Bóng đá Pháp và Hà Lan: Khác biệt ở đào tạo trẻ

Việt Hà
Từ 13:38 ngày 31-08-2017
Hà Lan từng tự hào về hệ thống đào tạo trẻ ưu việt của họ. Nhưng hiện tại, Hà Lan phải ngước nhìn người Pháp của những Mbappe, Dembele, Rabiot... Khoảng cách giữa hai nền bóng đá bắt nguồn từ chính khâu đào tạo trẻ.
Pháp đang đón vụ mùa bội thu tài năng trẻ. Lứa 1991 của Griezmann, Kante còn sung mãn thì lứa 1993 của Pogba, Umtiti đã lên ngôi, trong sự đe dọa của lứa 1995, 1996 với Rabiot, Lemar, Kimpembe. Và thậm chí thế hệ 1997, 1998 của Dembele, Mbappe đã bước vào hàng ngũ các ngôi sao thế giới. HLV Deschamps gạt tên cầu thủ trị giá 150 triệu euro Dembele cũng chẳng sao vì trong tay ông còn quá nhiều tài năng trẻ.

Hà Lan thì ngược lại hoàn toàn. Phía sau Robben, Sneijder, Van Persie là khoảng trống âm u. Những cầu thủ trẻ vẫn xuất hiện đông đảo trong thành phần đội bóng áo da cam cho… đủ mâm. Bởi lẽ, khó có thể đặt kỳ vọng vào Kenny Tete, Matthijs de Ligt, Tonny Vilhena hay Donny van de Beek. 

Những cái tên ưu tú dưới 23 tuổi của Hà Lan lúc này còn quanh quẩn ở các CLB trong nước hoặc các đội bóng tầm trung châu Âu. Họ vẫn chỉ là những đứa trẻ khi bước ra sân chơi lớn. Cùng lứa tuổi đó, những Mbappe, Dembele, Rabiot, Tolisso, Umtiti đã nắm giữ vị trí trọng yếu ở các CLB lớn nhất châu Âu.


Hà Lan từng không hề thua kém Pháp trong khâu đào tạo trẻ nếu không muốn nói vượt trội. Lò Ajax từng là cái nôi sản sinh ra những ngôi sao hàng đầu thế giới. Bây giờ thì Ajax chỉ còn xuất khẩu đông chứ không tinh. Những chi nhánh đào tạo của Ajax mọc lên ở khắp nơi trên thế giới. Ajax đã chuyển dịch đường lối sang “thương mại hóa” công tác đào tạo, và hệ quả là chất lượng không theo kịp số lượng. 

Khi “chân đế” của bóng đá Hà Lan lung lay, cả nền bóng đá đi xuống theo. Bóng đá trẻ Hà Lan từ niềm tự hào trở thành nỗi xấu hổ. Đội U21 Hà Lan đã vắng mặt cả hai kỳ Olympic gần đây. Còn đội U19 suốt 12 năm qua không còn giành vé tới giải U20 Thế giới.

Hà Lan nên cắp cặp sang học người Pháp. Đã có cả cuộc cách mạng đào tạo trẻ, được thực hiện quy mô và đồng bộ từ trên xuống dưới ở đất nước hình lục lăng. Vào giữa những năm 2000, Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) thống nhất quan điểm đào tạo mới “tập trung vào tư duy chơi bóng và tinh thần chiến đấu”.

Ở phía dưới, 12 học viên “tinh hoa” (elite) và các CLB chuyên nghiệp cứ thế làm theo. Ở các lò đào tạo, tiêu chuẩn đầu vào khắt khe hơn, việc giáo dục đạo đức được đề cao. Còn các CLB Ligue 1 ý thức trách nhiệm với cả nền bóng đá khi tạo cơ hội ra sân tối đa cho các cầu thủ trẻ.   

Pháp cũng từng có giai đoạn khủng hoảng thời hậu Zidane, mà điển hình là thảm bại tại World Cup 2010. Nhưng đó cũng là lý do thúc đẩy họ xốc lại công tác đào tạo trẻ, trong sự hợp tác gắn bó giữa liên đoàn, các học viện và các CLB. Bây giờ người Pháp đang hái quả ngọt, trong khi Hà Lan vẫn sống nhờ vào những cái tên qua thời đỉnh cao như Robben, Sneijder, Van Persie.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x