Mối cộng sinh Ferguson - Rooney: Từ thân thiết đến thù ghét tột cùng

Cuối tuần này, trận derby Manchester lại diễn ra, và đó là cơ hội để những người yêu mến Quỷ Đỏ luyến tiếc nhờ về cái thời cặp thày trò Alex Ferguson - Wayne Rooney song kiếm hợp bích, tiêu diệt “Gã hàng xóm ồn ào”. Cú xe đạp chổng ngược của Rooney chính là hình ảnh tiêu biểu cho sức mạnh của cặp minh sư – cao đồ đó. Nhưng đáng tiếc thay, mối quan hệ tuyệt vời đó đã nguội lạnh, mở ra một thời kỳ tàn mạt cho Man United từ gần 7 năm trước.
 

Có lẽ, chúng ta nên bắt đầu câu chuyện này bằng cách quay trở lại vào giờ ăn trưa của ngày thứ Sáu tại sân tập của Man United, khi các cây bút thể thao ruột của CLB được Sir Alex Ferguson thông báo sớm rằng hãy chuẩn bị kỹ càng những câu hỏi, những tít bài có liên quan đến Wayne Rooney, một siêu sao trẻ.

Đó là tháng 12/2004, chỉ vài tháng sau khi Rooney gia nhập Quỷ Đỏ và mọi nhà báo có mặt ngày hôm đó sẽ nhớ lại những hình ảnh trong phòng họp báo của Man United.

Một lối vào ở bên phải của quầy tiếp tân. Một cái bàn đặt ở phía trước, một hàng ghế, một máy pha cà phê đã không hoạt động trong nhiều năm. Những tấm rèm luôn được cuốn lên và không bao giờ có máy quay. Chính ở đây, mọi người thường chứng kiến tận mắt những cơn thịnh nộ “núi lửa phun trào” của Ferguson.

Nhưng hôm đó, các nhà báo đã được “thưởng thức” màn phun trào dữ dội kinh điển của “Máy sấy tóc” Ferguson, người muốn thiết lập một số quy tắc cơ bản cho các nhà báo khi nói đến một cầu thủ vừa trở thành ngôi sao sân cỏ tuổi teen đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá.

Cuối tuần trước, các ống kính đã thu trọn cảnh Rooney đẩy tay vào mặt Tal Ben Haim, hậu vệ của Bolton. Ben Haim đã giả vờ đau đớn và “ngã xuống như một túi phân”, lời của Rooney khi kể lại sự vụ này một vài năm sau đó. Nhưng Rooney đã làm rối tung lên.

Anh đã phải đối mặt với một cáo buộc kỷ luật từ FA và lệnh treo giò 3 trận. Ferguson đã nói về vụ này trong gần một tuần, và những gì cánh báo chí thấy trong phòng họp báo, khi cánh cửa đóng sầm lại, là một HLV sẵn sàng bảo vệ cầu thủ của mình đến tận cùng trái đất.

Xin hãy nghe lại đoạn băng ghi âm cuộc họp báo đó, và xin lỗi các độc giả trước về những ngôn từ chửi thề xuất hiện trong đoạn băng. - Ngài Alex, chúng tôi phải hỏi ngài về vụ của Wayne Rooney. Anh ấy tát cầu thủ Bolton.

Ferguson bắt đầu rất bình tĩnh: Ờ, vì đây là Wayne Rooney, bởi vì đây là Man United. Vâng, tôi có thể hiểu rằng ai cũng muốn xoáy vào đó. Nhưng mối quan tâm lớn hơn của tôi lại là cầu thủ Bolton, những gì anh ta đã làm. Anh ta lăn xuống đất, giả vờ như mình bị thương trong hai phút.

- Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy chấp nhận rằng anh ấy đã làm điều đó.

- Anh đã chấp nhận điều đó?

Và đó là điểm bùng nổ của nham thạch phun trào.

