VAR tại World Cup 2018: Để công lý là cái lý không cong

Ngọc Trung
Từ 13:35 ngày 20-06-2018
Sự xuất hiện của VAR đang đem đến những dấu ấn tích cực. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của VAR.

Pippo Inzaghi thoát xuống, thực ra anh không thoát xuống, anh đứng sẵn dưới hàng hậu vệ đối phương để đón bóng. Trọng tài phất cờ, Inzaghi quay sang gào thét như thể oan ức lắm. Một lần, hai lần, ba lần... kịch bản tương tự xảy ra. Đến lần thứ n, trọng tài không phất cờ, Inzaghi ghi bàn. 

Roberto Carlos từng sung sướng chia sẻ khoái cảm đánh lừa trọng tài bằng một pha ăn vạ. "Đội bóng của tôi đang gặp khó khăn, và chẳng có gì thích thú bằng kiếm về một quả phạt bằng cách đánh lừa trọng tài. Tôi cảm thấy chẳng sao cả, miễn đội của tôi chiến thắng". Thật vậy, sẽ là sai lầm khi đòi hỏi sự mã thượng từ các cầu thủ, khi mục tiêu trên hết của họ là chiến thắng. 

Hay một pha bóng kinh điển khác chính tại sân chơi World Cup. Bóng bay lơ lửng trên không trung, trước khung thành đội tuyển Anh. Diego Maradona băng xuống tranh chấp cùng thủ thành Peter Shilton. Maradona cao 1m65, Shilton cao 1m85 chưa kể lợi thế được dùng tay bắt bóng.

Bàn thắng này đã không được công nhận nếu có VAR
Bàn thắng này đã không được công nhận nếu có VAR

Nhưng, kết thúc tình huống bóng không nằm trong tay thủ thành người Anh mà nằm trong lưới. Sau trận, Maradona trí trá: "Bàn thắng này được ghi bằng cái đầu của Maradona và bàn tay của Chúa". Vâng, đó là bàn thắng kinh điển được biết đến dưới cái tên Bàn tay của Chúa ở Mexico 86.

Đó là con người hay tình huống tiêu biểu cho sự cảm tính trong bóng đá. Trọng tài là người cầm cân nảy mực, đại diện cho công lý trên sân cỏ. Nhưng vấn đề là họ cũng là con người và bị cuốn theo trận đấu. Một pha bóng qua nhanh, họ sẽ không quan sát kịp và đưa ra quyết định theo cảm tính. Và cảm tính thì lúc đúng lúc sai.

Hoặc khi bị cằn nhằn quá nhiều, trong trí óc trọng tài hình thành ý nghĩ hoài nghi quyết định của chính mình, dẫn đến quyết định sai. Các cầu thủ tinh quái luôn tận dụng sự cảm tính ấy để bẻ cong cái lý nhằm được hưởng lợi. Và càng ngày thì cầu thủ càng tinh quái. Họ sẵn sàng lao vào trọng tài, vây lấy trọng tài và hét vào mặt trọng tài trong mọi tình huống đội nhà chịu bất lợi. Vì vậy, VAR ra đời.

VAR là gì? Ở đâu? Làm gì? Trách nhiệm tới đâu?

VAR là viết tắt của cụm từ Video assistant referees, tạm dịch Tổ hỗ trợ trọng tài bằng băng ghi hình. Diễn giải kỹ hơn, đấy là một tổ 4 người, gồm 1 người phụ trách (VAR) và 3 người hỗ trợ (AVAR) nhận nhiệm vụ đánh giá các tình huống thông qua băng ghi hình. Tất cả họ đều là các trọng tài cấp FIFA. Riêng kỳ World Cup 2018, Ban trọng tài FIFA tuyển chọn riêng 13 người làm nhiệm vụ này, chia nhau theo dõi các trận.

Phòng vận hành của tổ VAR
Phòng vận hành của tổ VAR

Tổ VAR sẽ không đến từng sân để làm nhiệm vụ. Họ hoạt động tại phòng vận hành riêng có tên VOR (Video Operation Room) đặt ở trung tâm truyền thông quốc tế (IBC) tại Moscow. Tại VOR, tổ VAR được quyền truy cập vào mọi camera ghi hình khi trận đấu diễn ra. Ở những tình huống gây tranh cãi, sẽ có các nhân viên kỹ thuật lấy lại đoạn đoạn băng ghi hình tình huống đó để các thành viên VAR đánh giá.

Các tình huống tổ VAR sẽ tham gia đánh giá bao gồm:
- Bàn thắng hợp lệ hay không.
- Phạt đền
- Thẻ đỏ trực tiếp (không đánh giá các tình huống lĩnh thẻ vàng thứ hai)
- Nhận diện sai (phạt thẻ nhầm người)

Tất nhiên, cái tên cũng nói lên trách nhiệm của tổ VAR chỉ ở mức tư vấn. Trọng tài vẫn là người ra quyết định cuối cùng. Cách liên lạc giữa tổ VAR và trọng tài chính khá đơn giản, thông qua hệ thống tín hiệu được truyền đến tai nghe trọng tài đeo trên người.

Khi nhận được tín hiệu, trọng tài sẽ có hai lựa chọn. Một là nhận tư vấn từ tổ VAR để ra quyết định. Hai là ra dấu tạm dừng trận đấu và đến khu vực đặt màn hình ở bên ngoài sân để đánh giá lại tình huống rồi ra quyết định.

Nhờ VAR, các quyết định được đưa ra khá chính xác
Nhờ VAR, các quyết định được đưa ra khá chính xác

Cái lý không cong

Với sự xuất hiện của VAR cùng công nghệ tân thời, World Cup 2018 giảm hẳn các tình huống gây tranh cãi. Mà, trên thực tế các cầu thủ cũng không còn lao vào trọng tài đòi ăn thua đủ như trước khi ông vua áo đen đã có trợ lực từ VAR. 

Các pha bóng trở nên rõ ràng và khó cãi hơn. Thế nên, mới có chuyện tại World Cup 2018 này, cầu thủ lao đến phân bua, trọng tài chỉ cần chỉ tay hướng về màn hình lớn đang phát lại tình huống tranh cãi là... tắt tiếng.

Ngoài ra, khác với những lần thử nghiệm trước, World Cup 2018 này các quyết định của có sự trợ giúp từ VAR có tỷ lệ chính xác cao nhưng không làm giảm diễn tiến trận đấu quá nhiều. Cũng vì chính xác quá, nên giải đấu chứng kiến tỷ lệ ăn vạ giảm hẳn song lại xuất hiện khá nhiều quả phạt đền. 

Cụ thể, tổng cộng đã có 10 quả phạt đền được thổi và 8 trong số đó được cụ thể hóa thành bàn thắng. VAR góp công trong phân nửa các pha bóng đó. Nghe có vẻ ngược đời nhưng hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ vòng cấm chính là khu vực xuất hiện nhiều tranh chấp nhất trong khi ranh giới giữa tranh chấp với phạm lỗi rất mỏng manh. Mỏng manh mà VAR lại quá nhạy cảm thì phạt đền xuất hiện nhiều âu cũng là lẽ thường.

Nhưng quan trọng nhất, với VAR, trọng tài, người đại diện công lý trên sân cỏ được giảm tải áp lực đáng kể và không bị các cầu thủ tác động để bẻ cong cái lý.

Nhật ký World Cup 20/6: 99% Ai Cập chia tay World Cup

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x