Barcelona đang mộng du trong khu rừng tăm tối

Sau 3 trận hoà liên tiếp, Barcelona đã đánh mất lợi thế của mình và gần như quỳ gối dâng chức vô địch La Liga 2019/20 cho đại kình địch Real Madrid. Điều gì đã khiến Barca rơi vào vũng bùn như thế?
 
 

Kết quả và hiệu suất thi đấu là bằng chứng không thể rõ ràng hơn về sự suy giảm chất lượng đội hình của nhà ĐKVĐ La Liga trong vài năm qua, và sự suy giảm đó đã tăng tốc trong mùa giải này. Họ đã thường xuyên vấp ngã một cách đáng báo động và đội chủ sân Camp Nou đang mộng du trong rắc rối.

Mùa Hè 2014 là lần cuối cùng, lần đầu tiên đội hình chính của Barca được củng cố nghiêm túc. Trong kỳ chuyển nhượng đó, 165 triệu euro đã được chi, đem về các cầu thủ có chất lượng hàng đầu như Luis Suarez, Marc- Andre ter Stegen và Ivan Rakitic, những người đã nhanh chóng hoà nhập, cải thiện các khâu quan trọng của đội bóng và mùa giải kết thúc với cú ăn ba Champions League, La Liga và Copa del Rey.

Kể từ đó, Barca đã chi hơn 800 triệu euro cho các cầu thủ mới, nhưng thậm chí không ai trong số tân binh này xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng của mình. Những trụ cột đã đem lại thành công cho Barca như Andres Iniesta, Xavi, Dani Alves và Javier Mascherano đã ra đi song không được thay thế thoả đáng.

Cho dù, ở đội hình hiện tại, các cầu thủ then chốt có mặt trong cú ăn ba đó vào năm 2015 vẫn còn như Gerard Pique, Sergio Busquets, Lionel Messi và Suarez, những người giờ đã bước sang tuổi 30. Họ không thể th eo kịp với lịch trình thi đấu cứ 3-4 ngày một trận.

Cú trượt chân thứ hai liên tiếp của Barca, trước Atletico Madrid, đã khiến Real Madrid vui mừng khôn tả. Nhờ đó, họ đã gần như chạm 1 đầu ngón tay vào chức vô địch La Liga, để dành tâm sức cho cuộc chiến ở Champions League.

Trong khi đó, những CĐV của Barca ngày càng lo lắng thật sự về những gì sẽ xảy ra với CLB này trong mùa giải tới cũng như trong tương lai lâu dài. Đòn đau đầu tiên mà Barca lĩnh nhận sau khi giành cú ăn ba năm 2015 là lệnh cấm chuyển nhượng vì vi phạm quy định của FIFA về việc ký hợp đồng với các cầu thủ trẻ.

Hệ quả là, các cầu thủ mà Barca đã ký vào mùa Hè đó không thể thực sự thi đấu tại Camp Nou đến tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, Barca đã chi 51 triệu euro cho Arda Turan và Aleix Vidal từ Atletico và Sevilla, như những tăng cường cho vị trí tiền vệ tấn công và hậu vệ phải.

Song những cầu thủ này cũng chẳng phát huy được những giá trị mà Barca mong muốn. Vidal trở lại Sevilla vào năm 2018, trong khi Turan, người đã dành cả lượt đi mùa giải 2019/20 tại Istanbul Basaksehir theo dạng cho mượn và ăn không ngồi rồi trong những tháng cuối cùng trong hợp đồng với Barca.

Đến mùa Hè 2016, họ đã chi 125 triệu euro cho Andre Gomes, Paco Alcacer, Samuel Umtiti, Lucas Digne, Jasper Cillessen và Denis Suarez. Umtiti là người duy nhất được thi đấu trong trận hoà CeltaVigo vào hôm thứ Bảy tuần trước, nhưng lại mắc lỗi trầm trọng trong bàn thua đầu tiên.

12 tháng sau, Neymar đã đào tẩu khỏi Camp Nou đến Paris Saint-Germain với giá 222 triệu euro. Sau đó, Barca đã chi 375 triệu euro cho Ousmane Dembele, Philippe Coutinho, Paulinho, Nelson Semedo, Yerry Mina, Gerard Deulofeu và Marlon. Không ai trong số này còn ở lại hoặc được thi đấu thường xuyên.

