Thị trường chuyển nhượng đã biến đổi bởi Mạng Xã Hội

Khi CLB SC Heerenveen (Hà Lan) ký hợp đồng với trung vệ Đoàn Văn Hậu của CLB Hà Nội vào tháng 9/2019, lượng follow các mạng xã hội của đội bóng này tăng từ 73.000 lên 456.000. Đó là một lý do khiến chúng ta hiểu bản chất của vụ chuyển nhượng "mua về chỉ để tăng like" này. Không chỉ có thế, mạng xã hội đang thâm nhập rất sâu vào thị trường chuyển nhượng và làm biến đổi nó. Chào mừng đến với thị trường chuyển nhượng thời Mạng Xã Hội.
 

Năm 2015, một video bóng đá xuất hiện trên mạng. Đó là một tình huống trong trận Siêu Cúp Ai Cập giữa 2 CLB là Al Ahly và Zamalek. Cầu thủ Ramadan Sobhi của Al Ahly nhận được bóng ở giữa sân và đã có cách xử lý hơi trịnh thượng trước khi chuyền tiếp. Những cầu thủ của Zamalek cho rằng điều này là thiếu tôn trọng đối thủ và một cuộc ẩu đả đã nổ ra. Tất cả chỉ có thế.

Ở Midlands, Anh quốc, cách nơi trận đấu diễn ra, clip kia xuất hiện trên Newsfeed mạng xã hội của Kevin Cruickshank, lúc đó là một tuyển trạch viên cho CLB Stoke City.

Ông này thú nhận: "Khi tôi xem đoạn clip đó, bỗng dưng tôi thấy tò mò và muốn tìm hiểu về cầu thủ kia. Cậu ta có tố chất gì đó thì mới có thể tinh vi làm điều đó trong một trận derby". Sau khi tìm hiểu kỹ, Stoke đã ký hợp đồng với Sobhi một năm sau đó.

Càng ngày, phương tiện truyền thông xã hội càng đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trên thị trường chuyển nhượng, với các tuyển trạch viên, nhà môi giới, cầu thủ, HLV và NHM đều làm mới nguồn cấp dữ liệu của họ để xem những tin đồn mới nhất và tự hỏi liệu một đoạn clip ở một giải đấu xa có thể giúp họ có một tân binh chất lượng.

Để nắm được những điều này, chúng ta cần phải tiếp xúc với những nhân vật liên quan đến hệ sinh thái mới gồm những tay đại diện chuyên bơm tin vịt để tạo ra sự quan tâm ảo tới một cầu thủ, những kẻ đứng sau những tài khoản "Thạo Tin Nội Bộ - ITK" vốn tự hào về sự hiểu biết các hoạt động ngầm tại các CLB…

Cruickshank hiện đã rời Stoke City để trở thành trưởng bộ phận tuyển trạch quốc tế tại CLB Nuremberg ở giải 2.Bundesliga. Ông ta khẳng định rằng, mạng xã hội đôi khi có thể dẫn đến một vụ chuyển nhượng như trong trường hợp của Sobhi, những cũng có nhiều tin đồn trực tuyến hoàn toàn vô nghĩa. Trước khi Stoke ký hợp đồng với Marko Arnautovic từ Werder Bremen vào năm 2013, hàng loạt tin đồn trực tuyến đã xôn xao về việc CLB này ký hợp đồng với Aaron Hunt, một cầu thủ khác của Bremen. Nhưng đó hoàn toàn là tin vịt.

Cruickshank nói: "Ai đó ở Stoke chắc đã nghe điều gì đó liên quan tới Bremen và nó đã bị rò rỉ… nhưng họ đã chọn nhầm cầu thủ. Có những tài khoản nói rằng Hunt đã đến tập ở sân tập của Stoke, nhưng trên thực tế, chưa bao giờ anh ta đến đó cả.

Tôi nhớ mình đã đăng trên Twitter hashtag #NeverHunt, hoặc một thứ gì đó tương tự, khi chúng tôi ký hợp đồng với Marko. Tôi làm thế không phải vì thiếu sự tôn trọng với Hunt mà là để chứng minh rằng đám ITK đã rất sai lầm ở vụ này".

