Super League: Đứa con chết yểu của cá mập bóng đá

Kỳ Lâm
15:18 ngày 21-04-2021
Sự xuất hiện Super League đã làm chao đảo và phân rã cả châu Âu bởi nó thách thức quyền lực của UEFA cho dù chỉ trong vài ba ngày. Đây chính là đứa con tiếp theo của bóng đá kim tiền, theo sau 2 người anh của mình là Champions League và Premier League, chỉ có điều nó chết yểu.

KHÔNG THỂ CÓ THÊM NHỮNG LEICESTER CITY

“Chúng tôi không muốn có quá nhiều Leicester City”. Đây là những lời phát ra từ một nhân vật cấp cao thuộc nhóm “Big Six” của Premier League tại một khách sạn cao cấp ở London. 

“Lịch sử bóng đá cho thấy NHM thích các đội bóng lớn chiến thắng. Một vài chức vô địch lọt vào tay các CLB trung bình có thể khiến giải đấu thêm thi vị, nhưng nếu tình trạng này gia tăng thì đó là một thảm hoạ trong lĩnh vực kinh doanh bóng đá”, vẫn là lời của quan chức đó nói với nhóm doanh nhân và các nhân vật truyền thông.

Vậy, chính xác là việc kinh doanh của ai sẽ bị tồi tệ? Và tại sao bóng đá lại được nhìn nhận theo cách đó? Câu trả lời là một trong những vấn đề lớn nhất của bóng đá hiện đại vào lúc này.

Nhưng đại diện của “Big Six” không cần phải lo lắng. Toàn bộ môn thể thao ngày càng được điều chỉnh để các tình huống như Leicester City - một CLB bình dân không thuộc giới tài chính siêu hạng thực sự giành được một danh hiệu lớn - gần như là không thể. 

Đây là lý do tại sao tỷ lệ cược trong mùa giải 2015/16 rất nhiêu khê và câu chuyện đó rất đặc biệt. Cựu chủ tịch Real Madrid là Ramon Calderon đã khẳng định rằng chức vô địch của Leicester cho thấy “bóng đá luôn là như vậy”. Không, đừng vội tin, ông ta nói sai rồi. Làm gì có chuyện đó.

Nhiều chức vô địch rơi vào tay các đội yếu như Leicester City là thảm họa của bóng đá cá mập

Mọi chỉ số đều chỉ ra rằng tất cả đang ở mức tồi tệ hơn bao giờ hết. Nó đang trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ trở nên không thể cứu vãn được. Bóng đá hiện đại đang áp dụng chủ nghĩa siêu tư bản vào quá trình hoạt động, thứ không thể kiểm soát và đã tạo ra sự chênh lệch ngày càng tăng về giàu nghèo giữa các CLB.

Nó khiến bóng đá không còn quá khó đoán xem ai sẽ là nhà vô địch bởi chỉ những CLB lớn mới thường giành chiến thắng. Không những thế, một nhóm nhỏ các CLB siêu giàu hiện nay đã vượt trội phần còn lại về mặt tài chính đến mức họ đang thắng nhiều hơn bao giờ hết, ghi nhiều bàn thắng hơn bao giờ hết, phá vỡ nhiều kỷ lục hơn bao giờ hết. Họ khiến toàn bộ môn thể thao này biến đổi.

Đó là hệ quả của việc bùng nổ tiền bạc trong trong bóng đá, có nghĩa là một CLB cần có doanh thu hàng năm tối thiểu (400 triệu euro vào năm 2020, tính theo số liệu của Deloitte) để bắt đầu đua vô địch. 

Ở chiều ngược lại, khi các CLB như Liverpool hoặc Man City tối đa hóa doanh thu đó thông qua trí thông minh đáng ngưỡng mộ, sự chênh lệch về đẳng cấp sau đó sẽ có xu hướng khuếch đại. Khoảng cách thậm chí còn lớn hơn trên sân cỏ. Đây là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến rất nhiều kỷ lục lịch sử bị phá vỡ hết mùa này đến mùa khác.

