Dọc đường tác nghiệp SEA Games 31: Chạm tay vào ký ức

ĐỖ TUẤN
07:38 ngày 13-05-2022
Lẽ ra SEA Games 31 quay lại tổ chức tại Việt Nam sau đúng 18 năm, nếu so với kỳ đại hội lần thứ 22 diễn ra năm 2003. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên đại hội lần này trễ hơn nửa năm so với kế hoạch, nhưng vẫn có quá nhiều ký ức hiện về trong tôi…
Dọc đường tác nghiệp SEA Games 31: Chạm tay vào ký ức

1. Đầu tiên, đấy là Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Trước SEA Games 22, khu Mỹ Đình bắt đầu xây dựng sân vận động Quốc gia, cung thể thao dưới nước và một vài trung tâm thi đấu. Dẫu thế, nơi này vẫn thuộc dạng đồng không mông quạnh. Nhưng giờ đây, Mỹ Đình đã phát triển đến không ngờ. Hiện khu vực này mọc lên cơ man nhà cao tầng, phố thị san sát, xe cộ nườm nượp và quán xá dập dìu, khác hoàn toàn với một Mỹ Đình của gần 20 năm trước. Ngay cả tuyến đường lên Trung tâm HLTTQG Hà Nội giờ cũng chẳng còn như xưa, bởi tất cả đều được đô thị hóa. Thậm chí, các nhà thi đấu của huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, hoặc ngay cả Sóc Sơn, Hà Đông, Thanh Trì… đều đã thay đổi đến nỗi chẳng ai còn nhận ra vùng ngoại ô của ngày tháng cũ. 

Thủ đô đang ngày càng phát triển cùng những đổi thay nhiều mặt của đất nước, nên có lẽ các nhà tổ chức muốn “khoe” với bạn bè quốc tế. Vì thế SEA Games 31 được tổ chức tại 11 tỉnh, thành của khu vực phía Bắc. Nhất là khi những nhà tổ chức cũng muốn nhân dịp này có thể thúc đẩy trở lại nền du lịch Việt Nam, vốn đang “đóng băng” sau 2 năm bị dịch Covid-19 hoành hành. Có điều, thời gian chuẩn bị có phần gấp gáp nên họ đã quên cung cấp bản đồ địa điểm thi đấu cho phóng viên (nhất là khu vực Hà Nội). Chưa kể cuốn kỷ yếu đại hội cũng đưa địa chỉ chung chung và sơ sài, khiến giới truyền thông nước ngoài đến tác nghiệp gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đó chẳng hề gì bởi giới báo chí luôn thích ứng rất nhanh và biết cách vượt khó… 

Tác giả (trái) tác nghiệp trong ngày thi đấu môn nhảy cầu - Ảnh: MINH TUẤN

2. Hôm tác nghiệp ở nhà thi đấu môn kurash tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), tôi đã gặp lại rất nhiều anh em cũ của môn judo đang ngồi điều hành tại đại hội, đặc biệt có Nguyễn Quốc Thắng hiện đang là HLV trưởng của đội tuyển kurash Việt Nam. Quốc Thắng là con út của cố võ sư kiêm HLV trưởng đội tuyển judo Nguyễn Hữu Huy, anh cũng từng là tuyển thủ judo Việt Nam.

Gặp nhau, Quốc Thắng bồi hồi: “Lâu lắm rồi anh em ta mới gặp nhau, lại ngay ở Hà Nội. Giờ Thắng chuyển sang nắm môn kurash, bởi thực tế môn này chẳng khác mấy so với judo, chỉ có khác về tên gọi ở một số cách tính điểm, nên cũng đơn giản”. Phần lớn các học trò của Quốc Thắng ở môn kurash cũng xuất thân từ judo và họ đã giành đến 6 HCV cho đoàn Việt Nam chỉ sau 2 ngày tranh tài, một thành tích rất ấn tượng.

Hôm qua, ngọn lửa khai mạc SEA Games 31 đã lại được thắp sáng trên sân Mỹ Đình, bắt đầu những ngày tranh tài hấp dẫn và quyết liệt của các đoàn thể thao Đông Nam Á. Nếu so với gần 20 năm trước, vị thế của thể thao Việt Nam giờ đã khác rất nhiều, khi chúng ta luôn nằm trong Top 3 khu vực và ngày càng khẳng định thế mạnh ở những môn trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, đấu kiếm, TDDC, xe đạp và rất nhiều môn võ thuật. 

Đấy thực sự là niềm vui và cũng là niềm tự hào của những người làm báo thể thao như chúng tôi. Giờ đây, tác nghiệp tại SEA Games 31 tổ chức tại sân nhà, nhưng những ký ức cũ vẫn luôn ùa về nhắc tôi nhớ đến những ngày tháng đã qua, nhất là đại hội của gần 20 năm trước…

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 2023
Stt
Đoàn TT
Tổng
1
Việt Nam
136
105
118
359
2
Thái Lan
108
96
108
312
3
Indonesia
87
80
109
276
4
Campuchia
81
74
127
282
5
Philippines
58
85
117
260
6
Singapore
51
43
64
158
7
Malaysia
34
45
96
175
8
Myanmar
21
25
68
114
9
Lào
6
22
60
88
10
Brunei
2
1
6
9
11
Timor-Leste
0
0
4
4
Đừng bỏ lỡ
x