ITK là viết tắt của cụm từ "in the know", dùng để chỉ một tài khoản mạng xã hội tuyên bố có thông tin nội bộ về một CLB cụ thể. Thuật ngữ này thường được sử dụng để ám chỉ một tài khoản đang tung tin đồn vô căn cứ.

Trong những thời khắc cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, một tài khoản có tên "Utdreport3" đã chia sẻ một số tin đồn nghe rất chính thống nhưng hoàn toàn giả mạo, chẳng hạn như "xác nhận" Ousmane Dembele và Jadon Sancho chuyển đến Man United". Đây là hai vụ chuyển nhượng đã được đồn đại rất nhiều nhưng đã không bao giờ xảy ra.

Những tài khoản Twitter kiểu này thường viện dẫn sự tham chiếu bằng cách trích dẫn đã đoạn tweet của các nhà báo bóng đá kỳ cựu như Fabrizio Romano và Guillem Balague… để tăng sự thuyết phục.

Trong vài giờ trước khi kỳ chuyển nhượng đóng cửa, với việc NHM tuyệt vọng nhấn F5 với hy vọng nguồn tin trên là sự thật, tin tức đó đã bị thổi bùng từ đốm lửa thành biển lửa online, với hàng trăm lượt retweet (chia sẻ) chỉ trong vài phút.

Sau khi bị chỉ trích vì những tin tức dối trá của mình, những tài khoản Twitter đó đã ngừng hoạt động. Một thời gian sau, nó lại được kích hoạt nhưng chỉ có 2 người theo dõi. Và tài khoản này lại tiếp tục sản xuất tin giả để câu kéo sự chú ý.

Rõ ràng, rất nhiều ITK chỉ tạo những thứ ngớ ngẩn mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta gặp những tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội và đó thực là những "tay trong" có thể gây ra rất nhiều rắc rối cho các CLB.

Keith Wyness là giám đốc điều hành của Everton cũng như tại Aston Villa. Ông luôn ghi nhớ một tài khoản ITK trên mạng Twitter đang gây ra rất nhiều vấn đề cho các CLB trên thị trường chuyển nhượng.

"Cứ 10 tin đồn trên Twitter thì có 9 tin vịt. Nhưng 1 tin còn lại không phải thế, chúng quá chất lượng, quá chính xác và thông báo mọi động thái của chúng tôi với thị trường. Đấy là một điều rất nguy hiểm. Chúng tôi đã thành lập một nhóm chuyên nghiệp để cố gắng tìm ra ai đứng sau nguồn cấp dữ liệu trên Twitter bởi họ đã đưa ra những thứ quá gần với sự thật.

Chúng tôi không tìm hiểu nó đến từ đâu mà thông báo rằng cuộc tìm kiếm đang diễn ra trong nội bộ. Như thế là đủ để ngăn chặn, vì vậy, rõ ràng đây chắc chắn là một rò rỉ nội bộ".

Các CLB lớn thường chiêu mộ rất nhiều cầu thủ vì vậy hoàn toàn có khả năng thông tin đặc quyền có thể bị rò rỉ ra mạng xã hội trước khi được đưa tin trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, trong khi một nhà báo kỳ cựu thường có kinh nghiệm để xác định độ tin cậy của nhiều nguồn tin, thì đối với một NHM trên mạng xã hội, thật khó để xác định số lượng nhỏ các ITK thực sự đáng theo dõi.

Chuyên gia tư vấn CNTT Mark Jones sống cách Old Trafford một quãng ngắn và cho biết anh từng làm việc cho Manchester United. Anh ta từng tweet về các vụ chuyển nhượng của CLB bằng tài khoản Mack The Knife, và tuyên bố tài khoản Twitter "đã đánh dấu màu xanh" của các nhà báo có tiếng đôi khi có thể kém tin cậy hơn những người như anh ta.

