EURO 2020: Hãy duy trì 'đặc sản' này!

Kinh Thi Kinh Thi
06:30 ngày 14-07-2021
Tùy quan điểm riêng, nhưng không ít người sẽ chọn pha kéo áo của Giorgio Chiellini (Italia) đối với Bukayo Saka (Anh) là hình ảnh đáng nhớ nhất tại EURO 2020. Một trong những chỗ đáng nhớ của nó là tính chất hài hước thật khó có trong một trận chung kết đỉnh cao.

Bảo xấu, thì quả là xấu. Nhưng, đâu khó kể ra hàng trăm hình ảnh khác còn xấu xa, đê tiện, độc ác hơn nhiều, trong bóng đá đỉnh cao.

Khen một hành động như thế thì không ổn rồi. Nhưng, qua cái hành động rõ ràng là phản fair-play của Chiellini, người ta lại thấy được khối điều hay ho khác của chính anh. Những gì Chiellini muốn, anh đều đạt được. Đấy lại là điều hữu ích cho toàn đội. Đối thủ hoàn toàn không chịu hậu quả đáng kể gì (có khi còn được khen, được thông cảm, trở nên nổi tiếng hơn ấy chứ). Và trọng tài không thể trừng phạt Chiellini điều gì khác hơn là một chiếc thẻ vàng, coi như vô nghĩa.

Rất nhanh (trong suy nghĩ), hợp lý (xét theo tình huống thực tế), dứt khoát (động tác ra tay), hiệu quả (mục đích đạt được)! Đấy xem ra cũng là những giá trị lớn mà một đội bóng nên hướng đến khi ra sân.

Chiellini không phải là cầu thủ hay nhất của Italia, cũng chẳng phải là biểu tượng, hoặc là cầu thủ có ảnh hưởng to tát gì, cả trong lối chơi lẫn trên tinh thần. Anh mang băng thủ quân chẳng qua vì Azzurri xưa nay thường đơn giản trao băng thủ quân cho cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội. Tóm lại, đấy chỉ là một cầu thủ bình thường. Như Marco Materazzi tại World Cup 2006, hoặc Claudio Gentile tại World Cup 1982. Nếu như đấy là biểu tượng, câu chuyện về Azzurri lại khác, lại… mất hay.

Materazzi chọc tức khiến Zinedine Zidane sập bẫy, bị đuổi trong trận chung kết World Cup 2006 - cái hình ảnh mà rất nhiều nơi phải tạc tượng, để ghi lại một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá. Lưu ý: tạc tượng, vì giá trị nghệ thuật rất cao trong hình ảnh húc đầu của Zidane. Cũng như giá trị hài hước rất cao trong hình ảnh ngã ngửa của Saka vậy. Gentile thì dùng tiểu xảo để vô hiệu hóa cả hai siêu sao lớn nhất của bóng đá thế giới tại World Cup 1982 – Diego Maradona (Argentina) và Zico (Brazil).

Người ta gọi đấy là Catenaccio. Khái niệm này không chỉ là một cách chơi bóng, một chiến thuật phòng ngự thật kín kẽ (“cài then cửa” gì đấy). Catenaccio là cả một nghệ thuật, một tinh thần. Dù xuất xứ không phải ở Italia, nhưng Catenaccio nhanh chóng trở thành đặc sản tuyệt vời của Catenaccio, bén rễ và phát triển bền vững qua bao thời kỳ. Nó quá phù hợp với lối sống Italia, cách nghĩ Italia. Không có hành động nắm cổ áo của Chiellini, cách nói “chọc tức” của Materazzi, cách kèm người dai như đỉa và phạm lỗi trong khuôn khổ của Gentile, thì không bao giờ là bóng đá Italia “chuẩn Catenaccio”.

Có người chỉ thấy Chiellini chộp cổ áo đối phương, và chỉ biết đấy là hành động “bị cấm”. Vậy đừng làm. Có người lại thấy: luật bóng đá “không cấm”, mà chỉ quy định rằng ai làm thế thì phải chấp nhận hình phạt thẻ vàng. Vậy hãy làm, nếu cái lợi của nó to hơn chiếc thẻ vàng.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x