ĐT Pháp: Sau bi kịch là khải hoàn ca

Dũng Phan
Từ 11:22 ngày 12-07-2018
Paris không chỉ có tháp Eiffel, mà còn có Khải Hoàn Môn - một công trình được xây nên bởi Napoleon Bonaparte vĩ đại sau chiến thắng Austerlitz chói lọi, hòng trở thành biểu tượng chiến thắng của nước Pháp. Tuy nhiên, nó chỉ còn được chứng kiến Napoleon quay trở về khi thi hài đã nguội lạnh.

Nơi đây, đã từng chứng kiến Phát xít Đức hành quân vào Paris trong bi kịch nước Pháp ở thế chiến thứ II, và cũng cánh cổng đó chứng kiến Charles de Gaulle đưa người Pháp chiến thắng quay trở về. Sau bi kịch là khải hoàn ca, đó là nước Pháp, là bóng đá Pháp.

“Trận chiến Battiston” là cụm từ được dùng để gọi về trận thư hùng kinh điển giữa Pháp và Tây Đức tại bán kết World Cup 1982. Trong trận đấu ấy, Michael Platini và đồng đội đã ghi 2 bàn liên tục vào các phút 92 và 98 để nâng tỉ số lên 3-1 ở hiệp phụ. Nhưng Tây Đức không chịu thua, với bản lĩnh lội dòng nước ngược khét tiếng, họ gỡ hòa 3-3 vào các phút 102 và phút 108. Rồi sau đó họ tiếp tục đánh bại Pháp ở loạt sút luân lưu với tỉ số 5-4. 

Kinh điển là thế, nhưng trận đấu lại chỉ được nhớ đến với pha va chạm của thủ môn Harald Schumacher ( Đức) với hậu vệ Patrick Battiston (lý do của việc gọi đây là “Trận chiến Battiston”), khiến cầu thủ của Pháp đáp xuống đất theo tư thế song song với mặt đất, gãy 3 cái răng, bất tỉnh, và được Platini miêu tả là “Tôi tưởng anh ấy chết rồi”. Còn Schumacher đứng dậy nhổ kẹo cao su, phát bóng lên, không phải nhận dù chỉ một chiếc thẻ vàng. Người Pháp sau trận đòi “thịt” Schumacher, còn nguyên thủ hai nước phải họp khẩn để điều hòa căng thẳng. 


Trận bóng mà như trận chiến trên đất Seville hôm đó đã khiến người Pháp căm phẫn, họ quyết tâm đòi lại những gì đã mất ở kỳ EURO1984 trên sân nhà. Thế rồi “Hình vuông ma ảo” ở hàng tiền vệ, 9 bàn thắng của Platini (đến giờ vẫn là kỷ lục của các kỳ EURO), đã đưa bóng đá Pháp đến với danh hiệu vô địch lớn đầu tiên. Sau bi kịch ở Tây Ban Nha, nước Pháp ăn mừng trên Khải Hoàn Môn.

“Đó là thằng nhãi nào vậy?”, Eric Cantona nheo mắt nhìn Aime Jacquet và đặt câu hỏi. Đó là câu thoại trước EURO 1996, thời điểm Jacquet đến gặp Cantona để nói với “King Eric” về một ĐT Pháp mới không có anh. Trước đó hai năm, Cantona và bóng đá Pháp nhận bi kịch khi đội tuyển không thể qua vòng loại World Cup 1994. HLV Aime Jacquet lên thay và ông tiến hành trẻ hóa đội hình, loại bỏ những ngôi sao lớn như Eric Cantona và David Ginola. “Thằng nhãi” mà Cantona hỏi Jacquet chính là Zinedine Zidane. Năm đó, Pháp vào đến bán kết EURO 1996. Và hai năm sau, họ trở thành nhà vô địch World Cup 1998 trên sân nhà. Từ tro tàn năm 1994 đến cú đánh đầu của Zidane năm 1998, Khải Hoàn Môn lại không ngủ.

Nhưng Khải Hoàn Môn cũng phải nhìn Paris nhỏ lệ vào tháng 7/2016, khi Eder của Bồ Đào Nha tung cú sút xa đánh bại Pháp ở trận chung kết. Bóng đá Pháp bại trận trong cái năm Paris phải gánh chịu 3 vụ khủng bố lớn. Họ thua trong tinh thần, thua cả thể thao, và đêm tối trùm lên Khải Hoàn Môn. Hai năm sau, rời xa Khải Hoàn Môn đến với nước Nga, đoàn quân đó lại lọt vào một trận chung kết World Cup nữa. 20 năm sau nụ cười Zidane, 74 năm sau phát biểu của tướng De Gaulle: “Paris bị lăng nhục, nhưng Paris được giải phóng… sự giải phóng của nước Pháp vĩnh cửu”. Bây giờ, Pháp đã mơ về khải hoàn ca.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x