Chấm dứt kỷ nguyên 'đốt tiền', bóng đá Trung Quốc cùng hiệp lực tái thiết

Kỳ Lâm
20:26 ngày 22-02-2021
Tham vọng sớm biến Trung Quốc thành một nền bóng đá mạnh đủ sức vô địch World Cup hay đăng cai VCK World Cup đã khiến giới doanh nhân nước này vung tiền để thu hút siêu sao thế giới về giải đấu của họ để thi đấu hoặc thu gom các CLB bóng đá nước ngoài như AC Milan hay Inter Milan… Nhưng giờ đây, tham vọng đã có dấu hiệu diệt vong.

ĐÒN ĐAU CỦA CFA VỚI NGOẠI BINH

Vào tháng 1/2017, khi ngôi sao người Brazil - Oscar chuyển từ Chelsea sang Shanghai SIPG với mức giá kỷ lục chuyển nhượng của châu Á là 60 triệu euro, HLV Arsene Wenger đã cảnh báo rằng các CLB Trung Quốc đang bóp méo thị trường chuyển nhượng toàn cầu. Nhưng thời kỳ đó đã nhanh chóng chấm hết.

4 năm sau vụ chuyển nhượng mở màn đó lại là một câu chuyện rất khác sau khi LĐBĐ Trung Quốc áp đặt một loạt biện pháp nhằm xóa bỏ thói chi tiêu xa hoa ở giải Super League Trung Quốc (CFA) bằng cách làm giảm sức mạnh của những ngôi sao ngoại nhập bằng thuế và giới hạn thu nhập.

6 tháng sau khi Oscar đến, CFA đã đánh thuế thu nhập 100% đối với thu nhập của đối tượng người nước ngoài và mức thuế này cũng sẽ được áp dụng với các cầu thủ trẻ đang lên người bản địa. Vào tháng trước, CFA tuyên bố cầu thủ nước ngoài không được kiếm nhiều hơn 3 triệu euro một năm. Các cầu thủ nội cũng bị giới hạn mức lương.

Chủ tịch của CFA là Chen Xuyuan cho biết: “Chi tiêu của các CLB thuộc giải Chinese Super League (CSL) cao gấp khoảng 10 lần so với giải K.League của Hàn Quốc và gấp ba lần so với giải J.League của Nhật Bản. Tuy nhiên, ĐTQG đang bị tụt hậu rất xa. Bong bóng tiền bạc không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn cả tương lai của bóng đá Trung Quốc”.

Hulk đã đào tẩu khỏi CSL khi tiền lương không béo bở như trước

Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, tất cả các cầu thủ hiện tại phải ký lại hợp đồng mới, và các CLB có thể ký điều khoản bổ sung với những cầu thủ hiện đang có mức lương cao hơn giới hạn. Điều đó có nghĩa là tiền vệ 29 tuổi Oscar sẽ tiếp tục kiếm được hơn 20 triệu euro/năm trong thời điểm hiện tại.

Nhưng thông điệp của CFA rất rõ ràng: thời kỳ bơm thổi mức chuyển nhượng và tiền lương để thu hút các ngôi sao từ châu Âu sang CSL đã kết thúc. Đồng đội tại ĐT Brazil và SIPG của Oscar là Hulk, 34 tuổi, được mua với giá 55,8 triệu euro vào năm 2016, đã rời CLB sớm vài tháng trước khi hết hạn hợp đồng.

Tiền đạo người Italia, Graziano Pelle cũng là một kẻ đào tẩu nổi bật khác bởi những ngày "việc nhẹ, lương cao" chỉ còn là dĩ vãng. Tờ Soccer News hôm thứ Ba cho biết, những vụ ra đi này "báo trước sự kết thúc của kỷ nguyên ngoại binh siêu sang".

"CÁI CHẾT" CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC Ở CHÂU ÂU

Không phải ngẫu nhiên mà giới chủ sở hữu người Trung Quốc của các CLB bóng đá châu Âu như Inter Milan, Southampton và West Brom đều đang rao bán CLB. Những tay đầu tư người Trung Quốc vào các liên doanh sở hữu CLB bóng đá châu Âu đã nhìn thấy điểm kết thúc của mình.

Mới đây, nguồn cấp dữ liệu phát sóng cho các trận đấu tại Serie A đã được lấy từ PP Sports, nền tảng phát trực tuyến Trung Quốc thuộc sở hữu của Suning Holdings. Những khán giả hy vọng xem cuộc đụng độ giữa Fiorentina và AC Milan đã khá bất ngờ khi biết trận đấu không được lên sóng như lịch trình.

