Tây Ban Nha làm được gì với hàng thủ mơ ngủ?

Việt Cường
Từ 09:23 ngày 01-07-2018
Những nhà vô địch các giải lớn gần đây có thể không phải là những đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất, nhưng chắc chắn phải là những đội để thủng lưới ít nhất.

Tây Ban Nha chính là minh chứng rõ nét nhất. Trong ba giải lớn liên tiếp mà họ đăng quang, EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, La Roja luôn là đội bóng để lọt lưới ít nhất. Đáng chú ý hơn, họ không hề phải vào lưới nhặt bóng dù chỉ là 1 lần trong 10 trận knock-out của 3 giải lớn đó. 

Ở EURO 2008, họ hòa Italia 0-0 và thắng trên chấm luân lưu ở tứ kết, thắng Nga 3-0 ở bán kết và thắng Đức 1-0 ở chung kết. Tới World Cup 2010, họ lần lượt thắng Bồ Đào Nha, Paraguay, Đức và Hà Lan đều với tỉ số 1-0. Ở EURO 2012, họ thắng Pháp 2-0 ở vòng tứ kết, hòa Bồ Đào Nha 0-0 ở bán kết (thắng luân lưu), trước khi vùi dập Italia 4-0 ở chung kết.

Có hai yếu tố tạo nên sự chắc chắn đáng kinh ngạc đó trong hệ thống phòng ngự của Tây Ban Nha. Thứ nhất, họ kiểm soát thế trận quá tốt, khiến đối phương không có bóng để phản công, mà khi có bóng, cũng không ở vào trạng thái tốt để phản công. Tiqui-taca từ đó được gọi với tên khác, passenaccio - chuyền bóng (pass) để phòng ngự (catenaccio). 

Thứ hai, trong những tình huống hiếm hoi đối phương có thể tổ chức phản công, những chốt chặn cuối cùng như Puyol, Pique, Ramos hay Busquets sẽ can thiệp. Trong trường hợp tất cả đều bị vượt qua, Iker Casillas sẽ là người sửa sai. Trận chung kết World Cup 2010, nếu Casillas không đánh bại Arjen Robben trong tình huống 1 đối 1, Tây Ban Nha có thể đã bị đánh bại ngay trong 90 phút.


Nhưng ở World Cup 2018, cả hai yếu tố trên đã không còn được đảm bảo. Tây Ban Nha vẫn kiểm soát bóng rất tốt; với hơn 67%, họ là đội có thời lượng kiểm soát bóng trung bình ở vòng bảng cao nhất trong số 32 đội. Nhưng họ không thể tạo được một vòng tròn khép kín trong trò “đá ma” ở phần sân của đối thủ nữa. 

Đội hình thiếu ổn định, chất lượng pressing chống phản công thấp, khiến Tây Ban Nha không thể ngăn được đối phương thực hiện những pha phản công có chất lượng. Và đến đây, lại xuất hiện những cơn đau đầu mới, liên quan tới các cá nhân ở hàng thủ.

Cả hai trung vệ của Tây Ban Nha, Pique và Ramos, đều đang có một giải đấu rất tệ. Pique liên tục phạm các sai lầm cá nhân. Và Ramos cũng thế. Đội trưởng của La Roja “có mặt” trong cả 2 bàn thua ở trận gặp Morocco. Điều đáng ngại là giữa hai người gần như không có sự liên lạc để hỗ trợ, bọc lót cho nhau, khiến người ta tin rằng cả hai đang có mâu thuẫn (dù thực tế không phải như vậy). 

Và cuối cùng là vấn đề của chốt chặn... cuối cùng. David de Gea trong màu áo Tây Ban Nha ở giải này như thể là một con người khác, không phải là De Gea “thần thánh” trong màu áo M.U. Anh chưa thực hiện được pha cứu thua nào quan trọng. Trận gặp Bồ Đào Nha, anh thậm chí không cứu thua quả nào, để thủng lưới từ 3 cú sút trúng đích của đối thủ!

Những vấn đề của Tây Ban Nha cho thấy HLV Fernando Hierro, người xuất thân là một ngôi sao hàng thủ, có cả một núi công việc cần phải làm trước loạt trận knock-out. Chỉnh sửa hệ thống. Xử lý các vấn đề cá nhân. Hoặc cả hai.

Nhận định & Bình luận trận Tây Ban Nha - Nga


Cặp trung vệ Tây Ban Nha già thứ ba tại World Cup


Sergio Ramos, 32 tuổi, và Gerard Pique, 31 tuổi, đang hợp thành cặp trung vệ già thứ 3 ở World Cup 2018. Độ tuổi trung bình 31,5 của họ chỉ kém của cặp trung vệ Brazil (Silva, Miranda, 33) và Bồ Đào Nha (Fonte, Pepe, 34,5). Trong khi đó, trẻ nhất là cặp Mina-Sanchez của Colombia (22,5), rồi tới Thụy Sỹ (24) và Pháp (24,5).
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x