World Cup 1954: “Đội bóng vàng” không trọn vẹn

Kinh Thi
Từ 09:55 ngày 27-05-2014
Suốt 6 năm, với 50 trận liên tiếp, Hungary chỉ thua 1 trận. Tiếc thay, đấy lại chính là trận đấu quan trọng nhất trong môn bóng đá: chung kết World Cup. Càng tiếc hơn, khi “Đội bóng vàng” Hungary tan rã 2 năm sau trận thua ấy, vì biến cố chính trị 1956.
THẦY TRÒ SEBES MẠNH ĐẾN MỨC NÀO?
Năm 1953, Hungary trở thành đội đầu tiên bên ngoài Vương quốc Anh thắng Anh ngay tại thánh địa Wembley. Người ta gọi đấy là “trận đấu lịch sử”. Chiến thắng 6-3 hoàn toàn thuyết phục của Hungary khiến người Anh phải tự xem lại và điều chỉnh cách chơi hòng tránh tụt hậu. Một năm sau, khi Anh làm khách tại Hungary trong trận đấu phục thù, họ lại thua đậm hơn: 1-7.

Đấy chỉ là các trận tiêu biểu. Từ năm 1950 đến 1956, Hungary thắng đến 42, hòa 7 và chỉ thua đúng 1 trận. Trước và sau đó, chưa có ĐTQG nào khác đạt được tỷ lệ thắng 91% trong suốt 6 năm như vậy. Hungary còn có kỷ lục ghi bàn trong 73 trận liên tiếp, từ tháng 4/1949 đến tháng 6/1957!

Chẳng có gì lạ khi “Đội bóng vàng” - biệt danh của Hungary thời ấy - bước vào World Cup 1954 trên đất Thụy Sỹ với tư cách ứng cử viên vô địch số 1. Vòng bảng chỉ có 2 trận (theo thể thức kỳ lạ của World Cup 1954) mà Hungary đã ghi đến 17 bàn. Vào giai đoạn knock-out, Hungary lại luôn ghi được 4 bàn khi loại các đối thủ sừng sỏ Brazil ở tứ kết và Uruguay ở bán kết. Cần lưu ý: tính đến vòng bán kết World Cup 1954 thì Uruguay chính là đội bóng số 1 trong lịch sử World Cup, và trận thua Hungary 2-4 chính là trận thua đầu tiên của Uruguay tại sân chơi World Cup!

Hungary mạnh như vậy không chỉ vì họ có trong đội hình hàng loạt tài năng lớn như Ferenc Puskas, Sandor Kocsis, Zoltan Czibor hoặc Nandor Hidegkuti. Đấy còn là vì HLV Gusztav Sebes nghĩ ra sơ đồ 4-2-4 quá siêu việt trước thập niên 1950. Mặt khác, sự đồng đều về tài năng cũng như hoàn cảnh đa số cầu thủ thuộc hai CLB Honved và MTK Budapest khiến đội bóng của Sebes chơi rất nhuần nhuyễn, ăn ý trong chiến thuật mới lạ và đặc sắc của họ.

RÚT CUỘC, HUNGARY CHẲNG CÓ GÌ!
Vì sao một Hungary vĩ đại như thế rút cuộc lại thua Tây Đức 2-3 trong trận chung kết World Cup 1954? Có thể vì Tây Đức vượt trội về thể lực, vì HLV Sepp Herberger của Tây Đức cũng chẳng phải tồi (ông phải rút ra những điều gì đấy sau khi Đức đã thua Hungary 3-8 ở vòng bảng). 

Có thể vì Tây Đức... chơi doping, như một sự tố cáo không bao giờ có đoạn kết, mà báo chí đưa ra vào năm 2010. Cũng có thể vì Tây Đức có “quyền trợ giúp” tuyệt vời: những chiếc đinh giày có thể tháo, ráp mà hãng Adidas vừa phát minh, lần đầu tiên đưa vào sử dụng, giúp đội tuyển này thích ứng với mọi mặt sân...

Nhưng tóm lại, vì đấy là... bóng đá. Mọi bất ngờ đều có thể xảy ra. Chỉ tiếc cho thế hệ của Puskas ở chỗ: thời ấy, giải EURO vẫn chưa ra đời. Cũng chưa có “Quả Bóng Vàng” để người ta bỏ phiếu tôn vinh Puskas, Kocsis hoặc Hidegkuti. Cúp C1 châu Âu thì chỉ ra đời từ mùa bóng 1955/56. Bất ngờ thua Đức trong trận chung kết World Cup 1954, “Đội bóng vàng” trắng tay.

Năm 1956, CLB Honved Budapest với rất nhiều cầu thủ thuộc “Đội bóng vàng” sang Bilbao gặp Athletic trong khuôn khổ Cúp C1 châu Âu. Cuộc nổi dậy 1956 nổ ra tại Hungary. Puskas và đồng đội quyết định không trở về nước. Họ trở thành lưu vong, nay đây mai đó, rồi thi đấu cho các CLB nước ngoài sau khi mãn hạn treo giò. “Đội bóng vàng” tan rã từ đấy.


MƯA GÔN XUẤT HIỆN
Bây giờ, ai cũng gật gù khâm phục khi nghe nhắc đến nền bóng đá Tây Đức nổi tiếng. Nhưng kỳ thực, họ vô địch năm 1954 chính là một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử World Cup. Cần lưu ý: bóng đá Tây Đức đã bị đặt ra ngoài hàng ngũ FIFA như một hệ lụy tất yếu từ Đệ nhị thế chiến, và World Cup 1954 chỉ là giải đấu lớn đầu tiên mà ĐT Tây Đức được góp mặt sau chiến tranh. 

Thời ấy, giải Bundesliga còn chưa ra đời. Trên nguyên tắc, Tây Đức còn là một nền bóng đá nghiệp dư. Do vậy, đây là chi tiết “động trời”: Tây Đức tại giải đấu năm 1954 là đội nghiệp dư duy nhất trong lịch sử đoạt chức vô địch World Cup. Tương ứng với đẳng cấp nghiệp dư thời ấy, Đức thậm chí không được xếp vào nhóm đội hạt giống, dù FIFA chọn đến 8/16 đội dự VCK là đội hạt giống.

HLV Sepp Herberger, ngôi sao Fritz Walter và các cây làm bàn Helmut Rahn, Max Morlock chiếm lĩnh công đầu trong việc đưa Tây Đức vào trận chung kết World Cup 1954, rồi thắng luôn 3-2 trước Hungary, đội bóng số 1 thế giới trong suốt nửa đầu thập niên 1950. 

Ngoài ra, người ta còn ghi nhận vai trò của Adidas - nhà tài trợ đã thiết kế bộ đinh giày độc đáo cho đội tuyển Tây Đức tại giải này. Dù sao đi nữa, khi mà Tây Đức thắng ngược 3-2 sau khi bị dẫn trước 2 bàn chỉ trong 8 phút, và thắng một đối thủ từng thắng họ đến 8-3 ở vòng đấu bảng, thì đấy rõ ràng là một chiến tích.

Đấy là chiến tích mang tính cột mốc, khai sáng cho cả một nền bóng đá hàng đầu thế giới! Sau này, ngoài bộ phim “Phép lạ ở Berne” kể về hành trình lên ngôi vô địch thế giới của đội Tây Đức, còn có một bộ phim khác, nói về sự hồi sinh của nước Đức sau thế chiến. Hình ảnh cuối cùng, mang tính biểu tượng, là một hình ảnh có thật, trích ra từ trận chung kết World Cup 1954.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x