"Tôi có một số lượng lớn bạn bè trong thế giới bóng đá, có thể là cựu cầu thủ hay những người cắt cỏ sân. Tôi không phải là nhà báo, vì vậy bất kỳ tin đồn nào mà tôi nghe được từ họ đều không được nhị kiểm (kiểm tra 2 lần) như cánh báo chí thường làm. Nếu tôi đăng tin thất thiệt, người dùng Twitter sẽ phản ứng ngay", Mark Jones tiết lộ.

Một CLB như Manchester United luôn có một lượng lớn khán giả toàn cầu ngồi hóng tin đồn chuyển nhượng. Trong những ngày trước khi kỳ chuyển nhượng mùa Hè (thật ra là mùa Thu) năm 2020 đóng cửa vào tháng 10, vụ Jadon Sancho trở thành một đề tài thịnh hành nhất thế giới.

Nhưng theo Jones, sự thèm muốn điên cuồng về thông tin này có thể tạo ra một mặt trái: "Tin tức chuyển nhượng giống như một loại thuốc đối với nhiều NHM. Twitter là một nơi độc hại. Tôi thường gặp những câu đe doạ như 'nổ địa chỉ nhà đi' nếu một số vụ chuyển nhượng không diễn ra.

Tôi thậm chí đã từng bị doạ giết vì vậy bạn cần phải có một làn da dày nếu thích kiếm fame trên mạng xã hội. Nhưng vì đây không phải là kế sinh nhai của tôi nên tôi không để nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình".

Keith Wyness đồng ý rằng mạng xã hội có thể là "xấu xa", và trong thời gian ở Villa, ông đã sử dụng một "bảng điều khiển" để theo dõi tình cảm trực tuyến của NHM.

"Nó sẽ chọn từ khóa trong các tweet và nhận ra sự không hài lòng hoặc xu hướng về các vấn đề quan trọng của NHM. Nó sẽ là một hệ thống cảnh báo sớm hơn bất cứ thứ gì khác, cho dù đó là nếu bạn muốn thay đổi tên CLB, áo đấu mới hay mục tiêu chuyển nhượng.

Ta có nó trên bảng điều khiển của mình phải chú ý nhiều đến nó vì NHM có tiếng nói và tiếng nói đó cần được lắng nghe. Tiếng nói này không quyết định có mua hay không mua một cầu thủ nhưng giúp ta hiểu được mức độ hài lòng của NHM về các mục tiêu chuyển nhượng, vị trí hay phong cách chơi bóng nhất định".

Một số tin đồn chuyển nhượng trực tuyến xuất phát từ việc cố tình bịa đặt để gây chú ý, thậm chí là từ chính những nguồn tin "chính hãng". Nhưng một số tin đồn lại xuất hiện hoàn toàn theo chiến lược. Các CLB, các tay môi giới kiêm đại diện cầu thủ cũng hay cố tình đưa thông tin sai lệch vào môi trường chuyển nhượng để trục lợi.

Điều này luôn xảy ra thông qua các phương tiện truyền thông báo chí và được đẩy nhanh với sự ra đời của Sky Sports News, một kênh tin tức 24 giờ nhằm mục đích đăng tải các câu chuyện chuyển nhượng trước khi chúng được công bố chính thức.

Nhiệm vụ của bất kỳ nhà báo bóng đá nào là điều hướng các tin đồn, tìm hiểu các nguồn tin để xác định cái nào đáng tin và cái nào không. Nhưng mạng xã hội đã đẩy cơn sốt này lên thành cơn sốt bạo liệt.

Ai đó từ một CLB nói với một phóng viên của tờ báo: "Này, chúng tôi quan tâm đến cầu thủ ABC". Lập tức, tin tức này xuất hiện chỉ sau 5 phút nhưng điều đó không đúng, bởi CLB chẳng quan tâm quái gì đến cầu thủ kia cả, họ chỉ muốn được chú ý. Điều này đã xảy ra rất nhiều rất nhiều trong bóng đá.