Thời đại các siêu sao ùn ùn đầu quân cho CSL nhờ lương cao đã chấm dứt

Nguyên nhân là do PP Sports thuộc sở hữu của Trung Quốc đã không thanh toán được cho đối tác IMG, người đã mua lại quyền phát sóng giải đấu vào năm 2017. Chỉ 5 tháng trước, một tình huống tương tự cũng xảy ra ở Premier League khi phía đối tác châu Âu chấm dứt hợp đồng truyền hình trị giá 564 triệu bảng với PP Sports sớm 2 năm sau khi công ty này từ chối các khoản thanh toán vì họ muốn thương lượng lại các điều khoản mà họ tin rằng là đắt cắt cổ.

Trong khi đó, chủ sở hữu của các CLB như Southampton, West Bromwich và Inter Milan đều đang đàm phán về việc bán lại CLB như một dấu hiệu cho thấy xu hướng rõ ràng: các nhà đầu tư Trung Quốc đang rút khỏi mặt trận bóng đá châu Âu.

Giáo sư Simon Chadwick của Đại học Tài Chính Emlyon cho biết: “Mọi thứ đã thay đổi đáng kể và chính phủ Trung Quốc hiện đang mong đợi giới đầu tư trong nước chấm dứt các khoản đầu tư ở nước ngoài để đem về đầu tư tại đất nước".

Vậy nguyên nhân cụ thể nào đã dẫn đến điều này? Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình từ lâu đã đặt mục tiêu rõ ràng là biến Trung Quốc trở thành một nền bóng đá hàng đầu của FIFA và sẽ đoạt quyền đăng cai World Cup. Một chiến lược được thiết lập vào năm 2015 để biến mục tiêu của ông Tập thành hiện thực.

Trong chiến lược đó, những việc được ưu tiên thực hiện là thông qua sự kết hợp giữa các khoản đầu tư ở nước ngoài và trong nước. Trong khi một số nguồn lực vươn ra nước ngoài, đặc biệt là hướng đến châu Âu, thì những nguồn lực khác tập trung vào thị trường trong nước, chủ yếu thông qua việc lôi kéo các siêu sao bóng đá đến CSL bằng mức tiền lương cao ngất ngưởng.

Không những thế, những nhà đầu tư như Steven Zhang cũng đã tìm cách bán lại CLB Inter Milan

Tuy nhiên, theo giáo sư Chadwick, chiến lược này đã thất bại. Trong khi các khoản đầu tư nước ngoài đều rơi vào tình cảnh lãng phí về tài chính, còn nền kinh tế bóng đá trong nước phát triển quá nóng. Carlos Tevez là ví dụ điển hình khi được Shanghai Shenhua chiêu mộ với mức lương 660.000 USD một tuần.

Ông Chadwick nói: "Bóng đá Trung Quốc đang cùng nhau hành động sau khi bị đốt cháy bởi tham vọng của lãnh tụ, và Tevez là đốm lửa mồi châm ngòi cho điều đó. Đây thực sự không phải là điều mà chính phủ Trung Quốc dự tính khi họ đưa ra chiến lược này".

Ngoài ra, các quy định mới đã được đưa ra vào năm 2017 vì chính phủ Trung Quốc lo ngại việc rửa tiền hay tháo vốn. Nghĩa là các nhà đầu tư giờ đây sẽ phải trình bày một lý do rõ ràng nếu họ muốn mua một CLB bóng đá ở Anh.

Nhà phân tích hàng đầu về Trung Quốc là Christina Boutrup - người được bổ nhiệm vào hội đồng chuyên gia về Trung Quốc của chính phủ Đan Mạch và là tác giả của một số cuốn sách kinh doanh về Trung Quốc, bao gồm một cuốn sách viết về các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu - cho biết kỳ vọng về việc các công ty đầu tư kiểu này sẽ đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc ngày càng được nhấn mạnh.

"Nếu bạn có thể đưa ra một trường hợp đầu tư có lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bóng đá Trung Quốc, bạn vẫn được cấp phép. Động lực đằng sau những khoản đầu tư này của Trung Quốc luôn là học hỏi và sau đó đặt cược vào thị trường Trung Quốc. Nhưng ai cũng thấy, việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua một CLB bóng đá chưa bao giờ là một khoản đầu tư tốt", bà nói.

