Các xu thế chiến thuật ở EURO: Xem thôi, học… không được!

Kinh Thi Kinh Thi
15:09 ngày 08-06-2021
Bóng đá là môn chơi của những chiến thuật khác nhau, chứ không có chiến thuật nào bảo đảm dẫn đến thành công. Dù sao đi nữa, luôn có những chiến thuật phổ biến, trong từng thời điểm. Như một vấn đề thời trang, chiến thuật của nhà vô địch EURO hoặc World Cup sẽ trở thành “mốt” trong giai đoạn kế tiếp.

Vế đầu luôn đúng. Còn vế sau thì… hỏng mất rồi. Từ cuối thập niên 1990, lối chơi của nhà vô địch EURO hoặc World Cup chẳng bao giờ đáng để các CLB lớn học hỏi nữa. Cả một đề tài mà giới chuyên môn trên khắp thế giới luôn háo hức chờ đợi trước mỗi VCK giải đấu lớn - không chỉ để xem hoặc thưởng thức, mà còn để học hỏi, phân tích nữa - đã hoàn toàn sụp đổ, trong vài chục năm gần đây. Vì sao?

Ngày xưa (từ năm 1995 trở về trước), ĐTQG đương nhiên là đội bóng mạnh nhất mà một nền bóng đá có được. Trong nhiều trường hợp, đấy cũng là nơi làm việc của HLV giỏi nhất trong nền bóng đá ấy. Ngay sau khi dẫn dắt “Les Bleus” lên ngôi vô địch EURO 1984 (chức vô địch quan trọng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Pháp), HLV Michel Hidalgo lập tức giải nghệ. HLV Aime Jacquet cũng vậy, sau khi đưa Pháp lên ngôi vô địch World Cup 1998. Giống như hoa hậu thì không dự thi lần nữa vậy!

Xem lại gần trăm năm phát triển chiến thuật bóng đá, sẽ thấy ngay rằng “bản quyền” của các sơ đồ 4-2-4, 4-3-3, 4-4-2, 3-5-2… thuộc về các nhà vô địch World Cup. Phải thừa nhận: World Cup mạnh hơn EURO trong vấn đề này, vì các đội ở World Cup đa dạng hơn về trường phái. Nhưng nói vậy không có nghĩa là cách chơi của nhà vô địch EURO ngày xưa không ảnh hưởng đến xu thế chiến thuật sau đó.

“Phán quyết Bosman” ra đời vào năm 1995, xóa bỏ gần hết giới hạn về quốc tịch cầu thủ. Các CLB tự do mua sắm để quy tụ những “dream team” mà trước đó người ta thậm chí không dám mơ, chứ khoan nói đến hiện thực. Bóng đá tầm CLB lập tức trở thành ngành kinh doanh béo bở, và khi tiền tỷ xuất hiện thì loại hình bóng đá này càng phát triển rực rỡ. Nơi này tiqui-taca, nơi khác pressing tầm cao, nơi nọ hoàn thiện tốc độ… các HLV xuất sắc cứ thế mà phát triển cách chơi theo quan điểm riêng của mình.

ĐTQG bây giờ lại là đội… yếu, ở những cường quốc bóng đá. Không có lực lượng hoàn hảo, không được tập hàng ngày, đá hàng tuần, thì còn giá trị gì về chiến thuật nữa? Dĩ nhiên vẫn còn. Nhưng, bí quyết thành công cho các ĐTQG tại EURO hoặc World Cup thời nay là “vụng chèo, khéo chống”. Đấy là một chút gì đó pha lẫn giữa việc xử lý, đối phó, điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Đấy là nghệ thuật hướng đến cái lợi nhất thời, rất ư thực dụng. Ai hành xử khéo nhất, hợp lý nhất thì sẽ thành công. Kiểu “con nhà nghèo học giỏi”!

Có những HLV như thể sinh ra chỉ để huấn luyện ĐTQG trong thời buổi này, mà Fernando Santos (Bồ Đào Nha) là một bậc thầy đáng nể. Cũng có cái hay riêng để giới chuyên môn chờ xem. Nhưng, học hỏi thì không. Muốn cũng chẳng được, vì nó… trật chìa với bóng đá tầm CLB.

#
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x