Nhưng ngày nay, NHM không cần phải đợi báo in hay bài viết của một nhà báo danh tiếng thì mới biết được tin tức bóng đá. Internet có chỗ cho thông tin vô hạn, cho dù đó là thông tin chính thống hay không.

Nhờ đó, cả CLB lẫn các giới cò có thể tung tin đồn chuyển nhượng để cố gắng bán một cầu thủ. Theo kinh nghiệm của một tay cò kỳ cựu, hãy tránh xa một cầu thủ đã được liên kết với nhiều CLB hoặc nhiều lần được liên kết với một CLB.

"Nếu gặp trường hợp này, rất có thể có thể được tin tức được lan truyền bởi một người nào đó gần gũi với cầu thủ hoặc CLB. Đôi khi các CLB cũng bơm tin lên các phương tiện truyền thông để phục vụ lợi ích của mình. Các CLB cũng tung tin đồn như phép thử thái độ của NHM", một tay cò từng đàm phán với một số CLB lớn nhất châu Âu tiết lộ.

Những ai thành thạo đều biết tin đồn chuyển nhượng chỉ đóng vai trò bên lề trong chuyển nhượng bởi các CLB thường theo dõi các cầu thủ trong một thời gian dài bằng nhiều nguồn thông tin chứ không chỉ ký hợp đồng với ai đó sau khi xem một đoạn clip trên YouTube.

Nhưng mọi người cũng thừa nhận rằng mạng xã hội có thể đóng vai trò tạo ra sự chú ý và quan tâm. Jonas Akersen, người sáng lập và giám đốc điều hành của Transfer Room, một nền tảng trực tuyến giúp các CLB nói chuyện với nhau, cho biết: "Tôi nghĩ rằng những tin đồn trên mạng xã hội đã giúp tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp xung quanh một cầu thủ và thúc ép CLB khẩn trương chốt đơn.

Các nhà đại diện biết rằng những giám đốc điều hành của CLB và bộ phận tuyển dụng có xu hướng theo dõi các phương tiện truyền thông nên đây là cơ hội để họ thổi bùng sự quan tâm của các cầu thủ bằng cách thu hút nhiều CLB tham gia hơn. Họ muốn tạo ra nhận thức rằng các cầu thủ của họ đang có nhu cầu chuyển nhượng và việc họ sử dụng các phương tiện truyền thông để làm điều đó là điều bình thường".

Những gì diễn ra trên mạng xã hội thậm chí có thể ảnh hưởng đến những gì diễn ra trên sân cỏ. Một cầu thủ hiện đang chơi ở Premier League được đồn đại là đã thực hiện những pha xử lý khéo léo trong các trận đấu với mục đích được lan truyền trên mạng, hy vọng tăng giá trị và cuối cùng là đảm bảo cho việc được chuyển đến một CLB lớn hơn.

Không chỉ những CLB hàng đầu của bóng đá châu Âu phải điều hướng dòng nước đầy biến động của mạng xã hội khi hoạt động trên thị trường chuyển nhượng mà cả những CLB cấp thấp. Trước đây, báo lá cải chỉ đưa tin đồn chuyển nhượng ở Premier League. Hiện giờ, có thêm nhiều thông tin ở mọi hạng đấu.

Mạng xã hội cũng đưa tin tức vào thị trường chuyển nhượng theo một cách khác, với việc các CLB thực hiện quá trình thẩm định các cầu thủ trước khi ký hợp đồng với họ bằng cách xem dữ liệu cá nhân của họ trên mạng xã hội. Ngoài báo cáo trinh sát, số liệu thống kê, người ta còn xem cầu thủ sắp mua đã đăng gì trên Twitter hay Instagram nữa.

Một tuyển trạch viên nói: "Chúng tôi đang cố gắng hiểu họ với tư cách là con người trên thế giới ảo. Những kiểm tra lý lịch kỹ thuật số này sẽ cho thấy anh ta là người thế nào bởi những cầu thủ chuyên nghiệp, ưu tú sẽ ít dành thời gian cho mạng mẽo".

