Goetze và Eder: World Cup vắng bóng người hùng

Ngọc Trung
Từ 18:42 ngày 19-05-2018
Goetze và Eder, những người hùng tại hai giải đấu lớn gần nhất ở cấp độ ĐTQG (World Cup 2014 và EURO 2016) đều vắng mặt tại World Cup 2018.

Bi kịch của những người hùng dân tộc

Pele, Gerd Mueller, Mario Kempes, Paolo Rossi, Andreas Brehme, Zidane, Ronaldo (béo), David Trezeguet, Fernando Torres hoặc Andres Iniesta… từng ít nhất một lần sắm vai người hùng dân tộc, với ít nhất một pha làm bàn mang ý nghĩa quyết định đưa ĐTQG đến chức vô địch EURO hoặc World Cup.

Hãy để ý, danh sách vừa nêu thiếu hai cái tên. Người hùng Maracana Mario Goetze và người hùng Stade de France Eder. 4 năm trước, một pha hãm bóng bằng ngực và dứt điểm khéo léo bằng chân trái của Goetze ở phút 113 đưa ĐT Đức trở lại đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới sau 24 năm chờ đợi.

Bàn thắng ấy, dường như mở ra một sự nghiệp đầy hứa hẹn của một cầu thủ 22 tuổi được ví von là thần đồng, là tài năng trăm năm có một của bóng đá Đức. Thậm chí không ít chuyên gia nhận định Goetze sẽ sớm vươn tới tầm vóc của Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, hai siêu sao thống trị bóng đá thế giới suốt 10 năm qua.

2 năm trước, cú sút sấm sét với tốc độ 98km/h từ cự ly 25m của Eder đưa ĐT Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016, danh hiệu lớn đầu tiên trong suốt lịch sử bóng đá nước này. Dĩ nhiên, với bàn thắng để đời ấy, Eder bước ra ánh sáng. Chàng tiền đạo gốc Guinea Xích đạo nhanh chóng trở thành mục tiêu săn tìm của các cây viết và cả người hâm mộ.

Goetze đứng trước tương lai rực rỡ sau bàn thắng vào lưới ĐT Argentina
Goetze đứng trước tương lai rực rỡ sau bàn thắng vào lưới ĐT Argentina

Thế nhưng, khi ĐT Đức và ĐT Bồ Đào Nha công bố danh sách 23 tuyển thủ tham dự VCK World Cup 2018, tác giả của hai bàn thắng lưu danh thiên cổ đều vắng mặt. Đó có thể xem là bi kịch của những người hùng dân tộc.

Tài năng mãi không lớn

Goetze là cái tên không cần phải giới thiệu thêm nhiều. Chỉ cần biết thêm, cầu thủ này được xem là sản phẩm tinh túy nhất của bóng đá Đức cho kế hoạch cải tổ sau thảm bại tại EURO 2000. Tuy nhiên, một ngã rẽ sai lầm sau World Cup 2014 đã khiến sự nghiệp của Goetze tàn lụi.

Những thành công trong màu áo Dortmund và khoảnh khắc lóe sáng ở trận chung kết World Cup giúp Goetze nhận được rất nhiều sự kỳ vọng. Ngay mùa đầu tiên khoác áo Bayern Munich, cầu thủ này cũng thi đấu tương đối thành công với 15 bàn thắng sau 45 trận trên mọi đấu trường. 

Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Pep Guardiola, Goetze không thể thích nghi cùng sự thay đổi chóng mặt về lối chơi. Từ Gegenpressing của Juergen Klopp đến kiểm soát bóng của Pep. Thực tế, Guardiola cũng nỗ lực tạo điều kiện ra sân cho Goetze khi sử dụng cầu thủ này ở vị trí "số 9 ảo", tương tự cách Messi đã chơi tại Barca hay Fabregas đã chơi tại ĐT Tây Ban Nha.

Goetze sa sút thê thảm sau World Cup 2014
Goetze sa sút thê thảm sau World Cup 2014

Tuy vậy, một phần sự thiếu nỗ lực và ý thức rèn luyện đã khiến Goetze trở nên lạc lõng. Và sự nghiệp của Goetze chạm đáy khi anh phát hiện bị rối loạn chuyển hóa. Anh trở lại Dortmund nhưng mãi mãi không tìm lại được hào quang xưa.

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Sự nghiệp của Eder đến hiện tại có thể miêu tả bằng câu: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối. Khoảnh khắc sút tung lưới ĐT Pháp là thời điểm sự nghiệp của tiền đạo gốc Guinea Xích Đạo này lao vút lên đỉnh cao chói lọi rồi lại rơi tuột xuống vực thẳm.

Sự nghiệp Eder bắt đầu cất cánh trong màu áo Braga. 3 mùa khoác áo đội bóng Bồ Đào Nha, tiền đạo này đóng góp 33 bàn thắng sau 82 lần ra sân. Với màn trình diễn ấn tượng ấy, Eder được Swansea chiêu mộ với giá 5 triệu bảng.

Tuy nhiên, những tháng ngày tạm dung tại Liberty là khoảng thời gian bi thảm đối với Eder. Anh ra sân tổng cộng 15 lần và không ghi nổi bàn thắng nào. Rốt cuộc, chỉ sau nửa mùa giải, Eder bị đẩy sang Lille theo bản hợp đồng cho mượn.

World Cup 2018 sẽ vắng bóng hai người hùng của hai giải đấu lớn gần nhất
World Cup 2018 sẽ vắng bóng hai người hùng của hai giải đấu lớn gần nhất

Tại Pháp, Eder tìm lại phong độ với 6 bàn và 4 pha kiến tạo sau 13 trận. Và sau đó là hành trình lịch sử cùng Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, cũng từ đó, cuộc sống của Eder tại Pháp xáo trộn hoàn toàn. Người hâm mộ ở đây sẵn sàng chửi rủa và miệt thị khi nhìn thấy Eder, khiến anh thấy bất an.

Thậm chí HLV Patrick Collot của Lille phải lên tiếng. Ông cảm thấy “tội nghiệp” cho cậu học trò và tuyên bố: “Công chúng Pháp cần phải nhận thức rõ, Eder cần được tôn trọng nhiều hơn”. Hệ quả là phong độ của Eder trong màu áo Lille ở mùa giải tiếp theo (2016/17) sa sút thấy rõ. Sau 37 trận, anh chỉ ghi được 7 bàn. 

Vì vậy, Eder buộc phải tìm con đường khác để cứu vãn sự nghiệp. Đó là sang Nga đầu quân cho Lokomotiv Moscow. Nhưng, đấy vẫn là bước đi sai lầm. Tại xứ sở Bạch dương, anh chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn sau 28 lần ra sân ở mùa giải này. Kết quả Eder không được triệu tập vào ĐT Bồ Đào Nha dự World Cup 2018.

Tóm lại, sau thời khắc sắm vai người hùng với bàn thắng lịch sử, sự nghiệp của Goetze lẫn Eder đều trải qua những khúc cua nghiệt ngã. Thật cay đắng cho họ theo cả góc nhìn chủ quan lẫn khách quan.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x