Góc nghiêng EURO: Lời tuyên chiến của Ronaldo

Phạm An
11:25 ngày 19-06-2021
Sau khi Cristiano Ronaldo quyết định dẹp hai chai Coca-Cola sang một bên và làm “bốc hơi” 4 tỷ USD giá trị của hãng nước giải khát này trên sàn chứng khoán, một loạt các ngôi sao đã làm theo anh.

Khi quảng cáo có hại thống trị

Paul Pogba gạt chai bia Heineken trước mặt anh, vì lý do tuân theo cấm kỵ của đạo Hồi. Một ngày sau, đến lượt Manuel Locatelli cũng chọn nước lọc và dẹp chai Coca-Cola sang một bên. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) phát hoảng, lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ ai làm theo Ronaldo hay Pogba có thể sẽ phải đối diện với án phạt. Ảnh hưởng từ cử chỉ bất ngờ của Ronaldo không phải chuyện đùa.

Đấy là một lời tuyên chiến với ngành công nghiệp quảng cáo đang có quá nhiều những mặt hàng tiêu cực thống trị. Khi Bồ Đào Nha đánh bại Pháp ở trận chung kết EURO 2016, ước tính có khoảng 284 triệu khán giả đã xem. Hãng bia Heineken, nhà tài trợ hàng đầu của EURO 2020, đã trả cho UEFA khoảng 45 triệu USD hàng năm để tiếp cận các khách hàng tiềm năng này.

Việc các khán đài trống vắng vì đại dịch Covid-19 đã khiến quảng cáo có thêm đất sống. Tại Premier League, Newcastle United đã sử dụng không gian ghế CĐV ngồi để quảng bá cho nhà tài trợ chính của họ là FUN88, một công ty cá cược. Leicester có ba đối tác cá cược đang được cho hiển thị trên trang chủ của họ, trong khi Arsenal có ba nhà tài trợ rượu. 

Khi người hâm mộ quay trở lại sân, Tottenham Hotspur đã sắp xếp cho họ ngồi ở tầng trên của khán đài, được cho là để camera truyền hình có thể quay được các biển quảng cáo ở tầng thấp hơn, cho một hãng nước tăng lực, một công ty cá cược và một hãng đồ ăn nhanh, không tốt cho sức khỏe cho lắm.

Những quyết định đó có thể gây phẫn nộ, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được lý do chúng được đưa ra. Các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh ước tính đã phủ sóng được 643 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới. Trong một nghiên cứu mới công bố, có đến 716 lần các thương hiệu cá cược xuất hiện trong một trận bóng ở Premier League, tức cứ mỗi phút lại có 6 logo loại này xuất hiện.

Tại EURO 2016, hãng bia Carlsberg được cho là đã cố tìm cách truyền tải các thông điệp marketing, bất chấp luật pháp của nước chủ nhà Pháp cấm tiếp thị rượu bia ở các sự kiện thể thao. Một nghiên cứu về tiếp thị bia rượu nói chung tại EURO 2016 cho thấy cứ mỗi chương trình phát sóng lại có trung bình 123 đoạn quảng cáo rượu bia, khoảng hai phút một lần.

Yarmolenko “cà khịa” Ronaldo bằng cách gạt các loại nước khác để ưu tiên Coca-Cola

Nỗ lực của Ronaldo

Các ngôi sao, tất nhiên, đóng một vai trò không nhỏ trong sự xâm chiếm kinh hoàng này. Tờ báo lá cải nổi tiếng nhất nước Anh The Sun lập tức lên bài chỉ ra rằng Ronaldo đã từng kiếm bộn nhờ các hợp đồng quảng cáo với chính Coca-cola và các hãng đồ ăn thức uống không tốt cho sức khỏe. Trong đoạn clip được cho là phát sóng vào năm 2006, Ronaldo uống Coca, sau đó thi triển các tuyệt kỹ, rồi khi bàn và ăn mừng. 

Trong một đoạn quảng cáo khác cho hãng đồ ăn nhanh KFC phát ở thị trường Trung Đông, ngôi sao người Bồ Đào Nha thưởng thức ngon lành một hộp đầy cánh gà rán, trước khi nháy mắt với ống kính và nói: “Ngon tuyệt”. Đoạn clip này được cho là đã giúp Ronaldo kiếm được 2,25 triệu USD. Global Data, một công ty chuyên dữ liệu, còn tiết lộ thêm rằng tiền đạo của Juventus đã từng ký một thỏa thuận trị giá 2,3 triệu USD để quảng cáo cho hãng bia Ambev của Brazil.

Có vẻ một người hám lợi như thế không có tư cách ngồi vào bàn và bắt đầu truyền tải thông điệp về việc tránh xa những sản phẩm mà khi dùng nhiều nó thì có hại cho sức khỏe. Nhưng hãy nghĩ lại một chút về trường hợp của Ronaldo: tuổi sinh học của anh hiện được cho là trẻ hơn 10 năm so với tuổi hiện tại, với một chế độ ăn uống 6 bữa nghiêm ngặt, và thời gian ngủ có thể kéo dài đến 14 tiếng/ngày với huấn luyện viên riêng. Vào năm 2018, bức ảnh chụp Ronaldo khi tung một cú “xe đạp chổng ngược” vào lưới Juventus ở Champions League cho thấy ngôi sao người BĐN đã bật cao đến 2,30 mét.

Hai ngày trước, khi đi vào lịch sử với tư cách người ghi bàn nhiều nhất ở EURO qua mọi thời ở tuổi 36, với cú đúp vào lưới Hungary, Ronaldo có lẽ không cần phải áy náy gì thêm về quá khứ của anh. Trong gần hai thập kỷ qua, anh đã tự biến mình thành một bằng chứng sống về việc một con người có thể phá vỡ những giới hạn thế nào, bằng luyện tập và giữ chế độ sức khỏe lành mạnh. Thương hiệu của anh ngày hôm nay, được tạo ra từ nỗ lực chứng tỏ thái độ sống của mình là đúng đắn, thậm chí đã mạnh hơn Coca-Cola trong một khoảnh khắc.

Khi ngồi vào bàn họp báo hôm ấy, có lẽ Ronaldo đã đột nhiên nhớ ra rằng, anh đã đủ tư cách để đưa ra một lời tuyên chiến.

“Hào quang sức khỏe”
Với các giải đấu lớn, việc quảng bá cho những thương hiệu không tốt cho sức khỏe có một lịch sử phức tạp. 5 năm sau khi World Cup bắt đầu bán các gói tài trợ, Coca-Cola đã lần đầu tiên tham gia kể từ năm 1975, trong khi công ty thuốc lá RJ Reynolds là nhà tài trợ chính trong suốt thập niên 1980, cho đến khi FIFA phải trả lời các cáo buộc rằng đây không phải những nhãn hàng thích hợp với CĐV trẻ tuổi. Việc tạo ra liên kết các thương hiệu không lành mạnh với thể thao là điều rất quan trọng đối với các tập đoàn vì nó mang lại hiệu ứng “hào quang sức khỏe” vốn được thiết kế để tác động đến nhận thức người tiêu dùng. Do đó, các nhà tài trợ ban đầu cho thể thao thường là các công ty rượu và thuốc lá, sử dụng mối liên kết này để quảng bá và bình thường hóa sản phẩm của họ.

 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x