Made in France, làn gió ái quốc trở lại với người Pháp

KUANG DY (từ Paris)
10:48 ngày 05-07-2016
Nước Pháp đang chứng kiến sự trở lại của làn gió ái quốc, phản chiếu từ những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất cho đến chuyện thời sự “hot” nhất là thành tích của đội tuyển bóng đá quốc gia.
Một nhà thiết kế người Pháp tên là Francois Jaskarzec vừa ra mắt một sản phẩm cá nhân mà ông hết sức tự hào: chiếc quần lót mang 3 màu Xanh-Trắng-Đỏ. Cờ nước Pháp. Ý tưởng này thực ra cũ rích. Khắp nơi trên thế giới, việc các nhà thiết kế mang quốc kỳ nước mình ra làm cảm hứng để tạo nên những sản phẩm “gai góc” không phải chuyện mới. 

Đi đầu trong trào lưu này là nước Mỹ, nơi lá cờ hoa có thể dùng che tất cả những bộ phận cơ thể nhạy cảm nhất. Nhưng với nước Pháp thì đó vẫn là chuyện có nhiều điều để nói. 

Thứ nhất, là vì người Pháp không phải người Mỹ. Thứ mà người Mỹ coi là sự phóng khoáng tự nhiên thì trong con mắt người Pháp thường là một sự nhố nhăng khó chấp nhận. Thứ hai, việc một chiếc quần sịp ba màu được thị trường hưởng ứng phác họa một sự đổi thay trong cách suy nghĩ của người Pháp: họ bắt đầu có xu hướng thể hiện sự ái quốc một cách nhẹ nhàng, đùa giỡn, qua những thứ giản đơn, cổ điển. Và được ủng hộ nhiệt tình.


Một ví dụ khác: các bãi đất trống dọc bờ kênh Saint-Martin, đoạn gần quảng trường Stalingrad và vườn hoa Villette phía Bắc Paris trước đây vốn chỉ để dạo bộ thì thời gian qua bỗng nở rộ thành các điểm chơi petanque (bi-sắt) và boule bretonne (tương tự bi-sắt) thu hút đông đảo người dân Paris. Cả già lẫn trẻ. Đây là điều lạ. Vì petanque vốn là môn chơi thường chỉ dành cho các… cụ già và cũng thường chỉ phổ biến nhiều ở miền Nam nước Pháp. 

Nhưng nay thì giới trẻ cũng chơi, ngay giữa Paris, dưới con mắt tò mò thích thú của những du khách, ở một trong những điểm du lịch đông đảo nhất Paris. Những người chơi đội mũ bê-rê và đi dép cói espadrille, nhìn vào khung cảnh đó cứ ngỡ như Paris những năm 30 chứ không phải của thời đại số hóa toàn cầu.

Chưa hết: trong các quán bar Paris, món khai vị nhấm nháp ưa thích bây giờ thường là một công thức truyền thống, như một ly vermouth hay kir (vang trắng hoặc sâm-panh pha nước cốt táo…) còn bánh mỳ bơ-giăm bông cổ điển Pháp cũng đang dần được chuộng hơn sandwich, McDonald, kebab hay bánh mỳ kẹp thịt Việt Nam. 

Ví dụ còn nhiều: quần áo (Cocolico), bánh kẹo, trang phục thể thao (Le coq sportif)… tất cả đều hãnh diện in dấu “made in France” trên nhãn mác. Một sự trở lại âm thầm nhưng mạnh mẽ của các thương hiệu cổ điển cùng làn gió ái quốc không che giấu.

Những nhà xã hội học, những chuyên gia marketting Pháp giải thích rằng, làn gió ái quốc này là sự trả lời một cách bản năng đối với toàn cầu hóa. Khi thế giới số càng len lỏi sâu vào đời sống, nhu cầu được lặn ngụp trở lại trong các giá trị văn hóa gốc càng lớn. 61% người Pháp nói họ luôn ưu tiên những thứ “made in France” hơn. 


Câu chuyện này đúng với cả bóng đá Pháp và đội tuyển Pháp. “Made in France” gốc với Les Bleus, đơn giản là sự tự hào được khoác áo ĐTQG và hát quốc ca Marseillaise. Điều tưởng như hiển nhiên này bị cắt vụn từ 2008 đến 2013, với đỉnh điểm là “sự kiện Knysna” ở Nam Phi 2010. Trong quãng thời gian này, ĐT Pháp bị người Pháp ghét bỏ, quốc ca Marseillaise bị huýt sao ngay tại Stade de France. 

Nguyên do có nhiều, nhưng lớn nhất là sự vô tổ chức của đội bóng, thể hiện qua những gương mặt nổi loạn không coi ĐTQG ra gì, từ Nicolas Anelka đến Nasri hay Benzema. Chỉ khi Les Bleus thể hiện họ đúng là một tập thể có khát khao bảo vệ màu cờ sắc áo, bắt đầu từ trận thắng ngược Ukraine 3-0 ở trận play-off vòng loại World Cup 2014, thiện cảm của các CĐV mới dần trở lại. 

Didier Deschamps hiểu rõ điều này quan trọng thế nào, mà vì thế ông mới chấp nhận rủi ro khi bỏ những tài năng lớn như Benzema hay Ben Arfa ngồi nhà để giữ cho tập thể không xáo trộn ở EURO 2016. Một Les Bleus đúng như người Pháp mong muốn, một Les Bleus “made in France” đơn giản là một đội bóng chiến đấu hết mình vì màu cờ, chứ không hẳn là một đội bóng phải chiến thắng bằng mọi giá. 

Điều đáng mừng là ĐT Pháp có vẻ đang đi đúng đường. Không phải ngẫu nhiên mà trước tứ kết, 60% dân Pháp ủng hộ ĐT Pháp. Trước giải con số này là 51%. Và cầu thủ được yêu thích nhất là Dimitri Payet, người đã khóc vì ghi bàn trong trận khai mạc. Đã có người nói đó là nước mắt yếu đuối. Nhưng thực ra thì với một đội bóng vốn yếu về tổ chức và tinh thần như ĐT Pháp thời gian qua, thứ nước mắt đó mới đáng quý. 

Vì quan trọng là nó cho thấy “made in France” vẫn còn chỗ đứng trong ĐT Pháp, và có thể chính cái đó mới giúp họ tiến xa chứ không phải là trình độ chuyên môn vốn còn nhiều ngờ vực.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x