“KHỐN KIẾP, CÁC ANH ĐỪNG VIẾT THỨ KHỐN NẠN ĐÓ! Các anh viết thứ khốn nạn về Rooney vì một gã đã giở những trò ma mãnh trong một trận đấu ch* ch*t. Các anh đã chứng kiến hành vi ch* ch*t đó. Hắn ta nên giở trò ch* ch*t với bọn FA chứ không phải với Rooney. Thế mà các anh lại hùa theo cái trò lừa đảo ch* ch*t đó. Tại sao lúc nào các anh cũng chỉ viết về Rooney, tại sao không đi vùi dập gã gốn kia đi, cái thằng BEN HAIM CH* CH*T? Tại sao cứ phải là Rooney?”.

Bạn nói gì được với một người đàn ông đang tức giận này?

- Nhưng thưa ngài Alex, cậu ta có lẽ là người nổi tiếng nhất…

- CÁC NGƯỜI ĐI CHẾT HẾT ĐI! Đấy không phải vấn đề. Nó vẫn chỉ là người bình thường, một thanh niên 19 tuổi. Chúa ơi, các người muốn gì? Đánh cho nó toé máu? Đóng đinh câu rút nó? Nó chỉ là một thằng nhóc 19 tuổi khốn nạn có phải không?

Ai đó ở hàng ghế đầu cố gắng xoa dịu ông ta.

- Cậu ta chưa bị đóng đinh mà…

Và đó là một sai lầm. Ferguson liền chồm qua bàn, nhìn chằm chằm và gào lên:

- Trò đùa cho các người phải không? Cái gã khốn nạn được FA bênh kia mới đáng bị phanh thây. Nó là một sự ô nhục chết tiệt. Và tôi không nói gì thêm về cái vụ chó chết này bây giờ. Nhưng các người làm điều đó đi. GÃ KHỐN LÀM TRÒ HỀ ĐÓ. Ngã, lăn lộn trong đau đớn chết tiệt. Và các người chỉ quan tâm đến Rooney.

Đó cũng là lúc mà Ferguson vung cánh tay của mình vào máy ghi âm đặt trên bàn và hất chúng bay thẳng vào bức tường cách đó 10 mét. Một chiếc máy ghi âm là của Diana Law, người phụ trách bộ phận truyền thông Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Nó bị vỡ tan tành, pin và mảnh vụn vương vãi khắp sàn nhà. Ngay cả theo tiêu chuẩn của Ferguson, cú “phá máy” cũng khá ngoạn mục.

Chúng ta đã từng thấy ông ấy mất bình tĩnh, nhưng chưa bao giờ thấy mắt của ông ta toé lửa ngùn ngụt giống Tôn Ngộ Không trong lò bát quái như lần đó. Ferguson trước đây dù giận dữ cỡ mấy cũng chuyển nhanh từ tức giận sang hài hước chỉ trong khoảng 30 giây. Khuôn mặt ông sẽ trở lại bình thường, tán dóc vài thứ nhảm nhí với phóng viên.

Nhưng không phải ở lần này.

Dường như, ông Ferguson muốn dạy cho cánh báo chí một bài học rằng, nếu trong tương lai, họ có bất kỳ câu hỏi nào về Rooney thì hãy suy nghĩ cẩn trọng trước khi để lời nói thoát ra khỏi mồm và ông ta sẵn sàng coi mọi ngôn từ có nguy hại đến Rooney là vấn đề thù hận cá nhân.

Đó là mục đích của việc Ferguson thiết lập luật lệ về Rooney: ông muốn phóng viên phải suy nghĩ kỹ trước khi hỏi điều gì đó mà ông có thể không thích, ví dụ như móc máy Rooney. Và những người vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm tham gia các cuộc họp báo. Ferguson biết rằng các tiêu đề liên quan Rooney luôn ăn khách. Nên ông có quyền áp đặt luật chơi.

Vụ va chạm với Ben Haim là scandal đầu tiên của Rooney trong màu áo Đỏ và HLV của anh đã lao ra bảo vệ cầu thủ.

- OK, xong hết chưa? Các anh ra về nhé, khỏi tiễn. Họp báo kết thúc. Các anh đã khiến tôi nổi nóng. Tuyệt đấy.

Đó là màn chia tay của Ferguson.