Wyness cho biết không chỉ cầu thủ mới phải bị kiểm tra lý lịch trên mạng xã hội mà nhiều vị trí khác cũng thế. "Nếu CLB thuê một người làm giám đốc thương mại nhưng hóa ra ông ta lại là thành viên của Mặt trận Quốc gia thì đúng là thảm hoạ".

Một cách khác mà mạng xã hội có thể đóng vai trò trong các quyết định chuyển nhượng là số lượng người theo dõi của họ. Con số này càng lớn thì CLB càng có khả năng xây dựng thương hiệu toàn cầu của mình thành công.

Alex Morgan, một trong những cầu thủ nữ hàng đầu thế giới, hiện vừa trở lại Mỹ sau thời gian ngắn thi đấu tại Tottenham Hotspur. CLB đã phát triển chỗ đứng của mình tại thị trường Hoa Kỳ trong những năm gần đây theo phương pháp cơ bản: Du đấu Hè 2017, 2018, tổ chức các trận bóng chày của NFL tại SVĐ mới của mình, và tiếp cận khán giả mới thông qua loạt phim tài liệu Amazon Prime.

Việc ký hợp đồng với Morgan cho đội bóng nữ của họ cũng có thể vì lý do thương mại cũng như bóng đá. Tuyển thủ Mỹ có 9,3 triệu người theo dõi trên Instagram, chỉ kém tài khoản @spursofficial.

Bên cạnh đó, tài khoản của tiền đạo Harry Kane có 10 triệu người theo dõi. Son Heung-min cũng đã mang lại cho CLB một chỗ đứng lớn ở châu Á, với cờ Hàn Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trong những ngày diễn ra trận đấu ở phía bắc London trước khi đại dịch COVID-19 buộc các sân phải đóng cửa.

Nhưng mạng việc xã hội không chỉ giúp cầu thủ có thêm quyền lực trong việc đàm phán hợp đồng, mà nó cũng giúp các CLB đang cố gắng "sở hữu" thị trường chuyển nhượng bằng cách giành được quyền kiểm soát sự điên cuồng vốn đầy rẫy ở chốn này.

Các CLB coi đoạn Tweet hay Status thông báo chuyển nhượng là sự kiện có thể thúc đẩy nhiều NHM mới đăng ký các tài khoản chính thức, thu hút nhiều người theo dõi mới cũng như khiến NHM hiện tại hào hứng hơn và thậm chí có thể mua thêm hàng hóa hoặc vé vào sân.

Mặc dù ngày cuối của thị trường chuyển nhượng giống như một cuộc điện thoại điên cuồng vào phút cuối và máy fax trục trặc, nhưng sự thật là những động thái lớn thường diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng, cho phép các CLB có nhiều thời gian chuẩn bị trực tuyến để chào đón một bản hợp đồng mới.

Điều này có nghĩa là các video bóng bẩy, được hỗ trợ bằng đồ họa tinh xảo phối hợp, bắn phụ đề bằng mọi ngôn ngữ khác nhau, và được điều chỉnh cho phù hợp với các kênh truyền thông xã hội khác nhau… đều có thời gian để làm cho chỉn chu và hoành tráng.

Một CLB hàng đầu thuê một công ty bên ngoài để làm bảng phân cảnh, với các nhóm làm việc trong nhiều tuần để tạo ra những thiết kế bắt mắt trước những bản hợp đồng lớn. Để ngăn chặn rò rỉ, những người làm việc trong các dự án này phải ký các thỏa thuận không tiết lộ.

Ngày thi đấu không bao giờ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của CLB, vì vậy, chuyển nhượng đóng vai trò là "thời điểm" quan trọng trong năm khi CLB có thể lên kế hoạch PR chớp nhoáng và tạo tiếng vang.

Ví dụ nổi tiếng nhất là việc Man United ký hợp đồng với Alexis Sanchez từ Arsenal 3 năm trước trong kỳ chuyển nhượng mua Đông 2018. Sự kiện này được công bố qua video, vốn được quay một cách nghệ thuật cho thấy Sanchez đang chơi piano và bước vào một sân Old Trafford trống trải.