Chỉ riêng thập kỷ trước, sự trỗi dậy thực sự của các siêu CLB cùng với sự gia tăng khổng lồ về tiền bạc, đã khiến chúng ta chứng kiến:

  • Hai cú ăn ba của bóng đá Tây Ban Nha
  • Một cú ăn ba đầu tiên của bóng đá Đức
  • Một cú ăn ba đầu tiên của bóng đá Italia
  • Cú ăn ba quốc nội đầu tiên trong bóng đá Anh
  • Ba cú ăn ba quốc nội của bóng đá Pháp trong 4 năm
  • Ba chức vô địch Champions League liên tiếp đầu tiên trong 42 năm
  • Các mùa giải có 100 điểm đầu tiên ở bóng đá Tây Ban Nha, Italia và Anh
  • Các mùa giải “Bất khả chiến bại” ở bóng đá Italia, Bồ Đào Nha, Scotland và 7 giải đấu châu Âu khác
  • 13 trong số 54 giải đấu của châu Âu đang chứng kiến số danh hiệu được bảo vệ thành công lâu nhất bởi một CLB duy nhất hoặc có thời gian thống trị lâu nhất.

Nhiều mục trong số những kỳ công này dường như là điều không thể xảy ra trong nhiều thập kỷ trước đó. Tất cả chúng đều diễn ra vào cùng một thời điểm trong thập kỷ trước, với triển vọng sẽ còn xuất hiện nhiều hơn thế nữa. Và các CLB giàu có nhất chính là chủ nhân của các mục thống kê vẻ vang đó. 

SỰ SỢ HÃI MANH NHA TRƯỚC VŨ KHÍ SUPER LEAGUE

Việc tập trung tiền bạc vào túi một CLB đã mang lại sự tập trung về chất lượng cầu thủ và từ đó tạo ra thành công. Điều này không có nghĩa là sẽ không có những trường hợp ngoại lệ, như những mùa giải kém cỏi gần đây của Man United hoặc Arsenal, hoặc những chiến thắng bất ngờ của các CLB như Leicester.

Nhưng yếu tố con người có liên quan đến quá trình đó, với cả những biến động và thăng trầm. Các xu hướng dài hạn không mang lại sự đồng nhất hoàn toàn. Đó không phải là cách chúng hoạt động. Coi những trường hợp ngoại lệ như những lập luận phản bác cũng chẳng khác gì đem một vài ngày giá lạnh để loại bỏ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin, đã đưa ra vấn đề này trong phần giới thiệu về báo cáo thường niên của tổ chức này, với lý do “các mối đe dọa” và “rủi ro” của “sự chênh lệch trong doanh thu được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa”.

Và nó trở nên rõ ràng khi BXH kiếm tiền (Football Money League) của hãng kiểm toán Deloitte cảnh báo về "một tình huống rằng kết quả thi đấu bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tiền bạc”, điều sẽ tác động xấu đến tính toàn vẹn của bóng đá và tính “không thể đoán trước” vốn rất quan trọng của môn thể thao này.

Javier Tebas, chủ tịch của La Liga, phát biểu đầy dữ dội: “Nếu chúng ta không khắc phục vấn đề đó, trong một vài năm nữa, ngành công nghiệp bóng đá của chúng ta sẽ sụp đổ”. 

Dù quản lý mọi CLB bóng đá ở châu Âu nhưng quyền lực của UEFA quá lép vế trước tập hợp khoảng 15 CLB siêu giàu

Bóng đá đang đứng trên bờ vực bởi sự chênh lệch này đã gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác: tình trạng tài chính bấp bênh của các CLB đứng ngoài nhóm siêu CLB; sự căng thẳng giữa các siêu CLB và phần còn lại; sự căng thẳng giữa các giải đấu; sự căng thẳng giữa UEFA và FIFA; sự căng thẳng giữa tư lợi và tập thể thể hiện mâu thuẫn cố hữu của thể thao chuyên nghiệp.

Vấn đề chênh lệch tài chính này là nguyên nhân cốt lõi của các cuộc tranh luận về cấu trúc của lịch thi đấu bóng đá. Chúng ta phải dừng nó ngay bây giờ. Khoảng cách đang tăng lên theo cấp số nhân mỗi mùa. Bây giờ hoặc không bao giờ. Hoặc chúng ta sẽ phá hủy hệ sinh thái bóng đá thế giới, khiến giá trị cốt lõi của bóng đá là tính không thể đoán trước dần bị bào mòn bởi tiền bạc.

Bóng đá luôn nổi tiếng với 2 giá trị: ai cũng có thể chơi và CLB nào cũng có thể thắng. Sự quý giá của 1 bàn thắng đem lại 3 điểm mang đến sự cân bằng hoàn hảo cho những chiến thắng nhờ lối chơi áp đảo, hiệu quả và nhờ yếu tố bất ngờ đầy hợp lý. Vị trí của chấm phạt đền đã phản ánh điều này một cách hoàn hảo. Khoảng cách của nó mang lại 70% cơ hội ghi bàn, tỷ lệ chính xác giữa ghi bàn và khả năng bỏ lỡ.

