Phóng sự điều tra: Những chứng bệnh khó đỡ thời World Cup

CÙ THỊ HẬU VỆ
Từ 06:07 ngày 04-07-2018
World Cup tới, kéo theo biết bao chứng bệnh lạ khiến giới y học phải sửng sốt. Phải chăng World Cup chính là một ổ dịch chết người? Hãy theo chân phóng viên chiến trường Cù Thị Hậu Vệ đi tìm hiểu rõ vấn đề này.
Bệnh “soi gương”
Theo y văn thế giới, căn bệnh “Soi gương” rất thường xuất hiện mỗi khi World Cup xuất hiện. Biểu hiện của chứng bệnh này không phải là việc người bệnh, dù là đàn ông đằng đằng nam tính, thích soi gương làm dáng mà là dấu hiệu tẩu hỏa nhập ma của hệ thần kinh khi gặp phải vấn đề nhận định kết quả trận đấu. Hệ thần kinh động vật của người bệnh nếu phải hoạt động trong công việc dự đoán tỉ số bóng đá ở cường độ cao sẽ bị hiện tượng chập cheng, sinh ra ảo giác. Khi bệnh phát tác, nếu người bệnh dự đoán Đức thắng Hàn Quốc 2-0 thì trên thực tế, tỉ số này lại “soi gương” khiến Đức lại thua sấp mặt 0-2.

Hoặc một biểu hiện khác là dự đoán Tây Ban Nha vùi dập Iran với cơn mưa bàn thắng, thì kết cục Bò tót quả nhiên “tàn sát” đối thủ chỉ với tỉ số  1-0. Nhìn chung, dự đoán của người bệnh là dấu hiệu bệnh lý thì kết quả thực tế là tổn thương do bệnh gây ra. 

“Soi gương” thuộc nhóm bệnh thần kinh và được phân chia thành 2 nhóm chính gồm Soi gương phân liệt và Soi gương đa nhân cách. Nếu người bệnh đoán trận nào soi gương trận đấy trong một thời gian dài thì là phân liệt; còn nếu nay sai, mai đúng, sáng trúng, chiều tạch khiến người ta không biết đường nào mà lần thì đích thị thuộc nhóm đa nhân cách. 

Bệnh “Soi gương” không gây tổn hại sức khỏe nhưng lại khiến anh ta trở thành trở thành nỗi kinh hãi của người thân. Bạn mình nói chẳng lẽ không tin, tin thì lại bay mất cái nhà. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho chứng bệnh này. 

Bệnh ngã vật - co giật
World Cup năm nay chứng kiến sự hoành hành của chứng động kinh do tiếp xúc, hay còn gọi là co giật ảo. Đây là một chứng bệnh hiếm, hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy vật chủ bị nhiễm bệnh và phát tác rất nhanh, khiến không ai có thể ngăn ngừa kịp thời. Nghiên cứu trên mẫu bệnh phẩm lấy từ vật chủ Neymar, sau khi sử dụng hàng loạt y cụ tối tân như lương tâm đồ, chụp cắt lớp da mặt và nội soi bằng kính viễn vọng Hubble, người ta thấy trên da của bệnh phẩm có một loài virus lạ. 

Vật chủ đang chạy cực kỳ sung mãn như thì chỉ cần một cọng cỏ chạm vào dây giày là virus phát tác, khiến vật chủ ngã sấp mặt, lăn lộn và giãy giũa như lên cơn động kinh hoặc sốc ma tuý. Đồng tử không giãn nhưng mắt vật chủ lại mở trừng trừng xem trọng tài có thổi penalty hay rút thẻ đỏ hay không, nếu điều này không xảy ra thì lại tiếp tục giãy đành đạch. Người ta hiện vẫn chưa nắm được quy luật phát bệnh nhưng có lưu ý rằng, địa điểm ngã vật và co giật thường là ở vòng 16m50 hay những điểm sút phạt trực tiếp có góc rộng. Bác sĩ thú y Ai Bô Lít cũng bổ sung nhận xét: “Nếu đội của vật chủ đang dẫn bàn, thì bệnh cũng rất dễ xảy ra để câu giờ”. 

Bác sĩ Ai Bô Lít cũng đưa ra phác đồ điều trị như sau: Dù là bệnh mùa Hè nhưng không cần tiêm vaccine như bệnh dại, mà chỉ cần cứ ngã là cho thẻ đỏ để đưa vào viện cách ly thì sẽ khỏi ngay. 

Bệnh trầm cảm sau xem
Trước giờ, y học chỉ mới biết đến chứng trầm cảm sau sinh, nhưng tại World Cup, các bác sĩ còn phát hiện ra chứng trầm cảm sau xem. Theo nghiên cứu ban đầu, đây cũng là một chứng bệnh lý thần kinh. Nếu như các sản phụ bị trầm cảm do mất ngủ, do đau cương tức sữa, do biến dạng nhan sắc… thì các bệnh nhân trầm cảm sau xem lại lâm vào trạng thái đờ đẫn trước màn hình ti vi. Họ bỗng nhiên trở nên câm lặng, mắt vô hồn nhìn vào hư không, nảy sinh cảm giác căm ghét cái ti vi hay ứng dụng xem bóng đá trực tiếp trên điện thoại. Họ không có nhu cầu ăn ngủ nữa, cứ ngồi nhìn trừng trừng, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa: Mất cả rồi… đảo xa… cầu Nhật Tân… 

Chứng trầm cảm sau xem được đánh giá là sát thủ bệnh viện nguy hiểm nhất bởi đa phần những người mắc chứng này đều đối diện với nguy cơ tự sát, bỏ nhà đi lang thang, mắc các chứng tâm thần nặng nhẹ tùy cơ địa, mất tính lạc quan yêu đời và không thể bình phục hoàn toàn như trước khi mắc bệnh. 

Một điều đáng lo ngại là chứng trầm cảm sau xem ngày càng lan rộng, và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ. Và hiện cũng chưa có thuốc cho bệnh này. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x