Người hùng EURO, anh là ai?

Kinh Thi Kinh Thi
13:35 ngày 09-06-2021
Như định mệnh, ngôi sao lớn nhất của ĐT Bồ Đào Nha là Cristiano Ronaldo phải sớm rời sân vì chấn thương trong trận đấu lịch sử, đem về cho bóng đá xứ Bồ chức vô địch duy nhất ở các giải đấu lớn xưa nay. Ai là người ghi bàn duy nhất trong trận chung kết EURO 2016? Một tiền đạo tên là Eder, giờ đã chìm vào quên lãng.

Cầu thủ ghi bàn trong trận chung kết EURO, kể cả là bàn quyết định, thường không được nhớ đến một cách xứng đáng. Tổng quát hơn: chức vô địch EURO thường không gắn với một người hùng rõ rệt nào đó, để người ta phải nhớ mãi về sau này - đấy chính là cái “định mệnh” đang được nói tới. “Gánh Team” như Ronaldo trong chức vô địch EURO 2016 của Bồ Đào Nha, rút cuộc cũng không được diễn trọn vai.

Cũng từng có Michel Platini tại EURO 1984, hoặc Marco van Basten tại EURO 1988. Nhưng đấy chủ yếu là vẻ đẹp thuần túy. Suy cho cùng, có hay không có những sự sáng ngời ấy, thì sự nghiệp lừng lẫy của Platini và Van Basten cũng vẫn là lẽ hiển nhiên. Họ không được nhớ đến theo cái cách mà người ta nhớ đến Paolo Rossi tại World Cup 1982 - vốn là sự pha lẫn giữa tài năng và kịch tính, bất ngờ.

Yếu tố “giật gân” thấp đến mức gần như là đã triệt tiêu ở EURO. Ở đấu trường này, chẳng những không có kiểu người hùng như Paolo Rossi hoặc Diego Maradona (World Cup 1986, 1990), mà dù ở mức thấp hơn thì cũng chẳng có Roger Milla, Rene Higuita, Daniel Amokachi, Ahn Jung Hwan… Vậy, EURO có gì để nhớ?

EURO có bóng đá và chỉ có bóng đá. Hơn cả World Cup, EURO là giải bóng đá có đẳng cấp chuyên môn cao nhất thế giới, qua bao đời nay. Người ta tham dự EURO chỉ để đá bóng. Mặt khác, do bóng đá châu Âu quá đồng nhất, quá gần nhau về trình độ, tính chất “bóng đá” của EURO luôn được phát huy đến một mức độ chuyên môn cao nhất có thể, để rồi từ đó chẳng còn điều gì quan trọng để nhớ, ngoài chuyên môn bóng đá.

Vai diễn cá nhân tại EURO, nếu có (và tất nhiên luôn có, vì phẩm chất chuyên môn càng cao thì vai trò cá nhân càng trở nên quan trọng) cũng là những vai diễn đậm chất chuyên môn. Có rất ít chỗ cho cái gọi là “văn hóa bóng đá” ở đấu trường này. Khi các đội “chiếu dưới” làm nên chuyện lớn tại EURO, thì đấy là những câu chuyện hay không thể tách rời vấn đề chuyên môn. Đan Mạch vô địch EURO 1992 như một câu chuyện cổ tích, mà trong đó không có quá nhiều chỗ nổi bật cho John Jensen hoặc Kim Vilfort - những cầu thủ ghi bàn trong trận chung kết. Cũng chẳng ai tỏ ra choáng ngợp trước Angelos Charisteas - cầu thủ ghi bàn cho Hy Lạp trong chung kết EURO 2004.

Xem EURO, hoặc xem các anh tài châu Âu thi thố tài năng ở trận địa EURO, là xem đẳng cấp chuyên môn của họ, xem thứ bóng đá cao cấp của họ. Hấp dẫn hay không, còn tùy quan điểm thưởng thức. Nhưng ở đây là bóng đá đích thực và chỉ dành cho dân ghiền bóng đá đích thực. Muốn xem “lễ hội”, xin hãy chờ đến World Cup.

#
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x