Nhờ đó mà chúng ta đã chứng kiến những chức vô địch lịch sử, ví dụ như những danh hiệu của Kaiserslautern, Werder Bremen và Wolfsburg đã cắt đứt sự thống trị liên tục của Bayern Munich hay chức vô địch như cổ tích của Leicester City. Johan Cruyff từng nói “bóng đá một trò chơi của những sai lầm”. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã và đang dẹp bỏ những sai lầm đáng yêu của bóng đá.

MÃNH LỰC CỦA ĐỒNG TIỀN

Một nhóm gồm 11 CLB mà UEFA mô tả là các CLB tinh hoa đã đạt đến một quy mô mà ở đó khả năng mắc sai lầm ngày càng ít. Những siêu CLB bây giờ đã trở thành những con quái vật tiền bạc khổng lồ. 

Sự phổ biến toàn cầu của môn thể thao vua thực sự mang lại ngày càng nhiều tài nguyên cho một nhóm nhỏ CLB, bởi vì họ là những người duy nhất có khả năng tối đa hóa điều này. Họ chỉ chiếm 0,01% trong thế giới bóng đá.

Sự xuất hiện của các siêu CLB không phải ngẫu nhiên. Hãy nhìn vào các con số sau: Tổng giá trị bản quyền truyền hình của Premier League cho chu kỳ 2019-2022 hiện tại trị giá 8,4 tỷ bảng. Tổng số tiền thưởng Champions League hiện trị giá 2,04 tỷ euro, tăng từ 583 triệu euro chỉ 10 năm trước. 

Những nguồn tiền như vậy đã giúp Man United tăng mức doanh thu 117 triệu bảng vào đầu thiên niên kỷ lên 627,1 triệu bảng vào mùa 2018/19. Và họ cũng không còn chỉ tìm kiếm các đối tác tài trợ trong phạm vi địa phương hay quốc gia như 2 thập kỷ trước đó nữa. Quy mô bóng đá đã thay đổi hoàn toàn. Bóng đá hiện đem lại doanh thu nhiều hơn so với các ngành công nghiệp xuất bản hoặc điện ảnh ở châu Âu. 

Các sản phẩm thương mại của Man United gắn với hình ảnh của David Beckham tràn ngập các siêu thị ở Nhật Bản cuối những năm 1990

Tiền đã tạo ra sự khác biệt lớn, tuy nhiên, nhiều tiền hơn chỉ đơn giản là dẫn đến chênh lệch đẳng cấp nhiều hơn. Chúng ta hãy quay trở lại với tiền lương của Premier League, thứ đã tăng từ 2,85 lần trong mùa giải ly khai 1992/93 lên mức gấp 4,7 lần vào năm ngoái. Ở La Liga, tiền lương đã tăng cao tới 17,2 lần.

Điều này có liên quan mạnh mẽ bởi lương tăng đồng nghĩa với CLB sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng và thi đấu tốt. Một mức lương ngất ngưởng sẽ khiến mọi hảo thủ của các CLB trung bình háo hức gia nhập các siêu CLB, và vì thế khoảng cách giữa các CLB càng được nới rộng. 

Các CLB trung bình có thể có tiền để mua cầu thủ nhưng không có tiền để giữ chân họ trước sự cám dỗ. Đây là vấn đề chính đối với hầu hết các CLB Premier League ngoài nhóm Big Six đang tìm cách phát triển. Theo số liệu mới nhất, hoá đơn lương của 6 CLB này đã chiếm 51,3% tổng số tiền lương tại Premier League.

Sự chênh lệch này đã dẫn đến sự chênh lệch tương ứng về kết quả. Và do đó, tính khó đoán của bóng đá - thứ tạo ra sự hấp dẫn - bắt đầu tan biến. Những con số này thậm chí còn nói lên nhiều điều hơn nữa và vẽ nên một bức tranh khá đáng kinh ngạc. Trên toàn châu Âu, chức vô địch trở nên dễ dự đoán hơn so với 20 năm trước.

Điểm số vô địch ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu so sánh ở 3 mốc thời điểm

Càng nhiều danh hiệu, càng nhiều tiền, các thành viên của Big Six càng được nhận nhiều tiền. Và khi càng nhận được nhiều tiền, họ càng trở nên hùng mạnh hơn, càng có nhiều NHM hơn. Số lượng các giao dịch thương mại tốt hơn gia tăng, do đó họ càng giàu mạnh hơn và càng bỏ xa phần còn lại. 

