Tình trạng 'phe phái' trong ĐT Anh: Không có mới lạ

Kinh Thi Kinh Thi
14:28 ngày 14-11-2019
Sự kiện Raheem Sterling (Man City) xung đột với Joe Gomez (Liverpool) đến nỗi bị HLV Gareth Southgate gạt khỏi đội tuyển Anh đang đặt lại vấn đề: phải chăng đây đã là một "truyền thống" lâu năm, gây bất lợi cho đội tuyển Anh?

Tất cả những người trong cuộc, khi được hỏi, đều khẳng định đấy là một tình trạng có thật. Khác biệt chỉ là cách nhìn nhận về mức độ của nó. Rio Ferdinand nói luôn: đấy là nguyên nhân chính khiến “thế hệ vàng” của bóng đá Anh rút cuộc chẳng làm nên trò trống gì đáng kể trong quá khứ!

Thật ra, tình trạng phân hóa trong nội bộ các ĐTQG chẳng bao giờ là điều mới mẻ. Đội tuyển Hà Lan thậm chí phải đuổi Edgar Davids về nước khi đang dự EURO 1996, vì ngôi sao gốc Surinam này nói huỵch toẹt trên mặt báo rằng HLV Guus Hiddink “đội các cầu thủ da trắng lên đầu”. Cũng thuộc “phe gốc Surinam” với Davids là Patrick Kluivert. Đội tuyển Hà Lan ngày xưa hễ có Kluivert thì không có Ruud van Nistelrooy, hoặc ngược lại.

Còn ở đội tuyển Đức, cứ mỗi khi họ tham dự một giải đấu lớn là cánh báo chí nước này có dịp soạn lại bổn cũ: chụp ảnh trong canteen để thấy rằng “cánh Bayern” chỉ ngồi với nhau, ở các bàn khác là “cánh Dortmund” hoặc “cánh Leverkusen”, tùy từng thời điểm cụ thể. Với đội tuyển Tây Ban Nha thì không phải nhắc: ngay cả giới báo chí cũng còn chia hẳn thành hai pha cổ súy Barcelona hoặc Real Madrid. Tin hay không tùy bạn, nhưng đã có câu hỏi: phải chăng các cầu thủ Barcelona trong ĐT Tây Ban Nha chỉ chuyền bóng cho nhau? Trước đây, đội Bỉ sa sút suốt một khoảng thời gian dài bởi phe nói tiếng Pháp, phe nói tiếng Đức và phe nói tiếng Hà Lan bất hợp tác với nhau...

Làm sao để vượt qua những câu chuyện như thế thì trước tiên, đấy là việc của nhà cầm quân. Gareth Southgate cũng từng là tuyển thủ Anh, nên ông đâu cần ai rao giảng. Trên thực tế, Southgate đã hành động rất nhanh trong vụ Sterling. Bàn kỹ hơn thì thật ra, câu chuyện về Sterling chỉ là một ví dụ cụ thể.

Hồi xưa, cứ sau mỗi lần trở về từ ĐTQG, các hảo thủ M.U luôn được HLV Alex Ferguson hỏi kỹ đặc điểm của “phe Arsenal”. Họ ăn uống, sinh hoạt thế nào, cách tập ra sao, có dùng thêm máy móc hoặc công cụ hỗ trợ đặc biệt gì? Các bên cứ phải “giữ khoảng cách” với nhau còn là vì vậy, chứ ai lại cỏn con như Sterling (chẳng qua là đã “cay” Gomez từ trận thua Liverpool cuối tuần trước và “mất khôn” khi gặp lại trong đội tuyển).

Báo giới khoét kỹ chuyện Sterling “dùng đến chân tay” trước tiên là vì mục đích “câu view” tầm thường. Sao không bàn đến những chuyện to tát hơn, như cách “moi thông tin” của Ferguson ngày xưa? Với vài ngôi sao đặc biệt, có khi ban huấn luyện và các tuyển thủ phải làm việc với nhau thật kỹ về cách chơi, sao cho ngôi sao ấy phát huy năng lực tốt nhất (gồm cả việc phân tích sở trường, sở đoản của ngôi sao ấy). Đấy cũng sẽ là thông tin bổ ích để các cầu thủ đem về cho CLB của mình? Khi Harry Kane đòi hỏi mọi người phải “tâm nguyện với nhau 100%” khi cùng bước vào đội tuyển, thì một là anh quá... rỗng tuếch, hai là chính Kane... không hiểu chuyện.

Do đặc thù riêng, hầu hết các tuyển thủ Anh xưa nay đều chỉ thi đấu trong nước, và trong nhiều trường hợp thì họ là kỳ phùng địch thủ của nhau quanh năm suốt tháng. Khoảng hai chục năm gần đây, bóng đá quốc tế (tức loại hình bóng đá giữa các ĐTQG) đã mờ nhạt đi rất nhiều. Bóng đá của các “siêu CLB” thì ngày càng quan trọng, hấp dẫn. Lại còn có những chi tiết “miễn bàn”, như CLB phài è cổ trả lương cho các tuyển thủ. Ở đó mà “toàn tâm toàn ý” khi vào đội tuyển, như Kane giảng đạo đức!

Với các tuyển thủ Brazil, vốn phải phân tán khắp thế giới, mỗi dịp tập trung đội tuyển là “vui như Tết”. Điều này thì đúng, và quá hay. Nhưng đấy chỉ là đặc điểm riêng, tham khảo cho vui. Phổ biến hơn, hãy nghe Steven Gerrard: “Ghét nhau bỏ xừ. Cứ mỗi khi tập trung trong đội tuyển Anh, chúng tôi lại phải giả vờ là rất thích nhau”.

Đấy mới là bản chất. Còn những lời kể cụ thể của Lampard, Ferdinand, Kane, Gerrard... đều chỉ là những lát cắt rất mỏng, ai thấy hoặc nghĩ đến đâu thì kể đến đấy, như người mù xem voi vậy.

60%. Trong số 14.000 người đầu tiên tham gia vào cuộc trưng cầu ý kiến của tờ báo Daily Mail, có 60% tán đồng với biện pháp của HLV Southgate: gạt Raheem Sterling  ra khỏi ĐT Anh vì sự cố xung đột với Joe Gomez  ở ĐTQG.

Thành phần nào của Anh vô địch World Cup 1966?

Đấy là giải đấu lớn duy nhất xưa nay mà ĐT Anh đoạt chức vô địch. Trong thành phần tham dự World Cup 1966, 22 tuyển thủ Anh đến từ... 14 CLB khác nhau. HLV Alf Ramsey từng dẫn dắt Ipswich 3 năm trước khi nắm ĐT Anh khi đó, nhưng ông không gọi cầu thủ nào của Ipswich vào đội tuyển dự World Cup 1966. Đội vô địch Anh năm 1966 là Liverpool góp 3 tuyển thủ. Kế đến là Leeds (á quân) góp 2 tuyển thủ và đội số 3 Burnley... không có cầu thủ nào được gọi.

“Sterling với Gomez bình thường mà, có sao đâu”

Hậu vệ trái Danny Rose cho rằng, vụ va chạm giữa Raheem Sterling và Joe Gomez trên sân tập ĐT Anh chẳng có gì là quá nghiêm trọng và đáng để làm ầm ĩ. “Có gì ghê gớm đâu nhỉ mà mọi người cứ làm quá lên? Những chuyện như thế vẫn xảy ra hàng ngày trong bóng đá, đã đá bóng là phải va chạm rồi làm sao mà tránh được. Sau đấy hai người cũng hòa giải rồi”, hậu vệ của Tottenham trả lời Sky Sports.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x