Đã 6 tháng, chính xác thì triết lý của Van Gaal là gì?

Chiêu Văn
14:30 ngày 13-03-2015
HLV người Hà Lan thường rất can đảm trong các thử nghiệm chiến thuật và tư duy rõ ràng về những gì ông muốn, nhưng điều đó có vẻ như không xảy ra ở Old Trafford mùa này.
Đã 6 tháng, chính xác thì triết lý của Van Gaal là gì?
Man United thật ra mới thua 2 trận ở Premier League trong năm 2015, nhưng với rất nhiều người, lối chơi của họ vẫn quá thiếu thuyết phục và Louis van Gaal, HLV vẫn khẳng định là chơi đẹp cũng quan trọng như giành chiến thắng, đang là người gây thất vọng nhiều nhất. Sự phán xét lúc này có thể là vội vã, nhưng bóng đá hiện đại luôn khắc nghiệt như thế. Những thiên tài HLV ở giải vô địch Anh như Herbert Chapman, Don Revie, Bill Shankly, Brian Clough hay Sir Alex Ferguson có lẽ cũng sẽ bị phán xét chỉ sau nửa mùa giải trong bối cảnh hiện giờ.

Nhưng Van Gaal cũng đã tự chuốc lấy rắc rối. Chính ông ban đầu nói phải mất 3 tuần để triết lý của mình thấm vào các cầu thủ, rồi cũng chính ông điều chỉnh tiến độ thành 3 tháng, và giờ yêu cầu hãy đợi tới mùa tới hãy phán xét. Triết lý bóng đá của Van Gaal là gì? Đó là câu hỏi đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các CĐV Man United mùa này, trong khi đội bóng của họ đang ở trong một giai đoạn mà mỗi trận lại là một cuộc “đập đi xây lại” toàn bộ cả về mặt chiến thuật, đội hình và nhân sự.

Van Gaal, lúc mới khởi nghiệp, là một tông đồ của bóng đá tổng lực truyền thống. Ở Ajax, hệ thống ông sử dụng là sự kế thừa của một lối chơi đã được duy trì suốt từ giữa những năm 1960: tập trung vào cầm bóng nhiều, hệ thống cơ bản là 4-3-3 dù một trong 2 trung vệ có thể dâng lên để chuyển thành 3-4-3, các tiền vệ trung tâm lùi sâu (Edgar Davids và Clarence Seedorf), gây sức ép trên khắp mặt sân…

Đội hình Ajax đá chung kết Champions League với Milan ngày 24/5/1995 

Van Gaal chỉ điều chỉnh chi tiết với đội hình đó. Ông nhận ra rằng số 10 cũng phải đóng góp cho phòng ngự. Ông thấy các trung vệ cũng phải tổ chức lối chơi từ phía sau. Ông yêu cầu tiền đạo phải là người kết nối lối chơi và quan trọng nhất, ông yêu cầu các tiền vệ cánh không dâng cao hơn các tiền đạo cánh để đề phòng các pha phản công. Những đội bóng của Van Gaal luôn chơi pressing và tốc độ (bóng dài hay bóng ngắn không phải là vấn đề, miễn là họ chơi như thế).

Ở Barcelona, triết lý đó không thay đổi, nhưng cũng với vài điều chỉnh nhỏ nữa. Thủ môn được yêu cầu phải xử lý tốt bóng bằng chân, điều đã khiến Robert Enke thất bại tại Barca. Mọi cầu thủ phải đủ thể lực để tham gia phòng ngự, điều gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa Van Gaal với các ngôi sao Rivaldo, Giovanni và Sonny Anderson, hay thất bại trong việc tìm một chỗ cho Juan Roman Riquelme.

Tuy nhiên, thất bại với ĐT Hà Lan ở vòng loại World Cup 2002, thời kỳ thứ 2 với Barcelona đầy khó khăn và những tranh cãi với Ronaldo khi ông làm giám đốc thể thao ở Ajax đã khiến Van Gaal thay đổi. Một thập kỷ trước, ông tưởng như đã phải chấp nhận vị thế một HLV lỗi thời. Van Gaal lưu lạc tới tận AZ Alkmaar, nơi ông nhận ra rằng những nguyên tắc cũ cần phải thay đổi. Một đội bóng ở tầm AZ không thể chơi pressing 4-3-3, hay thậm chí là 4-2-3-1 đang trở nên thời thượng.

