Quả bóng nữ 2018 - Hegerberg hơn… một mớ đàn ông

ĐỖ HIẾU
20:21 ngày 04-02-2019
Không tự nhận là một nhà nữ quyền, hoặc tự cho bản thân quyền gây ảnh hưởng đến người khác thông qua các phát ngôn, nhưng Ada Hegerberg thật sự là biểu tượng của phụ nữ độc lập, không chỉ tại Na Uy hay châu Âu, mà trên toàn thế giới. Quả bóng vàng nữ 2018 thật sự hơn… một mớ đàn ông.
Quả bóng nữ 2018 - Hegerberg hơn… một mớ đàn ông  (Báo Tết)
Thời khắc lên sân khấu nhận Quả bóng vàng 2018, Ada Hegerberg trở thành cầu thủ nữ đầu tiên trong lịch sử nhận giải thưởng này, đáng ra phải tươi đẹp và lung linh hơn thế. Ngay khi DJ Martin Solveig yêu cầu cô gái 23 tuổi nhảy một điệu… lắc mông, Ada đã quay lưng toan bỏ đi. Nhưng rồi, cô vẫn ở lại, làm đủ thủ tục của lễ trao giải, và tiếp tục nghe những lời… lạ lùng. Trong lời cảm ơn, Antoine Griezmann gọi Ada là “cô gái đến từ Lyon nào đó”, và Ada cũng chỉ lặng im. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của cô khi ấy: Quả bóng vàng được tôn vinh, bị đối xử như một cô gái lạ mặt ở quán bar, và người ta không hỏi cô về những thành tựu trong sự nghiệp bóng đá, mà thắc mắc về hình thể, và không thèm nhớ tên cô là gì?

Đó là một sự coi thường. Dù DJ Solveig lên tiếng xin lỗi và Ada đã bỏ qua, thì nó cũng không che giấu được tình trạng coi thường phụ nữ ở một số lĩnh vực, trong đó có thể thao. Tay vợt lừng danh Andy Murray, ngôi sao tích cực trong hoạt động bình đẳng giới, bức xúc viết trên Twitter: “Đừng nghĩ đó là một trò đùa. Tôi chơi thể thao đỉnh cao cả đời, tôi biết mức độ của sự kỳ thị giới tính khủng khiếp tới đâu”.

Là phụ nữ, chơi bóng đá đã là một thiệt thòi. Chặng đường để một cô gái trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trắc trở hơn nam giới nhiều lần. Sinh trưởng trong gia đình có mẹ từng là Vua phá lưới giải chuyên nghiệp Na Uy, Ada có nhiều thuận lợi khi dấn thân vào bóng đá. Nhưng ban đầu, cô không định theo nghiệp này. Chỉ đến khi được mẹ khuyến khích cùng người chị Andrine (hơn Ada 2 tuổi) tập luyện bóng đá, cô mới chú tâm. Và rồi cô nếm trải hết những khắc nghiệt của cái nghiệp quần đùi áo số với một phụ nữ: “Tôi lớn lên cùng những bạn nam cùng trang lứa, và cả tôi lẫn chị gái Andrine đều coi đó là điều hết sức bình thường. Chúng tôi đá bóng với bọn con trai đến năm 13-14 tuổi gì đó, hoàn toàn khác những bạn gái còn lại”, Ada chia sẻ trên tờ The Guardian.


Năm 2002 có bộ phim “Bend it like Beckham”, và chị em nhà Hegerberg đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ nó. Phim nói về hành trình trở thành cầu thủ vất vả của những cô gái và nó đã giúp Andrine cũng như Ada mường tượng những vách núi phải vượt qua. Nào là chuyện môn thể thao có thể đe dọa sự nữ tính của họ. Rồi chuyện phải sinh hoạt như đàn ông, chơi bóng với đàn ông, và chịu những ánh mắt kỳ thị từ những người lớn tuổi. Andrine và Ada tất nhiên đã cùng nhau vượt qua điều này, nhưng là nhờ rất nhiều từ một gia đình cởi mở. Ngoài mẹ, bố là người thầy đầu tiên của hai chị em. Ông tổ chức những buổi tập, nấu những món ăn và định hướng cho họ một tinh thần kỷ luật không thua kém bất kỳ đấng nam nhi nào. “Cứ giỏi một kĩ năng, chúng tôi chuyển sang học cái mới. Ngày nào không đạt là ngày đó chúng tôi không được bố nấu ăn cho”.