Mùa giải 2018/19, Barca lại tiếp tục vung 129 triệu euro để mua các tân binh Malcom, Clement Lenglet, Arthur, Arturo Vidal và Jeison Murillo (được dùng thử trước khi mua). Chỉ có Vidal là bản hợp đồng có giá trị, nhưng anh ta không phải là một nhân tố lớn trong lối chơi của Barca và không thể là sự thay thế xứng đáng cho Iniesta và Xavi.

Arthur, người được cho là nhân vật sẵn sàng để nắm quyền cai trị tiki-taka ở hàng tiền vệ, nhưng cầu thủ người Brazil vừa được Juventus chiêu mộ với giá 72 triệu euro. Barca đã bán niềm hy vọng của mình bất chấp Arthur vẫn muốn được ở lại để có cơ hội chứng minh năng lực.

Mùa giải đầy biến cố này, Barca lại được nhắc đến trên thị trường chuyển nhượng khi đã đầu tư 273 triệu euro để mua những hảo thủ như Antoine Griezmann, Frenkie de Jong, Neto, Junior Firpo, Emerson và Marc Cucurella, và mục tiêu bất đắc dĩ Martin Braithwaite.

Không ai trong số những cầu thủ này được ra sân trong đội hình chính của Barca trong 2 trận đấu thảm hoạ gần nhất với Celta và Atletico. De Jong bị chấn thương là lý do dễ chấp nhận, thế nhưng còn Griezmann, bản hợp đồng có giá 120 triệu euro?

 
 

Rất nhiều tiền đã được chi, nhưng không có cầu thủ nào trong số hơn 30 tân binh của Barca tìm kiếm được sự thành công tại Camp Nou. Có những người sau khi ra mắt là lại trôi dạt về những bến đỗ kém danh giá hơn như Everton, Villarreal và Celta, chẳng hạn như Andre Gomes, Paco Alcacer và Denis Suarez. An ủi là họ lại tìm được chỗ đứng của mình tại đó.

Coutinho và Dembele là những cầu thủ tài năng ở đẳng cấp thế giới nhưng có vẻ không phù hợp với Barca. Còn Griezmann và De Jong, dù đã rất nỗ lực nhưng cũng chưa thể hòa nhập với đội bóng mới. Nguyên nhân của nỗi thất vọng này không hoàn toàn thuộc về lỗi của cầu thủ, mà lại nằm ở những sai lầm trong quản lý và kế hoạch cơ cấu của BLĐ hiện tại.

Tất nhiên, việc ký hợp đồng với các tân binh không phải là một môn khoa học chính xác và tất cả các CLB đều mắc sai lầm trên thị trường chuyển nhượng, dù ít hay nhiều. Nhưng Barca đã bắt đầu những sai lầm đó từ vị thế tuyệt vời của họ: CLB giàu nhất thế giới, CLB trả lương cao nhất thế giới, CLB vĩ đại nhất thế giới và CLB có huyền thoại đương đại vĩ đại nhất thế giới, Lionel Messi.

Những yếu tố này cho thấy, trong một thời gian lâu dài, Barca luôn ký hợp đồng với những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Cho dù những ngôi sao đó là ai, từ Thierry Henry, Mascherano, David Villa, Luis Suarez đến Griezmann, họ đều nỗ lực để được đến Camp Nou.

Những ngôi sao ngoại quốc này kết hợp với những tài năng của lò La Masia đã tạo nên một đội bóng vĩ đại và cực kỳ thành công. Đó là ánh hào quang lấp lánh muôn đời của Barcelona, một CLB bóng đá bền bỉ với triết lý: Còn hơn cả một CLB.

Nhưng thế giới bóng đá đã phát triển, đặc biệt là với sự gia nhập của các tỷ phú chống lưng cho những CLB như Paris Saint-Germain và Man City. Và Barca cũng đã tự thổi bay vị trí thống trị của mình bởi không tập trung nghiêm túc hoặc không thông minh trong các vụ chuyển nhượng.

Vấn đề lớn của Barca là họ không có một một đội ngũ có thể đưa ra những quyết sách vĩ mô ổn định trong suốt 5 năm qua. Kể từ khi giám đốc bóng đá Andoni Zubizarreta bị sa thải vào tháng 1 năm 2016, những người có tiếng nói trong việc ra quyết định chi tiêu bao gồm chủ tịch Josep Maria Bartomeu, 2 thành viên HĐQT Javier Bordas và Jordi Mestre, các giám đốc thể thao Raul Sanllehi, Robert Fernandez, Ramon Planes và Eric Abidal, giám đốc điều hành Oscar Grau và tổng giám đốc Pep Segura.

