EURO 2020: Bảng F - Bảng đấu Tử Thần khét tiếng nhất thế giới?

KHÔI NGUYÊN
21:35 ngày 09-06-2021
EURO 2020 có bảng F gồm ĐT Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Hungary được là bảng đấu Tử Thần. Nhưng liệu đây có phải là bảng đấu Tử Thần khét tiếng nhất từng xuất hiện trong lịch sử World Cup hoặc EURO hay không?  

Ngày 23/6/2021, trận đấu giữa ĐT Bồ Đào Nha và Pháp đã đi đến phút 89. Từ đường chuyền vượt tuyến sắc lẹm của Paul Pogba, Antoine Griezmann tiếp bóng hoàn hảo, rê bóng khéo léo qua một trung vệ Bồ Đào Nha trước khi vượt qua nốt thủ môn Rui Patricio để ấn định chiến thắng kịch tính 3-2, giúp Les Bleus lên ngôi đầu bảng chung cuộc.  

Song hành cùng ĐT Pháp là đội nhì bảng Đức, trong khi, Bồ Đào Nha - nhà vô địch năm 2016 và Hungary sẽ phải trải qua 90 phút thi đấu nữa để xác định tấm vé cuối cùng. Ngay sau khi trận đấu này kết thúc, Cristiano Ronaldo và đồng đội cúi gằm mặt rời khỏi sân.  

Những giọt nước mắt của siêu sao người Bồ Đào Nha đã rơi. Đội bóng áo màu bã trầu chính thức bị loại và kỳ EURO 2020 của Ronaldo đã khép lại một cách buồn thảm như thế.  

Tất nhiên đây là một kịch bản thật đau đớn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra tại EURO 2020 sẽ được tổ chức vào mùa Hè 2021 này. Trong quá khứ, đã có không ít những lần những đội bóng siêu cường, lừng lẫy thế giới phải ngậm ngùi nói lời tạm biệt giải đấu ngay từ vòng bảng bởi trót rơi vào bảng đấu Tử Thần.  

KHÁI NIỆM “BẢNG ĐẤU TỬ THẦN” RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?  

Tiền thân của cụm từ “bảng đấu Tử Thần” hiện phổ biến trên khắp thế giới có lẽ được bắt nguồn từ World Cup 1958 ở Thuỵ Điển. Ngày đó, báo chí địa phương đã gọi bảng đấu gồm 4 đội Brazil, Anh, Liên Xô và Áo bằng tên gọi “Giganernas Kamp - Trận chiến của những người khổng lồ”. 

Tuy nhiên, cụm từ “Bảng đấu Tử Thần" lần đầu tiên được đặt ra tại World Cup 1970 bởi một nhà báo Mexico, người đã gọi bảng đấu 4 đội gồm nhà vô địch Brazil, nhà ĐKVĐ World Cup Anh, Tiệp Khắc và Romania bằng cái tên “Grupo de la Muerte - Bảng đấu Tử Thần hoặc Bảng đấu Chết Chóc”. 

Định nghĩa này được sử dụng một lần nữa vào năm 1982, khi bảng C quy tụ những cái tên sừng sỏ nhất bóng đá thế giới lúc bấy giờ. Nhà ĐKVĐ Argentina, người khổng lồ Brazil và đội quân áo thiên thanh Italia. Chỉ một trong số ba cái tên này có thể giành quyền đi tiếp, và đó là Italia.  

Khi đã vượt qua được thử thách lớn lao như vậy, tâm lý của cả đội như được giải phóng. HLV của ĐT Italia khi đó là Enzo Bearzot đã thừa nhận điều này sau khi đánh bại Brazil 3-2. Ông chia sẻ: “Có cảm giác như chúng tôi đã là nhà vô địch”. Quả nhiên, sau đó Azzurri đã thi đấu thăng hoa, đánh bại lần lượt Ba Lan và Tây Đức ở bán kết và chung kết để giương cao chiếc cúp vô địch World Cup 1982.  

Thuật ngữ này càng trở nên thông dụng sau World Cup 1986, khi HLV của ĐT Uruguay là Omar Borras đã gọi tên bảng E bao gồm Uruguay, Tây Đức, Đan Mạch, Scotland là “bảng đấu Tử Thần”.  

Jan Molby, cựu cầu thủ Đan Mạch từng thi đấu 12 năm cho Liverpool và đã chơi cả 3 trận ở vòng bảng World Cup 1986 cho rằng, nếu phải gọi tên một bảng đấu tử thần, thì đó chính là bảng đấu mà ông cùng các đồng đội đã chơi cực kì xuất sắc năm đó tại Mexico.  