 

Nhưng điều đáng buồn nhất là những ngày này, mối quan hệ giữa hai thày trò này lại lạnh như “mặt người yêu cũ” vậy. Cặp bài trùng gồm: HLV người Scotland thành công nhất mọi thời đại và chân sút người Anh ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử Man United, đã dành gần một thập kỷ để sống và chiến đấu cùng nhau.

“Hôm nay, mặc dù mối quan hệ giữa họ đã đóng băng, họ vẫn có sự tôn trọng lẫn nhau. Sẽ luôn có sự tôn trọng đó. Nhưng họ cũng cảm thấy thất vọng bởi nhau”, một cựu cầu thủ của Man United nói.

Ferguson đã viết những lời ca ngợi dành cho tài năng bóng đá của Rooney, và cho thấy sự kiềm chế vừa đủ trong cuốn tự truyện của mình. Có lẽ, với cương vị Giám đốc của CLB, ông cũng đã chọn lời lẽ thích hợp để mọi ngôn từ của mình với Rooney không thể bị coi là một cuộc tấn công cá nhân.

Ngược lại, Rooney, khi đề cập đến bất cứ nhân vật nào có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của mình, chắc chắn anh sẽ la to: Sir Alex Ferguson. Anh đã luôn luôn khen ngợi Ferguson trong những năm Man United thống trị Premier League. Khi HLV này được đưa vào bệnh viện để phẫu thuật não khẩn cấp, Rooney đã gửi lời nguyện cầu trên Twitter: “Mong bình phục nhé, Sếp!”

Cả anh và Alex Ferguson đều nhận thức được rằng, cho dù kết cục tồi tệ sau này, nhưng họ đã cộng sinh cực kỳ rực rỡ và huy hoàng. Thực tế là như thế!

“Tôi thích làm việc với Rooney. Anh ấy là một kẻ ganh đua, luôn đến gặp tôi trước khi tập luyện vào mỗi buổi sáng và hỏi xem sẽ làm gì vào sáng nay. Anh ta là một cầu thủ tuyệt vời, đơn giản vì Rooney yêu bóng đá. Tôi thấy sự nghiệp của anh ta ở Man United thật đáng chú ý. Vô số bàn thắng, danh hiệu, những đóng góp vào các chiến công lẫy lừng, hay những bàn thắng sẽ còn được nhớ trong nhiều thập kỷ”, Rene Meulensteen một trong những trợ lý HLV của Ferguson kể lại.

Hồi ức của Ferguson về cậu thiếu niên Rooney là thằng nhóc ấy sở hữu một tài năng thiên bẩm kỳ diệu và có quỹ thời gian dồi dào để trở thành một cầu thủ trưởng thành. Rooney là một cầu thủ nghiêm túc, tận tụy và tràn đầy khao khát. Cũng không còn nghi ngờ gì, Ferguson đã thấy một chút bản thân mình ở Rooney.

Ông thích cách Rooney chú trọng đến việc giành chiến thắng trong các trận bóng đá hơn là mái tóc thời trang, hay là tiêu tốn thời gian cùng đám sao showbiz vô bổ. Ông thích những miếng kỹ thuật thô kệch, đậm chất quỷ quyệt đường phố, những thứ khiến Rooney có biệt danh tại Everton là “Con Chó”.

Ông cũng thích sự tự tin của chàng trai 18 tuổi dám hét vào mặt Roy Keane nếu bị đội trưởng United Man nói xấu mình. “Tôi đếch sợ Keane. Tôi đếch sợ thằng cha nào”, Rooney đã từng nói như thế. Và rõ ràng, cả Ferguson cũng không sợ bất cứ ai. Họ như thể hai bố con vậy, mà ông bố rất chiều con.

Còn nhớ, ở trận ra mắt của Rooney tại Champions League, chàng trai này đã đánh dấu bằng cú hat-trick vào lưới Fenerbahce. Lúc hết giờ, Ferguson nhìn thấy Rooney không thể lấy được quả bóng trong tay của trọng tài người Bỉ là Frank de Bleeckere để làm kỷ niệm. Lúc sau, trong phòng thay đồ, Ferguson xuất hiện, với trái bóng trên tay và ông đưa nó cho Rooney.

