ĐT Thụy Sỹ vào tứ kết EURO 2020: Trăm năm mới có một ngày

“Đau quen rồi, nên thua nữa cũng chẳng sao”, người bạn Thụy Sỹ nói với tôi như vậy trước giờ bóng lăn ở Bucharest (Romania). Nhưng chiến thắng lịch sử của ĐT Thụy Sỹ trước ĐT Pháp, nhà ĐKVĐ thế giới đã thay đổi quan niệm của tất cả. Hôm qua là một ngày trọng đại, không chỉ của thể thao Thụy Sỹ, mà còn là của tất cả những ai đang sinh sống ở đây.

Người Thụy Sỹ vốn mê bóng đá. Ngay cả CLB bé nhỏ Xamax ở thành phố Neuchatel cũng có hội CĐV cuồng nhiệt. Chỗ tôi ở chỉ cách sân bóng một đoạn, và từ ban công có thể nhìn thấy cả sân tập. Trước khi giãn cách xã hội vào tháng 3 năm ngoái, tiếng hò hét vang dội, kèn trống inh ỏi là âm thanh quen thuộc mỗi dịp cuối tuần. Thậm chí có lần, người ta dẹp cả một tuyến phố, cấm cả xe buýt, chỉ để nhường cho người đi bộ vác đồ nghề cổ động bóng đá. 

Mùa trước, Xamax xuống hạng, giờ vẫn chật vật ở giải hạng Nhì. Lướt qua những “tên tuổi” từng làm việc ở đội bóng này, có chăng nổi bật nhất là ông Lucien Favre, cựu HLV của Dortmund hay Philippe Senderos, cựu hậu vệ của Arsenal. Nhưng hình như không vì thế mà tình yêu của người dân nơi đây mất đi. Chiều chiều họ vẫn đứng trên cây cầu vượt có góc đẹp để nhìn cầu thủ tập luyện, vẫn mua quần áo, đồ cổ động ở quầy hàng chính hãng và khoác lên mình một cách hãnh diện.

Khi quá trình tiêm vaccine được triển khai trên diện rộng, người dân Thụy Sỹ đã tự do hơn nhiều trong những hoạt động thường ngày. Đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc ở những nơi ít người, các bộ thử nhanh Covid-19 được phát miễn phí tại công sở và hàng quán đón khách trở lại. Tất nhiên, những quán cà phê tụ tập xem bóng giống như Việt Nam là địa điểm ưa thích của mọi người suốt dịp EURO 2020.

Khá “buồn cười” là dù yêu bóng đá cuồng nhiệt nhưng chẳng mấy người Thụy Sỹ tin vào đội nhà. Trên BXH FIFA, Thụy Sỹ đứng thứ 13, không tệ chút nào với quốc gia nhỏ bé này. Tuy nhiên, thành tích tốt nhất trong lịch sử ĐTQG chỉ là vòng tứ kết World Cup năm 1954.  

Về cơ bản là người Thụy Sỹ mất niềm tin trầm trọng vào đội nhà. Hai tuần trước khi tôi gửi đường link phát sóng trực tiếp trận đấu gặp Italia, chẳng ai buồn nói gì. Hết trận, khi Thụy Sỹ thua tan tác mới thấy điện thoại “ting ting”, tin nhắn báo về dồn dập. Một cậu bạn của tôi lên tiếng:

Sau chiến thắng trước Pháp, NHM Thụy Sỹ đổ ra đường ăn mừng ở Neuchatel,  thành phố nơi tác giả đang làm việc

- Tao nghĩ mày quá ngây thơ  khi đánh giá Thụy Sỹ có thể thắng.
- Đá thế này có ra thể thống gì đâu. Thắng Italia ư? Giành vé đi tiếp còn sợ quá sức ấy chứ.
Lúc đấy, tôi “nhảy dựng lên” bảo:
- Sao phải bi quan thế? Thụy Sỹ vẫn có thể lọt vào nhóm những đội có vị trí thứ ba tốt nhất mà?

Nhưng chẳng ai tin tôi. Ít nhất là lúc đó. “Hhmm, chúng tao không còn niềm tin nữa rồi. Không biết bao nhiêu lần bọn tao đã phải chịu đau đớn, hy vọng rồi lại thất vọng”, cậu bạn kia đáp lại.

