồ của ban huấn luyện Hà Lan qua hình ảnh đó: Blind sẽ được kéo vào gần với Gnabry, như một trung vệ lệch, bên cạnh Van Dijk và De Ligt. 

Và đó chính xác là những gì mà Hà Lan đã làm đầu hiệp 2. Bergwijn được tung vào thay Babel đá cặp tiền đạo với Depay, Promes chuyển từ tiền đạo phải sang wingback trái và Hà Lan chuyển sang chơi với sơ đồ gần như là 3-5-2.

Trong tình huống dẫn tới bàn mở tỉ số, Van Dijk đã bị Gnabry kéo lên và để lại một khoảng trống lớn ở hàng thủ. Đức (áo sáng) đã khai thác tốt khoảng trống này
Trong tình huống dẫn tới bàn mở tỉ số, Van Dijk đã bị Gnabry kéo lên và để lại một khoảng trống lớn ở hàng thủ. Đức (áo trắng) đã khai thác tốt khoảng trống này

Điều chỉnh chiến thuật này, cộng với việc Hà Lan trong hiệp 2 pressing quyết liệt hơn, đã khiến trận đấu đổi chiều hoàn toàn. Việc chuyển sang chơi với sơ đồ mới đã giúp Hà Lan giải quyết được quá nhiều vấn đề. Những pha giật lại của Gnabry đã không còn đáng ngại, vì nếu một trung vệ dâng lên áp sát anh ta, sau lưng vẫn còn hai trung vệ nữa. 

Trong tình huống ở hình 4, Van Dijk có thể thoải mái dâng lên quá vạch giữa sân để cướp bóng trong chân của Gnabry, vì anh biết phía sau vẫn còn Blind và De Ligt bọc lót.

Cũng với hệ thống mới, tiền vệ Frenkie de Jong không còn phải lo lắng quá nhiều về việc lùi về lấp vào các khoảng trống ở hàng hậu vệ nữa. Nhờ đó, anh có thể toàn tâm toàn ý kiểm soát không gian trước mặt hàng thủ. Các trung vệ cũng có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình triển khai bóng; Blind hay Van Dijk thường xuyên âm thầm băng lên nhận bóng sau những pha di chuyển của người thứ ba. Việc đưa bóng từ hàng thủ trở nên ổn định hơn và hệ quả kéo theo là hai wingback có thể dâng cao, khiến các wingback của đối phương không dám vượt quá vạch nửa sân. Áp lực lên hàng thủ do đó lại càng giảm.

Van Dijk dâng lên quá vạch giữa sân để cắt bóng từ chân Gnabry, phía sau anh còn 2 trung vệ (De Ligt và Blind) bọc lót
Van Dijk dâng lên quá vạch giữa sân để cắt bóng từ chân Gnabry, phía sau anh còn 2 trung vệ (De Ligt và Blind) bọc lót

Mọi thống kê trong hiệp 2 đều cho thấy sự vượt trội của Hà Lan. Họ kiểm soát bóng 59% (so với 48% trong hiệp 1), sút 10 quả (so với 6), và có tới 6 quả phạt góc (3 trong hiệp 1). Đội chủ nhà xứng đáng có được một trận hòa, thậm chí là một trận thắng. Nhưng thoáng mất tập trung ở cuối trận đã khiến họ phải trả giá đắt. Công sức của các cầu thủ và trí não của ban huấn luyện, vì thế cũng đổ sông đổ bể. Bóng đá khắc nghiệt là ở chỗ đó.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x