“ĐT Uruguay là nhà vô địch Nam Mỹ, trong khi đó Tây Đức vào đến chung kết World Cup 1982, còn Scotland cũng rất mạnh. Đan Mạch đã bị coi thường vì đó là lần đầu tiên chúng tôi được tham dự World Cup nhưng chúng tôi đã giành chiến thắng cả ba trận vòng bảng bằng một cách nào đó”.  

Đan Mạch đã vượt qua Scotland với tỉ số 1-0, trước khi huỷ diệt Urugoay 6-1 và đánh bại Tây Đức 2-0. Molby nói: “Khi lễ bốc thăm diễn ra, tôi đang tham dự một bữa ăn tối ở Liverpool và rất nhiều cầu thủ Scotland đã có mặt ở đó.  

Qua điện thoại, tôi nhận được tin và nói với mọi người rằng chúng tôi sẽ đấu với Uruguay, Tây Đức và Scotland. Mấy gã Scotland đã giành mic và hét lên rằng Đan Mạch sẽ bị loại sớm thôi. Chính sự khiêu khích đó đã thúc đẩy chúng tôi. Và cuối cùng, chính Đan Mạch mới là những người được nở nụ cười”.  

Tử thần sẽ gọi tên ai ở EURO 2020?

THỂ THỨC CŨ KHIẾN “BẢNG ĐẤU TỬ THẦN” ÍT XUẤT HIỆN

Sau bất kỳ cuộc bốc thăm nào để chuẩn bị cho VCK EURO, World Cup hay Champions League, việc gắn nhãn “bảng đấu Tử Thần” cho một trong các bảng đấu gần như đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn - một thủ tục nhằm giết chết hiy vọng của một hay vài gã khổng lồ ngay trước khi mọi thứ bắt đầu.  

Tuy vậy, trên thực tế, thể thức phức tạp trước đây của World Cup thường giúp cho 3 trong số 4 đội bóng vượt qua vòng bảng và khi số lượng đội bóng tăng từ 24 lên 32 đội vào World Cup 1998, hiếm khi nào chúng ta được chứng kiến một bảng đấu tử thần thực sự.  

Tại World Cup Italia 1990, NHM đã rạo rực khi nhà ĐKVĐ Argentina, Romania, Liên Xô và Cameroon cùng tranh tài tại bảng B. Nhiều người đã dự đoán rằng 3 cái tên đầu sẽ đi tiếp, còn đại diện châu Phi sẽ chỉ là đá lót đường. Tuy vậy, thực tế lại hoàn toàn trái ngược khi “Sư tử bất khuất” đã vượt qua vòng bảng một cách quả cảm, còn Liên Xô lại thi đấu kém cỏi và đành ngậm ngùi xách va li về nước.  

Đến World Cup 1994, bảng đấu Tử Thần không xuất hiện bởi các đội bóng mạnh đều rơi vào những bảng đấu được đánh giá là không quá khắc nghiệt. Cho dù sau đó, nhiều người cho rằng, bảng E với Mexio, Cộng hoà Ireland, Italia, Na Uy phải dùng lượt đấu cuối cùng mới có thể xác định được những cái tên đi tiếp bởi cả 4 đội cùng có 4 điểm, cùng có các chỉ số phụ giống nhau.  

Họ coi đây là bảng đấu đã đem lại cảm xúc nhiều nhất cho NHM túc cầu trên toàn thế giới. ĐT Na Uy với những cầu thủ cao lều nghều là đội phải nhận cái kết đắng khi là đội ghi ít bàn thắng nhất nên đành chấp nhận bị loại trong cảm giác cay đắng cùng cực.  

Bốn năm sau đó trên đất Pháp, lần đầu tiên 32 ĐTQG cùng nhau tranh tài ở VCK World Cup. Kết quả là thiếu hẳn một bảng đấu đáng gọi là bảng tử thần, dù tất cả đã phải bất ngờ khi Tây Ban Nha bị loại khi chung bảng với những đối thủ được coi là không quá mạnh như Nigeria, Paraguay và Bulgaria.  

Tất cả đã phải đợi 4 năm nữa để được theo dõi một bảng đấu Tử Thần thực sự. Tại bảng F của World Cup 2002, đội bóng được đánh giá rất cao là Argentina đã bị đánh bại bởi Anh và Thuỵ Điển. Điều tương tự cũng đến vào World Cup 2006, khi Argentina, Hà Lan, Serbia và Bờ Biển Ngà đua tranh quyết liệt tại bảng C - nhưng nhìn lại thì hai đội bóng đầu tiên đã có vé đi tiếp một cách tương đối dễ dàng.  