Ví dụ về sự phát triển của Big Six cũng là hiện trạng chung ở các giải VĐQG khác. Họ trở thành các siêu CLB và không muốn quyền lợi của mình bị chia sẻ. Chiêu bài Super League đã được họ sử dụng trong suốt 20 năm qua. Mỗi khi có một cuộc thảo luận về phân phối doanh thu, họ đặt nó lên bàn đàm phán. Tình huống này đã đẩy bóng đá đến bờ vực. 

Bóng đá đã bị nhấn chìm bởi chủ nghĩa tư bản và những lãnh đạo của các tổ chức bóng đá đã phải chấp nhận điều này. Sự hiếu chiến của các CLB lớn dần trở thành một phần tất yếu và họ muốn thành lập một giải đấu thách thức cả UEFA lẫn FIFA.

TỪ CHAMPIONS LEAGUE ĐẾN EUROPEAN SUPER LEAGUE

Việc Silvio Berlusconi tiếp quản AC Milan vào năm 1986 đã cho ông cơ hội để đưa những ý tưởng phát sóng tư nhân của mình vào bóng đá, điều này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong cách nghĩ về truyền hình trong môn thể thao này. 

Cựu Thủ tướng Italia coi bóng đá là một “show truyền hình ngoạn mục trên toàn thế giới”. Ông ta cảm thấy thật vô lý khi các CLB lớn nhất không thường xuyên gặp nhau trong các trận đấu hấp dẫn. Berlusconi đã tìm cách giải quyết vấn đề này thông qua một ủy ban thành lập giải đấu siêu hạng đầu tiên của châu Âu.

UEFA đã bác bỏ ý kiến này, nhưng thất bại. Champions League đầu tiên, vào mùa giải 1992/93, kết hợp nhiều ý tưởng liên quan đến thương hiệu và một bài hát. Không phải ngẫu nhiên mà Premier League ra đời cùng thời điểm, chịu ảnh hưởng từ những ý tưởng giống nhau và được thúc đẩy bởi cùng một động lực: Tiền.

Không nên bỏ qua bản chất mục nát của bóng đá trong những năm 1980 với những thảm kịch ngoài đời như Heysel và Hillsborough, khiến bóng đá phải đổi mới. Và để đổi mới thì cần phải có tiền. Do đó, Champions League và Premier League đã xuất hiện. Nhưng đáng sợ là, sự mục nát trước đó đã được thay bằng sự suy đồi lấp lánh ánh hào quang và tiền bạc

Một khi Premier League và Champions League thiết lập mô hình thành công, tất cả những người khác sẽ học và làm theo một cách riêng. Khi mọi thứ cùng thay đổi, gần như tất cả các quy định và biện pháp bảo vệ kinh tế đã bị dỡ bỏ. Bóng đá không chỉ mất đi những thứ “truyền thống” mà còn tiếp tục mở rộng bởi các yếu tố ngoại quan.

Berlusconi là người thúc đẩy sự hình thành của Champions League

Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu khiến các nền bóng đá Đông Âu không thể giữ các cầu thủ ngôi sao trong biên giới của họ. Sau đó là ảnh hưởng của Tòa án Công lý Châu Âu và phán quyết của Bosman năm 1995. Điều này ngay lập tức khiến cầu thủ trở thành người tự do sau khi hợp đồng của họ kết thúc. 

Hạn ngạch cầu thủ nước ngoài tại một CLB cũng biến mất. Những điều này đã làm rung chuyển thị trường chuyển nhượng, biến bóng đá thành một thị trường lao động mới: một thị trường lao động khổng lồ mang tính toàn cầu. Nó tạo ra một cơ chế tự tồn tại khác, được thúc đẩy bởi động lực lớn nhất: Champions League.

Chính giải đấu này đã tạo ra ngưỡng thăng hoa tài chính. Champions League đã trở nên phổ biến nhờ số tiền thưởng tăng cực nhanh đủ để thay đổi cuộc sống của nhiều CLB và thay đổi cuộc chơi của toàn bộ ngành công nghiệp bóng đá. Sự thay đổi quyết liệt đến mức làm biến dạng thế giới bóng đá.

Chỉ riêng việc xuất hiện ở vòng bảng Champions League 2019/20 đã kiếm cho các CLB tham dự 15,25 triệu euro. Vào được đến trận chung kết ở Istanbul, phần thưởng sẽ là 62,25 triệu euro, chưa kể phần thưởng dành cho đội vô địch. 