Cũng giống như Ferguson, tiền đạo trẻ này khá nóng tính. Trong tự truyện mới nhất của mình, cựu HLV này kể lại: “Tôi thừa nhận là mình cũng hay nạt nộ Rooney. Trong phòng thay đồ, hễ khi nào tôi chỉ trích, cậu ta sẽ nổi giận, mắt long sòng sọc như muốn nuốt sống tôi. Ngày hôm sau cậu ta sẽ xin lỗi. Khi cơn giận dịu đi, Rooney biết tôi đã đúng”.

Các cầu thủ khác đôi khi sẽ ngạc nhiên khi thấy Rooney thích chơi theo bản năng của mình hơn là làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, cũng chỉ có Ferguson điều chỉnh được vấn đề này. Hãy nghe cựu hậu vệ của Man United là Ritchie De Laet kể lại một tình huống.

“Ở một trận đấu, Rooney thường xuyên chạy sâu về phần sân nhà. HLV Ferguson đã yêu cầu Rooney phải dâng cao nhưng bị bật lại là 'Đếch có bóng thì đá đấm gì'. Tuy nhiên, HLV vẫn kiên quyết ‘Nếu tôi bảo cậu cắm trên thì phải cắm ở trên’. 15 phút sau, Rooney lập cú đúp”.

Không cần phải ở Man United quá lâu để nhận ra thời kỳ hạnh phúc nhất của hai con người này, với một sự ràng buộc đặc biệt giữa HLV và cầu thủ. Lịch sử sẽ nhớ Rooney là người thay thế Sir Bobby Charlton trở thành cầu thủ ghi bàn vĩ đại nhất mọi thời đại cho Man United và ĐT Anh.

Đối với Man United, 197 trong số 253 bàn thắng của Rooney đến trong kỷ nguyên của HLV Alex Ferguson. Đối với ĐT Anh, tiền đạo này cũng đã có 64/120 trận phục vụ Tam Sư cùng thời điểm được dẫn dắt bởi Sir Alex tại CLB. Rooney đã giành được 5 chức vô địch Premier League tại Old Trafford.

Ngày nay, tại phòng Danh Hiệu ở căn biệt thự riêng của Rooney, những tấm huy chương vô địch Premier League, Champions League được choàng lên một hình nhân mặc áo đấu của Rooney tại Man United. Đó là một sự hãnh diện lớn lao của chân sút này.

Đội hình gồm Rooney, Vidic, Ferdinand... và trước đó là Ronaldo được công nhận là đội bóng đáng gờm nhất mà Man United và bóng đá Anh từng có. Họ đã không may mắn khi đá chung kết với Barcelona của Pep Guardiola cả 2 lần nhưng đều thất bại. Nhưng vẫn còn đó dấu son Moscow 2008 và những khoảnh khắc tuyệt vời khi Edwin van der Sar cản được cú sút 11m của Nicolas Anelka.

Và hình ảnh một người đàn ông 66 tuổi nhảy múa trong cơn mưa xối xả, ăn mừng chiếc cúp Champions League thứ hai của mình tại Man United có ý nghĩa rất lớn. Tất cả những điều đó đã khiến người ta khó hiểu khi nhìn về chặng đường sau này của Ferguson-Rooney. Đã có chuyện gì? Làm thế nào mà 2 con người đã chia sẻ rất nhiều vinh quang có thể trôi dạt theo cách này?

Câu trả lời ngắn gọn là, trong bóng đá, đôi khi mọi thứ có thể đi theo hướng khó lường nhất, đặc biệt khi chúng ta đang nói về một trong những HLV sắt đá nhất. Roy Keane và nhiều người khác có thể làm chứng cho điều đó. Như Rooney đã từng nói: “Tôi không phải là cầu thủ duy nhất gục ngã trước Alex Ferguson”.