Câu chuyện tương tự diễn ra ở kỳ World Cup đầu tiên ở châu Phi vào năm 2010, khi Brazil và Bồ Đào Nha nhẹ nhàng giành suất đi tiếp, trong khi Bờ Biển Ngà thi đấu kém cỏi còn Triều Tiên đơn giản là một kho điểm để các đối thủ thoả sức khai thác.  

Tuy nhiên, tại World Cup 2014, nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha đã bất ngờ trở thành nạn nhân thực sự khi bị Cơn lốc Cam Hà Lan vùi dập rồi thua đau đớn 0-2 trước Chile. Năm 2018, ĐKVĐ Đức còn gây kinh ngạc hơn nữa khi xếp cuối bảng sau Thuỵ Điển, Mexico và Hàn Quốc.  

BẢNG ĐẤU TỬ THẦN Ở EURO CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?  

Lịch thi đấu của Bảng F - Bảng tử thần ở EURO 2020

Nhìn chung, lịch sử các VCK EURO cũng từng xuất hiện không ít những bảng đấu căng thẳng. Từ kỳ EURO 1980 đến EURO 1992, giải đấu chỉ có 8 đội tham dự, có nghĩa là mọi đội bóng đều phải sẵn sàng với viễn cảnh bị loại sớm. Năm 1992, tiền đạo Ally McCoist của ĐT Scotland đã coi Bảng B gồm Tartan Army (biệt danh của ĐT Scotland), Đức, Hà Lan và CIS (trước đây là Liên Xô) là bảng Tử Thần.  

Trong khi đó, cựu tuyển thủ Anh Chris Waddle cho biết: “ Tôi nghĩ năm tại EURO 1988, ĐT Anh đã rơi vào bảng Tử Thần, khi phải thi đấu với Hà Lan, đội xuất sắc nhất thế giới lúc ấy và sau đó họ đã lên ngôi vô địch. Chưa hết, còn có cả Liên Xô, đội sẽ là Á quân của giải đấu đó. Và trận đấu với ĐT Cộng hoà Ireland cũng không dễ dàng gì. Tam Sư đã thua cả 3 trận, chỉ ghi 1 bàn thắng. Thật tồi tệ”.  

Waddle tin rằng chẳng cần lo sợ hoặc cố dự đoán về kết cục của một bảng đấu được coi là bảng Tử Thần. “World Cup 2002, ĐT Anh đã rơi vào bảng đấu siêu khó nhưng lại vượt qua được, còn năm 2010, với các đối thủ dễ chơi như Mỹ, Algeria và Slovenia thì Tam Sư lại rất nhọc nhằn để đi tiếp.  

Đôi khi, tôi nghĩ rằng, việc rơi vào bảng đấu khó lại có ích hơn bởi sẽ không bị đặt quá nhiều kỳ vọng. Đấu với một đội mà chúng ta biết rõ và được xem các cầu thủ của họ trên ti vi hàng tuần sẽ dễ dàng hơn là đấu với một đội bóng chưa từng chạm trán. Không thể xem thường các đội bóng này. Hãy nhìn vào Đan Mạch năm 1992. Họ đã làm tất cả phải sửng sốt, giống như trường hợp của Hy Lạp vào năm 2004”.

Chẳng người Anh nào muốn nhắc lại ký ức bị ĐT Iceland tí hon hạ nhục tại EURO 2016, kết quả được coi là tồi tệ nhất mà Tam Sư từng gặp kể từ năm 1950, khi họ bị loại khỏi World Cup bởi đối thủ Hoa Kỳ yếu kém. Đó là một nỗi đau đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai đối với NHM bóng đá Anh.  

Cụm từ “bảng đấu Tử thần" giờ đây còn được sử dụng để chỉ các khía cạnh khác ngoài chất lượng của các đội tham gia. Vòng loại cuối cùng khu vực châu Á ở World Cup 1994 được trao cho danh hiệu chết chóc này vì có 3 quốc gia đang ở trong tình trạng chiến tranh là Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên. Đội còn lại là Ả Rập Xê Út. Hãy thử thay Ả Rập Xê Út bằng Hàn Quốc, sự khốc liệt còn cao hơn.  

Mùa hè này, bảng F của EURO 2020, với Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Hungary chắc chắn sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý. Ngay bây giờ, có lẽ hơi sớm để dự đoán đội bóng nào của bảng F sẽ bị loại. Rất có thể, một trong ba đội Pháp, Bồ Đào Nha hoặc Đức sẽ trở thành 1 trong 2 đội xếp thứ ba kém may mắn không thể lọt vào vòng đấu loại trực tiếp.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x