VAR vắt kiệt nguồn sữa bóng đá

Kinh Thi
Từ 18:25 ngày 06-06-2018
Khi trọng tài Antonio Lopez Nieto phất đến 16 chiếc thẻ vàng (4 chiếc được quy thành 2 thẻ đỏ) trong trận Cameroon - Đức tại World Cup 2002, ông bị gần như cả thế giới chỉ trích, dù trên thực tế hầu hết thẻ phạt là đúng luật.
Trọng tài Nga Valentin Ivanov cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi phất 16 thẻ vàng (8 chiếc được quy thành 4 thẻ đỏ) trong trận Bồ Đào Nha - Hà Lan tại World Cup 2006. Đã chơi là phải đúng luật. Nhưng bóng đá tuyệt vời đến nỗi, đôi khi người ta chấp nhận tương đối hóa cái sự đúng luật, chỉ nhằm mục đích giữ nguyên tính hấp dẫn cho cuộc chơi. Suy cho cùng, bản thân luật bóng đá cũng đã đầy tính tương đối.

Một pha va chạm có đủ lực để làm ngã đối phương hay không, một cú ra chân là ác ý hay vô tình, một câu nói có mang tính xúc phạm hay không, tất cả đều phụ thuộc vào nhận định riêng của trọng tài. Cái nhận định ấy ảnh hưởng ra sao đến kết quả chung cuộc thì kẻ thiệt thòi đành... ráng chịu. 

Mặt khác, luật bóng đá còn có nhiều chỗ phi logic, phản khoa học suốt hàng trăm năm mà ai cũng đành chấp nhận, có sao đâu! (Một ví dụ nhỏ: luật việt vị hoàn toàn phản khoa học, bởi mắt người không thể cùng lúc nhìn về 2 điểm cách xa nhau. Ai nói mình có thể cùng lúc nhìn về cầu thủ chuyền bóng và cầu thủ nhận bóng, cách nhau đến vài chục mét, thì xin nói luôn: đấy không còn là... người thường nữa).

Cựu trọng tài nổi tiếng nhất thế giới Pierluigi Collina viết trong hồi ký: nếu trận đấu quá căng thẳng, ông sẵn sàng phất ngay thẻ vàng từ những phút đầu, đối với một pha phạm lỗi mà trong hoàn cảnh khác có thể ông sẽ không phạt. Nếu trận đấu đã coi như ngã ngũ, ông có thể bỏ qua một lỗi đáng phạt. Theo Collina, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm cho trận đấu diễn ra một cách tự nhiên, liền mạch, và trọng tài phải làm chủ tình thế, không để “vỡ trận” (như các trận Bồ Đào Nha - Hà Lan hoặc Cameroon - Đức nêu trên).

Trongj tài nổi tiếng Pierluigi Collina

Bàn kỹ hơn, nếu trận đấu trở nên nát vụn vì có quá nhiều tình huống nhờ VAR can thiệp, thì chỗ tai hại không chỉ là tính hấp dẫn giảm đi. Đấy còn là một “tội ác bóng đá” thật sự, vì nó có thể gây ảnh hưởng lớn về chuyên môn. Tranh cãi vốn đã là thuộc tính muôn thuở của môn bóng đá rồi. Nhưng nếu các nhà làm luật lại gây ảnh hưởng về chuyên môn thì đấy là điều cuối có thể chấp nhận.

Ai xem bóng đá cũng rõ tầm quan trọng của cái gọi là “thế trận”. Khi bài bản tấn công đã vào guồng, ưu thế về thể lực đã được phát huy, đối phương đã có cảm giác khiếp sợ, thì ghi bàn gần như là việc phải đến, sẽ đến. Gọi đấy là thời cơ cũng được. Một đội yếu hơn (trên lý thuyết) có thể sẽ thắng nhờ cái khí thế, thời cơ như vậy. 

Gặp lúc khác, hoàn cảnh khác, họ sẽ không có hy vọng chiến thắng. Ở những môn có luật cho phép tạm dừng trận đấu để hội ý, người ta còn cố ý xin dừng trận chỉ để làm giảm khí thế, cắt ngang sự hưng phấn của đối phương (còn hội ý chỉ là chuyện phụ).

Bóng đá cũng đã có “luật lợi thế” rồi. Vậy, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra tình huống giả định cho thấy: bản thân cái việc tạm ngưng trận đấu có khi lại... vi phạm luật lợi thế. Khác biệt chẳng qua chỉ là giữa một pha bóng cụ thể so với toàn cục. Giới làm luật dĩ nhiên không dốt. Nhưng việc áp dụng VAR sẽ giúp FIFA hốt bạc. Bóng đá, hoặc World Cup, là con bò sữa mà!
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x