Solskjaer ngẩn ngơ tại derby Manchester

Derby Manchester giữa Man United và Man City bỗng chẳng còn điểm nhấn thú vị của tuần này. Sức nặng của trận đấu dường như đã tiêu tan sau thất bại của HLV Ole Gunnar Solskjaer tại Champions League, khi bị RB Leipzig đánh bại, đoạt ngôi đầu bảng, và tống tiễn xuống Europa League. Và trận derby để 2 kẻ láng giềng so kè sự giàu sang, vẻ vang chẳng còn nữa, bởi rõ ràng, Man United đã sa sút thua kém Man City về mọi mặt.
 

Không ai ở Man United phủ nhận việc Solsa không phải là một Huyền Thoại, cho dù huyền thoại đó có phần hơi lạ đời. Bởi chẳng có chiến tướng huyền thoại nào lại chỉ có vỏn vẹn 366 trận đánh, và phải đến ¾ trong số đó chứng kiến "Sát thủ có bộ mặt thỏ non" lâm trận từ băng ghế dự bị. Con số đó còn kém số trận của đàn em Wayne Rooney ở riêng Premier League (393 trận).

Song, thứ biến Solsa thành huyền thoại cũng chính là số trận ít ỏi đó. Chỉ với chừng đó cơ hội được thi đấu, Solsa đã đem về cho Quỷ Đỏ 127 bàn thắng, nghĩa là cứ khoảng 3 lần xuất hiện là ông lại đem về 1 "thủ cấp". Ở đây, người viết dung từ "khoảng 3 lần" thay vì "3 trận" cũng nhằm nhấn mạnh sự lạ kỳ của Solsa.

Bởi mỗi lần vào sân, Solsa thường chỉ được thi đấu vài chục phút, thậm chí vài phút. Có lẽ, Quan Vân Trường kiêu dũng với niềm tự hào "lấy đầu tướng địch khi chén rượu còn chưa kịp tắt khói" cũng phải ngả mũ với tài ghi bàn của Solsa vì nó quá nhanh, quá nguy hiểm và quá hiệu quả.

Đã quá nhiều lần, khán đài danh tiếng Stretford End của sân Old Trafford đã vang rền khúc ca "You are my Solskjaer" hay "Ole at the wheel" để ca ngợi huyền thoại này, người chỉ được tung vào sân vào những phút cuối cùng, đem sự nhanh nhẹn của làn gió Bắc Cực để hoá đá mọi hàng thủ, và ghi những bàn thắng siêu giá trị.

Có thể số trận đấu của Solsa kém xa những đồng đội cùng thời như Andy Cole, Dwight Yorke, Teddy Sheringham, Ruud van Nistelrooy, Wayne Rooney… nhưng anh có những bàn thắng khiến Quỷ Đỏ cải tử hoàn sinh hoặc giành đoạt những chiến quả vinh quang lẫy lừng, điển hình như chức vô địch Champions League 1998/99 vào đúng phút 90+3.

Solsa đã trở thành huyền thoại theo cách đó, với 365 trận đấu trong suốt 10 năm cống hiến. Ông trở thành vị cứu tinh mà mọi CĐV của Man United mong chờ trong những thời gian nguy nan, bế tắc nhất. Chính vì thế, khi Man United chọn Solsa làm người thay thế Jose Mourinho vào ngày 16 tháng 12 của 2 năm trước, trái tim của những Manucian lại rung lên những ca từ hy vọng:

Ole's at the wheel,
Tell me how does it feel,
We’ve got Sanchez, Paul Pogba and Fred,
Marcus Rashford, a Manc born and bred,
Duh du, du du du du du!
Duh du, du du du du du!

(Tạm dịch: Ole đang lao vun vút. Khiến tôi sướng phát điên. Chúng ta có Sanchez, Paul Pogba và Fred, và cả chàng trai trong nhà Marcus Rashford…)

Song có lẽ, Solsa chỉ là Huyền Thoại với vai trò cầu thủ, hay chi tiết hơn là cầu thủ dự bị. Còn với cương vị huấn luyện viên, một Manager của Man United được chất chứa quá nhiều gánh nặng lịch sử, đòi hỏi thành tích, kỳ vọng thống trị trường thiên… có lẽ Solsa chỉ là người tầm thường.

Rất khó để so sánh 2 nhà cầm quân hiện tại của trận derby Manchester bởi giữa Solskjaer và Pep Guardiola chẳng có điểm gì có thể đem ra so đọ. Chúng ta không thể coi Pep là một bộ não chiến thuật đại tài còn Solsa là một não trẻ thơ chưa có vết nhăn kinh nghiệm nào.

Cũng không thể nói trong nghề huấn luyện, Pep là bậc thày còn Solsa chỉ là kẻ nghiệp dư, may mắn được số phận đưa vào vị trí "môn đăng hộ đối" với Pep. Bởi nếu như thế, chúng ta làm sao có thể giải thích được Solsa giành 3 chiến thắng, thua 2 trong 5 đọ sức với Pep.

