EURO nghiêng: Khi Tây Ban Nha không còn chia rẽ

Phạm An
07:59 ngày 02-07-2021
Thông thường khi Barcelona thắng 3-0 trên sân nhà, hàng chục ngàn người hâm mộ người Tây Ban Nha sẽ đứng dậy vỗ tay như sấm rền ở sân Camp Nou, khi trận đấu kết thúc. Tuy nhiên, vào tối 1/10/2017, không một CĐV nào đứng dậy ăn mừng bàn thắng thứ ba của Barca vào lưới Las Palmas trên “thánh đường” bóng đá có sức chứa gần 100 ngàn người ấy.

Bóng đá cũng là tư tưởng

Tại sao? Vì hôm ấy, chẳng có CĐV Barca nào đến sân cả. Trước đó, tại khu vực Đông Bắc xứ Catalunya, một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về nền độc lập ở đây đã diễn ra. Cảnh sát đã đụng độ với các cử tri, khiến gần 500 người bị thương. Để bày tỏ thái độ, Barcelona quyết định đóng cửa sân như một hành động lên án lực lượng an ninh quốc gia: “Chúng tôi quyết định ủng hộ những người dân Catalunya đang đòi độc lập. Đây không phải vấn đề an ninh”, Chủ tịch Barca khi ấy, ông Bartomeu, tuyên bố.

“Thật kỳ lạ nếu Barcelona vẫn đá bóng bình thường trong khi chỉ cách đó vài dặm, người dân đang phải chịu đựng”, Victor Bolea, một CĐV Barca, nói với đài Al Jazeera. Trước đó, đội bóng xứ Catalunya đã trình đơn yêu cầu hoãn trận đấu lại, nhưng bị Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha từ chối. Quyết định đóng cửa sân rất nhanh chóng vào tối Chủ nhật hôm đó là một trong những bằng chứng sâu sắc cho thấy bóng đá gắn liền với chính trị và tư tưởng thế nào ở Catalunya nói riêng và Tây Ban Nha nói chung. 

Chính trị cũng đã định hình bản sắc của của Real Madrid, đối thủ số một của Barcelona. Được thành lập vào năm 1902 với tên gọi câu lạc bộ bóng đá Madrid, phải đến năm 1920, nhà Vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha bấy giờ mới cho phép đội quyền sử dụng tiền tố “real” - nghĩa là hoàng gia - trong tên gọi và vương miện biểu tượng của CLB.

Chỉ vài giờ sau khi trận Barcelona đè bẹp Las Palmas kết thúc, hàng ngàn CĐV Real Madrid đã chuẩn bị cờ Tây Ban Nha để đồng loạt vẫy trên sân Bernabeu khi tiếp đón Espanyol. Dù không ai thừa nhận, nhưng dường như ai cũng hiểu cử chỉ ấy có ý nghĩa gì: “FC Barcelona và những người ủng hộ họ sống ở Catalunya, một khu vực mà nhiều người coi mình là khác biệt về chính trị và văn hóa so với phần còn lại của Tây Ban Nha… họ coi Real Madrid là đội đại diện cho phần còn lại”, Jimmy Burns, nhà báo thể thao chuyên nghiên cứu bóng đá Tây Ban Nha, chia sẻ với Al Jazeera.

Athletic Bilbao, CLB đại diện cho xứ Basque, thì có chính sách chỉ tuyển chọn những cầu thủ được sinh ra hoặc đào tạo trẻ bởi CLB. Ý tưởng này là nỗ lực tạo ra bản sắc văn hóa và tư tưởng cho đội bóng. Cùng với Barcelona và Real Madrid, họ tạo thành ba trong số bốn CLB thành công nhất kể từ khi La Liga được thành lập vào năm 1928.

Đội tuyển không chia rẽ

Trong nhiều năm, kể cả khi đã ở trên đỉnh thế giới, xương sống của đội tuyển Tây Ban Nha được hình thành từ các nhóm cầu thủ đến từ những CLB có bản sắc đối nghịch, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai nhóm Barca và Real. Thậm chí, chính các CĐV Tây Ban Nha cũng lợi dụng khi tuyển đá để chỉ trích các cầu thủ không thuộc “phe” mình. 

Khi tập hợp lại, đội tuyển Tây Ban Nha chưa bao giờ thực sự đoàn kết, vì bóng đá với họ không đơn giản là thể thao. Đấy là sự khác biệt về tư tưởng. Không phải chỉ là giữa người Barca hay người Real nữa, mà là người đòi quyền tự trị và người “quốc gia”. Giữa chủ nghĩa ly khai của các xứ đòi độc lập và bản sắc Tây Ban Nha tập trung.

Tại World Cup 2018, Sergio Ramos đã cãi nhau với Chủ tịch Luis Rubiales của LĐBĐ Tây Ban Nha ngay trên sân tập, vì ông này đã đưa ra quyết định sa thải HLV Julen Lopetegui, người sẽ trở thành tân HLV trưởng Real Madrid sau đó, chỉ 48 tiếng trước trận ra quân gặp Bồ Đào Nha. Người được cho là đã tuồn tin cho cánh báo chí về kế hoạch bổ nhiệm của Real Madrid là… Gerard Pique.

Khi ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Tây Ban Nha, một trong những việc đầu tiên ông Luis Enrique làm là giảm số lượng cầu thủ Real và Barca trên tuyển.

Danh sách dự EURO của “Cuồng phong đỏ” thậm chí còn không có một cái tên nào của Real Madrid, và chỉ 3 cầu thủ Barca. 26 người đến từ 18 CLB khác nhau cho thấy rõ ý đồ của HLV Enrique: ông không cần một bộ khung nhuần nhuyễn từ CLB. Ông chỉ cần loại bỏ toàn bộ những mầm mống chia rẽ tư tưởng.

Không thể nói kỳ EURO đang diễn ra dễ dàng với Tây Ban Nha: họ chật vật đi đến vòng tứ kết với một lối chơi chưa có gì rõ ràng. HLV Enrique, như thường lệ, chịu rất nhiều chỉ trích vì các quyết định của mình, bao gồm cả việc cho thủ lĩnh Sergio Ramos ở nhà, và tin dùng Alvaro Morata. Những cuộc tấn công của dư luận đến từ tứ phía.

Nhưng ít nhất, Enrique có thể yên tâm rằng Tây Ban Nha sẽ không bị đâm từ chính trong nội bộ, thêm một lần nào nữa. 

Không chỉ là bóng đá

Trong khi Real Madrid có lịch sử gắn liền với chế độ quân chủ, và thậm chí theo các giai thoại, có liên quan đến tướng độc tài Franco, người từng được cho là đã chèo kéo Alfredo Di Stefano đến CLB vào năm 1953, thì Barcelona được xem như biểu tượng của việc giữ lại danh tính địa phương. Nhiều người ủng hộ Barcelona đã treo cờ Catalunya và biểu ngữ đòi ly khai trong các trận đấu tại Camp Nou (ảnh), và chính CLB này, dù không công khai ủng hộ ý định ly khai, cũng cho biết sẽ “tiếp tục ủng hộ ý chí của đa số người Catalunya”.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x