ĐT Anh: Bây giờ phải giữ đôi chân trên mặt đất

Dũng Phan Dũng Phan
14:03 ngày 01-07-2021
ĐT Anh đã xuất sắc đánh bại Đức, đội bóng cũng đã thể hiện một bộ mặt khó lường và thậm chí đáng sợ. Tam sư xứng đáng với những lời khen tặng, nhưng đừng “khen cho chúng nó chết”.

Đã nghe đâu đây tiếng hô ĐT Anh vô địch sau màn đả bại Đức ở vòng 1/8. Đã thấy những mỹ từ xuất hiện theo lối thậm xưng, và đã có những cầu thủ của Anh chọn cách tạo dáng trước camera. Nhưng để đi đến vũ khúc khải hoàn, người Anh còn tới 3 trận nữa. Từ đây đến đó, là trập trùng gian khó, mà truyền thông Anh lại là một liều thuốc độc với đủ ngọt ngào và man trá dành cho Tam sư. Người Anh vì thế phải giữ đôi chân trên mặt đất.

Thật lạ lùng khi lại đi khuyên người Anh việc này, bởi vốn dĩ phẩm chất của họ luôn là sự bình tĩnh. Có một câu nói nổi tiếng là: “Bạn đừng bao giờ khiến một người Anh phải bật dậy khỏi ghế”. Ý bảo rằng, dù có đón nhận tin sốc thế nào chăng nữa, người Anh vẫn bình tĩnh ngồi yên và tìm cách giải quyết. Một sự điềm tĩnh trời cho. Có lẽ đến đây bạn đã phần nào hiểu được nguồn gốc của cụm từ lóng “Phớt tỉnh Ăng Lê”! 

Vâng, vậy mà bóng đá có vẻ như là ngoại lệ. Người Anh đứng trước bóng đá không hề giữ được tính cách điềm tĩnh báu vật ấy. Họ sống với bóng đá một cách nguyên thủy, điên dại và luôn rất bay. Điều này, thật ra có nguyên nhân lớn đến từ lịch sử.

Nước Anh cuối những năm 70 thế kỷ trước lâm vào cuộc suy thoái nghiêm trọng về kinh tế. Khi kinh tế bị ảnh hưởng thì tâm lý của người dân sẽ nằm ở hai điểm: bùng nổ và tìm giải thoát. Cùng thời điểm ấy, bóng đá Anh bắt đầu phát triển rực rỡ và trở thành một thế lực trong thập niên 80. Người dân Anh tràn vào trong không khí lễ hội ấy để phát tiết tinh thần và cả sự bức bối trong cuộc sống.

Vào năm 1979, người đàn bà có biệt danh “Bà đầm thép” Margaret Thatcher đắc cử vị trí Thủ tướng Anh. Khi Argentina xâm chiếm quần đảo Falkland, bà Thatcher ra lệnh gửi ngay một lực lượng đặc nhiệm của hải quân đến tái chiếm. Hai tháng sau, Argentina tuyên bố đầu hàng. Người dân Anh ủng hộ bà cuồng nhiệt. Tinh thần đó vì thế cũng mang vào trong bóng đá.

Hooligan Anh được sinh ra từ trong cơn bão của cuộc sống này. Họ mang cái tính hiếu chiến như những gì mà bà Thatcher đã làm ở đảo Falkland, tình yêu si mê đến độ điên cuồng vì họ mang cả sự bức bối của bản thân vào sân cỏ. Thảm họa Heysen nổi tiếng đã xuất hiện trong giai đoạn này. 

Theo thời gian, bóng đá Anh đã dẹp bỏ được nạn Hooligan. Thế nhưng bóng đá vẫn là liều thuốc phiện si mê ở xứ sương mù, cũng là nguyên nhân khiến ĐT Anh luôn để cảm xúc lấn át lý trí. Nhưng bây giờ, nếu có mong ước gì với những người yêu Tam sư lúc này, đấy chính là một mặt hồ tĩnh lặng.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x