Chiến thuật tại EURO 2020: Từ Italia ngẫm ra châu Âu

Vào rạng sáng mai, EURO 2020 sẽ chính thức khởi tranh với ứng viên vô địch đầu tiên xuất trận là Italia trong cuộc đấu hứa hẹn sẽ vô cùng khó khăn trước Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy thầy trò Roberto Mancini mang đến giải đấu chiến thuật gì?

Thông thường, các giải đấu lớn sẽ mang hơi hướng của nước đăng cai. Nhưng với một kỳ EURO đầy biến động và được tổ chức trải dài từ Glasgow tới Baku, phiên bản năm 2020 sẽ vô cùng phong phú trong mọi lĩnh vực.

Chiến thuật bóng đá cũng nằm trong số đó. Lần đầu tiên sau 2 năm, công chúng mới có dịp tập trung quan sát vì sao Italia lại có thể bất bại trong 27 trận gần nhất.

Nhưng đừng lạ là khi xem xong, bạn sẽ thấy nó không có gì quá đặc biệt và khá giống với những gì mình lường trước. Đó là bởi Italia hay nhiều đội bóng khác đang dần dần chơi giống nhau hơn.

Nhớ lại một thập kỷ trước, ở World Cup 2010 và EURO 2012, hai quốc gia hùng mạnh nhất là Tây Ban Nha và Đức. La Roja khi đó là "con nghiện" kiểm soát bóng, họ dùng tài giữ bóng để khống chế và điều khiển trận đấu. Trong khi đó, Đức thiên về chuyển đổi trạng thái và phản công nhanh. 

Tây Ban Nha từng thống trị thế giới với tiki-taka

Nhưng theo thời gian, phong cách của hai đội đã có thể hoán đổi cho nhau. Tây Ban Nha loại dần dấu tích tiki-taka sau sự ra đi của Xavi Hernandez và Xabi Alonso. Còn Đức thì nhận ra chỉ chơi phản công thì quá hạn chế.

Các cầu thủ cũng có thể hoán đổi cho nhau. Ở World Cup 2010, 20 trong số 23 cầu thủ của La Roja thi đấu tại La Liga, 3 người còn lại chơi ở Anh. Đức thì thậm chí không có một cầu thủ nào thi đấu ở bên ngoài lãnh thổ. 

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt. Thiago và Javi Martinez trải qua những năm tháng thanh xuân ở Bayern, sau đó Alonso cũng đến. Ngược lại, Sami Khedira, Mesut Ozil và Toni Kroos đều gia nhập Real Madrid. Bây giờ, khi 2 đội chạm trán nhau, cầu thủ bên này hoàn toàn có thể nhảy sang và thi đấu cho đội kia.

Cả Tây Ban Nha và Đức đều đang cố gắng trở lại tốp đầu vào thời điểm hiện tại. Ở cấp CLB, Premier League đang thống trị. Còn ở cấp ĐTQG, Pháp đã vào tới chung kết EURO 2016 và vô địch World Cup 2018. Họ đến với giải lần này cũng với tư cách ứng viên số 1.

Tây Ban Nha và Đức vẫn đang sản xuất đều các tài năng bóng đá. Đội hình họ mang đến EURO 2020 trông cũng rất mạnh, nhưng là... trên giấy. Nếu chỉ xét riêng mức độ cơ học đóng góp của từng cầu thủ cho CLB chủ quản rồi cộng vào với nhau, tỷ lệ vào tới chung kết EURO 2020 của Đức (10,2%) và Tây Ban Nha (9,3%) là cao nhất giải. Nhưng họ có thực sự mạnh như vậy thật không?

Low phải gọi lại Muller lên tuyển Đức

Joachim Low cho gọi tới 4 cầu thủ ông không dùng một phút nào suốt 3 năm qua. Đội hình Đức thiếu vắng nghiêm trọng chất sáng tạo, vai trò vốn thuộc về Ozil. Từng là một đội bóng thiên về phản công, giờ Cỗ xe tăng còn đang phải học cách đưa quả bóng lên phía trên khẩn trương hơn nữa.

Điều tương tự cũng đến với Tây Ban Nha khi "số 9" được kỳ vọng nhất của họ lại vốn không phải một... tiền đạo: Ferran Torres. Adama Traore cũng là một dạng cầu thủ chạy cánh hiếm gặp trong đội hình Bò tót trước đây. Với việc Sergio Busquets đang điều trị Covid-19, dấu ấn tiki-taka sẽ chỉ tồn tại trong miền ký ức.

Với Italia và Hà Lan, họ dường như đã mở lại sách cũ và học theo các tiền bối. Azzurri bây giờ đi theo một dạng catenaccio mới, với phong cách thiên về kiểm soát bóng được HLV Roberto Mancini xây dựng.

Mancini không phải một người lãng mạn và đôi khi bị chỉ trích vì tư tưởng thủ cựu của mình. Ông đơn giản là muốn dùng những cầu thủ giỏi nhất ở từng vị trí nhất định. Một thay đổi lớn của Italia trong tay Mancini là họ đã sản xuất ra được một thế hệ những cầu thủ chơi rộng đúng nghĩa là Domenico Berardi, Lorenzo Insigne, Federico Chiesa và Federico Bernardeschi. Vào 02h00 rạng sáng mai, hãy xem họ chạy trước vòng vây Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?

Italia mang hơi hướng retro

Hà Lan vẫn mải miết với bóng đá Tổng lực nhưng thiệt thòi của Frank De Boer so với thế hệ trước là họ không có được những cầu thủ chạy cánh đẳng cấp. Memphis Depay có tố chất nhưng giờ được sử dụng như một trung phong, giống với cách Arjen Robben ở World Cup 2014.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với Bồ Đào Nha, quốc gia có thời chỉ toàn những siêu sao đá cánh. Bất cứ đứa trẻ nào lớn lên cũng muốn theo bước Luis Figo. Nhưng vào lúc này, truyền nhân số 1 của Figo là Cristiano Ronaldo cũng đã chuyển hộ khẩu vào vòng cấm, Andre Silva là một "số 9", Joao Felix hay Bernardo Silva có thể chơi nhiều vị trí còn Bruno Fernandes thì gắn chặt với vai trò tiền vệ công. Diogo Jota có thể chơi rộng nhưng HLV Fernando Santos không muốn bỏ phí kỹ năng ghi bàn của anh. 

Ở một diễn biến khác, Anh không còn hào nhoáng như xưa với những cầu thủ đáng xem nhất lại là dàn sao trẻ Phil Foden, Jack Grealish và Mason Mount. Với Tam sư của Southgate, sẽ không bao giờ còn 4-4-2 truyền thống nữa bởi Harry Kane vừa là "số 9", vừa là "số 10".  

Với Pháp, rất khó để nhìn ra sự khác biệt giữa đội bóng của Didier Deschams đang huấn luyện với đội bóng chính ông từng lãnh đạo trên sân cỏ ở World Cup 1998. Thế nên, nếu Pháp có vô địch giải đấu này, nó không phải vì họ có bản sắc bóng đá gắn kết nhất, mà bởi vì cuối cùng, họ có đội hình tốt nhất, quá vượt trội so với phần còn lại.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x