Tư duy phòng ngự khiến Chelsea gặp khó khi cần tấn công

Hạn chế trong triết lý bóng đá của Mourinho

Việt Dũng Việt Dũng
19:13 ngày 13-03-2015
Trận đấu tại Champions League rạng sáng hôm qua với PSG còn chưa kết thúc, Jose Mourinho đã biết mình cần phải làm gì với các học trò. Một buổi nói chuyện nghiêm túc, đúng vậy.
Hạn chế trong triết lý bóng đá của Mourinho
HLV người Bồ cần các ngôi sao của ông cùng ngồi xuống, thảo luận về lý do họ bị loại bởi những tình huống cố định, thứ “vũ khí” mà Chelsea đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Bên cạnh đó, họ cũng cần thảo luận về sự thiếu tập trung nghiêm trọng ở thời khắc quyết định, trong một trận cầu quan trọng ở Champions League.

Hơn tất cả, Mourinho muốn biết vì sao cá tính mình xây dựng cho đội bóng bị phá hủy thành trăm ngàn mảnh vụn chỉ trong khoảnh khắc. Cá tính đó là khả năng khép lại trận đấu sau khi có được lợi thế. Chelsea từng rất khó đánh bại nếu có bàn thắng dẫn trước, nhưng PSG đã 2 lần đi ngược lại quy luật đó.

Đó là những câu hỏi hợp lý. Nếu như các cầu thủ Chelsea chơi bóng với tâm lý Mourinho mong chờ ở họ, The Blues sẽ chắc chắn đi tiếp và không để bị gỡ hòa tới 2 lần. Nhưng có một câu hỏi khác sâu xa hơn, có thể tác động nghiêm trọng tới toàn bộ triết lý chiến thuật của “Người đặc biệt”: Cố gắng “khép lại trận đấu” khi tiếng còi chưa cất lên là đúng hay sai?

Trước PSG, Chelsea đã trả giá vì thiếu niềm tin vào khả năng tấn công của chính mình để giành một thắng lợi toàn diện. Nói cách khác, tài xây dựng hàng thủ của Mourinho chính là điểm yếu khiến Chelsea không thể tìm kiếm lợi thế nếu phải tấn công. Một thất bại của triết lý phòng ngự nặng về toan tính của “Người đặc biệt”?


Những dấu hiệu đáng lo ngại đã liên tiếp xuất hiện, thậm chí từ trước cả khoảnh khắc Thibaut Courtois xuất sắc ngăn cản cú đánh đầu của Thiago Silva. Để rồi chính trung vệ người Brazil là tác giả bàn thắng quyết định ở những phút cuối.

Những trận đấu Chelsea dẫn trước những không thể thắng ở mùa này
PSG, sân nhà, (CL) 2-2 (hiệp phụ)
Burnley, sân nhà, (PL) 1-1
PSG, sân khách, (CL) 1-1
Man City, sân nhà, (PL) 1-1
Bradford, sân nhà, (FAC) 2-4
Liverpool, sân khách, (C1C) 1-1
Tottenham, sân khách, (PL) 3-5
Man United, sân khách, (PL) 1-1
Man City, sân khách, (PL) 1-1
Schalke, sân nhà, (CL) 1-1
Hãy trở lại với cuộc nói chuyện giữa Mourinho và huyền thoại Diego Maradona trong giai đoạn nhà cầm quân người Bồ làm việc tại Real Madrid. Chỉ trong 5 từ, “Người đặc biệt” đã đúc kết được quan điểm huấn luyện của mình: “Tôi ghi bàn, tôi thắng!”. Quan điểm ấy bị dội một gáo nước lạnh bởi thầy trò Laurent Blanc. Nhưng đó chẳng phải lần đầu. Thực tế, đây đã là lần thứ 10 trong mùa giải này, Chelsea ghi bàn trước và không thể thắng. Thậm chí, là lần thứ 6 trong những trận đấu quan trọng, khi Mourinho đã có được lợi thế dẫn 1-0 và muốn bảo toàn tỉ số.

Trận đấu với PSG là lần đầu tiên Chelsea 2 lần đánh mất lợi thế dẫn bàn, và nó khiến họ phải trả giá đắt. Một nỗi thất vọng tột cùng. Lần này, chiến thuật “khép lại trận đấu” không hiệu quả, triết lý phòng ngự của Mourinho vẫn dẫn tới hệ quả là The Blues bị loại khỏi Champions League, thất bại có lẽ là đau đớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của chiến lược gia người Bồ.

Vì sao lại là thất bại đau đớn nhất? Bởi nó khiến Mourinho phải suy ngẫm lại về triết lý bóng đá của mình. Bóng đá tấn công là tạo ra tối đa số cơ hội, trong khi bóng đá phòng ngự là giảm thiểu tối đa số cơ hội của đối thủ. Mourinho chọn vế sau, không chỉ cho một trận đấu, mà cho toàn bộ sự nghiệp cầm quân của mình.