Đội hình AZ Alkmaar đá với ADO tại giải VĐQG Hà Lan ngày 4/4/2009

Trong 4 mùa giải của Van Gaal tại CLB tốp dưới của Hà Lan đó, ông đã thay đổi bản thân, và đọi bóng. AZ chơi 4-4-2, nhưng rất cơ động. Họ phòng ngự số đông, giải tỏa áp lực và tung ra các đường chuyền dài từ Stijn Schaars, tiền vệ chơi ngay trước hàng thủ 4 người, cho các tiền đạo tốc độ, Mousa Dembele và Mounir El Hamdaoui. Van Gaal gọi chức vô địch Hà Lan mà ông giành được với AZ là “kiệt tác nhỏ bé của tôi”. Ông đã thay đổi, và đã chiến thắng.

Nếu Van Gaal không mất hàng triệu USD vì vụ lừa đảo Bernie Madoff, có lẽ ông đã ở lại AZ luôn, nơi ông có thể là một nhà độc tài không ai dám chống lại. Nhưng khi Bayern ngỏ lời, tình hình tài chính khiến ông khó thể nói không. Ở Munich, những dấu ấn AZ vẫn còn rơi rớt: 4-3-3 hay 3-4-3 của Van Gaal trước đó được thay bằng 4-2-3-1, với một tiền vệ trụ chuyên nghiệp, Mark van Bommel. Cái tôi quá lớn khiến ông bị sa thải 21 tháng sau đó, nhưng vì đấu đá trong văn phòng ban lãnh đạo hơn là vì các kết quả chuyên môn.

Van Gaal tới với Hà Lan 2012 không còn là Van Gaal của một thập kỷ trước. Sự thực dụng giờ là khuynh hướng chủ đạo trong triết lý của ông. Ông không còn là kẻ lãng mạn lý tưởng trước kia. “Tôi đôi khi tự hỏi bản thân liệu chơi bóng đẹp có quan trọng hơn là chiến thắng”, Van Gaal từng viết trong cuốn tự truyện năm 2009 của ông, “Vision” - Nhãn quan. Giờ thì ông không còn đặt ra câu hỏi đó nữa, giờ thì chiến thắng luôn là ưu tiên số 1.

Chấn thương của Kevin Strootman được nhiều người dẫn ra là lý do khiến Van Gaal điều chỉnh lối chơi của ĐT Hà Lan ngay trước World Cup 2014, nhưng thực ra, triết lý cơ bản của ông đã thay đổi, dù có Strootman hay không. Hà Lan vì thế tới Brazil với đội hình 3 hậu vệ. Ở tuổi 62, Van Gaal đã quyết định thử nghiệm một sơ đồ chiến thuật mà ông chưa bao giờ dùng tới trước đó trong cả sự nghiệp, giống như những gì ông làm ở AZ.

Liệu đó có phải là một thành công? Chiến thắng vang dội 5-1 trước đội ĐKVĐ TBN đã che lấp mọi tranh cãi và trận đấu đó của Hà Lan thật sự rất xuất sắc, ngay cả khi TBN chỉ còn là cái bóng mờ của chính mình và ngay cả khi David Silva bỏ lỡ một cơ hội mười mươi để nâng tỉ số lên 2-0 trước bàn gỡ hòa quyết định của Robin van Persie. Nhưng bạn hãy nhớ lại kỹ một chút, tiếp theo là gì: một chiến thắng thiếu thuyết phụ trước Austrlia, một trận thắng nhọc nhằn nữa trước Chile, rồi vất vả không kém trước Mexico trước khi bị Costa Rica kéo lên chấm 11 mét ở vòng tứ kết. Cuối cùng là trận bán kết nhạt nhẽo vô vị với Argentina.

Đội hình ĐT Hà Lan đá với Tây Ban Nha tại World Cup 2014 ngày 13/6/2014

Phải thừa nhận Van Gaal đã đưa một đội bóng thiếu ngôi sao làm được hơn hẳn kỳ vọng. Nhưng mặt khác, Hà Lan vẫn chơi đầy lo lắng và chiến thắng với rất nhiều may mắn. Thành công duy nhất thật sự về mặt chiến thuật của họ ở World Cup có lẽ là việc bố trí Arjen Robben chơi như một tiền đạo lùi đằng sau Van Persie. Van Gaal có vẻ muốn lặp lại điều đó với Angel Di Maria ở Man United, dù Di Maria rõ ràng không khéo léo, tốc độ, bùng nổ và nhiều năng lượng như Robben.

