Top 10 điều đáng nhớ nhất của EURO 2020

PHƯƠNG MINH
08:41 ngày 13-07-2021
EURO 2020 đã khép lại với chức vô địch thuộc về đội tuyển Italia. Nhưng bên cạnh việc Azzurri có lần thứ 2 đăng quang và thất bại cay đắng của đội tuyển Anh, giải đấu năm nay vẫn còn rất nhiều điều đáng nhớ...
#1
Thảm kịch Christian Eriksen

Tất cả đã nín thở khi Christian Eriksen bất ngờ đột quỵ và gục xuống sân trong trận ra quân của Đan Mạch với Phần Lan. Nhờ được cấp cứu kịp thời, tiền vệ 29 tuổi đã được cứu sống và nhanh chóng ổn định trở lại. Nhưng hình ảnh đội trưởng Simon Kjaer vừa sơ cứu, vừa chỉ đạo đồng đội chắn ống kính máy quay và an ủi vợ của Eriksen vẫn khiến không ít người ám ảnh. Mất mát này vô tình lại thành động lực để Đan Mạch tiến vào tận bán kết.

#2
Trào lưu tẩy chay nhà tài trợ

Cristiano Ronaldo đã tạo nên một trào lưu thú vị ở EURO 2020, khi gạt hai chai Coca Cola khỏi bàn và khuyên mọi người uống nước lọc thay vì nước ngọt trong phòng họp báo sau trận Bồ Đào Nha gặp Hungary. Hành động này sau đó được Manuel Locatelli (Italia), Paul Pogba (Pháp) và John McGinn (Scotland) bắt chước. Nhưng cũng có người thích làm ngược lại. Chẳng hạn, HLV Franco Foda (Áo) tu một ngụm Coca Cola ngon lành, còn đồng nghiệp Stanislav Cherchesov (Nga) của ông thì khoe kỹ năng... bật nút chai.

#3
Vượt qua nỗi lo dịch bệnh

Dù diễn ra muộn 1 năm so với dự kiến vì Covid-19, dịch bệnh vẫn là nỗi lo lớn nhất tại EURO 2020. Tuy nhiên, UEFA vẫn cương quyết yêu cầu các sân đăng cai phải đảm bảo số khán giả ít nhất bằng 25% sức chứa. Sự hiện diện của CĐV quả thực đã xua đi bầu không khí ảm đạm tại châu Âu. Và Covid-19 cũng không quá ảnh hưởng đến lực lượng các đội, trừ những ngoại lệ của Sergio Busquets (Tây Ban Nha), Billy Gilmour (Scotland), Ivan Perisic (Croatia) hay Denis Vavro (Slovakia).

#4
Hiệu quả tuyệt vời của VAR

Những trợ lý trọng tài video (VAR) vẫn thường xuyên gây tranh cãi tại các giải VĐQG như La Liga hay Premier League. Nhưng kỳ EURO 2020 này là một giải đấu tuyệt vời của các trọng tài ngồi trong phòng kỹ thuật. UEFA đã giao công việc “bị ghét bỏ” này cho những người thực sự giàu kinh nghiệm, và tổ VAR cũng chỉ can thiệp khi cần thiết. Nhờ thế, hầu hết tình huống đều được giải quyết nhanh, chính xác và không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các cầu thủ và CĐV.

#5
Anh thăng hoa nhờ lợi thế sân nhà

3 năm sau khi lọt vào bán kết World Cup 2018, đội tuyển Anh lại tiếp tục thăng hoa với ngôi á quân ở EURO 2020. Và một trong những nguyên nhân giúp Tam sư chơi thành công là vì họ được chơi 6/7 trận đấu của mình tại tổ ấm Wembley. Bên cạnh sự tiếp lửa từ khán đài, việc được chơi trên sân nhà còn giúp các học trò của HLV Gareth Southgate chiếm ưu thế về thể lực, khi chỉ phải “làm khách” đúng một lần là trận tứ kết với Ukraine ở Rome.

#6
Những hành trình vạn dặm

Ngoài Anh, những chủ nhà khác như Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan cũng không phải di chuyển quá nhiều. Nhưng với phần còn lại, kỳ EURO diễn ra trên khắp châu Âu này thực sự là những cuộc hành trình vạn dặm. Thụy Sỹ đã phải di chuyển tổng cộng 12.000 dặm (19.312 km) tới Baku (2 lần), Rome, Bucharest và Saint Petersburg. Xứ Wales cũng có 5.000 dặm (8.047 km) trên không. Và khi kiệt sức vì di chuyển và jet-lag (thay đổi múi giờ), thật khó để duy trì phong độ.

#7
UEFA mua dây buộc mình

Bên cạnh những thành công, UEFA lại mua dây buộc mình với những quyết định tranh cãi liên quan đến cộng đồng LGBT ở EURO 2020. UEFA đã “tha” Manuel Neuer khi thủ môn này đeo băng đội trưởng với sắc cầu vồng biểu trưng cho giới LGBT. Nhưng BTC sân Baku lại tịch thu lá cờ cầu vồng của hai CĐV, và UEFA còn bác đề nghị chiếu đèn cầu vồng ở sân Allianz Arena trong trận Đức - Hungary, vì cho rằng đó là thông điệp phản đối dự luật về người đồng tính ở Hungary.

#8
Nỗi hổ thẹn của nhà vô địch World Cup

Sau thất bại ở EURO 2016, tưởng như đây là cơ hội để Pháp lấy lại những gì đã mất. Nhưng EURO 2020 lại trở thành thảm họa với Les Bleus. Ở vòng 1/8, nhà vô địch World Cup 2018 đã dẫn Thụy Sỹ 3-1 tới tận phút 81. Nhưng rồi họ bị gỡ hòa 3-3, bất lực trong 2 hiệp phụ rồi gục ngã trên chấm luân lưu. Thất bại trên sân, mâu thuẫn còn bùng phát trên khán đài khi mẹ của Adrien Rabiot khẩu chiến với bố của Kylian Mbappe và gia đình Paul Pogba.

#9
Đại tiệc bàn thắng

Người ta từng lo lắng là EURO 2020 sẽ kém hấp dẫn, do các cầu thủ đã kiệt sức sau một mùa giải kéo dài, hệ quả của dịch Covid-19. Nhưng nỗi lo ấy đã nhanh chóng bị xua tan. Vì đây chính là kỳ EURO có tổng số bàn thắng cao nhất (142) và số bàn thắng trung bình cao nhất lịch sử (2,78 bàn/trận). Những bữa tiệc bàn thắng ấy thậm chí còn trở thành những trận đấu kinh điển thực sự như Tây Ban Nha-Croatia (5-3), Pháp-Thụy Sỹ (3-3) hay Đức-Bồ Đào Nha (4-2).

#10
Bóng đá vẫn chưa thể “về nhà”

Sau 55 năm chờ đợi, rốt cuộc bóng đá vẫn chưa thể về nhà như người Anh mong đợi. Hơn nửa thế kỷ kể từ khi vô địch World Cup 1966, Tam sư đã thất bại trong trận chung kết giải đấu lớn thứ 2. Hy vọng lớn dần lên khi họ vượt qua đối thủ kỵ giơ Đức, vùi dập Ukraine rồi đánh bại Đan Mạch đã vỡ tan sau trận chung kết với Italia. Nhưng phải thừa nhận rằng đoàn quân trẻ trung dưới quyền HLV Gareth Southgate đã có một giải đấu tuyệt vời.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x