Nhìn lại những trận đấu quan trọng với những đối thủ ở Premier League mùa này, như Man City, M.U hay Arsenal, Chelsea luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. “Người đặc biệt” không dám thúc đẩy các học trò tấn công, vì sợ chỉ còn lại cặp tiền vệ Nemanja Matic và Cesc Fabregas cho đối phương khai thác. Sự quan ngại về sức mạnh của đối phương đã che mờ lòng tự tin về sức mạnh của The Blues trong Mourinho.

Đó chẳng phải chuyện mới về ông thầy người Bồ, bởi sự âu lo thái quá ấy đã trở thành quen thuộc. Ở Real, ông thường nói với các học trò: “Đừng giữ bóng nhiều ở giữa sân, bởi càng giữ lâu, chúng ta càng có nguy cơ mất bóng”. Sự thận trọng – hay sợ hãi – là đặc thù của Mourinho.

Nói như thế, không có nghĩa rằng lối chơi phản công của Mourinho không tuyệt vời. Ngược lại, chính triết lý thực dụng đến tàn nhẫn đã giúp ông gặt hái vô số chiến công: Từ thắng lợi trước Barca ở Champions League 2004/05 đến đỉnh châu Âu năm 2010 cùng Inter Milan sau khi vượt qua Bayern Munich.

Vấn đề nằm ở chỗ, để chiến thắng trong những trận đấu lớn với cách tiếp cận phòng ngự phản công, bạn cần một hàng thủ không-bao-giờ-mắc-sai-lầm và một hàng công không-biết-bỏ-lỡ-cơ-hội. Cả 2 yếu tố đó đều không được Chelsea thể hiện ở giai đoạn này. Thứ vũ khí họ sử dụng trở thành những tình huống cố định. Khi ấy, rõ ràng yếu tố may mắn sẽ quyết định trận đấu.


Tương phản với lối triết lý ấy, Pep Guardiola cố gắng áp đảo đối phương càng nhiều càng tốt. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha có niềm tin tuyệt đối vào khả năng tạo cơ hội của các học trò trong tay ông, khác hẳn Mourinho, và điều đó không thay đổi ngay cả trong mùa bóng chuyển giao. Đội bóng của Guardiola luôn hướng về phía trước thay vì cố thủ bảo vệ thành quả. Nó có thể dẫn tới những trận thua sốc, nhưng cũng có thể làm nên những chiến thắng vang dội.

Trong khi đó, hai cá nhân mà Mourinho kỳ vọng sẽ đưa Chelsea tới một đẳng cấp mới, Diego Costa và Fabregas, lại sa sút đúng giai đoạn khốc liệt nhất. Fabregas đang chơi tuyệt hay trong vai trò làm bóng, thì bị “Người đặc biệt” tước đoạt vai trò ấy. Sự sáng tạo của anh được kỳ vọng đem lại sự khác biệt cho tuyến giữa The Blues, thì rốt cuộc lại bị bắt đấu sức với Marco Verratti và phần thua nghiêng về ai hẳn đã rõ.
 
Phong độ của Costa cũng không còn như trước, anh đã không ghi bàn trong 7 trận gần nhất, và “tịt ngòi” trong cả chiến dịch Champions League 2014/15. Thay vì dẫn dắt hàng công, anh cũng giống như bất kì học trò nào khác của Mourinho, cố gắng ngăn cản đối thủ hơn là vượt qua đối thủ.

Tất cả những điều đó dẫn tới hệ quả là chặng đường tới Berlin của Chelsea đã bị chặn đứng từ quá sớm. Chức vô địch Premier League có lẽ đã là của họ, Mourinho vẫn luôn là một “siêu HLV”, nhưng lẽ ra, đội bóng Tây London đã có một giải đấu châu Âu ấn tượng hơn nhiều nếu ông thầy người Bồ cố gắng phát huy hết khả năng của những ngôi sao ông có, thay vì bắt họ phải hạn chế khả năng của đối thủ.

Liệu có một ngày như thế hay không? Có thể, sau khi Mourinho thảo luận nghiêm túc với các học trò.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
28
+46
64
2
28
+39
64
3
27
+34
60
4
29
+18
56
5
28
+17
53
6
28
0
47
7
29
-4
44
8
28
+6
42
9
28
-2
41
10
28
+11
40
11
27
+2
39
12
29
-1
38
13
28
-11
35
14
28
-16
27
15
28
-12
26
16
29
-18
22
17
28
-10
21
18
29
-16
21
19
29
-34
17
20
28
-49
15

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x