Góc nhìn chiến thuật: Vấn đề của những 'đội bóng một người'

Kinh Thi Kinh Thi
06:29 ngày 10-05-2019
Thông thường, đội bóng nào cũng muốn có mẫu cầu thủ vượt trội. Đấy sẽ là người tỏa sáng để kéo cả tập thể vượt qua hoàn cảnh khó khăn, là nhân tố tạo nên khác biệt, là cầu thủ có thể tự mình quyết định toàn cục. Nhưng nếu sử dụng cầu thủ vượt trội ấy không hợp lý, cả một đội bóng mạnh sẽ dễ biến thành “đội bóng một người”, với những hệ lụy tai hại
Góc nhìn chiến thuật: Vấn đề của những 'đội bóng một người'
Gặp Liverpool ở trận bán kết lượt đi, Barcelona chỉ dẫn bàn 1-0 cho đến tận phút 74. Thế trận hoàn toàn cân bằng, nếu không muốn nói là Liverpool đôi khi tỏ ra nhỉnh hơn. Chơi tại sân nhà Nou Camp mà Barcelona lại giữ bóng ít hơn đối phương thì bấy nhiêu cũng đã là chưa thuyết phục rồi.

Nhưng Lionel Messi tỏa sáng theo hơi hướng cá nhân, và tỷ số tối thiểu kia bỗng trở thành 3-0. Điều không đổi ở trận lượt về: Barcelona vẫn chơi kiểu cũ và trông cậy vào mình Messi. Còn khác biệt là Messi mờ nhạt hẳn so với đẳng cấp siêu sao của chính mình. Trong một biến cố động trời, Liverpool thắng lại 4-0 để giành vé vào tranh chung kết Champions League.

Vấn đề của những “đội bóng một người” là khi ngôi sao sáng nhất trong đội không phát huy được giá trị, thì toàn đội bế tắc là hậu quả tất yếu. Nhưng dĩ nhiên, Barcelona thất bại chẳng phải vì Messi quá giỏi. Họ thất bại vì quá trông cậy vào mỗi Messi. Hoặc vì không có bài bản chiến thuật nào độc lập với sự tỏa sáng của cá nhân Messi.

Trên bề mặt, phải ghi nhận sự xuất sắc của thủ môn Alisson, khi anh có rất nhiều pha cứu thua, giúp Liverpool giữ nguyên mành lưới (với Liverpool ở trận lượt về, việc giữ nguyên mành lưới cũng quan trọng không kém việc ghi 4 bàn). Nhưng hãy lưu ý một điều: khi ai cũng đã thấy rõ tầm quan trọng của Messi nơi hàng công Barcelona thì Alisson và các hậu vệ Liverpool làm sao không thấy. Họ luôn ở thế sẵn sàng từ trước khi Messi tung ra đường chuyền cuối cùng họ sút bóng. Đây chính là nhược điểm đầu tiên của các “đội bóng một người”: hàng công gần như không có yếu tố gây bất ngờ. Với đẳng cấp cao của Alisson, những pha cứu nguy trong trận vừa qua thật ra đều là “tròn vai” (không sai sót), hơn là phản xạ đặc biệt trước tình huống khó lường.

Trước sau Barcelona vẫn là đội “sống” nhờ khả năng chuyền bóng. Mùa này, họ thực hiện bình quân 583 đường chuyền chính xác trong mỗi trận đấu ở La Liga. Ở thời kỳ tiqui-taca, Barcelona chuyền để giữ bóng, để kéo dãn hàng thủ đối phương, cho đến khi khoảng trống lộ ra thì tung đòn quyết định. Đấy là cách chơi theo hệ thống, đặt yêu cầu rất cao về tính đồng bộ giữa nhiều vị trí khác nhau. Có lúc, nửa đội hình Barcelona phải di chuyển “theo guồng” cùng lúc. Đối thủ đều biết, nhưng không ngăn cản được vì hầu như không có mắt xích nào là quan trọng nhất trong cả hệ thống. Đấy là khác biệt lớn so với cách chơi bây giờ, khi những đường chuyền mang tính tấn công đều ưu tiên hướng đến vị trí của Messi. Bản thân Messi rất khó phát huy giá trị siêu sao trong cách chơi này, vì đối phương đã sẵn sàng đối phó. 