Các tweet về sự kiện này cũng đã tạo được hiệu ứng lớn. Nó đã được retweet hơn 180.000 lần và video đã được xem tổng cộng gần 10 triệu lần. Vụ chuyển nhượng Sanchez đã diễn ra hoàn hảo, tuyệt vời, tất nhiên là không nói đến yếu tố chuyên môn.

Mặc dù mạng xã hội trong thời gian thị trường chuyển nhượng mở cửa có thể giống như miền Tây hoang dã, nhưng có rất nhiều người và tổ chức có túi tiền lớn, đang cố gắng vượt qua làn sóng để tăng số lượng người theo dõi của họ, có được NHM mới và kiếm được nguồn tiền mới.

Nhưng bất kể hậu quả pháp lý nào, sự phức tạp ngày càng tăng của bóng đá hiện đại đang không ngừng mở rộng vòng kết nối những người biết về một vụ chuyển nhượng trước khi nó xảy ra, làm tăng khả năng bị rò rỉ thông qua các nhà báo - hoặc các tài khoản mạng xã hội ẩn danh.

Và trong khi những câu chuyện này có thể khiến các CLB đánh giá vào các mục tiêu chuyển nhượng của họ bằng con mắt của các mạng xã hội và các thị trường chưa được khai thác, cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả lâu dài.

Cruickshank cho biết CLB Nuremberg của ông đã từng ký hợp đồng với các cầu thủ Nhật Bản nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Những tân binh châu Á đó không giúp CLB tăng doanh thu bán áo đấu hay sự quan tâm của xã hội bởi họ là những cầu thủ không có đẳng cấp đủ để làm điều đó.

Các tài khoản mạng xã hội của Aston Villa đã có rất nhiều người theo dõi mới vào tháng Giêng khi họ ký hợp đồng với Mbwana Samatta, người đã trở thành cầu thủ đầu tiên của Premier League đến từ Tanzania, một quốc gia cuồng bóng đá với dân số ngang ngửa số dân của Vương quốc Anh.

Nhưng vụ chuyển nhượng đã không đem lại trái ngọt: Samatta cảm thấy khó khăn khi thi đấu ở Premier League và chỉ ghi được 1 bàn trong mùa giải này và anh hiện đang được cho Fenerbahce mượn. Hiện tại, chúng ta thấy người Tanzania đang tranh cãi với những CĐV Anh của Villa trong các bình luận bên dưới các bài đăng trên mạng xã hội của CLB.

Một bản hợp đồng có thể khiến mọi người chú ý đến một câu lạc bộ nhưng không đảm bảo sự ủng hộ lâu dài. Nếu nhiều áo đấu của Aston Villa được mua ở Dar es Salaam vào năm 2020, thì điều đó khó có thể xảy ra vào năm 2021.

Dẫu sao, sự gia tăng của các phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi hoàn toàn động lực giữa các cầu thủ và CLB của họ. Trước đây, cầu thủ không có tiếng nói, giờ họ có mạng xã hội, vì vậy họ có thể tạo tin tức của riêng mình mà không cần sử dụng phương tiện truyền thông.

Trong quá khứ, không có cầu thủ nào có quyền gặp trực tiếp các tờ báo bởi CLB đã bao phủ tất cả. Bất cứ một cầu thủ cố gắng vươn ra khỏi tầm bao phủ đó thì sẽ bị CLB bao phủ bằng lớp khác lớn hơn.

Nhưng trong thời gian 10 năm qua, một cầu thủ Premier League sẽ trở thành giám đốc điều hành của chính mình khi bước vào một thỏa thuận tiềm năng, tận dụng phạm vi tiếp cận trên mạng xã hội, bản quyền hình ảnh và gắn kết thương hiệu để có được một thỏa thuận tốt hơn từ CLb khi ký hợp đồng.

Rõ ràng, thị trường chuyển nhượng đã thay đổi rất nhiều bởi Mạng Xã Hội!

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x