 

Ngày 12 tháng 5 năm 2013. Đó là ngày diễn ra trận đấu cuối cùng của HLV Ferguson tại Old Trafford, gặp Swansea City. Và khi các cầu thủ hai đội xếp hàng để tung hô HLV của họ, chỉ có một cái bắt tay khó hiểu giữa Ferguson và Rooney. Chỉ là những cái chạm hờ hững của da thịt, hầu như không có giao tiếp mắt nào.

Tất cả mọi thứ trong ngày hôm đó là về Sir Alex Ferguson, sắp giải nghệ sau 26 năm làm HLV, với cúp bạc Premier League thứ 13 đang được bày sẵn trên sân. Tuy nhiên, Rooney đã không có trong đội hình thi đấu và Ferguson đã chọn hôm đó để đi ngược lại với một trong những nguyên tắc huấn luyện của mình.

Một người thường nỗ lực hết sức để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình sẽ không thích ai đó tuột khỏi tay mình. Và trước hôm đó, Rooney đã nói rằng muốn rời CLB. “Tôi nghĩ Rooney không muốn thi đấu vì đã yêu cầu được ra đi”. Và đột nhiên các tiêu đề được định hình theo một hướng hoàn toàn khác.

Có thật không? Rooney có thực sự yêu cầu rời khỏi đội bóng vừa mới đoạt lại danh hiệu từ Man City không? Rooney luôn khẳng định đó là một sự bóp méo sự thật và anh có quyền giận dữ khi một câu chuyện riêng tư bị biến thành một câu chuyện công khai theo cách đó.

Thực tế là anh đã không hài lòng về việc mất vị trí của mình ở vài vòng đấu trước đấy nên đã nói với ông Ferguson rằng, nếu Man United không còn xem anh là lựa số một ở đội chính, có lẽ anh không còn xứng đáng ở lại CLB. Nhưng Ferguson cứ nói trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình rằng Rooney yêu cầu chính thức rời đi, hoặc nói rằng chắc chắn muốn đi. Mối quan hệ đẹp đẽ như mơ đã hỏng từ ngày hôm đó.

Điều không thể nghi ngờ là Ferguson đã bắt đầu mất niềm tin vào Rooney. “Trong năm cuối cùng của tôi, cậu ta bị gạt khỏi đội hình chính vài lần. Tôi có cảm giác cậu ta đang phải vật lộn để theo kịp mọi người và đã đánh mất nhiều động lực. Rooney có khả năng đóng góp phi thường, nhưng theo thời gian, cậy ta đã trở nên mệt mỏi”, Ferguson thừa nhận trong cuốn tự truyện.

Những người ở Old Trafford cũng biết rằng mối quan hệ của cặp thày trò này đã sứt mẻ nhiều kể từ khi xung đột vào tháng 10 năm 2010, khi Rooney không chỉ đặt câu hỏi về tham vọng của Man United dưới thời Ferguson khi đó, mà còn suy nghĩ nghiêm túc về khả năng chuyển sang Man City.

Cuối cùng, Rooney đã rút lại yêu cầu chuyển nhượng đó, cũng như đưa ra lời xin lỗi công khai và nói xin lỗi riêng với các đồng đội. Nhưng đó là một giai đoạn phi thường trong lịch sử hiện đại của CLB và Ferguson đã để cho anh đi đến giới hạn tột cùng và chuyển sang nhìn nhận nó như một thách thức trực tiếp đối với uy quyền của mình.

Rốt cuộc, từ khi nào, có một cầu thủ dám thách thức Ferguson về việc chuyển nhượng, và thực tế, đã buộc tội ông không đủ tham vọng? Rooney không hài lòng về việc Cristiano Ronaldo gia nhập Real Madrid, không hài lòng với việc mua Chris Smalling và chứng kiến Man City, sau 2 năm thuộc về nhà Abu Dhabi, đã trở thành tương lai của bóng đá Anh.

“Tôi đã bị choáng khi Ronaldo rời đi. Tôi đã đến gặp Alex Ferguson. Tôi hỏi ông ta rằng chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi đã bán Tevez, đã bán Ronaldo và ai sẽ thay thế? Dù rất tôn trọng ông ấy, nhưng tôi không hiểu việc mua Smalling. Nếu tôi định ở lại thêm 5 năm nữa, tôi thực sự muốn trở thành một phần chủ chốt của đội bóng của Alex Ferguson đủ sức cạnh tranh”, Rooney kể lại hồi năm 2019.