Khi gặp Barca, các đối thủ thường bố trí nhiều cầu thủ theo kèm Messi
Khi gặp Barca, các đối thủ thường bố trí nhiều cầu thủ theo kèm Messi

HLV Ernesto Valverde đã nhiều lần thừa nhận rằng ông “vui lòng phụ thuộc vào Messi”. Luis Suarez nhiều lần kêu gọi Barcelona phải cố làm sao thoát tình trạng này. Xin nhắc lại: bản thân khái niệm “phụ thuộc Messi” không hẳn là tốt hay xấu. Đấy là một đặc điểm trong cách chơi của Barcelona. Và đặc điểm này dẫn đến việc Barcelona “uổng phí” phần còn lại khi Messi không tỏa sáng.

Nếu như vấn đề Barcelona là Messi lãnh nhiệm vụ “tung đòn” quá lộ liễu thì vấn đề của M.U lại liên quan đến phong độ thất thường và thái độ quá kiêu ngạo của Paul Pogba. Đối phương dù sao cũng phải phong tỏa Messi, hoặc “gài” anh vào thế phải tung đòn theo lối định sẵn (và dễ dàng đối phó). Còn các đối thủ của M.U có thể yên tâm khi bản thân Pogba không được sử dụng một cách hợp lý. Khi cách chơi tự do và sáng tạo của Pogba được phát trên cả mức độ cần thiết, người xem đành phải ngờ ngợ đặt ra một dấu hỏi lớn: phải chăng HLV Ole Gunnar Solskjaer không hề có bài bản chiến thuật nào để tận dụng tài năng của cầu thủ nổi tiếng này? Tính đồng đội trong lối chơi của Pogba ở M.U thật sự rất thấp. Pogba thời Solskjaer có tính đồng đội thấp hơn rất nhiều so với thời Mourinho (đấy là lúc Pogba phải luôn chuẩn bị sẵn thế thủ, thường chỉ đứng ngoài khu cấm địa, khi đồng đội uy hiếp khung thành đối phương).

Với các đội bóng nhỏ, ngôi sao nổi bật dĩ nhiên là rất quan trọng, nhưng chỉ sợ muốn mà không có. Vấn đề là mẫu ngôi sao này phải có kinh nghiệm già dặn để “độc lập tác chiến”, và có giá trị thủ lĩnh. Còn với các CLB đỉnh cao, ngôi sao nổi bật chỉ thích hợp nhất với “kế hoạch B”. Đấy là những lúc “kế hoạch A” thất bại, và giá trị cá nhân của ngôi sao trở thành yếu tố quan trọng, trong một cách chơi tự do, sáng tạo. Ngôi sao nổi bật mà giữ vai trò quan trọng cho “kế hoạch A” thì rất khó thành công ở các trận đấu đỉnh cao. Mùa trước, người xem trung lập đã có ngay cảm giác Liverpool “coi như thua” ngay thời điểm Mohamed Salah rời sân trong trận chung kết Champions League. Bây giờ, Salah không thể lặp lại sự xuất sắc “đụng trần” như năm ngoái nữa. Nhưng cái hay của Liverpool là bây giờ họ cũng chẳng hề phụ thuộc vào cá nhân Salah nữa. Không xây dựng cách chơi quanh Mohamed Salah chính là một trong những điều giúp Liverpool tiếp tục thành công trong mùa bóng này. Man City ở Premier League hoặc Ajax ở Champions League cũng đều như vậy: họ chẳng hề có ngôi sao nào thật sự nổi bật.

Show diễn “Messi & những người bạn”
Ở Champions League mùa này, một mình Lionel Messi ghi 12 bàn cho Barcelona, cao gấp 4 lần cầu thủ đứng sau. Chỉ riêng số đường chuyền thành bàn của Messi cũng đã bằng số bàn thắng của cây làm bàn số 2 trong đội. Trong trận cuối cùng trước khi chia tay Champions League, Barcelona có 8 lần bắn phá khung thành đối phương, thì cả 8 pha bóng đều liên quan trực tiếp đến Messi (dứt điểm 5, chuyền 3).

M.U thành hay bại đều vì Pogba (hoặc De Gea)
Ở M.U, Paul Pogba đá chính nhiều nhất (không kể thủ môn David de Gea). Anh nhận bóng rất nhiều và chuyền bóng bình quân đến 58,6 lần/trận (chỉ sau tiền vệ trụ Nemanja Matic). Còn tỷ lệ chuyền chuẩn của Pogba thì đứng thứ... 14 trong đội. Lúc Pogba tỏa sáng thì M.U thắng liên tiếp, còn lúc Pogba mờ nhạt thì M.U bế tắc hoàn toàn. Ngoài Pogba quyết định sự thành, bại (trong lối chơi) thì M.U còn phụ thuộc vào phong độ của thủ môn David De Gea (trong các tình huống cụ thể).
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
34
+41
74
3
32
+44
73
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
32
+2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17
<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x