Paul Conway, một cựu chủ ngân hàng đầu tư đã tham gia vào kỷ nguyên bùng nổ 2006-2010 ở Trung Quốc và hiện sở hữu các CLB như Barnsley, Esbjerg, FC Thun, AS Nancy và KV Oostende, cho biết việc đầu tư ở nước ngoài giờ đã trở nên khó hơn với các doanh nhân Trung Quốc.

"Hầu hết các CLB nước ngoài do người Trung Quốc kiểm soát dự kiến sẽ bị bán trong vài năm tới. Đây là một sự nhạy cảm về mặt chính trị của chính phủ. Nếu anh yêu bóng đá, muốn đầu tư vào bóng đá, thì hãy tập trung đầu tư trong nước. Họ muốn cải thiện chất lượng bóng đá ở địa phương, ở đất nước họ nhằm tiến tới mục tiêu vô địch World Cup sau 20 năm nữa", ông nói.

Từ mối quan hệ tương đối ngắn ngủi với bóng đá châu Âu, Trung Quốc đã học được rằng sự khác biệt về văn hóa và sự hiểu biết về cấu trúc bên trong của môn thể thao này có thể không phù hợp với những mục tiêu mà họ đang tìm cách đạt được.

Giáo sư Chadwick phân tích: “Chính phủ coi các khoản đầu tư vào Southampton, West Brom, Aston Villa, Sochaux và Slavia Prague là lãng phí tài chính, vì vậy bây giờ về cơ bản họ đang kêu gọi những nhà đầu tư này về nước".

Báo cáo tài chính cho thấy các vụ đầu tư vào việc mua các CLB bóng đá châu Âu của người Trung Quốc đều thua lỗ

Nói chung, ông Chadwick tin rằng người Trung Quốc đã đánh giá quá cao tốc độ phát triển đầu tư vào bóng đá. Ông lấy ví dụ về PSG - một vụ đầu tư đã mất gần 10 năm để khẳng định vị thế siêu cường của bóng đá châu Âu. "Một số người cho rằng việc mua một CLB cũng giống như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác, nhưng rõ ràng không phải vậy. Áp lực chi phí rất lớn và việc xây dựng doanh thu là một dự án rất dài hạn".

Boutrup đồng tình: "Sự phát triển mà chúng ta đang thấy ở thời điểm hiện tại là kết quả của việc các khoản đầu tư vào bóng đá châu Âu đã trở nên rõ ràng không mang lại lợi ích cho sự phát triển của Trung Quốc. Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng hầu như chẳng đem lại về được gì". 

Rowan Simons, người đã làm việc trong ngành truyền thông và thể thao ở Trung Quốc hơn 30 năm và là người sáng lập China Club Football - mạng bóng đá cơ sở độc lập lớn nhất ở Bắc Kinh - đã chỉ ra những lĩnh vực khác đang bị hãm để có thành công. Ông nói: “Rất ít cầu thủ Trung Quốc có thể tỏa sáng ở châu Âu, vì vậy việc sở hữu một CLB không phải là cửa ngõ để bơm các tài năng Trung Quốc đến với bóng đá châu Âu".

Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất nói rất rõ ràng rằng họ muốn sử dụng vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng bóng đá trong nước, nhưng họ không buộc bất cứ ai phải rút khỏi bóng đá châu Âu. Nếu một công ty thuộc sở hữu nhà nước, họ sẽ bị áp lực buộc phải rời châu Âu và bơm tiền vào bóng đá ở Trung Quốc. Nhưng nếu công ty đó thuộc sở hữu tư nhân, chính phủ hiểu rằng hoạt động kinh doanh trên toàn cầu rất phức tạp và không thể rút khỏi mọi thứ ngay được. 

Tất nhiên, đại dịch COVID-19 không làm cho việc duy trì các khoản đầu tư ở châu Âu trở nên dễ dàng hơn, nhưng nó cũng nhấn mạnh thực tế rằng bóng đá là một lĩnh vực tốn kém. Hơn nữa, do đại dịch, giới chủ CLB không thể bay đến châu Âu và xem đội của họ thi đấu và kiếm tiền.

Vài năm trước, chính phủ Trung Quốc bắt đầu đặt câu hỏi về việc thu hồi vốn từ các thương vụ đầu tư ở châu Âu. Nhưng tất cả phải làm việc thông qua một hệ thống và điều đó tạo ra độ trễ thời gian. Phải mất thời gian mới tìm được người mua một CLB bởi việc này không đơn giản như bán một mớ rau. Nhưng dù sao, thời kỳ người Trung Quốc hỏi mua cả châu Âu cũng đã sắp tiêu tan. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x