Lăng kính: Sao Paulo, chào tình yêu!

Trần Minh
Từ 13:54 ngày 12-06-2014
Nếu nhìn vào ngôi mộ của Charles Miller, nằm ở một góc khuất của nghĩa trang Sao Paulo, có lẽ ít ai ngờ đến đấy là nơi yên nghỉ của người đàn ông đã ảnh hưởng đến hàng triệu thế hệ dân chúng Brazil. Miller, một người Scotland, được xem là người có công mang bóng đá đến Brazil.

Người Anh nghĩ ra bóng đá và cũng nhờ một người đến từ vương quốc Anh, Brazil mới biết đến bóng đá. Nhưng có vẻ như bóng đá lại bén duyên với “quê hương thứ hai” của mình là Brazil hơn chính quê gốc bởi người Brazil đã vượt xa người Anh về mức độ cuồng nhiệt với bóng đá. Họ là quốc gia vô địch World Cup nhiều nhất, sản sinh ra nhiều huyền thoại nhất, đang là “vựa cầu thủ” của toàn thế giới. Brazil cũng là quốc gia duy nhất định danh với môn thể thao vua. 

Miller là con trai của một kỹ sư người Scotland và mẹ người Brazil. Ông kết thúc việc học ở Southampton và trở lại quê hương ở thành phố cảng Santos vào năm 1894, hành trang có một quả bóng, một chiếc bơm, vài quyển sách bóng đá và một cuốn sách luật. Ông sớm tổ chức các trận đấu bóng đá đầu tiên và trong vòng một thập kỷ đã có công thiết lập giải vô địch Brazil.

Ban đầu, những trận đấu chỉ được tổ chức cho người nước ngoài, nhưng rất nhanh chóng người Brazil tỏ ra mê mẩn môn thể thao này. Graciliano Ramos, một nhà văn, nhà báo, chính trị gia nổi tiếng, đã viết những lời như sau khi chứng kiến sự bùng phát của môn “thể thao ngoại quốc” trên nước mình: “Rồi bóng đá sẽ lắng xuống, hãy tin tôi đi. Nó chỉ là một sự hăng hái nhất thời, một cơn điên bộc phát, một tháng rồi sẽ hết thôi. Chúng ta có nhiều môn thể thao của riêng mình, tại sao chúng ta lại thích chõ mũi vào môn thể thao của người ngoại quốc chứ?”

Ramos tất nhiên đã lầm. Bóng đá chẳng những không lắng xuống mà ngày càng trở nên bùng nổ khi đội tuyển nước này vô địch giải Nam Mỹ đầu tiên. Những bài hát được viết ra, những vần thơ được sáng tác, tiệc tùng tổ chức ở mọi ngả đường. Bóng đá đã mau chóng trở thành máu thịt của người dân Brazil. Người Anh chơi bóng đá như một môn thể thao, người Brazil yêu nó như yêu người tình, không ngừng chăm sóc, không ngừng sáng tạo. 

Quả bóng đầu tiên của Pele và hàng loạt thế hệ trẻ em Brazil là những chiếc vớ được quấn chặt lại sao cho nó gần giống với... hình tròn, cao cấp hơn là... quả bưởi. Bọn trẻ Brazil say mê nghĩ ra những động tác kỹ thuật không ai làm. Bóng đá được Brazil nâng cấp lên thành một loại hình nghệ thuật: futebol-arte.

Vì thứ tình yêu to lớn ấy nên mới có chuyện cả một dân tộc khổ sở vì thất bại tại kỳ World Cup 1950. Với người dân Brazil, 1950 mãi mãi là một cột mốc vĩ đại, nó mở ra một kỷ nguyên mới cho quốc gia Brazil, kết nối dân tộc lại với nhau, nhưng lại là một vết sẹo không bao giờ liền da. Lẽ nào Brazil tổ chức World Cup trên sân nhà mà lại để cho đội khác vô địch lần nữa?

Trong cuốn sách vừa phát hành của Oscar, tiền vệ này tiếp tục dành một thời lượng lớn để viết về di sản 1950. Trong đó có đoạn: “Đất nước đã chuyển mình và thay đổi rất nhiều. Bóng đá cũng vậy. Nhưng nó vẫn làm cho người dân Brazil cảm thấy say mê vui vẻ. Khi tiếng còi khai mạc vang lên, chúng tôi phải làm cho niềm vui ấy lan tỏa ra cả đất nước. Làm được việc ấy, chúng tôi sẽ có 200 triệu người Brazil ở sau lưng mình”.

Sao Paulo, nơi yên nghỉ của Miller, sẽ là khởi đầu cho một giấc mơ mới. Chào World Cup 2014!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x