Thất bại của ĐT Serbia: Nhớ lắm, Nam Tư lừng lẫy ngày nào

Minh Tâm
Từ 08:52 ngày 29-06-2018
Trận thua 0-2 trước Brazil rạng sáng qua đã khiến Serbia phải xách vali về nước. Đó là một cái kết buồn cho đội ngũ gồm nhiều tên tuổi sáng giá như Matic, Tadic hay Milinkovic-Savic. Và buồn hơn nữa khi một mảnh ghép của nền bóng đá Nam Tư lừng lẫy ngày nào đã rơi khỏi con thuyền World Cup.

Quá khứ lẫy lừng

Serbia, hay những đội tuyển “đồng hương” Nam Tư với họ như Croatia, Bosnia, Montenegro, Slovenia và Macedonia là những thành phần từng tạo nên một đội tuyển Nam Tư lừng lẫy của thế kỷ trước. Với 3 lần vào đến tứ kết và 1 lần vào bán kết World Cup cùng 2 lần giành ngôi á quân châu Âu, Liên bang Nam Tư từng là một thế lực của bóng đá châu Âu.

Nhưng rồi, sau hơn 8 thập kỷ tồn tại, đến đầu những năm 1990, nhà nước Nam Tư thống nhất bắt đầu tan vỡ dần thành từng quốc gia riêng khi mà chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ để vẽ lại bản đồ khu vực Balkan. Lần lượt Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia-Herzegovina trở thành những quốc gia độc lập và cuối cùng là Montenegro cũng tách khỏi liên bang Serbia-Montenegro năm 2006, chính thức đưa Nam Tư vào quá khứ.

Cái giá phải trả cho những cuộc chia tách ấy, đối với bóng đá, là sự biến mất của một đội tuyển Nam Tư lừng lẫy. Thay thế họ dự các giải đấu quốc tế là Croatia, Serbia, Slovenia, Bosnia hay Montenegro. Khi không còn là một đội tuyển lớn, người Balkan cũng không còn mạnh mẽ ở sân chơi quốc tế như trước. Ngoại trừ Croatia, với chiến tích lọt vào bán kết World Cup 1998, thì các đội tuyển tách ra từ Nam Tư đều không gặt hái được thành công lớn nào. 

Serbia và Montenegro, ngày còn gắn với nhau cũng chỉ lọt vào tới vòng 1/8 của World Cup 1998 trước khi đánh dấu hành trình tuột dốc thê thảm bằng thất bại 1-6 trước Hà Lan tại EURO 2000. Tách ra thành Serbia và Montenegro, họ chìm nghỉm. Các “đội tuyển con” khác như Slovenia hay Bosnia cũng vậy, chỉ dừng lại ở việc tạo ra một vài cú sốc nhỏ trên đấu trường quốc tế. Vinh quang ngày nào, trong màu áo Nam Tư, chỉ còn là dĩ vãng.


Bóng ma chia rẽ sắc tộc

Một trong những nguyên nhân khiến các đội tuyển tách ra từ Nam Tư không còn đáng sợ, ngoài việc “nguồn lực tổng hợp” ngày xưa bị chia nhỏ, còn nằm ở yếu tố sắc tộc. Cuộc chia tách không diễn ra trọn vẹn 100%. Ngay trong lòng những quốc gia mới vẫn có những mảnh ghép nhỏ còn sót lại từ thời Liên bang. 

Chẳng hạn, Croatia vẫn có một bộ phận thiểu số người Serbia (chiếm 4,36% dân số) hoặc trong lòng Serbia cũng có gần 150.000 người gốc Bosnia… Rồi tôn giáo cũng không theo chân các cuộc chia tách hoàn toàn. Ở những quốc gia phần đông theo đạo Thiên chúa, vẫn có thiểu số theo Hồi giáo và ngược lại. 

Những khác biệt sắc tộc, tôn giáo vốn được chấp nhận và dung hòa trong thời Nam Tư đã trở thành ngòi nổ cho xung đột ở giai đoạn chia tách liên bang sau này. Dư chấn của nó len lỏi vào mọi nơi, và dĩ nhiên, bóng đá cũng không phải ngoại lệ. Cựu thủ thành Vladimir Stojkovic của ĐT Serbia từng chia sẻ một trải nghiệm kinh hoàng. 

Tại vòng loại EURO 2012, trên đường tới sân thi đấu trận gặp Italia, anh bị các fan của CLB Red Star Belgrad săn lùng để hành hung. Phát hiện Stojkovic trên xe bus của đội tuyển, đám hooligan dùng gạch đá ném tới tấp về phía cửa sổ nơi thủ môn này đang ngồi. Nếu không được các đồng đội Dejan Stankovic và Nikola Zigic che chắn, Stojkovic đã bị thương rất nặng.

Serbia (áo đỏ) với nhiều tên tuổi cũng không thể chống lại sức mạnh của Brazil, đành chấp nhận thua và về nước
Serbia (áo đỏ) với nhiều tên tuổi cũng không thể chống lại sức mạnh của Brazil, đành chấp nhận thua và về nước

Sự cố năm đó chỉ đơn giản xuất phát từ việc Stojkovic bắt cho Partizan - CLB gồm những CĐV có quan điểm tiếc nuối liên bang Nam Tư trong khi giới mộ điệu Red Star thì ủng hộ việc chia tách. Rõ ràng, sau cả thập kỷ chia tách, mâu thuẫn sắc tộc vẫn len lỏi, phá hoại các “đội tuyển con” của Nam Tư.

Một chi tiết khác khắc họa rõ hơn điều đó: Năm 2012, khi cùng ĐT Serbia tham dự vòng loại EURO 2012, tiền vệ Adem Ljajic đã nhất quyết không hát quốc ca. Ljajic lý giải, ca từ trong bài hát có đoạn: “Chúa là người cai quản chúng ta. Chúa dẫn dắt và đem lại thịnh vượng cho Serbia”. Là người Hồi giáo, Ljajic không chấp nhận quan điểm như vậy.

Giờ đây, có thể những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đã dịu đi nhiều ở những “đội tuyển con” của Nam Tư. Nhưng như đã nói, khi nguồn lực lớn bị chia nhỏ, khi mà hứng chịu quá nhiều vết sẹo từ mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo trong nhiều năm, không dễ để bóng đá vùng Balkan gặt hái thành công trở lại. Serbia năm nay đã bị loại. Chỉ còn Croatia gánh theo sứ mệnh của người Balkan. Đó sẽ là hành trình cô đơn của Modric và đồng đội. Bởi chưa có dấu hiệu gì cho thấy những “người anh em” Nam Tư năm xưa sẽ cổ vũ cho Croatia.

Nếu còn Nam Tư, đó sẽ là ứng viên vô địch


Tất cả các “đội tuyển con” của Nam Tư giờ đây cũng đều có những ngôi sao hàng đầu châu lục. Chẳng hạn, nếu Croatia có Modric, Rakitic thì Slovenia có Oblak, Bosnia có Pjanic…. Và nếu ghép lại, họ hoàn toàn xứng đáng là ƯCV vô địch World Cup năm nay.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x