World Cup 2022: 'Sự sống' có hồi sinh ở 'bảng tử thần'?

Hồ Phương
Từ 15:38 ngày 15-11-2022
Bảng E đang được coi là “bảng tử thần” của World Cup 2022. Vì đây là bảng đấu duy nhất có tới hai đội tuyển từng vô địch World Cup là Đức và Tây Ban Nha. Nhưng nhìn lại lịch sử, việc rơi vào bảng đấu này không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho Mannschaft và La Roja...

Khái niệm “bảng tử thần” giờ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chày, cầu lông, rugby, cricket, khúc côn cầu trên băng cho đến... Esports. Nhưng khởi nguyên của nó chính là bóng đá, và chính xác thì nó bắt nguồn chính từ một kỳ World Cup. Cụ thể hơn, khái niệm “bảng tử thần” (grupo de la muerte) lần đầu được sử dụng bởi các tờ báo của nước chủ nhà Mexico để chỉ bảng 3 của World Cup 1970.

Bảng đấu này quy tụ toàn “thú dữ” của bóng đá thế giới khi ấy, bao gồm nhà đương kim vô địch thế giới Anh, đội á quân World Cup 1962 là Tiệp Khắc, ứng cử viên hàng đầu Brazil cộng với Romania. Cũng kể từ thời điểm đó, cứ mỗi kỳ World Cup là người ta lại háo hức đi tìm một “bảng tử thần”. Nhưng sau những vinh quang ban đầu, việc góp mặt ở bảng đấu khó nhằn nhất của một kỳ Mundial dần đi kèm với những rủi ro mà không đội nào muốn nếm trải.

Chính xác thì ở buổi ban đầu, “bảng tử thần” vẫn còn đem lại may mắn cho những đội bóng góp mặt. Chức vô địch World Cup 1970 của Brazil là một ví dụ. Sau khi toàn thắng cả ba trận vòng bảng trước Tiệp Khắc, Anh và Romania, Selecao đã tiếp tục đánh bại Peru ở tứ kết, vượt qua Uruguay tại bán kết rồi vùi dập Italia 4-1 trong trận chung kết để có lần thứ 3 đăng quang.

Bốn năm sau, “bảng tử thần” được xác định là bảng 3 của kỳ World Cup 1974 với sự hiện diện của Hà Lan, Thụy Điển, Bulgaria và Uruguay. Và lần này, cái tên được vinh danh là Hà Lan. “Thế hệ vàng” của Oranje khi ấy với những Johan Cruyff, Johan Neeskens, Rob Rensenbrink và Ruud Krol đã đi một lèo tới trận chung kết, trước khi bị khuất phục trước Tây Đức.

Câu chuyện của kỳ World Cup 1970 tiếp tục lặp lại tại Argentina năm 1978. Thời điểm ấy, đội chủ nhà cũng rơi vào bảng đấu khó nhất với Italia, Pháp và Hungary. Nhưng dù chỉ xếp nhì bảng, Albiceleste sau đó vẫn đi đến trận đấu cuối cùng và có lần đầu đăng quang sau chiến thắng trước... Hà Lan.

Tuy nhiên, World Cup 1978 cũng là kỳ Mundial cuối cùng mà một đội tuyển lên ngôi vô địch sau khi bước ra từ “bảng tử thần”. Sau giải đấu diễn ra trên đất Argentina, thành tích tốt nhất của các đội từng góp mặt tại “grupo de la muerte” chính là ngôi á quân. Điều này đã diễn ra 3 lần với Tây Đức (á quân World Cup 1986), Argentina (1990) và Italia (1994). Còn trước đó, Pháp chỉ lọt vào bán kết tại Espana 1982.

Thành tích của các bảng "tử thần" qua các kỳ World Cup

Nhưng ít ra, đó vẫn là những thành tích đáng tự hào. Còn sau cột mốc 1994, “bảng tử thần” bắt đầu thực sự mang hơi thở của... tử thần. Trong 6 kỳ World Cup diễn ra từ năm 1998 đến 2018, các đội bóng góp mặt tại bảng đấu khốc liệt nhất thậm chí chưa bao giờ vượt qua được tứ kết.

Tại France 1998, ông lớn Tây Ban Nha và đệ tứ anh hào thế giới Bulgaria đã dừng chân ngay ở vòng bảng. Hai cái tên còn lại của “bảng tử thần” năm đó là Nigeria và Paraguay cũng chỉ tồn tại đến vòng 1/8. Bốn năm sau, câu chuyện tương tự lặp lại trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc khi Argentina và Nigeria bị loại từ vòng bảng, còn Anh và Thụy Điển đi tiếp nhưng Tam Sư cũng sớm dừng chân tại tứ kết.

Vòng tứ kết vẫn là cái ngưỡng không thể vượt qua với các đội ở “bảng tử thần” trong 4 kỳ World Cup tiếp theo. Đó là các trường hợp của Argentina (2006), Brazil (2010), Costa Rica (2014) và Thụy Điển (2018). Trong số này, việc hai cái tên sau sớm dừng bước là điều có thể đoán trước, nhưng không ai nghĩ rằng ngay cả hai gã khổng lồ của bóng đá Nam Mỹ cũng phải chịu chung số phận.

Nói vậy để thấy, “bảng tử thần” giờ đang trở thành nỗi ám ảnh thực sự với các tên tuổi lớn. Ở bảng E của World Cup 2022, dĩ nhiên Đức và Tây Ban Nha vẫn được đánh giá cao hơn nhiều so với Costa Rica và Nhật Bản. Tuy nhiên, những tấm gương của quá khứ lại đang dự báo một tương lai đầy u ám với La Roja và Mannschaft.

Để vô địch World Cup thì ngoài tài năng và bản lĩnh, một đội bóng còn cần cả sự may mắn. Giấc mơ đăng quang hoàn toàn có thể tan vỡ chỉ sau một cú vấp, và không phải đội nào cũng có thể lên ngôi sau khi thua trận mở màn như Tây Ban Nha năm 2010. Việc rơi vào “bảng đấu khó” sẽ càng khiến nhiệm vụ của các đội trở nên nặng nề hơn và vì thế, khả năng sảy chân lại càng lớn. Nhưng tất nhiên, khi trái bóng chưa lăn thì người ta vẫn có quyền hy vọng. Rằng Đức hoặc Tây Ban Nha có thể tạo ra sự khác biệt, ở kỳ World Cup cuối cùng xuất hiện “bảng tử thần”.

“Bảng tử thần” sẽ biến mất vào năm 2026
Gần như chắc chắn, giải đấu ở Qatar sẽ là kỳ World Cup cuối cùng xuất hiện “bảng tử thần”. Vì với việc mở rộng số đội tham dự từ 32 lên 48 ở World Cup 2026, khả năng nhiều đội bóng lớn cùng rơi vào một bảng đấu tại Mỹ, Canada và Mexico là rất thấp. Rob Fielder, tác giả cuốn “Lịch sử toàn diện về World Cup”, thậm chí từng khẳng định rằng “FIFA sớm muộn gì cũng tăng số đội dự World Cup lên 64” và khi ấy, khái niệm “bảng tử thần” sẽ hoàn toàn biến mất.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x