Tội nghiệp Messi!

Dũng Phan
Từ 09:39 ngày 12-10-2017
Có một bóng ma đã lặng lẽ đứng bên Lionel Messi trong những lời tung hô suốt ngày hôm qua. Âm ỉ như một liều thuốc độc có tính tác hại lâu dài và từ từ. Bóng ma ấy tên là Diego Maradona.
Sau trận đấu với Ecuador, HLV Jorge Sampaoli thốt lên: “Bóng đá nợ Messi một danh hiệu World Cup”. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trước trận thì phát biểu: “Điều làm cho Diego Maradona trở nên đặc biệt với tôi, là đã khiến tất cả yêu trái bóng tròn và vô địch World Cup. Messi cần phải có danh hiệu đó.”

World Cup và Maradona đã trở thành hai khái niệm quanh quẩn những lời tung hô Messi. Ngay cả một lời khen của HLV Jorge Sampaoli cũng chứa đầy những sức ép. Chúng ta chắc chắn rằng Sampaoli không hề có ý xấu với Messi, nhưng ông đã nhắc về Cúp vàng thế giới trong vô thức. Jorge Sampaoli giống như hàng vạn người yêu quý chàng trai này ở quê hương Argentina, yêu và hại anh đều trong vô tình.

Lịch sử bóng đá Argentina kể từ năm 1994 đến nay có tất cả 14 người từng được gọi là “Maradona mới”. 14 con người đó, có thể được phân ra làm ba dạng. Một là sự nghiệp chết yểu mãi mãi trong biệt danh ấy, như Andres D’Alessandro. Hai là thay đổi lối chơi để được người ta nhắc về ở vai trò khác, đấy là Carlos Tevez, Sergio Aguero. Ba là tiệm cận nhưng ở trình độ thấp hơn, chẳng hạn Ariel Ortega. Thế còn Messi ở đâu? Messi ở lưng chừng xuân. Anh vừa tách khỏi Maradona, lại vừa bị gò ép với Maradona. 

Chúng ta không nói về kỹ năng chơi bóng và ngoại hình, mà cùng bàn ở vấn đề khác. Maradona đến với Napoli năm 1984, sau 2 năm đưa Napoli trở thành thế lực nước Ý. Những màn trình diễn của anh trên sân cỏ trở thành niềm si mê cuồng dại của các tifosi ở thành Naples. Tại CLB miền Bắc nước Ý, Maradona trở thành thánh thần.


Vâng, là thánh thần, giống như Messi thánh thần của xứ Catalunya mà ta thấy hôm nay vậy. Messi giống Maradona ở chỗ đó: thánh ở xứ người và gây đam mê cho toàn thế giới. Nhưng có một điểm khác cốt lõi, nó đã trở thành liều thuốc độc hại Messi sau này, khiến anh luôn bị so sánh, đó là: thời điểm của thành công.

Những điều vĩ đại của Maradona làm ở ĐTQG đã diễn ra trước công tích ở CLB. Năm 1986, Maradona vô địch World Cup, và sau đó, ông giúp Napoli giành hai Scudetto vào các năm 1987 và 1990. Tức là, Maradona đã làm xong nghĩa vụ công dân đất nước, rồi mới “đem chuông đánh xứ người”.

Còn Messi? Anh bị xem là chưa làm được gì cho đất nước nhưng đã làm quá nhiều cho Barca. Không thể trách, khi Messi ở Barca từ năm 12 tuổi. Vậy trách người Argentina chăng? Không, họ thực sự có quyền đòi hỏi một danh hiệu ở ĐTQG từ người giành 5 Quả bóng vàng và 30 danh hiệu ở CLB. Messi hiểu hoàn cảnh của một công dân phải làm gì khi đứng giữa kỳ vọng của cả dân tộc. 

Anh miệt mài sống chết cùng giấc mơ World Cup và cái bóng của Maradona. Đấy là điều ràng buộc tâm lý ở Messi. Richard Feynman là nhà vật lý người Mỹ nhận giải thưởng Nobel năm 1965. Ông đã viết trong hồi ký rằng: “Giải Nobel giống như gánh nợ. Nó khiến tôi không thể làm rất nhiều việc theo cách dễ dàng, như một người bình thường”.

Thành công của Messi ở Barcelona chính là gánh nợ của Messi tại ĐT Argentina. Đây là nguyên nhân sâu xa cho thất bại và phong độ của anh ở đội tuyển. Rõ ràng, khi yêu cầu “giành vé đến World Cup” thay vì "đoạt Cúp vàng World Cup", Messi đã bùng nổ. 

Maradona năm xưa chơi cho Albiceleste cũng chỉ nặng nề từ sau năm 1986. 

Tội nghiệp Messi!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x