Hồi kết của bóng đá Trung Quốc, nền bóng đá 'giả tạo'

Cẩm Chi
09:25 ngày 05-03-2021
Ngày đầu tiên của tháng 3, bóng đá Trung Quốc nói lời chia tay với Jiangsu Suning. Đội bóng này chính thức dừng hoạt đồng dù chỉ vài tháng trước còn đăng quang Chinese Super League. Đó là “cái chết” tuy đột ngột, nhưng thực chất đã được dự báo.
Hồi kết của bóng đá Trung Quốc, nền bóng đá 'giả tạo'

Tương lai thấy trước 

Suning, đại gia ngành bán lẻ ở Trung Quốc, quyết định giải thể toàn bộ các hoạt động thể thao chuyên nghiệp họ đang đầu tư, từ đội bóng nam, nữ tới đội esport Liên Minh Huyền Thoại. Tất nhiên, Covid-19 có tác động tiêu cực tới “sức khỏe” tài chính của các tập đoàn toàn cầu này. Nhưng thật kỳ lạ là chỉ hai năm trước, họ suýt chút nữa đã giành được chữ ký của Gareth Bale với mức lương tới 1 triệu usd/tuần. Ngay ở mùa giải 2020, mùa giải Jiangu Suning vô địch quốc gia, đội hình của họ vẫn còn Alex Teixeira, người từ chối chuyển sang Liverpool vào mùa hè 2016. Hôm nay đang rủng rỉnh ngày mai bỗng cháy túi, đấy chắc chắn không phải cách làm việc của các tập đoàn đa quốc gia. Rốt cuộc, vấn đề nằm ở đâu? 

Thực tế, sự sụp đổ của Jiangsu Suning hay rộng hơn là bóng đá Trung Quốc, đã âm ỉ diễn ra từ ba năm qua. Lượng khán giả ở giải VĐQG Trung Quốc đã giảm hơn 35% ở mùa giải 2020 khi so sánh với thống kê cùng kỳ vào năm 2017. Khi mùa bóng 2020 chuẩn bị khởi tranh, có 11 CLB chuyên nghiệp ở các hạng đấu Trung Quốc tuyên bố phá sản tái cấu trúc, 5 trong số này cho dừng hoạt động cửa hàng phân phối đồ lưu niệm. Và Jiangsu Suning không phải nhà vô địch đầu tiên giải thể bởi trước đó, Tianjin Tianhai cũng chuyển giao quyền sở hữu ngay sau khi đăng quang tại Super League 2019. 

Liaoning Hongyuan là một ví dụ điển hình khác của “bong bóng” bóng đá Trung Quốc. Đội bóng ở Đông Bắc quốc gia này từng vô địch châu Á năm 1990 và là thế lực hàng đầu khu vực trong thập niên 80-90. Khi bóng đá Trung Quốc chuyển giao cho các tập đoàn tư nhân, họ cũng là CLB có giá trị lớn thứ 10. Năm 2016, Liaoning khi vẫn còn chơi ở giải hạng Nhất đã mạnh tay tiêu 12 triệu euro cho chữ ký của chân sút Anthony Ujah từ Bremen. Nhưng bây giờ, cái tên huyền thoại ấy chỉ còn là dĩ vãng. 

Jiangsu Suning từng vô địch Chinese Super League 2020 giờ đã bị giải thể

Giấc mơ bainianjulebu

Nguyên nhân thật sự  chắc chắn không nằm ở tình hình tài chính của các công ty mẹ, hay thường được biết tới với danh xưng “chủ đầu tư” và “ông Bầu”. Trong câu chuyện, trách nhiệm của CFA, LĐBĐ Trung Quốc là cao nhất. 

Nhằm phục vụ các dự án của ĐTQG, CFA muốn hạn chế sức ảnh hưởng của ngoại binh ở hệ thống thi đấu CLB. Đó là mong muốn đúng đắn, nhưng cách thực hiện và áp dụng chế tài mới là vấn đề.  

Được sự đồng ý của Bộ Tài Chính, CFA thông qua luật thuế 100% cho các vụ chuyển nhượng quốc tế, đồng thời đánh thuế với mức tương đương vào thu nhập của nhóm cầu thủ không mang quốc tịch Trung Quốc. Hãy tưởng tượng Carlos Tevez nhận lương 1 triệu usd/tuần nghĩa là, Shanghai Shenhua mất thực tế 2 triệu usd/tuần cho khoản thu nhập của Tevez. 

Nhưng đó chưa phải giọt nước tràn ly. Tiền chưa bao giờ là rào cản với những tập đoàn sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng họ mất tiền để đổi lại quyền lợi tài trợ và ngay cả thương hiệu đã gắn liền tên tuổi, các CLB cũng không được phép giữ lại.  

CFA hướng tới văn hóa bainianjulebu, nghĩa là những CLB “trăm năm tuổi”, tên đội bóng gắn liền với tên địa phương giống như những nền bóng đá lâu đời ở châu Âu. Một lần nữa, đó là mục đích đúng đắn của những lãnh đạo cấp cao nhưng phương hướng triển khai là sai lầm. Các CLB chỉ có 12 tháng để đổi tên và rất nhiều trong số đó, thậm chí phải chuyển cả địa bàn hoạt động. Như trường hợp của Shijiazhuang, họ tìm được chủ mới sau 6 tháng rao bán và cái giá phải trả là chuyển tới thành phố Cangzhou, cách đó 270km. Nghĩa là, tập khán giả và khách hàng của CLB đã thay đổi hoàn toàn. Nhưng một tình huống trớ trêu hơn tiếp tục ập tới: Cangzhou là thành phố cấp 1 thuộc tỉnh Hà Bắc, nơi có sẵn đội bóng lớn Hebei Fortune (nay là Hebei FC). 

Khủng hoảng, vì thế, là kết cục tất yếu. Đấy là chưa kể từ cuối năm ngoái, luật cấm đầu tư ngoài ngành đã được áp dụng vào bóng đá. Nghĩa là, tập đoàn tư nhân bỏ tiền vào bóng đá chỉ đơn thuần là nhà tài trợ chứ không có quyền quyết định tới số phận của CLB. 

Hệ lụy của cuộc cách mạng thể chế bóng đá này tới giờ còn rất lớn. 3 tháng qua, các cầu thủ Jiangsu Suning chưa nhận lượng và cũng chẳng còn hy vọng nào được đổ tiền vào tài khoản nữa. Cũng chẳng có chuyện đền bù cho những ai còn hợp đồng vì lúc này, tập đoàn đã nộp đơn phá sản CLB.

10 ngày lịch sử 
Bóng đá Trung Quốc thời kim tiền sẽ không bao giờ quên sự kiện, kỷ lục chuyển nhượng bị phá vỡ 3 lần trong vỏn vẹn 10 ngày, bắt đầu từ hợp đồng của Ramires, sau đó tới Jackson Martinez và chốt hạ là Alex Teixeira, diễn ra trong tháng 1/2016. 

10 CLB Super League đang nợ lương 
Hiện tại, có 10 đội bóng ở Super League đang nợ lượng cầu thủ trước thềm mùa giải 2021. Trường hợp nghiêm trọng nhất là của Dalian Pro khi còn thiếu thu nhập người lao động tới 8 tháng. Thứ Ba tuần tới, ban điều hành giải sẽ có cuộc họp với đại diện các CLB nhằm tìm ra giải pháp. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
34
+41
74
3
32
+44
73
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
32
+2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x