Những khoảnh khắc tồi tệ nhất ở các kỳ World Cup

Chiêu Văn
Từ 21:35 ngày 11-06-2014
Những kỳ World Cup mang lại rất nhiềm niềm vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Dưới đây là những kỷ niệm tồi tệ nhất của các HLV báo Times uy tín tại Anh ở các kỳ giải VĐTG.
Lịch World Cup 2014Oliver Kay: Tình yêu tan vỡ với ĐT Anh
Phải nói từ đâu về trận Anh-Algeria 0-0 năm 2010? Wayne Rooney chửi thề vào ống kính máy quay sau trận đấu, Emile Heskey bày đặt đi bóng kiểu Cristiano Ronaldo, hay việc một chú chim đậu rỉa lông trên xà ngang khung thành Algeria trong gần suốt hiệp 1 mà không phải lo lắng gì. Thật tồi tệ. Chứng kiến tất cả những điều đó từ trong khu vực báo chí, ngay phía trước khán đài, là một trải nghiệm đáng chán. Mọi thứ diễn ra giống như trong phim quay chậm, giống như pha thể hiện kỹ thuật của Heskey vậy. Đó là một trong những trận đấu tẻ nhạt, đáng chán và vô hồn nhất mà tôi từng chứng kiến, và thật buồn phải xem một trận đấu như thế vì Rooney đã thể hiện phong độ rất ấn tượng mới vài tháng trước đó, trước khi anh dính chấn thương, và rất nhiều CĐV Anh háo hức sau khi Tam sư vượt qua vòng loại một cách thuyết phục dưới quyền Fabio Capello. Nhưng rốt cuộc, Anh đã xuất hiện ở Nam Phi kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Từng có những trận đấu nghèo nàn của tuyển Anh ở World Cup trong các năm qua, nhưng trận gặp Algeria là điểm thấp nhất.


Sự thất vọng của Rooney ở World Cup 2014

Tony Barrett: Pha đánh người của Schumacher
World Cup 1982 là giải đầu tiên tôi xem và là lý do tại sao ký ức về pha vào bóng kinh hoàng của Schumacher với Battiston ở trận bán kết giữa Tây Đức và Pháp lưu lại mãi. Đó là lần đầu tiên tôi nghe bố mình chửi thề, lớn tiếng và rõ ràng, chứ không chỉ lầm bầm trong miệng. Bạn không muốn quên những điều như thế. Schumacher là kẻ mà bố tôi muốn trút giận sau khi ông ấy lao vào Battiston. Pha vào bóng của thủ môn Tây Đức cao chân, muộn, cố tình và rất hiểm ác. Battiston bất tỉnh nhân sự ngay lập tức, gãy 3 cái răng và phải thở ô-xi khi rời sân bằng cáng, trên đường thẳng tới bệnh viện. Pháp thậm chí không được hưởng một quả phạt và Đức sau đó chiến thắng. Năm đó tôi 6 tuổi, và ấn tượng về sự công bằng trong bóng đá cũng như sự tức giận của bố tôi thật khó mà gột bỏ.



Gabriele Marcotti: Thất bại bệnh hoạn của Italia
Đó là Italia 1990 và Italia là chủ nhà World Cup. Chúng tôi nghiễm nhiên tin rằng mình sẽ vô địch. Dù chơi không hay, Italia vào bán kết mà không thủng lưới bàn nào. Nhưng đợi họ ở đó là Argentina và Diego Maradona. Trận đấu diễn ra ở Naples, thành phố quê hương thứ hai của ông, nơi ông là một vị thần. Sự ồn ào ở đó là điều mà tới giờ tôi vẫn chưa chứng kiến trong bất kỳ trận đấu nào khác ở Italia. Khung thành của Argentine hứng chịu hàng loạt cú sút nhưng không hiểu sao bóng không vào lưới. Và khi bóng đá chịu vào lưới, Argentina gỡ hòa theo một cách rất khác thường: một cú đánh đầu ngược từ Claudio Caniggia (người rất hiếm khi đánh đầu). Rồi trận đấu đi tới phạt đền, Roberto Donadoni và Aldo Serena đều đá hỏng. Tôi như muốn nôn vì căng thẳng, thật ra tôi đã nôn vì căng thẳng.



Matt Hughes: Thảm họa Baggio
Bao giờ cũng thê, cái chết trên chấm phạt đền ở World Cup luôn là kịch tính nhất. Những cảm xúc khi đá luân lưu là không thể sánh được, nhưng kết quả lại rất đau đớn, khi bạn là những kẻ thua cuộc. Các thất bại liên tục của tuyển Anh trên chấm 11 mét khiến tôi đã trở nên chai sạn, nhưng cú sút hỏng quyết định của Roberto Baggio năm 1994 thật sự khiến tôi rất buồn. Cầu thủ tấn công người Italia đã là ngôi sao của giải đấu, và là cầu thủ tôi yêu thích nhất kể từ bàn thắng ngoạn mục của anh ấy vào lưới Tiệp Khắc 4 năm trước đó, nhưng với việc sút bóng vào xà ngang, anh đã tự tay trao chức vô địch cho một đội Brazil chơi phòng ngự tiêu cực và thiên về thể lực.