Rooney chắc chắn đã có nhiều cuộc chiến như yêu cầu Ferguson giải thích về lý do tại sao Man United không cạnh tranh với Real Madrid ở vụ chiêu mộ Mesut Oezil từ Werder Bremen.

“Câu trả lời của tôi là đó không phải là việc của cậu ta. Nhiệm vụ của cậu ta là tập luyện và thi đấu. Công việc của tôi là chọn đúng đội hình. Và cho đến nay tôi đã làm cho nó đúng”, Ferguson nói trong tự truyện. Rooney đã đẩy vận may của mình đi quá xa và nếu có một điều tất cả chúng ta nên biết về Ferguson, đó là ông đã không thể tử tế với những cầu thủ mà ông không thể kiểm soát.

“Đây chỉ là một tình huống mà hai bên muốn bảo vệ lợi ích của chính họ. Điều đó xảy ra theo thời gian. Sir Alex đã giải quyết nó và nó không bao giờ là vấn đề nữa sau đó. Bóng đá là bóng đá. Đôi khi mọi người có sở thích khác nhau và ý kiến ​​khác nhau”, một cộng sự của Ferguson lý giải.

Mặc dù vậy, nó không bao giờ là tấm gương lành lặn nữa. Sự thật, nhiều người tin rằng, Ferguson đã quyết định rằng Man United sẽ tốt hơn nếu không có Rooney và đã tự mình đẩy nhanh quá trình đó.

Đúng là Rooney đã rất tuyệt vời. Anh đã có những bàn thắng ngoạn mục như cú xe đạp chổng ngược vào lưới Man City, cú vô lê vào lưới Newcastle, bàn thắng tuyệt luân vào lưới West Ham... Rooney phải có mặt ở đó để trở thành một trong những cầu thủ hàng đầu. Kỷ lục ghi bàn của anh là món quà cho NHM, CLB và ĐTQG.

Nhưng HLV Alex Ferguson cũng là người thường có những quyết định đúng đắn. Bạn không bao giờ thách thức người quản lý. Sir Alex đã là bậc thầy của những cầu thủ từng dám thách thức ông. Tại sao ông ta lại bán cầu thủ? Kanchelskis? Jaap Stamp? David Beckham? Ronaldo? Vì đó là những kẻ thách thức.

Đây là về Man United, một CLB bóng đá vĩ đại chứ nó không bao giờ là về cá nhân. Sẽ luôn có ý kiến, nhưng cuối cùng, khi cầu thủ thách thức HLV nghĩa là đã thách thức CLB. Và cuối cùng, HLV vẫn là một thẩm phán tối cao về sự nghiệp của một cầu thủ có thể kéo dài bao lâu và sẽ có ích gì cho CLB.

Đối với đội ngũ báo chí chuyên theo dõi Man United, họ đã thấy HLV Ferguson không còn nói về Rooney tình cảm như trước. Chuyện Rooney hút thuốc đã thường xuyên lên báo. Sở thích uống rượu và cả những lần xả hơi điên rồ cũng thế.

Ferguson bắt đầu nói Rooney “cần phải cẩn thận”, và những phẩm chất tốt đẹp “có thể bị nuốt chửng bởi thiếu nghị lực”. Sự kiên nhẫn và tình cảm của Fergie dành cho Rooney có lẽ đã cạn kiệt.

Rooney đã bị loại khỏi trận đấu với Blackburn vào đêm Giao thừa năm 2011, cùng với Jonny Evans và Darron Gibson, sau khi bị la ó từ trận đấu ở lễ Boxing Day. Sự cố đó không chỉ khiến cho Ferguson nghi ngờ tính chuyên nghiệp của Rooney. Một số đồng đội của Rooney đã tự hỏi làm thế nào anh vẫn có thể mải mê ăn chơi bất chấp lịch thi đấu Giáng sinh bận rộn.

