Iran vùi dập Campuchia 14-0: Chiến thắng xứng tầm cho một trận cầu lịch sử

Minh Huy
Từ 09:24 ngày 12-10-2019
Trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á bảng C, Iran đã hạ Campuchia 14-0 ở trận cầu lịch sử khi lần đầu tiên kể từ năm 1979 có CĐV nữ trên khán đài. Một mốc son đáng nhớ trong công cuộc bình đẳng giới ở đất nước Hồi giáo này…

Sức ép mạnh từ FIFA
Sở dĩ, LĐBĐ Iran cho phép phụ nữ nước này trở lại các SVĐ để dự khán trận bóng đá nam xuất phát từ sức ép rất lớn của FIFA sau cái chết bi thảm của một nữ CĐV. Tháng 9/2019 vừa qua, cô gái 29 tuổi Sahar Khodayari đã tự thiêu bên ngoài phòng xử án ở Teheran khi hay tin mình có thể bị phạt tù 6 tháng vì tội cố gắng vào sân vận động Azadi của thủ đô Iran (sân bóng vừa diễn ra trận Iran thắng Campuchia 14-0) để xem trận đấu của CLB Esteghlal. Sahar là cử nhân ngành khoa học máy tính và được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội với biệt danh “Blue girl” (Cô gái màu xanh) theo màu áo truyền thống của đội bóng cô yêu thích, Esteghlal.

Theo báo Guardian, tháng 3/2019, Sahar đã cải trang làm đàn ông để vào sân Azadi xem Esteghlal thi đấu. Thật không may, cô bị phát hiện qua một bức ảnh chụp trên sân và bị xem là phạm pháp, nơi từ sau cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979 cấm phụ nữ nước này dự khán các trận đấu bóng đá nam. Sau đó, Sahar bị bắt và đã ở tù ba đêm trước khi được thả ra, chờ xét xử vụ án. Được biết, trước khi tự thiêu, cô gái 29 tuổi này có vấn đề về tâm lý và đang được điều trị. Sự việc đau lòng này khiến FIFA gây áp lực lớn hơn, buộc Iran phải thay đổi quan điểm, mở cửa cho phụ nữ vào sân xem bóng đá. 

Trên thực tế, Iran thỉnh thoảng cho phép một số lượng phụ nữ rất hạn chế tham gia các trận bóng đá nam. Tháng 6/2018, Iran cho phép phụ nữ vào sân, nơi đặt các màn hình khổng lồ tường thuật trực tiếp các trận đấu tại World Cup trên đất Nga. 4 tháng sau, phụ nữ có thể dự khán trận giao hữu Iran - Bolivia (2-1)… Nhưng các nhà hoạt động nhân quyền và bình đẳng giới cho biết những trường hợp này chỉ là “màn diễn” và chính phủ Iran hầu như không làm gì để dỡ bỏ lệnh cấm. 

Thời gian gần đây, chủ tịch FIFA Gianni Infantino liên tục gây sức ép buộc Iran phải thực hiện những cải tổ cần thiết nhằm đảm bảo phụ nữ có thể tham dự các trận đấu của ĐTQG nước này tại vòng loại cho World Cup 2022 từ tháng 10/2019. “Chúng tôi phải gây áp lực lớn nhưng vẫn giữ sự tôn trọng các nét văn hóa của nước này. Không thể cứ ngồi đó chờ đợi Iran phá bỏ những điều luật vô lý và bất bình đẳng giới này”, chủ tịch FIFA Infantino nhấn mạnh.

Đấu tranh từ cộng đồng mạng
Mùa Hè vừa qua, đích thân ông Infantino đã gửi thư cho chủ tịch LĐBĐ Iran, Mehdi Taj, để kêu gọi thực hiện những cải cách cụ thể nhằm giải quyết vấn đề. Trên các mạng xã hội, chiến dịch mang tên “Không cấm phụ nữ” đã được lan truyền rộng rãi và nhận được hàng ngàn chữ ký ủng hộ.  

