Bài học chiến thắng của Italia: Chọn người thích hợp thay vì hay nhất

Minh Nguyên
Từ 06:30 ngày 01-06-2014
Đó là kinh nghiệm và là công thức chiến thắng của HLV Marcello Lippi và đội tuyển Italia ở World Cup 2006, xóa nhòa quan niệm cũ phổ biến rằng ĐTQG là chỗ cho những người hay nhất thay vì thích hợp nhất.
TỪ LA STAFFETTA…
Ở World Cup 1970, Italia về nhì, chỉ thua Brazil có đội hình siêu mạnh ở chung kết. Thành công của Azzurri đến từ công thức La Staffetta (tiếp sức) áp dụng cho hai siêu sao Sandro Mazzola và Gianni Rivera. HLV Ferruccio Valcareggi không biết chọn ai, bỏ ai trong đội hình xuất phát nên theo công thức “tiếp sức”: Mazzola đá hiệp 1, Rivera hiệp 2. Italia vào đến trận chung kết, tức La Staffetta thành công. Rivera là nguồn cảm hứng chiến thắng của Italia trước Mexico và CHLB Đức, nhưng cũng chính vì La Staffetta mà Rivera phải ngồi ghế dự bị ở trận chung kết gặp Brazil sau khi là người hùng ở “trận đấu thế kỷ” (Italia thắng CHLB Đức ở bán kết). Câu hỏi không bao giờ được trả lời, chỉ có sự tiếc nuối: nếu Rivera đá chính trận chung kết, Italia liệu có thể thắng Brazil?  

… ĐẾN TOTTI – DEL PIERO
Italia gặp câu hỏi khó tương tự ở World Cup 2006, khi HLV Marcello Lippi phải chọn giữa Del Piero và Totti. Del Piero từng là học trò cưng của Lippi ở Juventus, nhưng không vì thế mà được ưu ái hơn. Lippi tin rằng Totti đá chính sẽ hiệu quả hơn, nên anh vào sân từ đầu ở các trận tứ kết, bán kết, chung kết nhưng ở trận vòng 1/8, Del Piero đá chính còn Totti dự bị. 

Kết quả là Totti thay Del Piero phút 75 trận gặp Úc ở vòng 1/8, chính Totti ghi bàn duy nhất của trận đấu ở phút 90+5 cho Italia. Ở trận bán kết Italia gặp Đức, Del Piero vào sân từ ghế dự bị tỏa sáng và ghi bàn góp phần đưa Azzurri vào chung kết. 

… VÀ CÔNG THỨC DỰA TRÊN HỆ THỐNG
Ở World Cup 2006, Italia là đội bóng đồng đều, được tổ chức tốt nhất và mang tính tập thể cao nhất mà trong đó vấn đề Totti – Del Piero chỉ là một ví dụ điển hình. Với lựa chọn của mình, Lippi xóa bỏ định kiến ở ĐTQG rằng, các HLV thường chọn những cầu thủ tốt nhất rồi tìm sơ đồ, lối chơi phù hợp với những cầu thủ đó.

Sở dĩ có cách làm đó là vì ở ĐTQG không có nhiều lựa chọn về nhân tài như ở CLB (có quyền mua, bán ngôi sao). Hơn nữa, các ĐTQG có quá ít thời gian thử nghiệm, chọn lựa con người và lối chơi như ở CLB. 

Rất nhiều đội tuyển gặp rắc rối vì không thể phát huy hiệu quả khi sử dụng nhiều ngôi sao cùng lúc. ĐT Anh luôn bị nhắc đến với trường hợp Lampard – Gerrard, nhưng đừng quên kể luôn Scholes (cầu thủ này có khi bị đẩy ra cánh vì phải nhường chỗ cho Lampard và Gerrard ở giữa sân). Thặng dư tài năng nhiều lúc là rắc rối, mà Argentina ở World Cup 2014 có thể gặp phải. Họ có Messi, Aguero, Di Maria, Higuain trên hàng công nên thậm chí Carlos Tevez không được gọi dù ghi 19 bàn ở Serie A cho Juventus mùa rồi. Ở World Cup 2006, vì cố “nhét” cả Adriano, Ronaldo, Ronaldinho, Kaka vào đội hình xuất phát nên ĐKVĐ thế giới Brazil bị loại ngay ở tứ kết vì thiếu những tiền vệ phòng ngự giỏi. 

Tóm lại, một đội bóng có quá nhiều cầu thủ giỏi không hẳn sẽ là đội mạnh nhất và thành công nhất ở các giải lớn như World Cup. 
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x