Trong tất cả những kẻ đến người đi, trong những vụ đấu đá nội bộ, người ngoài khó có thể biết chính xác ai là nhân vật đưa ra quyết định. Zubizarreta đã làm việc chặt chẽ với HLV Luis Enrique trong việc xác định mục tiêu chuyển nhượng và ký hợp đồng với mục đích tối cao là để cải thiện đội bóng - như đã từng làm với Pep Guardiola.

Song, HLV Ernesto Valverde lại là người có rất ít tiếng nói trong các vấn đề chuyển nhượng trong thời gian ông huấn luyện Barca, cũng như HLV hiện tại Quique Setien, người được bổ nhiệm thay Valverde, chỉ biết sử dụng những cầu thủ mà BLĐ mua về.

Zubizarreta đã bị Bartomeu sa thải sau khi công khai đặt câu hỏi về các quyết định của các thành viên trong hội đồng quản trị. Vụ sa thải này thể hiện sức mạnh của chủ tịch Bartomeu, nhưng nó cũng phơi bày nhiều điểm yếu của nhân vật này.

Carles Puyol, công thần sau khi giải nghệ đã đảm nhiệm vị trí trợ lý giám đốc thể thao tại Barca, đã từ chối chức vụ giám đốc thể thao của CLB cũ. HLV Luis Enrique cũng đã quyết định tự ra đi sau khi mãn hạn hợp đồng với CLB vào cuối mùa giải năm 2017.

Abidal không còn được xem là người có tiếng nói lớn trong các quyết định chuyển nhượng, trong khi vị trí của ông ở trong và ngoài phạm vi CLB đã suy giảm sau khi công khai đối đầu với Messi hồi đầu mùa này. Patrick Kluivert đang ở Nou Camp với tư cách là giám đốc học viện nhưng cũng chẳng là gì với Bartomeu và các giám đốc đồng nghiệp.

Bây giờ, nhiều người có kinh nghiệm từng phục vụ cho Barcelona lại thích chuyển sang làm việc với HLV Pep Guardiola tại Man City hơn là ở lại Nou Camp. Đó là một thực tế éo le và khiến nhiều Cules cùng những người gắn bó với Barca đau lòng.

 

Cách thức sa thải của HLV Valverde vào tháng 1/2020 đã phơi bày rõ ràng cách mọi thứ hỗn loạn đang được xử lý. Để giảm bớt áp lực lên BLĐ sau thất bại trước Atletico tại Siêu Cúp TBN, Barca đã thông báo với các phóng viên rằng Xavi đang được tiếp cận để thay thế Valverde.

Khi Xavi từ chối ngay lập tức trở về từ Qatar, họ lập tức tuyên bố Ronald Koeman và Mauricio Pochettino không đủ năng lực để trở thành HLV mặc dù chẳng ai trong số 2 người này có chỉ dấu về việc trở thành HLV của Barca vào lúc đó.

Và rồi HLV Setien đã có mặt. Đây là chiến lược gia đã bị Real Betis sa thải vào mùa hè năm ngoái. Dù phong cách bóng đá lấy cảm hứng từ Johan Cruyff của ông khiến Setien không xa lạ gì với các Cules và giới chuyên môn, nhưng chính ông cũng thừa nhận ông quá sốc khi biết Barca mời mình.

Setien không có cá tính hoặc bản CV thực sự ấn tượng để chinh phục được được những cái Tôi nặng ký trong phòng thay đồ hoặc với các ông chủ trong phòng họp. Trên sân cỏ, đội bóng đã không được cải thiện đáng kể, ngược lại, những khiếm khuyết tương tự dưới thời Valverde càng trở nên rõ ràng hơn dưới thời của Setien.

Việc đội bóng già cỗi Barca đã giành được 3 trong số 4 danh hiệu La Liga kể từ cú ăn ba 2015 phản ánh một thực tế rằng nó là kết quả từ nỗ lực và tài năng của một nhóm cầu thủ ưu tú nòng cốt bao gồm Pique, Busquets, Suarez, và đặc biệt là Messi, người còn phải làm việc điên cuồng cả trong và ngoài sân bóng.

Thêm vào đó, thành công ở giải quốc nội của Barca cũng một phần bởi Real Madrid đã suy yếu đáng kể, đặc biệt là kể từ khi Cristiano Ronaldo ra đi vào năm 2018. Các cầu thủ quan trọng nhất của Real như Sergio Ramos, Luka Modric, Karim Benzema, cũng đã bước vào ngưỡng xế chiều ngoài 30 tuổi.