Con đường đưa Solsa và Pep đến với nghiệp huấn luyện viên hoàn toàn khác nhau, dẫn đến việc chúng ta khó có thể so đọ họ với nhau. Pep xuất thân là một tiền vệ tổ chức, được dẫn dắt bởi nhiều bậc thầy chiến lược, thế nên, ngay từ khi là cầu thủ, ông đã có ý thức nghiên cứu, nghiền ngẫm, phân tích, mổ xẻ mọi kiến thức về khoa học bóng đá để phục vụ cho công việc của mình.

Trước khi quyết định nhận dẫn dắt đội Barcelona B, Pep đã có 24 giờ tranh biện với một bậc thày chiến lược là Marcelo Bielsa để rồi trở về Tây Ban Nha trong tình trạng kiệt sức hoàn toàn nhưng tràn đầy niềm vui sướng của một kẻ vừa được điểm đạo và tìm thấy chân lý của đời mình.

Bóng đá với Pep không đơn thuần là thành tích mà là cả quá trình vận động từ lúc hoài thai ý tưởng, xây dựng manh nha, kết hợp điểm mạnh truyền thống với kỹ nghệ tân kỳ để nhào nặn ra một thứ Tiqui-taca hoàn toàn khác biệt ở Barcelona, rồi ở Bayern Munich và 4 năm qua ở Man City.

Ông là một kỳ thủ thành thạo mọi phương án khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc, xây dựng cả một kế hoạch lớn thâu tóm các giai đoạn chiến lược và đặt vào đó một tầm nhìn chứ không chăm chăm chẹn Hậu, bắt Xe. Thành tích đối với Pep là thứ để kiểm chứng tính đúng sai của kế hoạch lớn đó chứ không phải mục tiêu cuối cùng và cao nhất - 2 tiêu chí tối thượng của Jose Mourinho.

Nhìn Pep cầm quân, chúng ta hầu như không thấy sự bối rối bởi thế trận của ông được triển khai theo đúng những gì đã được lập trình và chuyện nó bị phá sản chẳng qua bởi các biến số như cầu thủ đột nhiên mất phong độ, tác động của những quyết định của trọng tài hay vận rủi.

Nhờ đó, Pep đã trở thành một nhà thống trị ở những giải đấu ông từng kinh qua, gần như tuyệt đối tại Barcelona và Bayern, chỉ bị thách thức lớn ở Premier League bởi sự trỗi dậy bền bỉ của Liverpool. Ông đã tạo ra và để lại một di sản tại Man City ngay khi vẫn còn đang dẫn dắt đội bóng này.

Trong khi đó, Solsa xuất thân là một tiền đạo. Thân phận dự bị giúp Solsa "bỗng có cơ hội" được chứng kiến Sir Alex Ferguson và các trợ lý thực hành chiến thuật chỉ đạo trận đấu trong cabin huấn luyện ở các trận đấu. Chính giai đoạn đó đã tiêm vào trong ông những kiến thức cơ bản về nghề cầm quân.

Dẫu sao, do là một tiền đạo, chuyện ghi bàn mới Solsa mới là mối quan tâm hàng đầu chứ không phải việc xây dựng một hệ thống để vận hành các cầu thủ của mình. Chúng ta không chứng kiến nhiều quãng thời gian Solsa dẫn dắt những đội bóng hạng Ba của châu Âu như Molde hay Cardiff City nhưng trong hai năm cầm CLB hạng A Man United, Solsa đã cho mọi người thấy một đội hạng A thi đấu như một đội hạng Ba ở thực tế là như thế nào.

Có thể những thứ hào nhoáng ban đầu như chuỗi trận thần kỳ thời Solsa mới tiếp quản Man United hay chiến tích lội ngược dòng trước PSG ở vòng 1/8 Champions League năm 2019 đã khiến tất cả bị hoa mắt và ảo tưởng về năng lực huấn luyện của Solsa. Có lẽ chúng ta đã không nhớ đến câu dụ ngôn "cờ bạc đãi tay mới".

Thẳng thắn nhìn nhận, sự xuất hiện của Solsa chỉ có tác dụng đến tinh thần của các cầu thủ Man United, những người đang sống trong bầu không khí sặc mùi diêm sinh của những ngày cuối thời Jose Mouirnho.

Bản thân các cầu thủ của Quỷ Đỏ, dẫu không thuộc hạng hàng đầu thế giới, nhưng cũng là những ngôi sao đáng thèm khát. Họ có năng lực để tạo nên một đoàn quân chiến thắng, miễn là cái đầu thông suốt và tinh thần thoải mái. Solsa đã đem lại một luồng gió mới, thoả mãn được tâm lý của các cầu thủ.

