Góc chiến thuật: 10 chọi 11, chưa hẳn đã là bất lợi

Lý Nam
07:20 ngày 11-10-2015
11 người đấu với 10 người, theo lẽ thường thì đội nào đông hơn sẽ có lợi thế. Nhưng trong chiến thuật bóng đá hiện đại, khái niệm tưởng chừng đơn giản và rất mực logic ấy đã không còn chính xác.
Góc chiến thuật: 10 chọi 11, chưa hẳn đã là bất lợi
Những con số thống kê của Opta và Castrol cho thấy rằng ảnh hưởng của chiếc thẻ đỏ ở giải Ngoại hạng thay đổi rất ít trong 20 năm qua. Ví dụ như giải Ngoại hạng trong khoảng thời gian từ 1992 tới 2000, những đội có cầu thủ bị truất quyền thi đấu trong 1 giờ đồng hồ đầu tiên ở thời điểm trận đấu đang có tỉ số hòa sẽ chỉ có 11,8% cơ hội thắng chung cuộc, 3,7% cơ hội nếu thẻ đỏ được rút ra từ phút 60 tới 80, và 4,5% nếu thẻ đỏ rút ra từ sau phút 80. Tính chung các giải VĐQG Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức và Pháp tính từ đầu mùa 2006/07, cơ hội thắng của các đội bóng mất người từ phút thứ 1 đến phút 60 là 13,4%, là 8,1% nếu có thẻ đỏ ở phút 60-80, và là 4,9% nếu nhận thẻ đỏ sau phút 80.

Giải Ngoại hạng Anh giai đoạn từ 1992 tới 2000, những đội có cầu thủ nhận thẻ đỏ trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu tiên có cơ hội chuyển bại thành hòa hoặc thắng 11,1%, con số đó là 5,9% nếu như thẻ đỏ từ phút 60 tới 80, và là 4,8% nếu thẻ đỏ được trọng tài rút ra sau phút 80. Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu từ đầu mùa 2006/07, các đội bóng mất người ở 1 giờ thi đấu đầu tiên thắng 11,5%, 11,4% số đội mất người từ phút thứ 60 đến 80 giành chiến thắng dù trước đó bị dẫn, và chỉ có 2,7% số đội mất người sau phút 80 lội ngược dòng thành công. Có thể thấy, việc phải chơi với 10 người có vẻ không còn tác động nhiều tới các CLB như trong quá khứ.

Đáng chú ý phải kể tới chiến thắng của Cameroon trước Argentina ở trận mở màn Italia 90, lần đầu tiên một đội bóng xoay chuyển được cục diện (từ hòa đến thắng) sau khi phải nhận thẻ đỏ ở World Cup. Francois Omam Biyik là tác giả bàn duy nhất cho đại diện Phi châu chỉ 6 phút sau khi người anh trai Andre Kana Biyik bị đuổi khỏi sân. Cameroon thậm chí khép lại trận đấu chỉ với 9 người, khi Benjamin Massing nhận thẻ đỏ ở cuối trận.

Biyik ghi bàn quyết định cho Cameroon sau khi anh trai bị truất quyền thi đấu

11 ngày sau, Áo và Mỹ chạm trán ở một trận đấu vòng bảng khác. Peter Artner của đại diện châu Âu bị thẻ đỏ vào phút 32, khi tỉ số đang là 0-0, nhưng chung cuộc Áo giành thắng lợi 2-1. Kể từ cột mốc này, các đội bóng đã có thêm 10 dịp nữa tại World Cup cải thiện thành công kết quả chung cuộc (từ hòa đến thắng hoặc từ thua tới hòa hoặc thắng) sau khi bị thiệt hại về quân số.

Ở các kì World Cup trước năm 1990, đã có 37 cầu thủ bị thẻ đỏ trong thời điểm đội bóng của họ đang hòa hoặc thua, và không lần nào các đội bóng ấy cải thiện được kết quả. Nhưng kể từ năm 1990, có tới 80 cầu thủ bị truất quyền thi đấu và 12 lần trong số đó các đội bóng của họ thay đổi được kết quả. Có thể thấy trong vòng 20 năm qua, tấm thẻ đỏ không còn ảnh hưởng quá nghiêm trọng như 120 năm đầu tiên của lịch sử bóng đá.

Vậy điều gì đã thay đổi?

Có một nguyên nhân rõ ràng và dễ hiểu khiến thẻ đỏ không còn tác động tiêu cực tới kết quả của một đội bóng là bởi sự chênh lệch về trình độ chuyên môn. Những đội lớn quá mạnh so với đối thủ, và họ chẳng cần tới 11 người để giành chiến thắng. Ví như ở châu Âu, lợi nhuận từ Champions League đã ảnh hưởng lớn tới các giải VĐQG. Tính riêng tại giải Ngoại hạng Anh, khoảng cách giữa điểm số trung bình giành được mỗi trận giữa đội top 4 và đội “cầm đèn đỏ” là 0,97 (mùa 2014/15), so với 0,68 mùa 1998/99.