Trong khi đó, Atletico cũng đang phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp của riêng họ, với hầu hết những gương mặt cùng từng HLV Diego Simeone vô địch La Liga 2013/14 hoặc đã ra đi hoặc đã qua đỉnh cao phong độ. Barca đã thành công khi suy yếu ít hơn các đối thủ mà thôi.

Nhưng khi nhìn ra châu Âu, chúng ta mới thực sự thấy rõ sự sa sút của Barca, với những vũng lầy bế tắc trong 4 mùa giải Champions League vừa qua, đặc biệt ở nỗi nhục nhã tại Anfield, khi bị Liverpool cho nếm mùi lội ngược dòng phi tưởng tượng.

Mùa giải 2019/20 không phải là một La Liga cổ điển cho bất kỳ đội bóng hàng đầu nào ở Tây Ban Nha. Barca đã có thể giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát tại Camp Nou khi chiến thắng 15 trong số 17 trận sân nhà, chỉ để hoà 2 trận - một là trận El Clasico không bàn thắng với Real, một là trận hoà 2-2 với Atletico mới đây.

Nhưng họ cũng chỉ thắng 6 trong 16 trận sân khách tại La Liga mùa này, tương đương tỉ lệ của Getafe và Real Sociedad, thậm chí còn kém Villarreal (7). Vì vậy, chuỗi 3 trận hoà liên tiếp đầy tai hoạ gần đây không thực sự khiến ai bất ngờ, mà nó phù hợp với thực trạng của đội bóng.

Trong số những cầu thủ chủ chốt hiện tại, chỉ có thủ thành Ter Stegen, 28 tuổi, đang ở đỉnh cao. Trong khi đó, Suarez vẫn chưa hoàn toàn lấy lại được phong độ sau ca phẫu thuật đầu gối dù có cả 3 tháng nghỉ đấu vì đại dịch Covid-19.

Còn siêu sao Messi đang phải vật lộn với lịch thi đấu dày đặc và khắc nghiệt. Anh vẫn tham gia vào những tình huống dẫn đến bàn thắng của Barca nhưng đã sút hỏng nhiều hơn, không còn ghi được những bàn thắng quyết định đem về chiến thắng. Cả Rakitic, Pique hay những gương mặt trẻ như Ansu Fati và Riqui Puig đều bất lực trong việc giúp Barca có 3 điểm.

Setien vẫn cứ đứng bên đường biên như một hình nộm, không thể làm gì để giúp Barca thoát khỏi vũng lầy hiện tại hoặc đưa ra giải pháp cho những trận đấu tiếp theo. Ông cũng ít xuất hiện công khai nhiều hơn, như để trốn tránh những cơn bão chỉ trích về khả năng lớn cho một mùa giải trắng tay.

Trong khi đó, Bartomeu và HĐQT vẫn đang miệt mài thực hiện các giao dịch chuyển nhượng lớn ở mùa tới. Ông ta đã quyết định tăng độ tuổi trung bình của Barca già nua bằng một Miralem Pjanic, tiền vệ đã 30 tuổi của Juventus.

Một hợp đồng đắt giá cho tiền đạo của Inter Milan, Lautaro Martinez cũng đang được Bartomeu theo đuổi, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đầy nguy hiểm do đại dịch Covid-19 gây ra.

Pjanic và Lautaro đều là những cầu thủ giỏi, nhưng Barca cần phải đổi được đổi mới bằng một đội hình có chiều sâu. Nhưng điều này khó có thể có được cho đến khi HĐQT và BLĐ hiện tại được thay thế vào mùa Hè 2021. Một cuộc cách mạng rung chuyển có thể đến vào lúc đó, để một BLĐ mới xây dựng lại Barca đã tan nát và lạc đường suốt 5 năm qua.

“Đám sếp sòng không bao giờ biết được tại sao đội bóng chiến thắng, vậy làm sao họ biết được thất bại do đâu?”. Đó là một câu nói kinh điển của Thánh Johan Cruyff trong thời gian ông dẫn dắt Barcelona vào đầu những năm 1990.

Những lời sấm truyền đó lại vang lên đúng như những gì đang diễn ra trong ngày hôm nay, khi Barca tự nguyện dâng vinh quang cho Real Madrid.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x