Nỗi buồn của Baggio

James Ducker: “Bàn tay của Chúa”
Trận tứ kết đáng nhớ vì là sự thể hiện hai mặt của Maradona: thiên tài (theo đúng nghĩa của từ đó), và quỷ dữ. Cá nhân tôi, tôi nhớ bàn thắng đi bóng qua 5 người của ông ấy hơn là pha đập bóng bằng tay vào khung thành, dù những người khác có thể nghĩ khác. Tuy nhiên khi đó, thế giới như sụp đổ với tôi. Tôi mới 6-7 tuổi gì đó, đang bắt đầu chớm yêu bóng đá và đã ngồi khóc 1-2 tiếng đồng hồ. Ít có trận đấu nào để lại ảnh hưởng ghê gớm như thế với tôi.



Alyson Rudd: Nhớ Stoichkov
Tôi cảm thấy tuyệt vọng vào năm 1994 khi Bulgaria bị Italia loại ở bán kết. Tôi đã trở nên là một người hâm mộ cuồng nhiệt với Hristo Stoichkov, một cá tính dữ dội ở Barcelona và tôi đã tâm niệm ủng hộ ĐT Bulgaria ngay từ khi giải mới bắt đầu, và được tận hưởng những cảm xúc tuyệt vời. Sau chiến thắng ấn tượng trước Đức, Bulgaria đối mặt với Roberto Baggio và các đồng đội. Baggio trở thành ngôi sao của trận đấu đó; anh ghi 2 bàn, nhưng sau đó rời sân vì chấn thương, nhường sân khấu lại cho El Pistolero, nhưng Stoichkov không làm được gì nhiều ngoài bàn gỡ 1-2 từ chấm 11 mét.



George Caulkin: Sự điên rồ ở Nhật Bản
Đưa tin ở một kỳ World Cup là trải nghiệm tuyệt vời, gần như là trong cả đời người, nhưng bạn sẽ chỉ thấy điều đó quý giá sau đó, thời điểm đã được nghỉ ngơi một tuần với một chai bia trong tay. Tôi chưa bao giờ thấy phải chịu nhiều áp lực như ở Nhật Bản 2002 khi tôi đưa tin về ĐT Ireland. Tôi tới chính vào lúc Roy Keane bỏ đội, câu chuyện lớn nhất, kỳ lạ nhất và lố bịch nhất tôi từng theo đuổi. Vì sự khác biệt múi giờ, tôi đã trải qua 48 tiếng liền không ngủ, viết, ăn, tham dự họp báo buổi sáng, chờ phản ứng buổi chiều từ nhà, chỉ ăn ProPlus, gà rán bán qua máy tự động ở khách sạn, và trở nên như một kẻ mộng du. Tôi đã bị quá tải. Nếu bạn từng xem phim “Lost in Translation”, bạn sẽ hiểu.

Matt Dickinson: Những giọt nước mắt cho Brazil
Có vài điều bí ẩn ở World Cup mà bạn không bao giờ giải thích được. Các chú nhóc ngày nay biết mọi cầu thủ nhờ xem Champions League và chơi PlayStation. Nhưng tôi chỉ biết tới Socrates, Zico, Junior, Eder và Falcao vào mùa hè năm 1982 khi đội Brazil xuất sắc, tuyệt vời, tài năng và cực ngầu xuất hiện trên màn hình ti-vi với bóng đá như từ hành tinh khác. Tôi ít quan tâm hơn hẳn tới Bryan Robson, Kevin Keegan và triển vọng của ĐT Anh khi thấy Eder sút bóng, Socrates đi bóng qua hàng tiền vệ đối phương và hậu vệ phải Junior đá gần như một tiền đạo suốt trận. Rồi họ thua Italia 2-3 và thế giới như đảo ngược. Tôi đã khóc.



Rick Broadbent: Khi bóng đá trở nên xấu xí
World Cup thực sự là giải đấu của Brazil. Để trao giải Oscar thì họ luôn là đội được giải phim hay nhất, còn Anh thì thỉnh thoảng mới được đề cử cho phim ngắn hay nhất. Zico, Eder, Junior và những đồng đội đi mãi vào ký ức của một cầu bé 13 tuổi là tôi. Thế nên những ký ức đó sống dậy khi Rivaldo, một trong bộ “3R” bên cạnh Ronaldo và Ronaldinho, đánh lừa trọng tài năm 2002. Khi Hakan Unsal đá bóng vào đầu gối anh trước một quả phạt góc, Rivaldo đã ôm mặt ngã vật ra sân. Thật khó chấp nhận Brazil lại hành xử như thế. Cầu thủ người TNK bị đuổi khỏi sân, và Rivaldo vẫn có mặt trong đội hình xuất sắc nhất giải của FIFA!



Rory Smith: Thỉnh thoảng phải ma lanh một chút
Ký ức tồi tệ nhất thì tôi thấy khó chọn hơn là những khoảnh khắc thất vọng nhất. Tôi đã rất buồn khi ĐT Anh bị loại vào các năm 1990 và 1998. Tôi đã không còn trẻ và còn nhều cảm xúc, nhưng có những khoảnh khắc cướp đi của bạn sự trong sáng với bóng đá: vụ Rijkaard – Voller năm 1990, Maradona dương tính với chất bị cấm năm 1994, vụ Ronaldo 1998, vụ ăn vạ của Rivaldo năm 2002. Nhưng giờ nhìn lại thì đó là một phần của lễ hội. World Cup cũng có những thoáng buồn, nhưng nếu không có bóng tối, làm sao bạn biết đâu là ánh sáng.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x