Và khi được đặt vào tình trạng như thế, các cầu thủ tự tiến bộ trong thi đấu, phô bày được mọi phẩm chất của mình và tự tạo nên một cỗ máy kiếm điểm. Paul Pogba bỗng cầm trịch chắc chắn, Marcus Rashford và Anthony Martial bỗng ghi bàn không thể dừng được, hàng thủ với David De Gea bỗng chơi như lên thần, vị trí của Man United cứ vòn vọt leo lên từ nửa cuối BXH lên Top 4.

Thế nhưng, liều doping chẳng kéo dài bao lâu và chiến thắng không thể cứ mãi dựa trên sự hưng phấn và những lời có cánh. Nó cần có một kế hoạch để vận hành cho cả hành trình 9 tháng hay 4 mùa giải. Khi phép màu Solsa kết thúc, đáng tiếc thay, nó diễn ra ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm HLV chính thức chứ không còn là tạm quyền.

Solsa có cái tố chất của người được chỉ định làm cái này cái nọ. Có như thế ông mới chấp nhận làm siêu dự bị của Man United suốt 10 năm. Ông hài lòng với những show diễn "tàu nhanh", những khoảnh khắc loé sáng. Nếu không, ông đã ra đi để tìm kiếm một suất tiền đạo chính thức ở CLB khác từ lâu.

Việc ông trở thành HLV cũng dựa trên một chữ "Bèn". Như một sắp đặt, sau khi giải nghệ ông bèn đi theo nghiệp huấn luyện như rất nhiều cầu thủ khác. Và khi thấy Man United mời mình về chữa cháy, ông cũng bèn nhận lời để trở thành HLV của Quỷ Đỏ, tin theo cái học thuyết "ADN của đội bóng".

Khi Ed Woodward và BLĐ Man United choáng ngợp bởi phép màu Solsa, người luôn cười tươi và tâm tình với các cầu thủ để mua lòng quân, đưa ra lời đề nghị trở thành HLV chính thức, ông cũng bèn ký vào giao kèo. Ông không cần phí 1-2 giây để cân nhắc, liệu mình có đủ sức để gánh vác trọng trách đó không, thứ đã đè bẹp cả Louis van Gaal và Jose Mourinho.

Solsa hầu như không để lại dấu ấn chiến thuật nào cho Man United. Ông dẫn dắt CLB như thể một tiền đạo chỉ biết tăng tốc, đón đường tạt cánh và ghi bàn. Khó có thể nói rõ Man United chơi theo sơ đồ nào cụ thể trong hai năm qua. Có vẻ những điều đó Solsa phó thác cho các trợ lý và vận may.

HLV người Na Uy rất dễ bị đọc vị. Ông lên một đội hình xuất quân, tung vào trận đấu và tin tưởng vào chiến thắng. Khi những Bruno Fernandes, Rashford hay bất cứ ai ghi bàn, thì Man United chiến thắng. Còn nếu không thì hoà và thua, hầu như không thấy một sự thay đổi người làm đảo ngược cục diện trận đấu của Solsa, đặc biệt ở những trận đấu lớn hay có tính then chốt.

Những sự thay người của Solsa, lạ kỳ thay, thường đến vào khoảng thời gian 10 phút cuối cùng. Có lẽ, đó là thói quen đã ngấm vào máu của Solsa bởi thâm niên được vào thay người trong vài phút cuối suốt 1 thập kỷ.

Và những quyết định thay người của ông đều khó hiểu và gây tranh cãi, ví dụ như ở trận thua RB Leipzig, khi đang bị thua thì ông lại tung 2 cầu thủ chuyên phòng ngự và non kinh nghiệm là Timothy Fosu-Mensah và Axel Tuanzebe vào sân. Chứ không phải những cầu thủ tấn công.

Thêm vào đó, dường như Solsa rất mê tín. Một đội hình đem lại chiến thắng sẽ được sử dụng suốt cho dù sau chiến thắng trên là một chuỗi trận thất bại. Có cảm giác, Solsa chọn cầu thủ dựa trên cái tên của họ hơn là năng lực và phong độ hiện tại của cầu thủ.

Cho dù Bruno Fernandes có gẫy cả hai chân, có lẽ Solsa vẫn cứ xếp vào đội hình tiếp Man City vào cuối tuần này. Đây chính là đặc điểm của một người không quá dày dạn kinh nghiệm về cầm quân và không thể tư duy gì ngoài phạm vi hạn hẹp được mặc định là luôn luôn đúng.

Cho đến giờ, Solsa vẫn không thể thoát được cái bẫy của chính mình. Ông vẫn cứ phụ thuộc vào Bruno, De Gea hay thậm chí Pogba, ngồi trầm lặng trên băng ghế huấn luyện và cầu nguyện những sự lựa chọn của mình toả sáng.

Ngạn ngữ có câu "Lửa thử vàng, gian nan thử bạn bè". Nhưng rõ ràng, Solsa không phải thứ vàng ròng mà Man United hy vọng có được. Ông vẫn chỉ là một tiền đạo dự bị được chỉ đạo vào thay Mourinho vào ngày 16/12/2018 mà thôi.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x