Trên nhiều phương diện, những khó khăn của ĐT Hà Lan đã lặp lại ở Man United: trước các đội mạnh, kế hoạch phản công nhìn chung là hiệu quả; nhưng trước các đội yếu chơi phòng ngự, tất cả giải pháp chỉ còn là những đường bóng bổng cho Marouane Fellaini. Cuộc tranh cãi về bóng dài và bóng ngắn, bóng bổng và bóng sệt ở Man United hiện giờ phức tạp hơn so với vẻ bề ngoài. Bóng bổng của Van Gaal có lẽ không phải là kiểu Anh của những Wimbledon, Watford hay Cambridge thời 1950. 

Man United chuyền dài quá nhiều vì một lý do khác: đó là cách chuyển đổi phòng ngự-tấn công nhanh nhất, một phẩm chất vốn vẫn luôn gắn liền với bóng đá tổng lực. Trong 20 đội đang dẫn đầu 5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa này, chỉ Wolfsburg là có số đường chuyền dài chính xác nhiều hơn Man United. Tiếp theo là Bayern. Không ai có thể nói họ là những đội chơi bóng bổng. 

Tương tự, thống kê về việc Man United chuyền bóng cho thủ môn quá nhiều ở Premier League cũng có thể bị diễn giải sai lạc là đội bóng của Van Gaal quá thụ động. HLV người Hà Lan đã luôn đòi hỏi thủ môn của ông là cầu thủ thứ 11 trên sân tham gia vào việc xây dựng lối chơi. Edwin van der Sar, người bắt chính của Van Gaal ở Ajax, luôn xử lý bóng bằng chân cực kỳ tự tin, và điều đó được nâng lên một tầm mức mới với Manuel Neuer ở Bayern, một trong những di sản giá trị nhất mà Van Gaal để lại cho đội bóng xứ Bavaria.


Nhưng các khía cạnh khác của triết lý bóng đá cũ nơi Van Gaal giờ không còn rõ ràng. Ông đã từ bỏ bóng đá tổng lực của những năm 1990 để xây dựng những đội bóng thực dụng hơn rất nhiều. Man United mùa này đang chơi đúng như thế. Các cuộc họp báo của Van Gaal cũng phản ánh điều đó trong tính cách của ông. Không còn những cơn thịnh nộ, những lần cảm xúc dâng tràn mà chỉ là các câu trả lời mệt mỏi cho xong. Có thể ông đã lớn tuổi, đã mệt mỏi và nhiệt tình đã cạn, nhưng quan trọng hơn, ông đã không còn là HLV lãng mạn theo đuổi tới cùng lý tưởng bóng đá đẹp như trước kia.

Tất nhiên, lỗi không phải của một mình ông. Một khoản tiền lớn đã được chi ra trong mùa hè ở Old Trafford, nhưng khoản tiền đó đã được chi ra một cách thiếu khôn ngoan. 2 tiền đạo già cỗi và phong độ sa sút, một tiền vệ 60 triệu bảng vẫn chưa thể hòa nhập với Premier League, trong khi Michael Carrick, ở tuổi 33, vẫn là tiền vệ trung tâm tốt nhất của Man United, không thể là giải pháp. Hàng loạt chấn thương ở giai đoạn đầu mùa giải cũng đã cản trở Van Gaal rất nhiều.

HLV người Hà Lan, như hầu hết các HLV, xứng đáng có thêm thời gian để chứng tỏ. Nói về việc sa thải ông lúc này là quá sớm và quá thiển cận vì Man United còn rất nhiều vấn đề mang tính cấu trúc, di sản tất yếu của một thời kỳ quá thành công, quá phụ thuộc vào chỉ 1 người của Ferguson. Nhưng ngay cả nếu Van Gaal có thêm cơ hội ở mùa tới, ông có lẽ không nên nói về triết lý của mình nữa.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
34
+41
74
3
32
+44
73
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
32
+2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x