Ngoài ra còn có vấn đề về cách Rooney đối phó với Robin van Persie, người được coi là sự thay thế cho anh trên hàng công Man United. Rooney luôn nói rằng anh rất thích đá cùng chân sút người Hà Lan, nhưng người ta tin rằng, sự xuất hiện của Van Persie là để nhằm đảm bảo cho mùa giải cuối cùng của Sir Alex được thành công vẹn tròn.

Sự phát triển của Van Persie không phải là tốt cho Rooney. Anh trở thành tiền đạo hàng đầu của Quỷ Đỏ. Trong lúc đó, mối quan hệ của Rooney với HLV ngày càng xấu đi, vì vậy, anh đã mất suất đá chính trong một số trận đấu quan trọng. Ai cũng nhìn thấy điều đó, nhất là khi Rooney tránh giao tiếp mắt với HLV, anh không thể là người được Man United dựa cậy.

Rooney còn đánh mất vị trí của mình vào tay Danny Welbeck ở Champions League với Real Madrid. Đối với một cầu thủ có tham vọng như Rooney, đó vừa là một thách thức, vừa là sự sỉ nhục công khai. Nhưng nó cũng là một phần của mô hình đang phát triển.

Có giai đoạn, anh bị thay ra trong 4/5 trận, trong đó có trận đấu với Aston Villa mà Van Persie lập hat-trick để khẳng định chức vô địch Premier League thứ 13 của HLV Ferguson.

Rooney hoàn toàn không có mặt khi triều đại của HLV Ferguson kết thúc tại West Brom vào ngày cuối cùng của mùa giải. Anh vẫn đang theo đuổi kỷ lục của Charlton, vào thời điểm đó, là 50 bàn thắng cho CLB, nhưng Rooney cũng biết rằng Ferguson, dù giải nghệ, vẫn ở lại đội bóng với tư cách một Giám đốc.

Do đó, Rooney đã gọi cho người đại diện Paul Stretford và bảo anh ta tìm một CLB khác. Khi đề nghị này xuất hiện, Ed Woodward đã không sẵn sàng bán Rooney ngay cả khi Rooney và Ferguson cho rằng đó lựa chọn tốt nhất.

Đó là mùa Hè đầu tiên Woodward thay thế vai trò GĐĐH của David Gill, và ông đã nói rõ từ đầu rằng Man United không thể mạo hiểm bán một Rooney ghi 20 bàn một mùa cho đối thủ. Chelsea của Jose Mourinho đã thực hiện hai lần trả giá nhưng đều bị từ chối.

Về phần HLV David Moyes, khi đến Man United, ông đã hỏi Rooney để biết mình được thừa hưởng một di sản tốt hay chỉ còn là vang bóng một thời. Đáp lại, Rooney vẫn khẳng định mình là cầu thủ hàng đầu, cho dù chỉ được Chelsea định giá 25 triệu bảng vào mùa Hè năm đó.

Rooney đã xuất sắc được nửa mùa nhưng anh không thể cố hơn được nữa để giúp cái ghế HLV của Moyes không bị gãy. Đến khi Louis van Gaal tiếp quản vị trí HLV, rõ ràng Woodward đã quá hào phóng khi trao cho tiền đạo này một hợp đồng 5 năm. Khi đó, Rooney đã 31 tuổi.

Bây giờ, Rooney đã 34 tuổi và đang chiến đấu cùng Derby County ở giữa BXH Championship. Tuy nhiên, anh ấy vẫn còn ở Old Trafford cho đến năm 2017, 4 năm sau khi Ferguson nghỉ hưu và những thành tích của anh dành cho Man United vẫn khiến anh được NHM Quỷ Đỏ tán tụng.

Họ sẽ nhớ anh rất nhiều, nhớ những bàn thắng của anh rất nhiều, đặc biệt là mỗi khi trận derby Manchester diễn ra, hình ảnh tuyệt vời của bàn thắng Rooney đang quăng ngược người trên không trung, đưa bóng đi vào lưới của Joe Hart, trong sự sững sờ hoá đá của các cầu thủ Man City, sẽ lại được hồi sinh.

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x