Phải rồi, quá khứ của Thụy Sỹ ở các VCK bóng đá lớn toàn thương đau. Họ bị loại tại World Cup năm 2006 với “kỷ lục” không thủng lưới bàn nào, đồng đăng cai EURO 2008 và lần thứ ba góp mặt tại giải đấu này nhưng bị loại tại vòng bảng. Tới World Cup 2014 dù thi đấu quật cường nhưng vẫn gục ngã trước Argentina tại hiệp phụ. Có quá nhiều kỷ niệm đau thương khiến người ta dần mất niềm tin vào những điều kỳ diệu. Sau cùng, khi tôi nói rằng “still breathing, still hoping - còn sống là còn hy vọng” thì rất nhiều người chỉ đáp lại bằng mấy chữ “hhmm” mỉa mai và cũng đầy tuyệt vọng.

Thế rồi hôm qua, cũng chính những con người “đau khổ” ấy lại sống trong niềm nô nức không ngờ. Họ hồ hởi nhắn tin trong nhóm chat tới nỗi gõ sai cả chính tả:

- Cái gì thế? Không bao giờ bọn tao có thể tưởng tượng ra kịch bản này.
- Chúa ơi, điên thật rồi.
- Không cần biết kết quả trận sau thế nào, về cơ bản thì bọn tao đã là nhà vô địch châu Âu.

Trong niềm vui “ké” của người bản xứ, tôi vui vẻ trả lời:

- Thật ra thì Thụy Sỹ vừa thắng ĐKVĐ thế giới, vậy nên tụi mày phải hơn cả vô địch châu Âu nữa. Đâu ai có đánh thuế ước mơ.
00h15 phút sáng, hơn ba mươi phút kể từ sau chiến thắng không tưởng của Thụy Sỹ trước Pháp, đường phố vẫn còn rền rĩ tiếng còi xe ô tô, tiếng hò hét, tiếng pháo nổ. Rất nhiều bạn bè của tôi ở các thành phố khác đều chia sẻ điều tương tự. Mặc cho cơn mưa rào, ai ai cũng hào hứng cầm cờ bay phấp phới chạy dọc phố. Dù nói lời cay đắng, dù có thất vọng tới đâu thì người ta vẫn luôn dõi theo đội nhà. Đêm qua là một đêm không ngủ ở Thụy Sỹ, là một đêm niềm tin yêu vô bờ bến ấy được đáp lại bằng hạnh phúc vỡ oà. 

8 giờ sáng hôm sau, cuộc sống lại trở về sự bình yên vốn có của nó. Thành phố vẫn hiền hòa, những dòng xe cộ chậm rãi, bình thản. Nhưng chắc chắn đằng sau cốc cafe sáng, giờ nghỉ trưa, giờ ăn tối hay những lúc rảnh rỗi trong ngày, tất cả sẽ luôn nhắc về chiến thắng lịch sử. 

Tôi từng tự hỏi trong môi trường công sở Thụy Sỹ, mọi người thường tán dóc chủ đề gì khi ở đây là tổng hòa của nhiều nền văn hóa nhập cư từ Italia, Đức, Bồ Đào Nha và nhiều nhất là…Pháp. Nhưng hôm qua là một ngày mới, bởi từ giờ đám đông sẽ cùng nhau túm lại và cổ vũ cho Thụy Sỹ viết tiếp câu chuyện cổ tích này. Có ở đây, ngay lúc này, giữa một quốc gia đa văn hóa và sắc tộc, bạn mới hiểu giá trị và sức mạnh ghê gớm bóng đá mang lại. Ngày của Thụy Sỹ, ngày của toàn dân.

VỀ TÁC GIẢ

Tháng 9/2019, Dương Minh Trung sang Thụy Sỹ làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công Nghệ Liên Bang vùng Lausanne (EPFL). Tòa nhà nơi Minh Trung làm việc có tên là Microcity ở thành phố Neuchatel, nằm sát đại bản doanh của CLB Neuchatel Xamax đang thi đấu tại giải hạng Nhì Thụy Sỹ. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x