“Tôi đã đến World Cup 2014 tại Brazil và đã nhìn thấy nhiều CĐV nữ ủng hộ Iran. Từ đó, tôi tự nhủ mình phải làm gì đó”, nhà hoạt động Maryam Shojaei (em gái của Masoud Shojaei, đội trưởng ĐT Iran) nhấn mạnh. Sau đó, cô tiếp tục gửi thư cho FIFA yêu cầu tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới can thiệp vào việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ tới sân xem nam đá bóng… Năm 2018, Maryam cũng gửi lên Tổng thư ký FIFA một bản kiến nghị về việc này với 300.000 chữ ký. “FIFA đã mất quá nhiều thời gian để hành động. Tôi ước họ có thể can thiệp vào sớm hơn, thì “Cô gái màu xanh” của chúng ta có thể đã được cứu rồi”, Maryam rất tiếc nuối về cái chết oan ức của Sahar. 

Và không chỉ trên khán đài các SVĐ, những thay đổi khác cũng đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội. Vấn đề nhức nhối phụ nữ không được đi xem bóng đá thậm chí đã được các nhà làm phim Iran đưa lên màn ảnh. Nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh về chủ đề bình đẳng giới ở Iran cũng xuất hiện. Năm 2006, một tác phẩm điện ảnh đánh dấu bước ngoặt lịch sử được phát hành: bộ phim “Offside” của đạo diễn Jafar Panah. Nhà làm phim người Ira kể câu chuyện về những người phụ nữ cải trang thành nam giới để vào sân xem một trận bóng đá. Kịch bản phim lấy cảm hứng từ sự bất hạnh của chính con gái ông, người bị cấm vào sân trong một trận đấu. “Bộ phim có tác động rất lớn trong cộng đồng người Iran. Đây có lẽ là một bộ phim được nhiều người xem nhất”, nhà làm phim Amelie Chelly cho biết.

Trận cầu lịch sử
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các nhà hoạt động xã hội và bất bình đẳng giới, ngày 10/10/2019 đã đi vào lịch sử Iran. Lần đầu tiên sau 4 thập kỷ bị cấm đoán, hơn 3.500 nữ CĐV Iran đã “đường hoàng chính chính” đặt chân vào khu vực đặc biệt trên khán đài sân Azadi dự khán trận đấu giữa ĐTQG nước này với Campuchia thuộc khuôn khổ bảng C vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Sự kiện đặc biệt ấy được đánh dấu bằng một chiến thắng lịch sử: các học trò của HLV Marc Wilmots đã chơi một trận tưng bừng khi “có gái trên khán đài” và hủy diệt đội khách 14 bàn không gỡ.

Được biết, vé cho trận đấu đặc biệt này đã được bán hết chỉ trong vòng vài giờ mở bán. Thậm chí, ban tổ chức đã tăng gấp 4 lần số lượng vé để phục vụ nhu cầu cổ vũ và thưởng thức trận đấu của các CĐV. 3.500 nữ CĐV chỉ chiếm chưa tới 5% lượng ghế ngồi trên sân Azadi (78.000 chỗ) nhưng họ hò reo, vui mừng và rực rỡ sắc màu, cổ vũ hết mình cho các cầu thủ chủ nhà dưới sân. Đây là một cột mốc lịch sử. Nó sẽ giúp phụ nữ Iran được bình đẳng hơn trong đời sống văn hóa, tinh thần. 

Tổng thống Iran bật đèn xanh cho phụ nữ đến sân 

Tổng thống Iran, ông Hassan Rohani chính là chính trị gia đầu tiên của đất nước bật đèn xanh cho phép phụ nữ quốc gia hồi giáo này đến sân vận động. Cũng nhờ vậy, các nhà hoạt động xã hội và bất bình đẳng giới như được cổ vũ tinh thần để tiếp tục công việc. Cộng thêm áp lực từ FIFA buộc LĐBĐ Iran mở cửa cho phụ nữ vào sân xem bóng đá. Cần biết rằng, lệnh cấm phụ nữ tới sân là luật bất thành văn ở Iran từ nhiều thập kỷ qua.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x