EURO 2020: Khi tướng tài bị 'trảm'

Phạm An
10:26 ngày 01-07-2021
EURO 2020 - Từ năm 2007 đến năm 2013, hãng điện thoại khổng lồ của Phần Lan đã lao xuống vực thẳm vì một sự thiếu nhận thức kỳ lạ: các lãnh đạo tập đoàn hoàn toàn không biết rằng hãng đang sa sút.

Khi văn hóa trượt dốc

Một quản lý cấp trung của Nokia thời kỳ đó từng phản ánh rằng “nếu bạn tỏ ra quá tiêu cực, bạn sẽ phải trả giá”. Văn hóa của Nokia khi ấy là kết quả của sự tự mãn sau nhiều năm dẫn đầu thị trường điện thoại: các nhân viên chỉ muốn cung cấp cho những nhà quản lý cấp cao “tin tốt” chứ không phải là “thực tế”. Các lãnh đạo hoàn toàn không biết rằng Apple và Samsung đang ngoạm gần hết thị phần điện thoại. Văn hóa công ty có lẽ đã trượt dốc trước khi lợi nhuận đi xuống.

Người tệ nhất trong số những lãnh đạo ngồi vào ghế thuyền trưởng Nokia thời kỳ ấy là Stephen Elop. Khi ông này trở thành CEO của Nokia vào quý 4/2010, hãng này vẫn đang chiếm 28,2% thị phần, với 117 triệu máy bán ra, trong khi Samsung chỉ bán được 71 triệu và Apple là 13,4 triệu máy. Chỉ trong vòng ba năm Elop nắm quyền, doanh thu Nokia sụt giảm đến 40%, lợi nhuận sụt đến 95% và thị phần điện thoại từ gần 30% về còn 3,4%. Những con số khủng khiếp đến nỗi dư luận còn đặt câu hỏi liệu Elon có phải “gián điệp” được cài vào để phá hoại Microsoft hay không.

Elop có thật sự là một gã kém cỏi ăn may ngồi phải ghế Nokia? Có lẽ là không. Ông từng nhận lương thưởng gần một triệu USD/năm khi làm việc tại Adobe, là người quản lý giúp cổ phiếu của Jupiter Networks tăng trưởng đến 75% chỉ trong một năm, và mang lại lợi nhuận kỷ lục cho bộ phận  kinh doanh của Microsoft khi làm việc tại đây trong 2 năm, từ 2008-2010.

Nhưng Elop đã tiếp quản Nokia vào thời điểm văn hóa công ty, như đã nói, là không thể cứu vãn. Việc thiếu những thông tin trung thực để đánh giá đúng tình hình tổ chức đã trở thành thói quen ở đây, và một CEO chẳng thể làm gì được nhiều. 

Với tập mẫu là hàng chục tổ chức trong hơn một thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có tỉ lệ rất cao những người giỏi rơi vào không đúng môi trường, và thay vì đưa ra một giải pháp được suy nghĩ thấu đáo, thì việc họ thường được khuyến khích làm là tạo ra một trình chiếu PowerPoint ấn tượng hơn. Một nhà quản lý của một công ty công nghệ trong số này được nhân viên nhớ đến chủ yếu vì hay… làm bữa sáng cho nhân viên và tổ chức thưởng thức bia hàng năm, thay vì công việc.

Các nhà lãnh đạo hiện đại cũng tương tự: họ thường phải dành thời gian để làm những công việc không tên, khi văn hóa làm việc và nội lực của các tổ chức sa sút. 

Thất bại của Hà Lan tại  vòng 1/8 khiến Frank De Boer phải trả giá bằng chính  chiếc ghế HLV trưởng

Khủng hoảng lãnh đạo ở EURO

Khi các đội bóng lớn lần lượt ra về, tên các HLV lại trở thành tấm bia mục tiêu của những mũi tên dư luận: Didier Deschamps, Joachim Loew, hay Frank De Boer (mới từ chức HLV trưởng ĐT Hà Lan) đều đã bị đổ lỗi vì đội tuyển họ dẫn dắt bị loại. Thậm chí cực đoan đến mức năng lực lãnh đạo được coi là chiếm 100% nguyên do dẫn đến thất bại. 

Tất nhiên, đó là một phần của nghề huấn luyện viên. Khái quát họ thành nguyên nhân thất bại là đơn giản nhất. Nhưng hãy nhìn vào những đội tuyển đã rời EURO lần này: đa số vấn đề của họ lớn hơn là khủng hoảng ở ghế cầm quân. 

Theo tờ L’Equipe, ông Deschamps thậm chí bị cho là hàng ngày phải đi nhắc các trụ cột của đội tuyển Pháp (nổi bật là nhóm Mbappe và Griezmann) đi ngủ đúng giờ, vì họ thường xuyên thức khuya chơi điện tử và xem Netflix. Tờ Sport Bild đã tiết lộ về mâu thuẫn trong lòng đội tuyển Đức từ 3 năm trước, khi họ phải rời World Cup 2018 ngay từ vòng bảng, giữa nhóm cầu thủ của Bayern và nhóm còn lại. Đội tuyển Hà Lan hiện tại thì đang khan hiếm những tài năng có thể vận hành thứ bóng đá theo triết lý truyền thống của đất nước này.

Ngược lại, những HLV bị cho là thiếu tài năng như Gareth Southgate (Anh) hay còn quá thiếu kinh nghiệm như Andriy Shevchenko (Ukraine) lại đã tiến đến tứ kết, vì đội tuyển của họ chẳng có vấn đề gì về văn hóa làm việc cả. Tam sư đã đến kỳ EURO này với một đội hình ít danh tiếng, nhưng cũng ít luôn thị phi bậc nhất trong lịch sử. Việc của các HLV lúc này chỉ là tập trung vào chuyên môn.

Deschamps hay Loew đều đã từng là nhà vô địch World Cup, nhưng văn hóa làm việc của tập thể họ có trong tay lúc này đã khác nhiều. Một phần lỗi có lẽ đến từ họ, nhưng không phải là tất cả. Nếu Mbappe muốn chơi điện tử đến khuya, thì chẳng ai cản được anh ta cả. 

14 tỷ USD cho “tướng tài”

Theo nghiên cứu của Giáo sư người Mỹ Jefffrey Pfeffer của Đại học Stanford, ít nhất 14 tỷ USD mỗi năm được chi cho việc phát triển năng lực lãnh đạo.

Nhưng một nghiên cứu khác của trường kinh doanh Cass, Đại học London (Anh) cũng cho ra kết quả đáng kinh ngạc: hầu hết các cá nhân xuất chúng được tuyển dụng vào thời điểm mà tổ chức của họ… không khuyến khích họ sử dụng năng lực của mình. Vấn đề đôi khi không hẳn nằm ở năng lực lãnh đạo.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x