Trải nghiệm của một cầu thủ nữ cũng… nữ tính hơn một cầu thủ nam. Họ không có những buổi tối ở bán bar, theo đuổi những chân dài, hoặc thậm chí buông thả một chút trong những bữa tiệc. Andrine và Ada trải qua những ngày tháng cô đơn, thi đấu xa nhà, bỏ lỡ rất nhiều sự kiện của gia đình, sống trong một thế giới mà mỗi tấm huy chương giành được là một câu chuyện dài, viết lên trong im lặng. “Phía sau nụ cười trên bục nhận giải là nhiều nước mắt, mồ hôi và máu”, Andrine nói trên tờ So Foot. “Tôi và em gái sẽ nhớ mãi những buổi sáng dậy từ 5h30 trong kỳ nghỉ của gia đình. Chúng tôi tranh thủ tập trước khi trời quá nắng. Tôi cũng nhớ hương vị những cốc nước chanh muối mà cha làm cho, trước khi chúng tôi bước vào tập luyện”.

Những khó khăn đã trải qua, Ada không giữ cho riêng mình. Kết lại bài phát biểu nhận giải Quả bóng vàng là một câu khẩu hiệu “Hãy tin vào bản thân” mà Ada gửi gắm đến những cô gái dấn thân vào nghiệp bóng đá. Ada hiểu rằng cũng giống như cô, nữ nhi tại bất cứ nơi đâu luôn gặp nhiều rào cản để trở thành một cầu thủ bóng đá, và lời phát biểu ấy đến sau khi chính cô gặp những ánh mắt coi thường trên sân khấu. Những người đàn ông như Solveig không hiểu một điều rằng: Có thể bóng đá nữ không bao giờ hấp dẫn được như bóng đá nam, nhưng giá trị nhân văn và tinh thần vượt qua mọi rào cản của thể thao, thì nam hay nữ đều có thể truyền tải được. Bản thân Ada cũng… không xem bóng đá nữ. Cô thích CLB Arsenal và thần thượng của cô là Thierry Henry. Nhưng nếu thể thao là vượt qua nghịch cảnh để hoàn thiện bản thân và giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, thì những người như Ada đang làm tốt hơn vô số đàn ông tự vô ngực về sự giỏi giang trên thế giới này.


Ada đã rời ĐT Na Uy năm 2017. Trong tâm sự rất dài trên trang Instagram sau đó, cô giải thích rằng mình rời ĐTQG không phải thiếu tình yêu đất nước, mà là vì quá ngán ngẩm tình trạng bóng đá nữ bị coi thường. ĐT nữ Na Uy đã vô địch châu Âu 2 lần, vô địch thế giới 1 lần, vô địch Olympic 1 lần, điều mà bóng đá nam chưa bao giờ làm được, nhưng những cầu thủ nữ vẫn bị coi như con ghẻ. Cô gái cương nghị Ada không hy vọng việc rời đội tuyển sẽ tạo ra một cuộc cách mạng. Cô chỉ sống theo cách mà cô cảm thấy thoải mái nhất, và thú nhận rất hạnh phúc khi gánh nặng được rũ bỏ. 

Ada đến CLB Lyon năm 2014 và ngay mùa đầu tiên trở thành Vua phá lưới với 26 bàn sau 22 trận. Mùa 2015/16, cô giành cú ăn ba: Champions League, VĐQG Pháp và Cúp QG Pháp, ghi 54 bàn trên tất cả các đấu tưởng. Mùa 2016/17, Ada và Lyon giành thêm một cú ăn ba nữa. Mùa trước, cô gái Na Uy ghi 53 bàn trên mọi mặt trận, lập kỷ lục ở Champions League nữ với 15 bàn, tức bằng kỷ lục của Cristiano Ronaldo ở Champions League nam, và cũng như Ronaldo, Ada và Lyon vô địch Champions League lần thứ 3 liên tiếp. Ronaldo làm được thì Ada cũng làm được.

Với việc giành Quả bóng vàng, câu hỏi liệu Ada có trở lại ĐT Na Uy sẽ lại được dư luận nước này bàn luận. Nhưng với ai thì không biết, riêng với Ada, chúng ta có thể tin dù làm bất cứ điều gì, cô cũng sẽ hướng tới sự tốt đẹp và bình đẳng, để đạt tới sự tôn trọng cần thiết mà thế giới cần dành cho cô và các đồng nghiệp đá bóng, hoặc xa hơn, cho sự bình đẳng giới tính cần có ở những lĩnh vực đặc thù. 

Ada không phải một nhà nữ quyền, nhưng chỉ cần hành động bằng bản năng tự tôn, cô đã là nhà nữ quyền năng nổ hơn bất cứ ai. Ada không thể trở thành một huyền thoại bóng đá, nhưng tự thân những hành xử đang biến cô trở thành hình mẫu phụ nữ độc lập trên toàn cầu. Đứng cạnh cô, Solveig và những kẻ kỳ thị, thật đáng thương hại.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x