Ngoài ra, có một nguyên nhân sâu xa hơn. Năm 2006, sau khi Chelsea ngược dòng để đánh bại West Ham 4-1 bất chấp Maniche bị đuổi ngay từ phút thứ 17, Jose Mourinho tiết lộ rằng ông đã dành nhiều thời gian tập luyện với 10 người, tập trung vào giành bóng và những pha lên bóng hiếm hoi nhưng hiệu quả.

Arsenal thúc thủ trước Chelsea sau khi mất người

Bóng đá ngày một đa dạng về chiến thuật, các đội bóng cũng chơi theo hệ thống hơn là cá nhân như trước đây, và kết quả là 10 hay 11 người cũng chẳng đem đến nhiều khác biệt cho những đội được tổ chức tốt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ĐT Italia của Arrigo Sacchi trải qua 2 trận gặp Na Uy và Nigeria ở World Cup 1994 đều thua kém nhân sự nhưng rồi đều giành thắng lợi chung cuộc.

Sai lầm của những đội bóng 11 người

Tâm lý chung của những đội được chơi hơn người là nóng vội, dồn lên tấn công áp đảo và mong muốn gây sức ép nhiều nhất có thể. Trước thời của “phòng ngự khu vực”, khi bóng đá phụ thuộc nhiều vào những cuộc đối đầu một chọi một, thật dễ để tìm ra và khai thác vào khoảng trống mà cầu thủ bị truất quyền thi đấu để lại.

Ví dụ như trận chung kết FA Cup năm 1953, nhưng khác biệt quân số không phải bởi thẻ đỏ mà bởi chấn thương. Bolton dẫn 3-1 ở thời điểm trận đấu chỉ còn 20 phút, nhưng rồi 2 chấn thương liên tiếp của Tommy Banks và Eric Bell khiến đội bóng này khủng hoảng nhân sự. Ít phút còn lại, huyền thoại Stanley Matthews ghi liền 3 bàn giúp Blackpool ngược dòng thành công.

Trong hệ thống phòng ngự khu vực được phát triển bởi Zeze Moreira của ĐT Brazil cùng giai đoạn đó, sự hỗ trợ giữa các vị trí bắt đầu được đề cao, cho dù vẫn chưa có sự hoán chuyển vị trí. Trung vệ có thể dạt trái bọc lót cho hậu vệ trái mà biết rằng ở phía sau lưng, hậu vệ phải cũng đang trám vào vị trí của mình, trong khi tiền vệ phải cũng đã lùi về đảm bảo an toàn cho cánh phải hàng thủ.

Lợi thế về quân số không còn quá quan trọng như trong quá khứ

Kể từ đây, khái niệm “hơn người” giữa đội bóng còn đủ quân số với đội bóng 10 người trở nên lạc hậu. Bóng đá lúc này được hiểu là “một hệ thống gồm 22 nhân tố, hay 2 hệ thống nhỏ gồm 11 nhân tố, di chuyển trong một khu vực xác định (sân đấu) và chấp hành theo một loạt những hạn chế (luật bóng đá). Nếu hai hệ thống ngang ngửa nhau, kết quả sẽ là một trận hòa. Nếu một trong đó mạnh hơn, hệ thống ấy giành chiến thắng”.

Khi lấy đi 1 nhân tố trong 1 hệ thống bất kì, hệ thống ấy đương nhiên trở nên suy yếu, nhưng không quá rõ rệt. Bóng đá không phải là trò chơi trừu tượng, vì vậy vẫn có sự khác biệt giữa việc mất một trung vệ với một hậu vệ hay tiền vệ phải, nhưng có thể nói quan niệm của Lobanovskyi đã trở nên hợp thời hơn sự ngây thơ của Bolton năm 1953.

Kết luận

Có thể xu hướng của bóng đá hiện đại là ít bị ảnh hưởng hơn bởi việc phải chơi thiếu người, nhưng nhìn chung, đó vẫn là một thiệt thòi lớn. Chiến thắng của Italia trước Nigeria chỉ là lần duy nhất ở một kỳ World Cup một đội bóng từ thua trước khi mất người đã ngược dòng để thắng chung cuộc. Ngược lại, những đội được chơi hơn người vẫn luôn có lợi thế rất lớn, điển hình là Chelsea với chiến thắng trước Arsenal, sau khi Gabriel Paulista nhận thẻ đỏ ở cuối hiệp 1.

Những thống kê của Castrol chỉ ra rằng hơn một nửa trường hợp các đội trong top 5 giải hàng đầu châu Âu có cầu thủ bị thẻ đỏ khi đang hòa hoặc thắng với hơn 10 phút thi đấu còn lại sẽ gặp kết quả tệ hơn. Thẻ đỏ vẫn là một hình phạt đáng sợ, và trận hòa của Malaga trước Real Madrid không thay đổi được thực tế đó. Nó chỉ nói lên một xu hướng là các đội bóng ngày nay đã biết cách giành những kết quả tốt hơn dù phải chơi thiếu người.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15
<

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x