World Cup 2018: Vinh danh lối chơi đồng đội và nở rộ kỷ lục

MINH TÂM
Từ 09:02 ngày 18-07-2018
World Cup 2018 đã khép lại với màu sắc chủ đạo là màu lam. Chiến thắng của Pháp đã phủ bóng lên mọi đánh giá về World Cup 2018, với những kết luận như nhà vô địch không nhất thiết phải cầm nhiều bóng, hoặc đội nào càng chơi đồng đội càng dễ thành công hơn những đội phụ thuộc vào các siêu sao…

Lối chơi đồng đội thắng thế

Ngoại trừ trận thắng 4-3 tại vòng 1/8 trước Argentina, nơi một mình thần đồng Kylian Mbappe tàn phá hàng thủ đội bóng Nam Mỹ bằng 2 bàn thắng và 1 đường kiến tạo, các trận đấu còn lại của Pháp đều cho thấy, họ mở cánh cửa thành công bằng lối chơi đồng đội tuyệt vời. 

Trong tay HLV Didier Deschamps luôn có hàng loạt họng súng, chẳng hạn như Griezmann, Mbappe trên hàng tiền đạo, Pogba ở tuyến hai và Pavard, Varane cùng Umtiti ở hàng thủ. Đấy đều là những cái tên đã lập công cho các nhà vô địch World Cup năm nay, qua đó giúp Pháp trở thành đội có số cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 3 giải đấu (6 người), sau Bỉ (10) và Croatia (8).

Nhìn vào danh sách những đội có nhiều cầu thủ ghi bàn cũng dễ dàng đúc kết được “chân lý” rằng, lối chơi đồng đội đã thắng thế tại World Cup năm nay. Những thiên sử thi như một mình Diego Maradona đưa Argentina tới chức vô địch Mexico 1986 đã là dĩ vãng. Bây giờ không còn là thời của những đội bóng một người. Bằng chứng ư? Argentina với Messi và Bồ Đào Nha với Ronaldo đều phải dừng bước sau vòng 1/8. 

Với tổng cộng 10 Quả bóng vàng thế giới đã giành được, hai siêu sao kể trên vẫn không tài nào đưa nổi đội bóng của mình qua vòng knock-out đầu tiên. Bởi vì World Cup 2018 là sân khấu của những đội bóng có lối chơi tập thể. Hãy nhìn 4 đội lọt vào bán kết là Pháp, Croatia, Anh và Bỉ. Không đội nào trong đó có dưới 6 cầu thủ góp tên trên bảng tỷ số (Anh cũng có 6 cầu thủ ghi bàn như Pháp). Hỏa lực đa dạng là yếu tố đem đến thành công.


Không nhất thiết phải cầm bóng nhiều

8 năm trước, Tây Ban Nha vô địch thế giới với “tuyệt đỉnh công phu” mang tên Tiqui-taca, đề cao tuyệt đối việc kiểm soát bóng. Nhưng ở nước Nga mùa Hè này, thời thế đã thay đổi. Pháp đã lên ngôi sau khi đánh bại Croatia tới 4-2 ở trận chung kết dù tỷ lệ kiểm soát bóng của họ thấp khủng khiếp: 34%. Tính trung bình cả giải, đội bóng áo lam cũng chỉ sở hữu tỷ lệ kiểm soát bóng là 48,6%, thấp nhất trong 4 đội lọt vào bán kết.

Đội chủ nhà Nga cũng là một ví dụ. Trung bình cả giải, đội bóng của HLV Cherchesov chỉ cầm bóng vỏn vẹn 39,4%, đứng thứ 3 trong danh sách các đội cầm bóng ít nhất giải. Nhưng thành quả của Nga là gì? Đó là một kỳ World Cup thành công chưa từng có, khi họ vào tới tứ kết và khiến NHM nước nhà ngất ngây với 11 bàn thắng được ghi.

Điều đó chứng tỏ rằng, các đội bóng đã có một cách khác để quyết định vận mệnh của mình, thay vì phải cầm thật nhiều bóng. Họ hoàn toàn có thể chơi chủ động, và chiến thắng, dù nhường sân khấu cho đối phương. Nhường bóng nhưng không nhường không gian, chơi pressing cường độ cực cao và sẵn sàng trừng phạt bằng những đòn phản công đa dạng, thậm chí đôi khi được khởi phát ngay từ…. trước khu cấm địa đối thủ, đấy là những bí quyết giúp các đội bóng thành công tại World Cup năm nay. 

Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng chính bí quyết ấy lại đang giúp World Cup 2018 trở thành “VCK thành công nhất lịch sử” như lời chủ tịch FIFA Infantino. Cả giải, chỉ có duy nhất 1 trận hòa 0-0 (một kỷ lục), có 169 bàn thắng (cao thứ nhì lịch sử) và hàng loạt kỷ lục khác đã xuất hiện.


“Bóng chết” và VAR định đoạt số phận 

Với sự xuất hiện của Trợ lý trọng tài video (VAR), cuộc chơi tại World Cup 2018 đã diễn ra khác hẳn trước đây. Với một số người, VAR khiến các trận đấu mất đi tính tự nhiên vốn có, bị cắt vụn ra và khiến các trọng tài ỷ lại vào công nghệ thay vì dũng cảm đưa ra những quyết định đầy cảm xúc. 

Nhưng với một số người khác, VAR đã đem lại công bằng: các đội bóng nhỏ sẽ dũng cảm hơn khi tấn công các đội lớn, vì nếu có cảm giác mình bị xử ép, họ có quyền đề nghị trọng tài tham khảo VAR. Và vì thế, những quả phạt (nhất là penalty, 22 quả) cũng xuất hiện nhiều hơn. Hệ quả là World Cup 2018 nở rộ những bàn thắng từ “bóng chết”. 

ĐT Anh, với 9 bàn thắng đến từ những tình huống cố định, đã lập kỷ lục về số pha lập công xuất phát từ “bóng chết” trong lịch sử World Cup. Và nhờ những bàn thắng ấy, Tam sư cũng đã có một VCK đặc biệt thành công khi vào tới bán kết. Pháp cũng là đội hưởng lợi lớn từ VAR, với ví dụ rõ nhất chính là trận chung kết. Chỉ 10 phút sau khi bị Croatia gỡ hòa 1-1, Pháp đã có cơ hội vượt lên khi Perisic bên phía Croatia để bóng chạm tay trong vòng cấm. Và sau khi tham khảo VAR, trọng tài cho Les Bleus hưởng quả penalty, để từ đó Griezmann giúp Pháp dẫn 2-1. 

Tính rộng ra, có tới 73 trên tổng số 169 bàn thắng tại World Cup lần này được ghi từ những tình huống cố định, đạt tỷ lệ 43%, cao nhất kể từ năm 1966, thời điểm người ta bắt đầu thống kê những chỉ số chuyên môn World Cup. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x