Danh vị á quân ở Champions League 2018/19 đã giúp Tottenham kiếm được 100 triệu bảng, đủ để vượt qua Chelsea và lọt vào Top 10 của Deloitte Football Money League. 100 triệu bảng sẽ giúp một CLB có sức cạnh tranh khủng khiếp, và các đối thủ khác, muốn hạ bệ họ cũng phải có ít nhất 100 triệu bảng.

Sự lớn mạnh của các siêu CLB khiến họ cảm thấy chật chội trong chiếc ao quốc nội lẫn chiếc hồ lục địa. Họ muốn được hoạt động ở đại dương hành tinh. Man United là lá cờ đầu đổi mới trong vấn đề này, với hai giai đoạn. Trước hết là hoạt động buôn bán rải thảm vào đầu những năm 1990. Điều đó đã tạo ra nguồn lợi nhuận để họ bơm tiền trở lại đội bóng. 

Sau đó là giai đoạn thứ hai phức tạp hơn, liên quan đến việc phân chia toàn cầu thành các thị trường riêng biệt. Điều này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các CLB hàng đầu của Tây Ban Nha, những người sẵn sàng tiếp nhận mô hình của Man United.

Đây cũng là nguồn gốc của việc Big Six thúc đẩy tỷ lệ bản quyền phát sóng ở thị trường quốc tế lớn hơn. Và trong một thời điểm quan trọng khác trong năm 2018, họ đã đạt được điều ước của mình. Sóng các trận đấu của họ đã phủ kín hầu như khắp hành tinh.

Chỉ một số ít câu lạc bộ gồm Man United, Barcelona, Real Madrid, Liverpool, Arsenal, Juventus, Bayern Munich, AC Milan và Inter Milan có khả năng thực sự hưởng lợi từ nó. Họ sở hữu một số lượng lớn NHM toàn cầu và do đó có một thị trường sẵn sàng để khai thác mà không CLB nào có thể tạo ra.

Số lượng các CLB từng lọt vào Top 4 tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu ở 3 thời điểm khác nhau

Bất kỳ CLB khác, chẳng hạn như Man City, Chelsea và PSG cần phải có một nhà tư bản tiếp quản mới có thể hy vọng làm được như thế. Đó là lý do tại sao, khi khuyên John Henry mua Liverpool vào năm 2010, phó chủ tịch Joe Januszewski của Boston Red Sox đã khẳng định rằng Liverpool sẽ đại diện cho “thương vụ của thế kỷ” và “chỉ cần được tiếp thị đúng cách và tận dụng nhãn hiệu toàn cầu của CLB này”. Điều đó đã xảy ra.

Tất cả những yếu tố này bắt đầu liên kết lại vào khoảng năm 2010 để đưa nhóm CLB tinh hoa này lên một cấp độ khác cao hơn. Về cơ bản nó đã thay đổi những gì họ đang có. Sự tăng trưởng của nguồn thu nhập thứ ba (từ chủ sở hữu) lên đến đỉnh điểm trong một sự thay đổi cơ bản về mô hình.

Nó chuyển đổi ngành kinh doanh CLB bóng đá thành một ngành kinh doanh giải trí toàn cầu. Đây là thời điểm mà một CLB bóng đá lớn không còn giống một rạp xiếc địa phương mà đã trở thành một hãng Walt Disney. Họ không còn chỉ là CLB nữa mà trở thành những nhà cung cấp nội dung hấp dẫn.

Đây là lý do tại sao viễn cảnh “có nhiều Leicester City hơn” sẽ trở thành thảm hoạ bởi nó không đem đến sự hấp dẫn, không tốt cho việc kinh doanh. Calderon đã đặt nó trong những thuật ngữ cơ bản, khi ông được hỏi liệu bóng đá có chấp nhận chủ nghĩa tư bản hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác hay không.

“Chà, có thể, có thể. Tôi nghĩ rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Bóng đá đã trở thành công việc kinh doanh biểu diễn. Các SVĐ chính là những trường quay truyền hình lớn, nơi có 22 nghệ sĩ biểu diễn. Nói cách khác, đó là hoạt động kinh doanh biểu diễn, hơn là thể thao”.

Chỉ có điều, hoạt động kinh doanh đó không thèm quan tâm đến những màn trình diễn của các rạp chiếu nhỏ hơn. Thậm chí, họ không muốn các rạp chiếu lớn phải trình diễn các sản phẩm của các rạp chiếu nhỏ, yếu thế. Họ muốn chỉ chiếu những màn trình diễn của những nhà hát thuộc nhóm tinh hoa. Và thế là European Super League được ấn nút ra đời. Cho dù nó chỉ tồn tại trong vòng 3 ngày cho đến khi Big Six tuyên bố rút khỏi cuộc ly khai.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x