Góc nhìn World Cup: Sơ đồ là chết

Việt Cường
Từ 20:16 ngày 11-06-2018
Nói tới chiến thuật, điều đầu tiên chúng ta nói tới sẽ là những sơ đồ. Và dường như ai cũng có thể nói được về các sơ đồ. Chúng ta có thể vanh vách nói về việc đội A đá với sơ đồ 4-2-3-1, đội B đá 3-5-2, hay đội C đá 4-3-3. Nhưng sơ đồ, thực tế, chỉ là những bộ khung “chết” mà thôi…
Thực ra, đấy là điều mà cả thế giới bóng đá đã nói với nhau từ lâu. Bạn hỏi bất kỳ HLV nào về sơ đồ mà ông ta đang sử dụng, bạn cũng sẽ nhận được những câu trả lời kiểu “với tôi, sơ đồ nào không quan trọng, quan trọng là chơi như thế nào”. Nhưng chúng ta, bạn và tôi, vẫn thấy thích thú khi nói về những sơ đồ. Bởi đó là thứ dễ thấy, và dễ… nói nhất về chiến thuật, hay rõ hơn là cách vận hành của một đội bóng.

Nhưng ở World Cup 2018, nói về các sơ đồ có thể không còn dễ dàng như vậy nữa. Thứ nhất, vì đa phần các HLV đều mang tới Nga nhiều hơn một phương án chiến thuật. Khi cảm thấy phương án A không ổn, họ có thể chuyển ngay sang phương án B mà không cần điều chỉnh về nhân sự. Nếu không để ý, bạn hoàn toàn có thể không nhận ra sự thay đổi đó. Nhất là khi tốc độ của các trận đấu bây giờ diễn ra rất nhanh, khiến người xem dễ dàng bị cuốn theo các diễn biến trên sân.

Thứ hai, quan trọng hơn, khái niệm vị trí trong bóng đá hiện nay đã trở nên hết sức mờ nhạt, nhất là ở những đội bóng lớn. Ví dụ như Isco của Tây Ban Nha. Về lý thuyết, trong sơ đồ 4-3-3 của HLV Lopetegui, Isco thường chơi như một tiền đạo lệch cánh. Tuy nhiên, thực tế thì Isco có thể có mặt ở khắp mọi nơi. 

Anh có thể di chuyển vào giữa để đổi chỗ với tiền đạo, lùi về chơi như một hộ công, hay thậm chí đá như một trung vệ thứ ba khi Tây Ban Nha gặp khó khăn trong việc triển khai bóng từ hàng thủ. Mỗi lần cầu thủ của Real Madrid đổi vị trí, hệ thống của Tây Ban Nha lại xoay chuyển, khiến người xem không thể nào biết nổi họ đang chơi với “hình thù” nào.


Một yếu tố tạo nên sự “hỗn loạn” là vai trò của các hậu vệ biên. Ở nhiều đội bóng, ví dụ Brazil, Pháp hay Tây Ban Nha, các hậu vệ biên là những người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra chiều rộng cho lối chơi. Ở các đội này, những cầu thủ tấn công ở cánh thường di chuyển vào trong để chiếm lĩnh một khu vực quan trọng là hành lang trong. Khi đó, các đội bóng có thể chơi với sơ đồ giống như là 2-3-5. Đó là sơ đồ thường được gọi với cái tên “sơ đồ kim tự tháp”, vốn từng rất phổ biến, nhưng là từ thuở… sơ khai của bóng đá chuyên nghiệp.

Đôi khi, các đội bóng cũng phải “hi sinh” sơ đồ để phục vụ phong cách riêng của mình. Brazil, ví dụ, có thể đẩy 3 hoặc 4 cầu thủ sang gần khung thành của đối phương để chơi pressing tầm cao. Những cầu thủ còn lại của họ sẽ phải tự điều chỉnh để làm sao kèm hoặc chặn được lối chuyền bóng tới các cầu thủ khác của đối thủ. Khi đó, họ sẽ chẳng đứng theo sơ đồ nào cả. Hay với các đội chơi gegenpressing, 5 hay 6 cầu thủ sẽ xúm lại để “quây” cầu thủ có bóng của đối phương. Khi đó, cũng sẽ chẳng có cái sơ đồ nào cả.

Nên ở World Cup 2018 này, khi đọc báo hay xem truyền hình, bạn chắc chắn vẫn được nghe nhiều về các sơ đồ. Nhưng nghe để… biết thế thôi. Khi trận đấu bắt đầu rồi, đừng mất công cố gắng gọi tên sơ đồ mà các đội bóng đang sử dụng nữa…
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x